Khi đời không nên thơ

by Thu Hằng – Mai Phương

Cuộc sống, không phải lúc nào cũng màu hồng, không phải lúc nào cũng giống một bài thơ, nó phải bao chứa sự  tàn nhẫn và khắc nghiệt tựa như Rosseta, hoặc như Poetry, một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc đoạt giải Cành cọ vàng trong LHP Cannes 2010.

Câu chuyện về một người bà yêu thơ, tâm hồn đẹp đẽ và mong manh phải nuôi dạy một thằng cháu ngoại ở độ tuổi mới lớn nhưng đã thực hiện một hành vi giết người không gớm tay. Quá đau khổ khi phát hiện ra điều đó, nhưng tình yêu thương  trong bà đã khiến bà phải đấu tranh và làm những việc vượt quá sức chịu đựng của mình mong kiếm đủ tiền cứu đứa cháu. Thật không may, những nỗ lực của bà mong nó thức tỉnh và nhận ra tội lỗi ghê gớm của nó đã không thành, thằng cháu  không cảm thấy ân hận vì hành vi khủng khiếp ấy, tâm hồn của một thằng bé mười tám đôi mươi đã mục rữa rỗng ruễnh và dường như không còn cả tính người. Cảnh kết phim là hình ảnh người bà chứng kiến chuyện hai cảnh sát đến bắt thằng cháu vì tội giết người do chính bà gọi điện.

Một người đàn bà có tâm hồn nhạy cảm

Bà rất yêu thơ, bà đến đăng ký học làm thơ ở một trung tâm văn hoá trong đó họ mới mở một lớp dạy làm thơ cho đủ loại người không phân biệt tuổi tác nghề nghiệp thân phận hoàn cảnh. Ngày đầu đến, bà sợ sệt lạ lẫm và không biết ngồi vào đâu, vào chỗ nào để tránh sự ngượng nghịu và lạ lẫm với những người xung quanh. Người ta dạy bà cách làm thơ phải đến từ sự xúc  động sâu thẳm bên trong mình, mỗi lần đến, mỗi người đều phải kể một câu chuyện mà họ nhớ trong cuộc đời và khiến cho họ không thể quên được.Bà đã lên kể về tuổi thơ với câu chuyện của bà và người chị gái. Và bà vẫn khóc khi hồi tưởng lại những quãng ngày đã xa lắc xa lơ trong quá khứ đó.  Khi tâm hồn bà đang rỉ máu vì chuyện của đứa cháu, phải đến và làm sứ giả hoà bình với mẹ của cô bé đã bị giết bởi cháu bà và bạn của  nó, trên quãng đường băng qua cánh đồng để gặp người đàn bà đó, bà đã quên mất mục đích đầu tiên của mình đến chốn đó để làm gì. Chân bà dẫm lên những trái mơ chín nẫu, chúng rụng tơi bời trên mặt đất, bà cúi xuống, nhặt chúng lên và nếm thử. Lúc đó bà hoàn toàn thanh sạch như một đứa trẻ, như một thiên thần, như vừa được sinh ra và nếm thử những gia vị đầu tiên của cuộc sống. Kể cả đến khi gặp mẹ của cô gái xấu số, niềm hoan lạc, cảm xúc của bà vẫn chưa dứt, bà háo hức chia sẻ với người mẹ đau khổ về những gì mình vừa  trải qua  đến mức quên phắt  còn điều gì quan trọng hơn muốn nói, chỉ khi dợm bước quay đi thì thực tại mới trở về khiến bà giật mình thảng thốt. Khi đến đó, để làm một việc khó khăn nhất trong đời, bà ăn vận một bộ váy sặc sỡ, một vẻ duyên dáng đẹp đẽ vồn không phù hợp và có lẽ là hơi bất bình thường trong hoàn cảnh đó, nhưng như một sự vô thức, như một lẽ tất yếu trong thói quen yêu vẻ đẹp của bà, bà vẫn tự cho phép mình luôn phải tươm tất trong mọi trường hợp.

Sự mạnh mẽ ẩn dấu đằng sau một thân hình nhỏ bé

Ngưòi ta không hiều vì lý do gì mà bà ở một mình và phải nuôi đứa cháu ngoai, có thể mẹ nó, con gái bà có một số phận bất hạnh và bà đã là người phải giang tay ra cứu vớt nó bằng cách nuôi dạy thằng cháu từ tấm bé cho tới lúc trưởng thành. Trong vòng tay bao bọc của bà, nó lớn lên và thay vì tình mẫu tử, nó được hưởng trọn tình bà cháu, tuy nhiên, sự hi sinh thầm lặng này đã không được nó đáp trả một cách xứng đáng, nó gây ra hành động tội lỗi và không hề nghĩ ngợi gì đến người thân duy nhất của nó, người duy nhất thực sự lo lắng cho nó. Bà nó không chia sẻ cho bất kỳ ai, kể cả người mà nó gọi là mẹ, người chỉ trở về một lần và sau đó, có lẽ là sẽ mãi mãi ra đi, để lại cho mẹ mình một gánh nặng sẽ phải chịu đựng trong suốt phần đời còn lại. Sau khi nghe tin động trời về đứa cháu những việc duy nhất bà có thể làm là tìm tới hiện trường, nơi xảy ra án mạng, tìm đến trường học, tìm đến buổi lễ tang cô bé xấu số và lén đánh cắp một di ảnh của cô bé về nhà. Bà thử thách thằng cháu bằng cách đặt tấm ảnh đó trước mặt nó, trong bữa ăn sáng và thử xem phản ứng của nó ra sao. Điều kinh hoảng nhất bà nhận ra là nó không có phản ứng gì về bức ảnh đó, không có phản ứng gì trên khuôn mặt còn vương nét trẻ thơ, lấm tấm mụn trứng cá do dấu vết của thời niên thiếu chưa rũ sạch. Giây phút đó có lẽ là giây phút đau đớn nhất mà bà từng phải chịu đựng. Bà đã tìm đủ mọi cách để cứu nó, thậm chí, ở vào độ tuổi của một người già, bà đã phải một lần nữa hiến thân cho một người đàn ông tàn tật để mong có đủ được số tiền góp với các gia đình khác để mang đi thương lượng với gia đình cô bé xấu số, mong họ bỏ qua chuyện đó và để yên cho những thằng bé tội lỗi trong đó có cháu của bà

Nghệ thuật kể chuyện trong Poetry

Một cảnh mở đầu đầy kịch tính là yếu tố thu hút người xem ngay từ những giây phút đầu tiên.  Hình ảnh một bé gái chết trương trôi lập lờ trên sông gây ra ấn tượng về một tội ác khủng khiếp đã dẫn dắt người xem bước vào thế giới chuyện hoàn hảo. Nó không giống gì với tiêu đề của bộ phim: “Poetry”. Bằng cách kể chuyện không có nhiều nút thắt mở mà chủ yếu đi theo sự dẫn dắt trong hành động và tâm trạng của người bà, có thể nói, cả bộ phim dường như đang dùng mọi thủ pháp để diễn tả mọi ngõ ngách trong đời sống nội tâm của một người đàn bà lớn tuổi đang mang một cái án  khủng khiếp của đứa cháu mang tội giết người. Phần lớn trong bộ phim này là các cảnh được quay bằng tay, các khuôn hình rung lắc và run rẩy mô tả được cảm xúc và sự sợ hãi bên trong nhân vật. Một lớp sóng ngầm dưới đáy sông thỉnh thoảng được làm dịu đi bởi không khí trong các lớp học làm thơ, những con người vui vẻ với câu chuyện dấu kín của họ một ngày nọ được đem ra sẻ chia và phơi bày trước những con người xa lạ nhưng cùng có một tình yêu với thơ ca.

Khi cuộc đời không như một bài thơ, nếu như hình ảnh người bà có thể coi như là biểu tượng cho những điều đẹp đẽ thuần khiết nhất của con người, thì đứa cháu, một đại diện cho một bộ phận giới trẻ trong xã hội Hàn Quốc hiện đại không hiều vì sao đã đánh mất hoàn toàn nhân tính. Chúng thờ ơ với mọi điều, kể cả nỗi đau khổ, sự tuyệt vọng của những người ruột thịt, chúng thờ ơ gây ra tội ác với một thái độ bình thản và lãnh đạm khủng khiếp. Phải chăng những điều đẹp đẽ chỉ còn sót lại ở một thế hệ cũ? Đấy là câu hỏi không riêng gì cho xã hội HQ hiện đại mà nó còn là điều đáng báo động cho tình trạng tha hoá đạo đức của con người ngày nay.

Nguồn ảnh: UniKorea Culture & Art Investment Co., Ltd. , PINE HOUSE FILM

Advertisement

~ by phuongphammai on April 27, 2011.

2 Responses to “Khi đời không nên thơ”

  1. Bạn ơi nguồn ảnh của bạn đâu?

  2. Nguồn ảnh đã được bổ sung. Tks.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: