Các lớp âm thanh trong “Kungfu Hustle”



Author: Đinh Mỹ Linh

Tôi xem “Kungfu Hustle” lần đầu trong một tình huống lạ kỳ: Chỉ nghe được nhạc nền, tiếng động mà không có thoại. Kết quả bất ngờ: Hiệu ứng nhạc nền vẫn khiến tôi giật thót dù không nghe tiếng thoại. Chính sự hỏng hóc máy móc khiến tôi nảy ra ý tưởng: hãy thử bóc tách từng lớp “tiếng” của phim. Âm thanh trong “Kungfu Hustle” có lẽ hoàn toàn thuộc về âm thanh hậu kỳ (không thu âm trực tiếp), nhìn trên tổng thể mang không khí nhộn nhịp, tạp kỹ. Điều này cộng hưởng với chất hài hước, mỉa mai của phim Châu Tinh Trì.

Xét các chất liệu “tiếng” trên quan điểm tự sự học, âm thanh trong phim chia làm hai loại: Âm thanh trong ranh giới truyện kể: ở dưới dạng lời thoại, tiếng ồn hay âm thanh trong tâm tưởng. Âm thanh nằm ngoài ranh giới truyện kể: mang chất nhạc nhiều hơn, thường là nhạc nền, nhạc chủ đề hoặc đoạn nhạc dành riêng cho một nhân vật.

Trong ranh giới truyện kể: Âm thanh trau chuốt

Trước hết, phải thấy rằng lời thoại không chỉ mang vai trò kể chuyện. Lịch sử điện ảnh ghi nhận một bước ngoặt lớn khi âm thanh chạm bước vào phim, chủ đề tranh luận gay gắt là liệu lời nói trong phim có đánh mất mỹ học kịch câm của điện ảnh. Câu trả lời ngày càng thấy rõ từ bản thân các tác phẩm điện ảnh. Cuốn “A short guide to writing about film” chỉ ra một ví dụ: các phim Hollywood gần đây có xu hướng thoại chồng chéo, lấn át lên nhau hoặc có vẻ như lẩm bẩm, điều này vượt quá chức năng hỗ trợ kể chuyện. “Kungfu Hustle” đã học cách dựng thoại này: thoại không chỉ để thông báo nội dung. Chú ý đến âm vực, âm lượng, nhịp điệu thoại của từng nhân vật, có thể thấy ở họ có sự khác biệt: Nhân vật của Châu Tinh Trì (Sing) nói với tốc độ nhanh, liến thoắng; bà chủ khu nhà trọ nói bằng âm lượng lớn, áp đảo người khác; trong khi anh chàng cắt tóc luôn mặc quần cạp trễ lại nói rất chậm, âm lượng thấp, ù lì, thiếu sống động. Ở đây, nhà làm phim sử dụng tính nhạc trong liên hoàn lời nói làm một công cụ khắc hoạ tính cách nhân vật.

Thoại còn góp phần làm phương tiện hữu hiệu thể hiện chất hài và ý tưởng phim. Sau thành công của “Đội bóng Thiếu Lâm”, nhiều lời đồn thổi cho rằng Châu Tinh Trì sẽ tận dụng tiếng vang để sản xuất tiếp phần 2. Nhưng không. Bộ phim tiếp sau “Đội bóng Thiếu Lâm” chính là “Kungfu Hustle”, bối cảnh và câu chuyện hoàn toàn mới, và cảnh đầu tiên nhân vật của Châu xuất hiện là khi một nhóm trẻ đá bóng lăn tới chân anh chàng. Câu thoại đầu tiên của nhân vật này là: “Không bóng đá gì thêm nữa!” (No more soccer!). Lời thoại giống như một tuyên ngôn kiên quyết nhưng hóm hỉnh, vừa thống nhất với tổng thể phim, vừa đạt giá trị hài ngoài màn ảnh.

Tiếng ồn, hay tiếng động trong phim cũng là một khía cạnh tỉ mẩn và đạt hiệu quả tạo không khí. “Kungfu Hustle” là một phim được trau chuốt kỹ lưỡng về tiếng động, kể cả tiếng ồn tự nhiên (tiếng gió, tiếng sấm…) lẫn tiếng ồn nhân tạo (tiếng cười đùa, xe cộ, sinh hoạt…). Một tiếng bò kêu, một âm ken két mài, chế thuốc nếu tách riêng ra thì không đáng kể, nhưng đặt trong cảnh Sing và Bonne tiến vào khu trọ để gây sự, âm thanh thu hút sự chú ý đến hậu cảnh, nâng hậu cảnh sinh hoạt yên bình lên thành thế đối lập với sự hung hãn, nguy cơ gây hoạ của hai kẻ đang bước dọc tiền cảnh. Hơn nữa, khi Sing và Bonne đã vào hẳn quán cắt tóc, tiếng động bên ngoài màn hình vẫn tiếp tục, nhờ đó mà có sự mở rộng không gian khuôn hình.



Khoảng tĩnh cũng là một phần của âm thanh thuộc ranh giới truyện kể. Nếu những âm thanh nối cảnh, như tiếng khóc của lũ trẻ đá bóng nối dài tới cảnh sau có ý nghĩa dự báo không khí cảnh tiếp đó, thì khoảng tĩnh lại có tác dụng châm hài. Trận đấu đàn tranh cứ khi lên đến cao trào lại đột ngột ngắt ngang, im bặt khi bà chủ mở cửa sổ ra quát tháo. Hay trong một cảnh khác, ông bà chủ nhà vào xe cảnh cáo tên trùm Sum. Tưởng rằng với bản tính thích quát nạt, bà chủ sẽ om sòm ầm ĩ. Nhưng không, họ xuất hiện đột ngột, yên lặng, đe doạ bằng cử chỉ, nét mặt chứ không nói lời nào. Cái lạ thường gây cười là ở chỗ: bên nắm đằng chuôi, lẽ ra đủ quyền lớn tiếng thì im lặng, trong khi kẻ duy nhất to tiếng lại là bên thế yếu (tên “quân sư” đảng Búa nạt nộ lũ đàn em trật tự để lấy lòng ông bà chủ).

Âm thanh ngoài ranh giới truyện kể: Ước lệ

Đặc trưng dễ thấy nhất của âm thanh ngoài ranh giới truyện kể trong “Kungfu Hustle” là những đoạn nhạc quy ước cho một nhân vật cụ thể. Mỗi khi đi gây tội ác, băng đảng Búa lại xuất hiện trên nền nhạc “Nothing Ventured, Nothing Gained”. Nhân vật cô gái câm của Huỳnh Thánh Y được gắn cho đoạn ghi ta ballad trong “Zhi Yao Wei Ni Hua Yi Tian”. Đúng như âm nhạc, nhân vật này thánh thiện, dịu dàng nhất trong phim. Bà chủ khu trọ lại có hình tượng trái ngược, ở cảnh xuất hiện đầu tiên, cùng với tiếng mở cửa sổ là tiếng bò cái rống, trong một cảnh khác lại là tiếng gà kêu choe choé. Người xem bật cười vì thấy chủ thể của âm thanh quá giống hình ảnh bà chủ to béo, chanh chua.

Một nét hài thú vị trong “Kungfu Hustle” là sự gợi nhắc các phim kinh điển, vậy âm nhạc đã góp phần truyền tải điều này thế nào? Tên trùm băng Búa gợi nhớ những diễn viên sân khấu Broadway, khán giả hiểu được điều đó ngoài trang phục, dáng đi và bảng đèn màu, còn nhờ vào bản nhạc “Nothing Ventured, Nothing Gained” đậm chất jazz làm nền. Hoặc đoạn bà chủ đuổi bắt Sing, lấy cảm hứng từ các nhân vật hoạt hình của WarnerBros, do vậy ở đây nhà làm phim không chọn nhạc cụ truyền thống như các màn biểu diễn võ thuật mà dùng bản “Sabre Dance” đậm chất giao hưởng phương Tây làm nhạc nền.

Kết hợp âm thanh

Nếu phải kể ra ba trường đoạn âm thanh quan trọng nhất bộ phim, tôi sẽ chọn cảnh sinh hoạt trong xóm trọ, cảnh ba người dân trọ chiến đấu chống băng đảng Búa, và cảnh hồi tưởng khi Sing gặp lại cô gái câm. Cả ba cảnh này đều kết hợp rất nhuyễn âm thanh trong và ngoài ranh giới truyện kể.

Buổi sáng ở xóm trọ được giới thiệu cực kỳ sinh động. Nhạc nền chủ đạo là bản “Fisherman’s song of the East China Sea” của bộ dây réo rắt (đàn nhị), âm vực cao, tiếng thanh và nhanh, vội. Âm nhạc làm nền cho không khí vội vã, khẩn trương, sôi động khi một ngày lao động mới bắt đầu. Điểm trên nền nhạc là tiếng trẻ con cười đùa, tiếng chim vỗ cánh phành phạch, chổi quét sân lệt quệt hoặc ụt ịt tiếng lợn ăn dở bữa. Tất cả tạo nên những khuôn hình đầy ắp, như thể không một hình ảnh nào thừa thãi, bị quên lãng hay bỏ sót.


Cảnh thứ hai tôi muốn nhắc tới là trận chiến giữa một bên, ba “hiệp sỹ áo vải” với bên kia, đội quân đông như kiến lửa của băng đảng Búa. Vào cảnh của đoạn này nhạc nền không tương đồng với hình ảnh. Trong tình cảnh băng đảng Búa đe doạ thiêu sống hai đứa trẻ, nhạc nền để bản “Ying Xiong Men Zhan Sheng Le Da Du He”, dồn dập, réo rắt, tiếng thanh, nhịp điệu nhanh, gợi nhắc tới nhạc phụ hoạ cho diễn trò, tạp kỹ. Âm thanh đã giúp giảm bớt không khí u ám và hướng tới chất hài chủ đạo. Bản nhạc này còn kéo dài suốt màn võ thuật tiếp đó, minh hoạ rất tốt cho nhịp độ căng thẳng của trận đấu. Tựa như khi người diễn viên xiếc thực hiện động tác khó nhất, âm nhạc sẽ dâng lên cao trào, ở đây, khi hai cao thủ lộ diện là lúc đẩy trường đoạn lên đỉnh điểm, âm nhạc dồn dập, thúc giục hơn, tác động mạnh vào cảm giác. Tới khi nhạc nền ngưng lại thì tiếng gió, tiếng bụi bay thế chỗ. Đó là cách “Kungfu Hustle” thít chặt rồi thả lỏng cảm xúc khán giả, trong khi vẫn giữ được không khí hồi hộp suốt trường đoạn. Một điểm thú vị nữa, bản nhạc có đoạn “nhái” theo âm hưởng nhạc phim “Hoàng Phi Hồng”.


Trái với âm nhạc nhanh, vui như hai đoạn trên, trường đoạn hồi tưởng khi Sing gặp lại cô gái câm có nhạc nền rất lãng mạn. Bản “Zhi Yao Wei Ni Hua Yi Tian” có đoạn đầu dìu dặt như đưa ta vào thế giới hồi tưởng, khi lên đến cao trào nhịp nhanh hơn, âm hưởng trầm buồn phụ theo nỗi đau và mâu thuẫn trong tâm trạng. Có thể nói rằng soundtrack này khiến khán giả rơi nước mắt trong một phim hài.


Điểm lại, từ chất liệu âm thanh biến thành các trường đoạn giàu cảm xúc, nhà làm phim cần có phép mầu nào? Xin lược qua một vài “ngón nghề” của nhà thiết kế âm thanh:


Tạo âm thanh không tương đồng hình ảnh. Đoạn băng đảng Búa doạ thiêu cháy hai đứa trẻ vừa kể trên là một minh chứng. Âm thanh đã giúp tiết lộ một đặc điểm trong chất hài Châu Tinh Trì: đặt việc nghiêm túc và chi tiết đùa cợt cạnh nhau, sự tương phản sẽ chọc cười khán giả.


Tạo âm thanh cộng hưởng với hình ảnh. Tôi sẽ lấy một dẫn chứng để xem âm thanh hòa phối với diễn xuất “ngọt” thế nào. Hãy nhớ lại khi Sing dẫn cậu béo Bonne tới ám sát bà chủ nhà, “tài” phi đao vụng về khiến Sing liên tiếp bị thương. Sing tỏ ra rất khổ sở, Bonne thì mang gương mặt thương cảm dù chính Bonne mới vô ý làm Sing tiếp tục bị thương. Lồng vào đó, nhạc nền có âm hưởng thê lương, chậm, buồn, da diết. Âm nhạc đẩy cao sức biểu cảm của diễn xuất, nhân vật trông càng khổ sở càng khiến ta bật cười. Đây là chất hài theo khuynh hướng phương Tây: nhân vật không cố tỏ ra hài hước mà bị đẩy vào hoàn cảnh nực cười.


Sử dụng đúp âm. Lần đầu xem “Kungfu Hustle” mà không có thoại, tôi vẫn giật mình trước tiếng hét của bà chủ khu nhà trọ. Điều này chứng tỏ điều gì? Trong “Kungfu Hustle”, một số thoại được chập âm nhiều lần lên nhau, nhờ vậy “sư tử gầm” của bà chủ to hơn, kéo dài hơn, tiếng tên găngxtơ ra oai trong đồn cảnh sát đầu phim âm vang hơn.


Sắp xếp âm thanh tương phản, nhờ đó mà sự trau chuốt tiếng động trở nên đáng giá. Điển hình là một chuỗi dựng: tiếng pháo hiệu (khi băng Búa gọi tiếp viện), bản nhạc cổ điển du dương từ máy quay đĩa, ngắt ngang bằng tiếng ầm đập phá đột ngột. Như vậy sự xuất hiện của đội quân Búa đông nghìn nghịt được giới thiệu bằng âm thanh. Các mối âm thanh tương phản kể trên khiến khán giả liên tục biến đổi cảm giác: từ ghê sợ, hồi hộp đến yên tâm, êm dịu, rồi đột ngột chấn động, ngạc nhiên.
Sự tương phản này dẫn tới một xử lý âm thanh lặp lại khá nhiều trong “Kungfu Hustle”, đó là ngắt âm đột ngột. Ví dụ về tiếng đàn tranh “sát thủ” im bặt mỗi khi bà chủ nhà mở toang cửa sổ là một. Cảnh băng đảng Búa kéo đến dưới mây đên ngùn ngụt, bà chủ bỏ chạy trong tiếng chiêng gõ nhịp kiểu kinh kịch, đột ngột dừng khi bà đóng cửa chui thẳng vào chăn là ví dụ hai. Còn rất nhiều chi tiết âm thanh như vậy nữa.


Tổng kết lại, âm thanh hỗ trợ rất nhiều cho giá trị hài trong “Kungfu Hustle”. Điểm qua các chất liệu âm thanh (trong và ngoài ranh giới truyện kể), các thủ pháp thiết kế giúp dựng nên những trường đoạn giàu nhạc điệu, người viết bài luận này hi vọng gợi người xem quan tâm tới một khía cạnh thú vị của điện ảnh: thiết kế âm thanh.

~ by phongsinh on March 11, 2008.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: