Crash – Đụng độ
Author: Lê Ngọc Tú
“Crash” của đạo diễn Paul Haggis đoạt giải Oscar cho phim hay nhất năm 2006 phần nào ghi nhận sự thành công của nó. Tuy nhiên, để cảm nhận hết giá trị của phim thì quả thực không phải đơn giản nếu chỉ xem một hoặc hai lần.
Toàn phim là những cảnh, những sự kiện rời rạc tưởng chừng như không liên quan đến nhau, để đến cuối phim mới kết nối lại thành một xâu chuỗi nhiều ý nghĩa. Nổi bật lên trong cả phim là vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn còn gay gắt trong xã hội Mỹ. Hai kẻ vô công rồi nghề da màu cảm thấy xã hội bất công với mình, bèn rút súng đi cướp xe của người da trắng. Hai vợ chồng người da màu bị cảnh sát chặn xe, người cảnh sát da trắng đã có những hành động khiếm nhã với người vợ mà người chồng không dám phản ứng vì anh ta là người da màu. Hai cha con người nước ngoài đến mua súng và bị người chủ cửa hàng súng lăng mạ và đuổi người cha ra ngoài. Cửa hàng của người cha này ở đoạn sau bị đập phá, ông ta cho rằng việc đó là do một người thợ sửa khoá cửa làm và đã đem súng đến đe doạ người thợ khoá kia, và vô tình nổ súng vào cô con gái nhỏ của anh ta. Những người dân châu Á nhập cư trái phép; người đàn ông Hàn Quốc bị đâm xe; người thanh tra da màu đến điều tra vụ tai nạn giao thông phát hiện nạn nhân chính là em trai mình,…
Phim nêu lên những mâu thuẫn thường thấy trong xã hội Mỹ về sự nhận thức trong phân biệt chủng tộc, cũng như những mâu thuẫn xã hội khác, những cái vẫn tồn tại trong cuộc sống thường ngày và không dễ gì giải quyết. Tuy nhiên, “Crash” đã giải quyết các vấn đề đó một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Người cảnh sát đã hết mình cứu thoát người phụ nữ mà ở lần gặp trước anh ta đã có những hành động sàm sỡ; người đàn ông nổ súng vào con người thợ sửa khoá nhưng cô bé không sao vì con gái ông ta đã lắp đạn rỗng vào súng; tên trộm xe hơi đã cứu thoát một nhóm người châu Á nhập cư trái phép; vợ người đàn ông Hàn Quốc bị đụng xe tìm thấy chồng trong bệnh viện; người thanh tra nhận ra một sự thật là mình đã không quan tâm đến em trai khi nó còn sống, mà khi em đã chết thì anh ta mới định tìm ra thủ phạm, người cảnh sát có tư cách tốt thì lại giết tên trộm da đen xin đi nhờ vì hiểu lầm là hắn rút súng…
Hình ảnh chiếc ô tô của người cảnh sát trẻ bốc cháy ở cuối phim như muốn rũ bỏ những điều xấu xa đen tối, những mâu thuẫn gay gắt của xã hội, còn sau đó là cuộc điện thoại của hai vợ chồng người da màu mà người vợ từng bị người cảnh sát làm nhục và lại cứu sống, chỉ để nói: “I love you”. Cuộc sống có nhiều khi chỉ cần nói những câu đơn giản như vậy là đủ.
Phim tiết tấu nhanh, kết nối rời rạc gây sự khó hiểu và mệt mỏi đối với người xem. Tuy sự liên kết về sau khá chi tiết và có ý nghĩa, nhưng phim sẽ không hấp dẫn với người xem chỉ một lần và với người xem không thật tập trung. Ngoài ra quá nhiều các sự việc ngẫu nhiên xảy ra làm cho tính bất ngờ của phim không còn đáng tin cậy: người cảnh sát cứu nạn nhân của chính mình một cách tình cờ, anh cảnh sát trẻ thì giải thoát người đàn ông da đen sau cuộc rượt đuổi, …
“Crash” kết lại bằng hình ảnh một vụ đụng xe và cãi vã ồn ào. Phim giống như một điểm nhấn để nhắc nhở xã hội một chút về việc cần phải nhìn lại mình để xoá bỏ những mâu thuẫn, những kỳ thị chủng tộc không đáng, để có thể quan tâm đến nhau nhiều hơn, khi còn sống.