Citizen Kane (1941) – kiệt tác của mọi thời đại
Author: Vũ Quỳnh Hà
Ra đời vào thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hollywood, nhưng cho đến tận bây giờ, Citizen Kane vẫn được coi là bộ phim xuất sắc nhất của mọi thời đại. Ấn tượng nổi bật nhất về những cảnh quay trong Citizen Kane là cách dàn cảnh chiều sâu.
Đạo diễn: Orson Welles
Kịch bản: Herman Mankievicz – Orson Welles
Giải thưởng: Oscar cho kịch bản xuất sắc
Bộ phim có rất nhiều cảnh có độ nét sâu, hậu cảnh cũng rõ nét như tiền cảnh. Trường đoạn cha mẹ cậu bé Charles Foster Kane bàn bạc về tương lai của cậu bé là một ví dụ điển hình. Đầu tiên, chúng ta thấy cảnh cậu bé Kane chơi đùa ngoài trời tuyết. Rồi chúng ta thấy bàn tay của mẹ cậu bé đặt lên khung cửa sổ, máy quay lùi dần từ ngoài sân, qua cửa sổ vào trong nhà mà không cắt cảnh, cho ta thấy toàn cảnh mẹ Kane và ông Thatcher, người đến đón cậu bé lên thành phố sống. Cảnh quay vẫn tiếp tục, trong nhà, bố mẹ Kane và ông Thatcher nói chuyện, sau lưng họ là khung cửa sổ, giữa khung cửa là cậu bé Kane, vẫn mải miết chơi đùa ngoài trời tuyết. Thông thường, trong một cảnh có nhiều lớp lang, thì phần hậu cảnh sẽ mờ hơn tiền cảnh nhưng trong rất nhiều cảnh của Citizen Kane thì hậu cảnh luôn nét như tiền cảnh. Ấn tượng nổi bật nhất về những cảnh quay trong Citizen Kane là cách dàn cảnh chiều sâu. Bộ phim có rất nhiều cảnh có độ nét sâu, hậu cảnh cũng rõ nét như tiền cảnh. Trường đoạn cha mẹ cậu bé Charles Foster Kane bàn bạc về tương lai của cậu bé là một ví dụ điển hình. Đầu tiên, chúng ta thấy cảnh cậu bé Kane chơi đùa ngoài trời tuyết. Rồi chúng ta thấy bàn tay của mẹ cậu bé đặt lên khung cửa sổ, máy quay lùi dần từ ngoài sân, qua cửa sổ vào trong nhà mà không cắt cảnh, cho ta thấy toàn cảnh mẹ Kane và ông Thatcher, người đến đón cậu bé lên thành phố sống. Cảnh quay vẫn tiếp tục, trong nhà, bố mẹ Kane và ông Thatcher nói chuyện, sau lưng họ là khung cửa sổ, giữa khung cửa là cậu bé Kane, vẫn mải miết chơi đùa ngoài trời tuyết. Thông thường, trong một cảnh có nhiều lớp lang, thì phần hậu cảnh sẽ mờ hơn tiền cảnh nhưng trong rất nhiều cảnh của Citizen Kane thì hậu cảnh luôn nét như tiền cảnh.
Trong cảnh vừa rồi, chúng ta có thể nhìn thấy rõ cậu bé Kane chơi đùa như thế nào qua khung cửa sổ, và khung cửa đó lúc nào cũng ở giữa khuôn hình bởi Kane là nhân vật chính của bộ phim. Tiếp sau đó, trong cảnh mà Kane, Thatcher và Bernstein ngồi trò chuyện trong một căn phòng rất rộng, ta cũng thấy rõ Kane đi từ một đầu của căn phòng đến chỗ chiếc bàn như thế nào, trong khi cận cảnh vẫn là một phần khuôn mặt của Bernstein. Chúng ta có thể gặp khá nhiều cảnh như vậy trong suốt bộ phim, đó là cảnh Thompson phỏng vấn Bernstein về Kane, những giọt mưa hiện rõ ngoài khung cửa sổ đằng xa đồng thời phản chiếu trên mặt bàn bằng kính, rồi một cảnh quay từ trên cao, từ cung điện Xanadu, khi Susan bỏ Kane ra đi, ở hậu cảnh chúng ta có thể thấy rõ từng con sóng trên bãi biển dưới chân lâu đài…Độ rõ nét của cảnh tạo nên một sự tương phản với nội dung câu chuyện cũng như tính cách của nhân vật chính, một con người đầy bí ẩn. Cả bộ phim là hành trình đi tìm ý nghĩa của từ “Rosebud” mà Kane thốt lên trước khi chết, từ đó dựng lên chân dung của Charles Foster Kane, một ông trùm báo chí lấy hình mẫu từ một ông trùm xuất bản có thật: William Randolph Hearst. Sau này người ta phát hiện ra rằng Orson Welles đã dùng phương pháp ghép hình để tao ra những cảnh có độ nét sâu như vậy. Và ông đã sử dụng nhiều kỹ xảo khác để đánh lừa thị giác của khán giả, che đi mối ghép trong khuôn hình.
Góc quay chủ đạo của Citizen Kane là góc quay thấp, sau này có ảnh hưởng rất lớn đến dòng phim noir. Góc quay này cũng góp phần tạo nên sự bí ẩn, khó hiểu của phim cũng như gây ra ấn tượng về sức mạnh và ảnh hưởng khá lớn của Charles Foster Kane hay chính là của Hearst trong xã hội bấy giờ. Các góc quay trong phim thường từ thắt lưng nhân vật hướng lên, nên thường thấy cả trần nhà trong rất nhiều cảnh đối thoại mà có thể quay với góc quay thông thường. Đặc biệt trong cảnh Kane ở tòa soạn sau buổi tối mà người vợ đầu tiên của ông, Emily phát hiện ra mối quan hệ của ông với Susan, máy quay được đặt rất thấp, ống kính rộng, đến mức mà chúng ta có thể thấy cả sàn nhà và trần nhà, toàn cảnh Kane và Leland ở một khoảng cách không xa. Lúc đó, Kane vừa có một quyết định quan trọng trong cuộc đời. Ông không chịu nhượng bộ đối thủ Gettys của mình, từ bỏ người vợ và đứa con trai để lcưới Susan. Kane nói: “Quá muộn ư? Để làm gì? Để cho bà và tên trộm này lấy cắp tình yêu của người ta dành cho tôi sao?” (Too late? For what? For you and this public thief, to take a way the love of people from me?) Tình yêu, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, của những người Kane yêu thương là điều mà cả đời ông vẫn khao khát và kiếm tìm.
Giải Oscar năm 1941 dành cho kịch bản xuất sắc nhất đã được trao cho Orson Welles và Herman Mankievicz là một bằng chứng cụ thể cho chất lượng của kịch bản phim Citizen Kane. Là một bộ phim thuộc thể loại phim kinh điển Hollywood, do RKO – một trong năm hãng phim lớn nhất Hollywood thời bấy giờ sản xuất nhưng Citizen Kane có những điểm rất khác biệt trong phong cách tự sự cũng như việc xây dựng nhân vật. Chuyện phim hoàn toàn không được kể theo tuyến thẳng như các phim đặc trưng của Hollywood mà cảnh mở đầu phim lại chính là đoạn cuối của câu chuyện – cái chết của Charles Foster Kane. Từ cái chết của ông, bộ phim bắt đầu quay ngược trở lại câu chuyện về cuộc đời Kane, từ lúc ông còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Cả bộ phim cứ quay vòng giữa những trường đoạn hồi tưởng của các nhân vật về Kane với hiện tại về cuộc tìm kiếm bí ẩn của từ “Rosebud” mà ông thốt lên trước khi chết. Hình ảnh nhân vật Kane dần dần hình thành qua lời kể của bốn nhân vật khác nhau, đó là hai người bạn Bernstein và Leland, rồi Susan Alexander – người vợ thứ hai của Kane và người quản gia ở cung điện Xanadu. Sau mỗi câu chuyện của họ, khán giả lại được biết thêm về cuộc đời bí ẩn của một ông trùm báo chí. Nhưng có lẽ cho đến cuối phim, chúng ta vẫn chưa thể có một cái nhìn rõ ràng về con người Kane, người đã thảo ra “Bản tuyên ngôn nguyên tắc nghề báo” (The Declaration of Principles) trên tờ New York Inquirer hay người vung tiền qua cửa sổ để xây cung điện Xanadu và cả một nhà hát opera cho người vợ không mấy tài năng của mình? Nhưng có một điều chắc chắn rằng Kane là một con người cô độc luôn mong muốn được yêu thương. “Rosebud” chính là dòng chữ trên tấm ván trượt tuyết mà cậu bé Kane vẫn thường chơi khi còn ở nhà với cha mẹ. Tấm ván trượt ấy là biểu tượng của tình yêu, của tuổi thơ, cuộc sống gia đình mà Kane không được hưởng khi còn nhỏ. Tất cả những việc Kane làm đều vì tình yêu, vì ông muốn được yêu. Sự bí ẩn của câu chuyện được tăng lên rất nhiều qua cách kể câu chuyện dưới hình thức một cuộc điều tra về từ “Rosebud” của ông Thompson. Nhân vật này như một người dẫn chuyện, theo suốt từ đầu đến cuối bộ phim bằng các cuộc phỏng vấn và điều tra về cuộc đời của Kane nhưng khán giả thì chưa bao giờ được thấy mặt ông, lúc nào ông cũng ở trong bóng tối huyền bí.
Citizen Kane còn có nhiều đoạn dựng phim thú vị. Orson Welles đã sử dụng rất nhiều mờ chồng, nhiều chi tiết để chuyển cảnh như chiếc ván trượt tuyết, món quà Noel. Khi Kane lên thành phố, chiếc ván trượt của cậu bị bỏ lại ngoài sân, tuyết phủ đầy. Một chiếc ván trượt khác xuất hiện ngay sau đó, món quà Noel của Kane ở nhà ông Thatcher. Câu chúc “Merry Christmas” nối ngay sang cảnh sinh nhật lần thứ 25 của Kane. Tiếp sau đó, cuộc sống gia đình của Kane và Emily cũng được thể hiện bằng một trường đoạn rất đặc biệt, bối cảnh chỉ là chiếc bàn ăn vào bữa sáng. Cảnh chuyển rất nhanh, bối cảnh giữ nguyên, vẫn hai nhân vật là Kane và Emily, chỉ có trang phục và thoại thay đổi. Một loạt cảnh đơn giản như vậy nhưng đã thể hiện đầy đủ cuộc sống vợ chồng của Kane và Emily từ khi mới cưới còn đắm say trong hạnh phúc đến lúc Emily buồn chán vì Kane suốt ngày chúi mũi vào công việc và tờ báo, mẫu thuẫn dần dần nảy sinh giữa hai người. Phương pháp chuyển cảnh này được lặp lại trong nhiều cảnh khác của bộ phim như cảnh Susan đang ngồi chơi đàn và hát ở nhà cô bỗng chuyển ngay sang cảnh cô ngồi chơi đàn và hát ở nhà Kane, rồi từ cảnh quay cánh cửa nhà Susan mang số 181 chuyển sang cảnh quay trang nhất một tờ báo vẫn với bức ảnh cánh cửa đó…Trong cảnh Susan bỏ Kane ra đi ở cuối phim, Orson Welles đã sử dụng phương pháp ghép hình để nhân hình ảnh Kane đứng một mình trong khung cửa lên nhiều lần. Charles Foster Kane lúc đó đã mất tất cả, không còn một người bạn, một người thân bên cạnh, ông đã làm đủ mọi cách để giữ Susan lại bên mình nhưng không thể, cuối cùng thì cô vẫn bỏ ông mà đi. Đến cuối phim, những hình ảnh ở đầu phim lại xuất hiện, những hàng rào, tấm biển: “Cấm vào” (No trepassing) … cuộc đời của Kane vẫn mãi là một bí ẩn.
“Không một từ nào có thể giải thích về cả cuộc đời của một con người” (I don’t think a word can explain a man’s life) cũng như khó có thể nói hết những cái hay của một tác phẩm lớn như Citizen Kane chỉ trong một vài trang giấy. Citizen Kane mãi là một kiệt tác của điện ảnh thế giới, nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều bộ phim thành công sau này, đặc biệt là thể loại phim noir.