Tiếng cười Charlot (p.1)
by Nguyễn Trà
Anh chàng lang thang Charlot (Sác lô) do Charlie Chaplin thủ vai và đạo diễn đã là một hình ảnh quen thuộc được sự yêu mến của khán giả thế giới nói chung và khán giả Việt Nam nói riêng. Bài viết trên cơ sở đi sâu vào hình thức diễn xuất của Charlie và nội dung trong 2 bộ phim “A Dog’s Life” và “The Kid” để mong làm rõ hơn, vì sao “anh chàng lang thang” này có thể khiến khán giả cười sảng khoái và yêu mến sâu đậm đến vậy?
1.1. Trang phục diễn – mối hài hòa giữa những sự mâu thuẫn
Tạo dựng một hình ảnh mang tính biểu trưng đối với người nghệ sỹ đã là việc không dễ, biến hình tượng ấy trở nên đặc sắc, ấn tượng cho khán giả ngay từ ánh nhìn đầu tiên, và lưu lại trong tâm trí họ còn khó hơn nữa. Nghĩ thế mới càng thấy hết cái tài năng trong xây dựng hình tượng của Charlie mà trước hết là về mặt hình ảnh – trang phục. Nghĩ tới 1 chàng trai có hàng ria mép ngắn, chiếc mũ quả dưa nhỏ , một chiếc áo bó khá chặt, chiếc quần rộng thùng thình, 1 đôi hài to ngoại cỡ cùng một chiếc gậy ba tong – thế là quá đủ để gần như bất cứ ai cũng có thể nhận ra là anh chàng lang thang Charlot ( Sac lô) của chúng ta.
Có lẽ khán giả đã thấy được chất hài hước ngay từ hình ảnh đầu tiên về anh chàng, bởi đó là sự kết hợp của những mâu thuẫn : giầy quá khổ đi với một chiếc áo bó chặt, chiếc mũ quả dưa bé nhỏ đi với một đôi giầy ngoại cỡ kềnh càng. Bộ ria lại càng là một mâu thuẫn với chính tính cách của chàng lang thang, bộ ria là 1 biểu hiện của sự nghiêm túc, chín chắn của người đàn ông, và gợi sự già dặn – ngược lại Charlot của chúng ta lại là một chàng trai trẻ trung, có phần tưng tửng hài hước, nếu không nói là nhí nhố.
1.2. Hình dáng – sự đối lập tạo tiếng cười đặc trưng
Nhân vật anh chàng lang thang Charlot (the Tramp) của chúng ta có 1 ngoại hình mâu thuẫn hài hước kết hợp một bước đi đặc biệt – di chuyển 2 chân theo chiều ngang.
Không chỉ thế chàng lãng tử lang thang của chúng ta luôn có một phong thái vừa thản nhiên vừa đĩnh đạc, 1 ánh mắt tưng tửng ít khi nhìn quá chú tâm vào một điểm, mà có chút vô định – một ánh mắt có vẻ không bận tâm, dửng dưng ngông nghênh với đời.
Nhiều hoàn cảnh, nhân vật chính lâm vào tình thế nguy hiểm, khán giả có chút lo lắng, hồi hộp chờ đợi. Thì đổi lại anh chàng lanh thang anh hùng của chúng ta lại có một cách xử lý vừa hiển nhiên mà thông minh nhưng dưới một khuôn mặt vẫn thản nhiên, khiến khán giả cười òa vì cái sự thông minh bất ngờ, cũng như chất tưng tửng ấy. Ví dụ cụ thể như trong “A dog’s life”, khi Chaplin đang nằm trong một khu nhà hoang bị cảnh sát bắt gặp đuổi bắt, có ai nghĩ được việc lăn qua khe tường trốn ra ngoài không? Không những thế, từ thế bị đuổi, anh ta còn chủ động trêu lại cảnh sát, tháo dây giầy của anh ta không sợ hãi. Trong “The Kid” khi bị anh trai của đứa trẻ du côn – 1 kẻ to con vạm vỡ dọa đánh, từ chỗ thản nhiên tránh những đòn tưởng chừng rất nguy hiểm ( khiến tất cả mọi người sợ hãi chạy trốn) Chaplin đã chuyển sang thế chủ động dùng gạch đánh lại .
Chính sự đối lập giữa một khung cảnh nguy hiểm với một thái độ, một khuôn mặt hiển nhiên của Chaplin khiến nụ cười của khán giả được bật ra mạnh hơn .
Hơn thế, Chaplin – 1 tên lang thang quần áo cũ kỹ, lại có phong thái của một quý tộc. Anh luôn galant với phụ nữ, như khi vào quán trong phim “A dog’s life” hay là thái độ trân trọng với trẻ con như trong “The Kid”. Đó có phải tính cách của một quý ông?
Tất cả tạo cho Chaplin hình ảnh của một anh hùng lãng tử, từ lang thang , sống những nơi ổ chuột thành hiện thân 1 con người lang bạt, phóng khoáng. Một tên nghèo khó lại có phong thái hào hoa của quý ông. Một con người bé nhỏ tưởng chừng yếu đuối lại có thái độ ngang nhiên coi thường với những thế lực xấu xa lớn mạnh hơn, và còn sẵn sàng đấu tranh chống lại. Chính những mâu thuẫn trong chính phong mạo của Chaplin khiến mọi câu chuyện của anh gây cười hơn và đồng thời Chaplin cũng để lại thiện cảm, có phần ngưỡng mộ của khán giả.
1.3. Kỹ thuật trong kịch hài
Kỹ thuật cơ bản được sử dụng trong các phim của Chaplin là mime ( bắt chước, trùng lặp) và Slapstick (cường điệu) cùng với kỹ thuật trong kịch câm.
Ngay từ nhỏ, Chaplin đã tham gánh hát Karno, một gánh hát thể hiện được những truyền thống ưu tứ nhất của kịch câm Anh. Cũng ở gánh hát này, Saplin học nhảy, nhào lộn , và trao đổi những động tác duyên dáng, hoàn mỹ, am hiểu đến mức tinh tế những ước lệ của nghệ thuật kịch câm. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu điện ảnh đã nhận thấy việc kết hợp một cách tài ba những nguyên tắc của kịch câm với những đặc điểm của điện ảnh hài sẽ trơ thành một trong những yếu tố thành công quan trọng nhất của Chaplin.
Đồng thời, thời gian 1 năm làm việc ở hãng Kiston và hãng Isơnei cũng giúp ông có cơ hội hun đúc tài năng nghệ thuật hài qua 2 trường phái phái kịch hài của Mác Sennet, một trường phái ngẫu hứng thiên về phát hiện, khai thác chất hài nghệ thuật thông qua sự ứng tác chớp nhoáng lanh lẹ, sự vui vẻ bông lơn, trên cơ sở chồng chất những cử chỉ gây cười và những xảo thuật, trang phục nhân vật lập dị mang tính cách biếm họa…
Kỹ thuật mime có thể thấy rõ trong “The Kid”, khi đứa trẻ đánh lại một đứa trẻ du côn khác, Chaplin đứng như thể một ông trọng tài đấm bốc để ngừng nghỉ giữa hiệp, và đưa cậu bé ra một góc sàn thi đấu nghỉ ngơi dưỡng sức đúng như với một vận động viên.
Slapstick – sự cường điệu trong diễn xuất vốn gần như được dùng triệt để trong kịch câm, để thể hiện rõ hành động nhân vật. Những động tác đánh đấm quyết liệt, những cú đấm vỡ tung tường của đối phương (“The Kid”)
Phương pháp gây cười bằng những hành vi vụng trộm mà lại ngang nhiên trước tầm mắt của đối phương cũng được Chaplin sử dụng khá triệt để. Trong “A dog’life” , khi ông chủ tiệm đồ ăn quay mặt đi, Chaplin cho ngay miếng bánh vào miệng, và cứ khi ông chủ quay đầu lại , chàng ta lại thể hiện bộ mặt thản nhiên. Khán giả ở giữa ranh giới của hồi hộp khi sợ anh chàng của mình bị phát hiện, rồi lại cười òa trước hành vi ăn trộm bánh ngày một táo tợn mà thông minh của Chaplin
(Còn tiếp…)
Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn “Đạo diễn điện ảnh thế giới ” (Trung tâm lưu trữ Điện ảnh)
và trang web www.wikipedia.com/
Photo by: First National Films