Cảm quan nghệ thuật
by Thế Vân
Dòng phim Việt Kiều không còn xa lạ với nhiều khán giả Việt Nam. Vào đầu những năm 1990, có một “làn sóng” những đạo diễn Việt Kiều về nước làm phim: đạo diễn Trần Anh Hùng, Charlie Nguyễn, Tony Bùi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Stephane Gauger…và đa số phim của họ được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt.
Trong số những đạo diễn Việt Kiều làm phim về Việt Nam, có lẽ Trần Anh Hùng và Stephane Gauger là hai đạo diễn có nhiều suy nghĩ về cuộc sống của người dân Sài Gòn những năm trong thời kì đổi mới với cách nhìn gần như trái chiều. Sài Gòn vẫn mang vẻ đẹp của một thành phố hiện đại nhưng cuộc sống của con người dường như vẫn “đang say ngủ” dưới ống kính của Trần Anh Hùng trong bộ phim Xích lô (1995). Nhưng điều này lại hoàn toàn ngược lại trong bộ phim Cú và chim se sẻ (2007) của đạo diễn Mỹ-Việt Stephane Gauger. Không có một tiêu chuẩn chung cho vẻ đẹp trong nghệ thuật nhưng điều quan trọng là với quan niệm riêng của mỗi đạo diễn, hình ảnh trong phim sẽ phản ánh đúng những gì mà họ cho rằng quan trọng nhất của cuộc sống. Với đạo diễn Stephane Gauger, cuộc sống là những điều tốt đẹp luôn luôn tồn tại bên cạnh con người, nhưng với Trần Anh Hùng thì cả cuộc sống và con người đều phải vật lộn giữa cái xấu và cái tốt, giữa cuộc đấu tranh để sinh tồn và sự cố gắng để giữ lại những điều tốt đẹp bên trong con người.
Ba nhân vật chính của bộ phim Owl and the Sparrow.
1. Sự khác nhau trong cách xây dựng cấu trúc bộ phim.
Bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng được xây dựng hoàn toàn không theo một logic trật tự thông thường mà chủ yếu đi theo dòng tâm lý của các nhân vật trong phim. Nhân vật chính của phim là một thanh niên làm nghề đạp xích lô. Chiếc xích lô ngày ngày lăn bánh trên những con phố đầy nắng và nhộn nhịp của thành phố Sài Gòn, đã trở thành nguồn thu nhập chính để nuôi một gia đình có người ông tuổi đã cao, một cô em gái đang tuổi học vẫn hàng ngày đi đánh giày cho khách, một người chị gái vẫn làm công việc gánh nước thuê ngoài chợ.
Khi chiếc xích lô bị lấy mất, chàng thanh niên chỉ còn cách đi làm thuê cho bà chủ. Anh ta bị lôi kéo vào những việc làm phạm pháp của họ: làm mốc hỏng gạo, phóng hỏa đốt nhà, thậm chí anh ta còn muốn tham gia vào việc giết người…Trong khi đó, cô chị vì muốn nuôi sống gia đình sau khi cậu em đột ngột biến mất, đã chấp nhận trở thành gái làm tiền. Cô có tình yêu với tên dắt gái, cũng là người thân tín của bà chủ, đứng đầu băng nhóm giết người man rợ kia. Tuy nhiên, trong con người anh ta vẫn dành tình cảm yêu thương cho cha mẹ của mình. Sau rất nhiều biến cố, anh ta giết người và tự vẫn bằng cách đốt nhà. Những cái chết đầy bạo lực xuất hiện trong phim như một dấu hiện cho một tình hình bất ổn về an ninh.
Trong một lần trả lời với báo chí Los Angeles (9/1995), đạo diễn Trần Anh Hùng có nói rằng: “Việt Nam giờ đã thay đổi, biến dạng hoàn toàn. Tôi không thể diễn tả hết được, tôi muốn phim ảnh của tôi phản ánh được điều đó, mọi người có thể nhìn thấy chính xác cái mà thực tế đã xảy ra cho tôi” (nguồn: google.com). Tuy nhiên, đó chỉ là một ý kiến mang tính cá nhân và cần được xem xét. Điều mà bộ phim Xích lô đã làm được đó là việc xây dựng một cấu trúc phim độc đáo và sự thể hiện ý nghĩa bộ phim bằng những hiệu quả thị giác mạnh.
So với phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, bộ phim Cú và chim se sẻ của Stephane Gauger được xây dựng theo cấu trúc phim ba hồi chặt chẽ của Hollywood. Các nhân vật chính trong phim được xây dựng trên hình ảnh những con người đã để lại cho đạo diễn ấn tượng khi đến Việt Nam. Hồi một của bộ phim nhắc đến ba nhân vật: Thủy – cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, lao động trong xưởng mành tre của ông chú ruột nóng tính và không tỏ ra một chút yêu thương. Lan, cô tiếp viên hàng không 26 tuổi xinh đẹp và hiện đại, cặp bồ với viên cơ trưởng của chuyến bay. Hải, bị vợ chưa cưới bỏ rơi và anh đang làm việc trong sở thú. Liệu ba con người này có điểm gì chung để họ có thể gặp nhau và cùng nhau chia sẻ? Hồi hai bắt đầu khi Thủy bỏ nhà trốn lên thành phố, bán thiệp và hoa hồng, cô bé tình cờ gặp Lan ở một quán bún riêu và dần dần hai người cô đơn tìm đến với nhau. Lan không muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ bí mật với người đàn ông đã có vợ nên cô luôn cảm thấy chán chường và đau khổ. Chính Thủy là người đã đưa Hải và Lan đến với nhau theo một cách hết sức tình cờ. Điểm chung của cả ba nhân vật đó là họ đều cảm thấy cô đơn khi sống trong những hoàn cảnh khó khăn (về vật chất hay tinh thần) và họ cần có người để chia sẻ. Nhưng người chú của Thủy đã đến để đón cô bé về mặc dù cô bé không muốn. Kịch tính đã đẩy câu chuyện đến hồi ba khi Thủy lại trốn nhà lên thành phố và Hải đã đứng ra nhận nuôi cô bé. Lan cũng hoãn chuyến bay để ở lại nhằm tìm được hạnh phúc thực sự của cuộc đời cô. Bộ phim được xây dựng theo mạch tâm lý nhân vật, trong một cấu trúc ba hồi chặt chẽ. Đây là điểm khác biệt giữa hai bộ phim của hai đạo diễn thuộc dòng phim Việt Kiều.
2. Cảm quan của người nghệ sĩ.
Trần Anh Hùng nổi tiếng ngay từ bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993), rồi đến Xích lô và sau này là Mùa hè chiều thẳng đứng (2000). Không thể phủ nhận Trần Anh Hùng là một đạo diễn có tài trong viết kịch bản phim cũng như làm công việc của một đạo diễn. Tuy nhiên, với phim Xích lô, Trần Anh Hùng đã dựa trên cái nhìn cảm quan của mình mà đem đến cho khán giả một bộ phim chưa chiếm được cảm tình của số đông khán giả. Không thể phủ nhận trong Xích Lô, đạo diễn đã rất kì công trong từng khuôn hình với cách di chuyển góc máy theo chiều ngang như một phong cách quen thuộc trong các bộ phim của anh. Bên cạnh đó, cách sử dụng ánh sáng cùng những góc máy cận làm nổi bật gương mặt của các nhân vật càng khiến khán giả tập trung vào diễn xuất trên từng nét mặt nhân vật. Màu sắc trong phim có phần tươi sáng nhưng cũng có nhiều mảng sáng tối đan xen khiến cho bộ phim thêm đa dạng về màu sắc. Đặc biệt, cách sử dụng sơn để “nhuộm màu” nhân vật vô cùng độc đáo. Nhưng với những cách biểu hiện như vậy, bộ phim lại chuyển tải một thông điệp về con người và cuộc sống những năm tháng đổi mới có phần đen tối. Con người không thể vượt lên khỏi hoàn cảnh khó khăn mà họ phải chấp nhận làm những việc không mong muốn, thậm chí làm theo cái xấu. Dưới cảm quan của một người nghệ sĩ, đạo diễn đã làm mờ tối cả mảng hiện thực của xã hội, bạo lực và phạm tội, không còn chỗ cho tình yêu và niềm hy vọng.
Diễn viên Như Quỳnh và Lê Văn Lộc.
Đạo diễn Stephane Gauger với bộ phim Cú và chim se sẻ lại cho thấy một cái nhìn mới, đầy lạc quan vào tình yêu thương con người. Bộ phim có phần hơi lý tưởng hóa hiện thực với những tình huống tình cờ đầy may mắn với cô bé Thủy: cô bé được chỉ dẫn bán thiệp và hoa hồng, được Lan dắt về ngủ cùng trong khách sạn và được Hải nhận nuôi khi người chú vẫn tiếp tục đối xử bất công, bắt Thủy phải lao động trong xưởng mà không được học hành. Có lẽ, với đạo diễn Stephane, điều quan trọng nhất của cuộc sống là tinh thần nhân văn ở mỗi cá nhân. Bộ phim không nặng về cách xử lý kỹ thuật, với việc dùng máy quay cầm tay, nhiều cảnh quay lia liên tục, khuôn hình không ổn định, tạo cảm giác bất ổn trong cuộc sống của các nhân vật, và chính điều này cũng khiến không ít khán giả cảm thấy không hài lòng. Cách dẫn chuyện và diễn xuất của các diễn viên trong phim khá tự nhiên, đó là điều dễ nhận ra ngay trong những cảnh quay đầu tiên của bộ phim.
Từ không gian làng quê, bộ phim chuyển sang không gian của thành phố Sài Gòn với nhiều màu sắc và sự xô bồ. Tuy nhiên, giữa những sự xô bồ của cuộc sống ấy, con người vẫn đến với nhau bằng tình yêu thương. Đó là quan niệm nhân văn của một đạo diễn Việt kiều có tình yêu với đất nước đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh và vẫn còn nhiều những số phận bất hạnh.
Đứng ngoài hai cuộc chiến tranh của dân tộc, nhưng cả hai đạo diễn Trần Anh Hùng và Stephane Gauger đều quay trở lại làm phim về cuộc sống và con người Việt Nam, cùng với những đạo diễn khác tạo nên dòng phim Việt kiều hiện nay vẫn còn khá mạnh. Mặc dù mỗi đạo diễn có cách nhìn nhận khác nhau về hiện thực nhưng cảm quan của người nghệ sĩ sẽ kéo họ đến đúng những cái đích mà họ hướng tới./.
Nguồn ảnh: Chanh Phuong Films, Les Productions Lazennec.
Một số thông tin về hai bộ phim:
Xích lô
Đạo diễn: Trần Anh Hùng
Năm sản xuất: 1995
Thời lượng: 123 phút
Diễn viên: Lê Văn Lộc, Trần Nữ Yên Khê, Tony Leung Chiu Wai, Nguyễn Như Quỳnh…
Giải thưởng: Giải Golden Lion tại LHP Venice (1995). Giải phim xuất sắc nhất tại LHP Flanders (lần thứ 22). Giải thưởng George Delerue dành cho nhạc phim hay nhất (1995).
Cú và chim se sẻ (Owl and the Sparrow)
Đạo diễn: Stephane Gauger
Năm sản xuất: 2007
Thời lượng: 97 phút
Diễn viên: Phạm Thị Hân, Lê Thế Lữ, Cát Ly
Giải thưởng: phim có tới gần 10 giải thưởng trong nước và quốc tế
LHP Los Angeles (2007) giải thưởng do khán giả bầu chọn và giải phim hay nhất. LHP Big Apple (2007): giải phim hay nhất. LHP San Diego Asian (2007): giải phim hay nhất. LHP Heartland (2007): giải thưởng dành cho đạo diễn. Giải thưởng Cánh diều vàng (2008): dành cho diễn viên trẻ triển vọng (Phạm Thị Hân)…
Đề cử: LHP châu Á (2007) cho phim đầu tay, LHP Singapore – Kịch bản xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Phạm Thị Hân). Giải thưởng IFP Gotham (2007), giải đạo diễn. Giải thưởng Independent Spirit (2008).
Theo mình thì bài viết hay, súc tích, dễ thấm tuy đoạn văn còn hơi dài và nguồn tham khảo còn chưa được ghi ra một cách chuyên nghiệp.
hienpham1982 said this on April 26, 2011 at 12:50 pm
@anh Hiển: Về nguồn tham khảo, em có tìm lại trên trang web nhưng không tìm lại được vì khi trích dẫn em không ghi chú cụ thể nên khó khăn cho việc tìm lại nguồn.
The Van said this on April 26, 2011 at 9:15 pm
theo mình , trước hết người viết cần làm rõ khái niệm ” cảm quan nghệ thuật ” là gì .
tahuytruong said this on April 26, 2011 at 9:45 pm
@Trường: “Cảm quan nghệ thuật”, theo tớ hiểu, đó là sự nhận thức, cảm nhận (trực tiếp) của người nghệ sĩ về cuộc sống thông qua các giác quan, sau đó nó phải được thể hiện/bộc lộ ra bên ngoài thành quan điểm riêng, mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ thông qua những sáng tạo nghệ thuật của chính họ.
Tớ cũng từng tìm hiểu có cuốn sách nào đã nói về khái niệm này chưa nhưng chưa thấy. Nếu cậu đã đọc, hãy share với tớ nhé. Xin cảm ơn.
The Van said this on April 26, 2011 at 11:05 pm