Im lặng: Một âm thanh quyến rũ

by Phượng Diễm – Hương Trà

Giống như những dấu lặng đầy cảm xúc trong âm nhạc, ngày nay người ta cho rằng trong phim cũng có những đoạn im lặng rất ý nghĩa, góp một phần không nhỏ vào việc chuyển tải tâm trạng nhân vật, ý nghĩa câu chuyện và tư tưởng của tác giả. Lúc đó im lặng trong phim đã trở thành một “loại âm thanh” quyến rũ.

 

Dấu lặng – một loại âm thanh trong âm nhạc

Trong lịch sử của mọi nền văn hóa, âm nhạc đều bao gồm năm thành phần cơ bản là:

* Âm sắc (phẩm chất đặc trưng về âm thanh của một giọng hát, nói hoặc một nhạc cụ)

* Độ cao (pitch)

* Độ ồn

* Duration (tạm hiểu là khoảng cách giữa các nốt nhạc, tạo ra nhịp điệu).

* Nốt lặng (Silence)

(Theo TS. Vũ Tự Lân – “Giáo trình Lịch sử nhạc Jazz – Rock – Pop”, ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội).

Như vậy nốt lặng hay dấu lặng là một trong năm thành phần không thể thiếu tạo nên âm nhạc. Những người ít tiếp xúc với nhạc lý có thể không hiểu rõ về dấu lặng và thắc mắc tại sao đã là âm nhạc lại còn cần dấu lặng? Sự thực là không những cần mà âm nhạc không thể trở thành nghệ thuật thực thụ như chúng ta được thưởng thức ngày nay nếu không có dấu lặng.

Ta biết rằng, trong âm nhạc, âm thanh được tạo ra bởi sự rung động của một hay nhiều vật thể. Vật thể đó có thể là cái dây trong đàn guitar, nhị hay tam thập lục, có thể là một cái ống sậy như sáo hay đơn giản là một mặt trống bằng da. Sự rung động ở một độ cao và độ ồn nhất định nào đó, với một khoảng cách nhịp nhàng giữa các nốt nhạc, tạo nên giai điệu âm nhạc.

Ấy thế nhưng, trong âm nhạc còn có những khoảng lặng, nghĩa là những khoảnh khắc mà một bản nhạc hay bài hát hoàn toàn im lặng. Việc sắp xếp dấu lặng là cả một nghệ thuật chơi với âm thanh nhằm tạo ra một bản nhạc hợp lý. Đó có thể là đoạn nghỉ cho giọng hát, là đoạn dừng cho bản nhạc, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời khoảng lặng còn giúp cho người nghe có thời gian để cảm xúc lắng đọng, để chiêm nghiệm về cái hay cái đẹp của giai điệu, ca từ và lời ca. Thử tưởng tượng mà xem, nếu bạn gạch hết mọi dấu lặng trong một bản nhạc, hẳn người trình diễn sẽ lúng túng như phải bơi qua Thái Bình Dương mà không hề có bình thở hỗ trợ hay phao cứu hộ bên cạnh vậy. Một bản nhạc sẽ không còn hoàn chỉnh và hấp dẫn nếu bị tước đi sự im lặng.

“Dấu lặng” trong phim

Tôi hoàn toàn tin rằng trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy cũng tồn tại một loại dấu lặng cho riêng mình, với chức năng tương tự trong âm nhạc. Dấu lặng trong phim không có gì lạ lẫm, mà đơn giản là những đoạn phim ngừng âm thanh. Nói vậy không có nghĩa là cứ im lặng thì được coi là “dấu lặng” mà dấu lặng trong phim nên được xem xét khi nó có vai trò như một yếu tố nghệ thuật, đóng góp vào nghệ thuật chung của phim đó.

Blow up – im lặng đầy sức gợi

Nhưng trước hết, cần phải loại trừ các bộ phim câm, bởi đó là do điều kiện không cho phép làm phim có tiếng nên ta không xét “dấu lặng” trong phim câm như một thành tố nghệ thuật. Có lẽ cũng không nên xét đến phim truyền thống theo phong cách Hollywood, bởi những phim theo dòng này thường hiếm khi có cách tân về nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sử dụng âm thanh nói riêng.

Những phim sử dụng âm thanh một cách nghệ thuật, đặc biệt là có cách tân đáng kể, thường thuộc về dòng phim tác giả, phim tiên phong (avant – garde) hoặc phim trường phái tự nhiên chủ nghĩa… Bởi những đạo diễn theo các dòng phim này luôn có xu hướng tìm tòi và thể nghiệm các hình thức nghệ thuật mới cho tác phẩm của mình, trong đó có âm thanh. Mặc dù vậy, dẫu được cách tân đến thế nào, mang lại hiệu quả lớn ra sao cho thành công chung của bộ phim, những đạo diễn này cũng luôn nhớ rằng âm thanh phải cùng với các yếu tố nghệ thuật khác phản ánh một nội dung tương ứng nào đó. Nếu không thế, âm thanh cũng chỉ vang lên vô vọng hoặc chìm nghỉm giữa những hình ảnh vô hồn.

Một số phim có những “dấu lặng” đầy xúc cảm

Có nhiều loại im lặng trong phim:

* Loại thứ nhất là “lặng” cả âm thanh lẫn hình ảnh;

* Loại thứ hai là hình ảnh chuyển động nhưng không có âm thanh;

* Loại thứ ba là “im lặng không tuyệt đối” – nghĩa là nhờ một âm thanh mỏng manh nào đó mà sự im lặng được tôn vinh.

Về loại thứ ba, gần giống với “dùng động tả tĩnh”, nghĩa là dùng thứ tiếng động nào đó nhưng không phải nói về chính cái động ấy mà chỉ nhằm nhấn mạnh và tô đậm hơn im lặng mà thôi.

Khoảng lặng trước sự bùng nổ của y tá Alma trong Persona

Trường hợp này được thấy trong “Persona” (Ingmar Bergman). Từ khoảng phút thứ 3 của phim, chúng ta thấy trên màn hình những cảnh đặc tả các khuôn mặt, bàn tay, bàn chân… của những bệnh nhân già trong bệnh viện và ta nghe được âm thanh đơn (voice off) của những giọt nước nhỏ “tôốc – tôốc” ở đâu đó. Âm thanh này cùng với đặc tả chỉ làm tăng thêm sự đơn độc của con người trong không gian tĩnh lặng của bệnh xá. Một trường đoạn quan trọng hơn, gần cuối phim, trước khi bùng nổ mâu thuẫn giữa y tá Alma và Elizabeth – người bệnh câm lặng của cô – là một đoạn không có thoại và gần như không có âm thanh. Sau khi đọc được bức thư trong đó Elizabeth thể hiện sự chế giễu đối với mình, coi những tâm sự của mình chỉ như một cái gì đó để nghiên cứu… Alma choáng váng và phản ứng đầu tiên của cô là sự câm nín. Hình ảnh cô đứng một mình soi bóng xuống vũng nước trong rừng trông thật cô độc và bất lực. Cả một đoạn dài sau đó chỉ có tiếng đồ vật đặt cộc xuống bàn, tiếng bước chân đi… khô khốc, tiếng thủy tinh vỡ tan. Hình ảnh sau đó là bàn chân đi lươn lướt qua mảnh vỡ. Âm thanh nền tiếp tục là tiếng nước nhỏ “tôốc tôốc” ở đâu đó vọng tới. Im lặng ghê rợn ở đoạn này thể hiện nỗi kìm nén trước một cuộc bùng nổ dữ dội, tan hoang về sau đó của Alma trước người cô hằng ngưỡng mộ. Đặc biệt, đó không phải một sự im lặng tuyệt đối mà được điểm xuyết vài tiếng động phụ. Đó là cách xử lý âm thanh tương phản, lấy động để tả tĩnh, trong tĩnh phải có động. Chính tiếng nước nhỏ tách tách ấy rơi vào một không gian im ắng bao trùm càng làm tôn thêm sự nặng nề và căng thẳng. Nói một cách hình ảnh, cách thể hiện đó làm cho ta liên tưởng tới bầu trời trong xanh ngăn ngắt trước một cơn bão lớn.

Loại thứ nhất, “lặng” cả về âm thanh lẫn hình ảnh, không phải là một thủ pháp nghệ thuật mới mà đã được dùng từ khá lâu. “Blow up” – bộ phim được Michalangelo Antonioni làm từ năm 1966 – đã áp dụng những khoảng lặng mà ở đó màn hình trắng và hoàn toàn im lặng. Đạo diễn Vương Gia Vệ cũng áp dụng phương pháp này vào bộ phim tình yêu kinh điển của mình “In the mood for love” với hai lần mà hình ảnh hiện lên đen kịt một màu cùng với im lặng tuyệt đối. Những khoảng lặng này thường diễn ra sau không gian âm nhạc tràn ngập trước đó hoặc sau một cảnh nhốn nháo nhằm tạo ra sự tương phản. Đối với “In the mood for love”, ta có thể cảm nhận được đó chính là “dấu lặng” trong tâm trạng của hai nhân vật chính, khi họ sa vào một tình yêu trái ngang không bao giờ nói thành lời.

“Raging bull” (đạo diễn Martin Scorsese) cũng có “dấu lặng” thuộc về trường hợp hình ảnh chuyển động nhưng không có âm thanh. Trong cảnh quay trận đấu cuối cùng cũng là trận đấu mà người hùng Jake Lamonta thất bại, khi Jake đã gần như gục ngã, hình ảnh hiện ra rất mạnh, Jake bị đấm túi bụi, khán giả sục sôi, nhốn nháo… nhưng âm thanh thì lặng im đáng sợ. Bởi khi đó góc nhìn trong phim là góc nhìn chủ quan của Jake. Sự im lặng khi đó là để thể hiện cảm giác của Jake, khi đó anh đã choáng và gần như không còn nghe được gì nữa. Chính “dấu lặng” đó đã khiến cho đoạn phim tiếp theo tác động mạnh mẽ hơn đến người xem, lúc mọi thứ vỡ òa ra, với thất bại đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp của Jake. “Dấu lặng” về âm thanh cũng được áp dụng với hình ảnh giọt máu Jake đọng trên dây quây sàn đấu, nhấn mạnh sự khốc liệt và đau đớn phía sau hào quang của một võ sĩ.

Vẫn trong phim “Persona”, sự im lặng trở thành một công cụ vô cùng quan trọng để đạo diễn tạo ấn tượng cho khán giả. Điển hình như đoạn đầu phim, người xem bị “shock” với một loạt hình ảnh rùng rợn, ghê gớm, như lòng mề lộn tùng phèo, cây đinh đươc đóng vào bàn tay tứa máu… cùng một thứ âm nhạc réo rắt, lanh lảnh như cào như xé lòng người ta. Đặc biệt, sau hàng loạt hình ảnh và âm thanh mạnh mẽ đó, sau ba tiếng đóng đinh chắc nịch xuống bàn tay, toàn bộ âm thanh ngừng trong mấy giây ngắn ngủi, cùng với chuyển động chậm rãi của các ngón tay đã tạo nên một khoảng lặng quý giá trên màn ảnh. Đó là một dấu lặng, giúp người xem dừng lại để “ngấm”.

Qua một vài ví dụ trên, có thể thấy, đôi khi im lặng truyền tải một sức nặng lớn hơn âm thanh. Bởi vậy, dù nhạc hay phim cũng vẫn cần có những “dấu lặng” biết náu mình đúng cách, để tạo ra một nhịp điệu truyền tải một ý nghĩa sâu sắc mà không phải âm thanh lúc nào cũng nói được.

Nguồn ảnh: Bridge Films, Svensk Filmindustri, United Artists & Chartoff-Winkler Productions.

~ by phuongdiem0804 on April 13, 2011.

2 Responses to “Im lặng: Một âm thanh quyến rũ”

  1. Các bạn có một tựa đề rất hay và lãng mạn. Nhưng các bạn lưu ý là tựa đề không thể quá dài nhé. Xét trên trang web này thì nó dài quá 1 dòng rồi đó. Nguyên tắc là chọn tựa đề thật ngắn gọn và súc tích. Mình đã sửa lại tạm thời, hy vọng cũng không sai lệch lắm so với ý tưởng của bài viết.

  2. Mình và Diễm đã bàn và thống nhất sửa lại “tít” tí tẹo :D
    Cảm ơn bạn Hoàng đã góp ý nhé!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: