Đạo cụ The Kid và Mind the Baby, Mr Bean
by Mai Phương
Là “những bộ phim không có tiếng động hoặc lời thoại đồng bộ với hình ảnh”1, phim câm phải sử dụng triệt để nhất những “quyền năng” mà nó có, tất cả những gì có thể thay thế tiếng động và lời nói truyền đạt tới người xem ý đồ của bộ phim.
Đạo cụ chính là một phần trong quyền năng đó: Chúng góp phần “nói” thay cho diễn viên, “lên tiếng” thay cho bối cảnh. Bài viết này sẽ xem xét việc sử dụng đạo cụ trong phim The Kid (1921) của Charlie Chaplin và tập phim Mind the Baby Mr Bean(1993).
The Kid được xem là phim truyện kinh điển được thực hiện bởi diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà soạn nhạc cho phim Charlie Chaplin. Bộ phim này kể về một anh chàng nghèo đã tình cờ nhặt được một đứa trẻ trong cuộc đi dạo buổi sáng, từ chỗ chối bỏ đến chấp nhận, nuôi nấng và yêu thương và chia sẻ cuộc sống với nó…Mind the Baby Mr Bean có một cốt truyện khá gần gũi. Trong khi tìm đường đến một khu vui chơi, xe của Mr.Bean sơ ý móc vào chiếc xe đẩy của một em bé ven đường và thế là anh ta buộc phải trông nom em bé nọ trong khi vẫn không dứt khỏi sự ham thích với các trò chơi…
Trong cả hai phim đều có sự xuất hiện của hình mẫu nhân vật tiêu biểu: với The Kid là hình tượng “kẻ lang thang” và với Mind the Baby Mr Bean là hình tượng “đứa trẻ trong thân thể người lớn”2 Mr.Bean. Những hình tượng này có thể nhận ra một cách hết sức dễ dàng qua cách phục trang của họ. “Kẻ lang thang” luôn xuất hiện trong “chiếc áo khoác chật, chiếc quần và đôi giày quá khổ, một chiếc mũ quả dưa, cây gậy chống bằng tre và một bộ ria mép chải chuốt”. Ngay từ bộ trang phục người xem đã thấy đầy những nghịch lý: áo chật-quần và giày rộng thùng thình, giày mũ gậy đủ lệ bộ cả đấy nhưng thảy đều nhầu nhĩ cũ mèm, dáng vóc thì ngộ nghĩnh nhưng hàng ria mép lại tỏ vẻ nghiêm trang…Tất cả thể hiện một con người đầy mâu thuẫn, “một anh thanh niên sống lang thang nhưng có tư cách và luôn cư xử như một quý ông”. Trong hồi ký của mình, Charlie Chaplin viết rằng:”Tôi cũng không có ý tưởng gì về tính cách nhân vật của mình, nhưng vào thời điểm tôi hóa trang, trang phục và hóa trang đã làm tôi cảm thấy anh ta phải là người thế nào. Tôi bắt đầu biết mình sẽ phải diễn thế nào, và khi tôi bước ra trường quay, anh ta đã thực sự ra đời”3. Như những gì “vua hề” tiết lộ, ta nhận thấy một sự thật thú vị là: Không phải lúc nào cũng là nhân vật có trước, phục trang cho nhân vật tính sau. Hai quá trình đó nhiều khi đi song song với nhau, bổ trợ cho nhau. Đạo cụ “sống” cùng diễn viên như thế. Trong khi đó, Mr.Bean có kiểu phục trang giản dị, nhìn qua giống như bất kỳ người đàn ông nào đi trên phố- “chiếc áo làm bằng vải tweed và cà vạt đỏ”. Những phục trang bình thường đó dường như tương hợp với xuất thân nhân vật: người đàn ông không tên tuổi (tên thật của anh ta không bao giờ được nhắc tới trong phim), không nghề nghiệp, sống trong một căn hộ nhỏ, suốt ngày bận rộn với các kế hoạch khác thường của mình. Nhưng để xác định tính cách và những kế hoạch khác thường đó, đi kèm với Mr.Bean là một loạt những đạo cụ – vật dụng của anh ta trong đời sống hàng ngày. Trong Mind the Baby Mr Bean có một đạo cụ như thế xuất hiện, đó là chiếc xe hơi nhỏ, có vẻ luôn lỗi mốt so với xung quanh, và màu vàng chanh của nó thì gợi lên tính cách trẻ con rõ rệt. Cùng với sự lơ đãng của Mr.Bean, chiếc xe này chính là tác nhân “gây rối”. Ngay đầu phim, chiếc móc sau xe đã vô tình lôi đi chiếc xe nôi em bé đậu gần đó. Như vậy, có sự “phân công” vai trò khá rõ trong việc đạo cụ góp phần thể hiện hình tượng nhân vật: trang phục gọn gàng, chừng mực – người đàn ông và vật dụng ngộ nghĩnh, từ hình dạng, công năng hay màu sắc – đứa trẻ con. Với Mr.Bean, người ta đã không sử dụng nghịch lý ngay trên phục trang diễn viên mà là khai thác mâu thuẫn giữa ấn tượng về phục trang tạo ra và những vật dụng mà anh ta sử dụng.
Mặt khác, hai phim có câu chuyện khá tương đồng: cùng liên quan đến một em bé “từ trên trời rơi xuống”. Và như vậy, trong một thời gian dù ngắn dù dài, nhân vật của chúng ta bị đẩy vào một tình thế bất bình thường và phải tìm cách giải quyết nó. “Kẻ lang thang” và “Đứa trẻ trong thân thể người đàn ông”, những người không ràng buộc trách nhiệm với ai (thậm chí đôi khi cả bản thân họ) bỗng dưng phải chịu trách nhiệm với một người xa lạ, mà người xa lạ này lại quá chừng nhỏ bé, khó giao tiếp và … đáng yêu. Chính trong quá trình đó, cả hai nhân vật đã có hàng loạt những hành động nhằm “thỏa hiệp” với các em bé…Kéo theo các hành động đó là một loạt những đạo cụ kỳ cục ngộ nghĩnh được chế tác nhằm phù hợp với những đối tượng này. “Kẻ lang thang” thiết kế cái nôi em bé và “hệ thống bú bình”, cắt những miếng tã vuông, gấp đôi xếp gọn gàng như thể một quy trình công nghiệp (gợi nhớ “Thời hiện đại”), thậm chí đục lỗ cái ghế tựa để phù hợp với nhu cầu vệ sinh của vị khách không mời bé nhỏ. Một loạt những hành động và đạo cụ đi kèm chứng tỏ một nhân vật hết sức nhanh trí, nhiều sáng kiến…Và khi người xem suy nghĩ về động cơ của những sáng kiến đó, họ hiểu rằng “kẻ lang thang” đã chấp nhận em bé, đang cố gắng tạo cho em bé một môi trường sống thoải mái, trong điều kiện sống mà anh ta có thể…Khá gần gũi với The Kid, trong Mind the Baby Mr Bean có trường đoạn Mr.Bean xoay xở thay bỉm cho em bé. Đó quả thực là một kỹ năng xa lạ với nhân vật, anh ta vứt ngay cái bỉm cũ lên thành của chiếc xe điện. Nhưng chiếc bỉm mới để thay cho bé mới là vấn đề thách thức nhân vật. Anh ta, với bản tính “khôn vặt” của mình, giúp một cô bé leo lên ngựa gỗ để đổi lấy…con gấu bông cô bé đang bế trên tay, nhanh chóng chế tác thành cái bỉm kỳ lạ nhất. Một lần nữa, nhân vật, trong điều kiện hạn hẹp của mình (đang ở trong công viên vui chơi và đang…mải vui) và tính cấp bách của tình thế (em bé nhất thiết…cần có bỉm), đã cố gắng thích nghi với tình huống của mình.
Hai phim cùng có cái phong thái lãng mạn, nhất là cuối phim. Trong The Kid có đoạn đứa trẻ – lúc này đã năm tuổi bị người ta mang trả lại cho mẹ, “kẻ lang thang” nhớ em và mơ về Thiên đường trên mặt đất-nơi em bé chính là thiên thần dang đôi cánh, xoa dịu và mang đến cho anh niềm vui sống…Khi anh thức dậy, người cảnh sát đến và đưa anh đi tới chỗ đứa trẻ và người mẹ của em. Những đôi cánh thiên thần và bối cảnh phim được bài trí lại – cũng con phố nghèo được trang hoàng như ngày lễ hội…dã thể hiện không khí đó. Với Mind the Baby Mr.Bean, cuối phim có đoạn Mr.Bean mua hai chùm bóng bay gắn vào xe nôi em bé để dỗ bé nín khóc, không ngờ chiếc xe…bay lên và mũi tên của Mr.Bean đã giúp chiếc xe rơi đúng vào nơi nó cần rơi, đó là người mẹ đang lo lắng vì lạc mất con. Dù là một ý tưởng rất…phi thực nhưng vẫn có sự hợp lý trong cách xây dựng các tình tiết và sắp xếp các đạo cụ để phục vụ cho mục đích đó.
Tất nhiên, hai bộ phim cũng có nhiều điểm khác biệt khi thời gian và bối cảnh truyện phim khác xa nhau. The Kid kéo dài từ khi “Kẻ lang thang” nhặt được em bé cho tới khi em bé năm tuổi và trở về với mẹ. Chính trong khoảng thời gian đó, hai “cha con” đã cùng kiếm sống, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ cuộc sống với nhau. Ngoài ra, không gian sống của họ là một khu phố lao động nghèo với những đứa trẻ cùng lứa, những người hàng xóm, cảnh sát tuần tra…nhờ thế mối quan hệ đan xen giữa các tuyến nhân vật phức tạp hơn …hệ thống đạo cụ được sử dụng cũng có phần phong phú hơn. Mind the Baby Mr Bean chỉ diễn ra trong khoảng thời gian một buổi sáng, trong một không gian nhỏ là khu vui chơi, các đạo cụ được sử dụng cũng liên hệ chặt chẽ với khu vui chơi đó…Tuy thế, giữa hai phim cách nhau gần 70 năm người ta vẫn nhận ra những nét tương hợp trong việc sử dụng đạo cụ, chứng tỏ nụ cười của 70 năm trước vẫn không quá xa lạ với khán giả hiện tại và có thể vua hề Sác lô cũng sẽ bật cười cùng với Mr.Bean.
Chú thích:
(1)http://vi.wikipedia.org/wiki/Phim_c%C3%A2m
(2)http://vi.wikipedia.org/wiki/Mr._Bean