Kikujiro: Nước mắt và Nụ cười
Bộ phim “Kikujiro” (1999) được đánh giá là một trong những thành công đáng chú ý nhất của đạo diễn nổi tiếng người Nhật- Takeshi Kitano. Với cách thể hiện vừa hài hước vui nhộn phù hợp với thiếu nhi, vừa xúc động sâu lắng khiến cho người lớn phải suy nghĩ, “Kikujiro” là sự kết hợp hài hòa tuyệt vời của Nước mắt và Nụ cười.
Bộ phim mở đầu với một giai điệu âm nhạc trong sáng theo từng bước chạy tung tăng của cậu bé Masao- nhân vật chính của phim. Masao đang trong kì nghỉ hè nhưng đó lại là thời điểm cậu bé thấy buồn và cô đơn nhất vì không có ai chơi cùng. Cảnh cậu bé đứng một mình giữa sân bóng rộng mênh mông (ống kính góc rộng) tạo cảm giác trơ trọi, đơn côi. Masao quyết định đi tìm mẹ- người đã để cậu bé ở lại với bà sau khi bố cậu mất. Người đàn ông kì quặc có tên Kikujiro (mà đến tận cuối phim mới lộ tên) nghe lời vợ đưa Masao đi tìm mẹ ở một vùng ngoại ô. Hành trình của hai nhân vật- lúc đầu tưởng như rất trái ngược nhau- bắt đầu với những tình huống bi hài, vừa khóc vừa cười luôn làm khán giả thấy thú vị và xúc động.
“Kikujiro” có kết cấu theo kiểu hành trình, nhưng nó cũng có những điểm hơi khác so với các bộ phim hành trình khác. Thông thường trong một bộ phim hành trình, nhân vật chính có một chuyến đi để đến một nơi hoặc đạt được điều gì đó mà mình mong muốn, và đến khi đạt được mục đích thì cũng là lúc hành trình cũng như bộ phim kết thúc. Trong bộ phim này, ban đầu hành trình của Masao và Kikujiro hướng đến việc tìm được mẹ cho Masao, nhưng đến giữa phim khi hai người không tìm được bà mẹ thì hành trình vẫn chưa kết thúc.
Nửa sau của bộ phim tập trung vào chuyến trở về của hai nhân vật với những trò chơi có phần “nhí nhố” của những người lớn muốn làm cậu bé đang buồn và thất vọng phấn chấn lên. Người xem có thể có cảm giác những đoạn trò chơi đó hơi dài và tưởng như không phục vụ gì cho mục đích của chuyến hành trình, nhưng thực ra đó không chỉ là những tình tiết để chọc cười khán giả. Nếu lật lại từ đầu phim, ta sẽ thấy rõ một sự chuyển biến đối với cậu bé Masao: ở đầu phim cậu bé cô đơn, không có ai chơi cùng và quan tâm đến cậu, còn cuối phim thì cậu bé đã tìm thấy niềm vui- nụ cười từ những người sẵn sàng vui chơi với cậu những trò “trẻ con” nhất dù họ đều to xác, lớn đùng. Như vậy mục đích của cuộc hành trình ở đây không chỉ là để tìm mẹ của Masao mà chính là để tìm lại niềm vui trẻ thơ và sự quan tâm, chia sẻ của người lớn cho cậu bé. Những cảnh vui chơi nhí nhảnh của những người đàn ông lớn tuổi với cậu bé Masao 9 tuổi do đó vừa hài hước, gây cười nhưng cũng làm khán giả thấy rưng rưng xúc động.
Hai yếu tố hài và bi luôn đan xen nhau trong bộ phim. Những chi tiết hài mang “thương hiệu” Takeshi Kitano: những cảnh giới thiệu nhân vật ở mỗi đoạn như trong truyện tranh, những cảnh tĩnh với nhân vật bất động rất lâu, những tư thế kỳ quặc đập vào mắt khán giả… Và đặc biệt là diễn xuất với gương mặt lúc lạnh tanh, lúc ngây ngô của chính đạo diễn Takeshi Kitano (Beat Takeshi) trong vai Kikujiro đã chọc khán giả nhiều phen cười lăn lộn.
Nhưng xen vào đó là cảm giác buồn, chua xót sau những nụ cười như cảnh Kikujiro giả mù để xin đi nhờ xe- vừa buồn cười đấy mà vừa thương, vừa xót xa cho hai nhân vật bơ vơ trong một trạm chờ bỏ hoang. Hay đoạn Masao suýt bị một lão già lạm dụng, người xem cười vì cách xử lý tình huống của Kikujiro nhưng cũng ghê tởm, bất bình với hành động lạm dụng trẻ em, thương cho cậu bé cô đơn trong một thế giới người lớn thực dụng và tàn nhẫn. Và đoạn làm khán giả xúc động rơi nước mắt là khi Masao và Kikujiro tìm thấy nhà người mẹ nhưng cô ta đã có gia đình riêng hạnh phúc, cậu bé buồn bã quay đi và Kikujiro đã lấy một chiếc chuông thiên thần để an ủi cậu. Đạo diễn đã ngầm ẩn một ý so sánh khi tạo một khuôn hình có Masao đang cầm chiếc chuông thiên thần và phía sau cậu bé là Kikujiro mặc chiếc áo trắng như một “thiên thần hộ mệnh” tuy hơi kì cục nhưng bản chất rất tốt bụng. Cảnh Masao và Kikujiro đi trên bờ biển vừa tuyệt đẹp về mặt tạo hình, vừa nâng cảm xúc của người xem lên theo tiếng nhạc da diết, theo niềm tin và hi vọng vào tình người ấm áp.
Cảnh kết của bộ phim lại lặp lại giống như đầu phim- cậu bé Masao chạy tung tăng trong tiếng nhạc tràn ngập, trên môi cậu bé thấp thoáng một nụ cười. Hành trình trong kỳ nghỉ hè của cậu bé 9 tuổi cũng giống như cuộc sống- luôn có cả nước mắt và nụ cười…
Photos by tehparadox.com/forum; allmoviephoto.com
Theo em, không chỉ riêng cậu bé Masao có sự chuyển biến tâm lý, mà ngay cả Kikujiro cũng có biến chuyển tâm lý và tính cách. Ở phần đầu, ông ta là một kẻ lông bông, lắm trò, có phần bạo lực và vô trách nhiệm. Việc đi tìm mẹ cho Masao không phải vì ông ta tự nguyện, mà vì bà vợ bảo. Lúc đầu, ông ta cũng chẳng tỏ vẻ yêu thương, quan tâm đến thằng bé (“trấn lột” tiền, lợi dụng thằng bé để đánh bạc…)Dần dần, hai ông cháu mới hiểu nhau. Kikujiro, qua những cử chỉ quan tâm đến cậu bé, tính cách của ông cũng thay đổi…
huyentrangtran said this on April 15, 2010 at 4:05 pm
C xem phim này cách đây 5 năm. Đọc lại bài em cảm xúc rưng rưng còn nguyên. Chị đã ước kể được một câu chuyện bằng hình ảnh sống động, hài hước và cảm động như thế. Tks bài viết của em.
To Trang: c đồng tình với ý kiến của em. C nghĩ nếu xét ở góc độ chuyển biến tâm lý thì Kikujiro mới là nhân vật lý thú hơn. E có thể vieets bài để thể hiện quan điểm này mà
rinhrinh said this on April 15, 2010 at 11:22 pm
@ Trang: em nói đúng, nhân vật Kikujiro cũng có sự chuyển biến, nhưng trong bài này chị không tập trung phân tích sự chuyển biến tâm lý tính cách nhân vật mà chỉ muốn nói đến hai yếu tố bi- hài trong phim. Chị Quý Hà nói phải đấy, em viết một bài về nhân vật Kikujiro đi!;)
petit3lf said this on April 17, 2010 at 11:02 pm
chị ơi, cho em xin link của Phim này đc ko, e chưa đc xem :( Engsub hoặc VietSub càng tốt. thanks chị nhiều
tien said this on July 24, 2010 at 1:05 pm