Điện ảnh Nga mới

by Dạ Vũ

Những bộ phim Nga xuất sắc gần đây đã làm sống dậy trong lòng người xem tình cảm yêu mến, cảm phục đối với đất nước và con người xứ  sở Bạch Dương, cho thấy sức sống mới của một nền điện ảnh đang hồi sinh mạnh mẽ. Xin giới thiệu 4 bộ phim Nga hiện đại tiêu biểu để thấy những đổi mới của nền điện ảnh giàu truyền thống này.

Nét mới trong các phim về chiến tranh

Hai bộ phim “Ngôi sao”(2001)“Chúng tôi đến từ tương lai”(2008) đều làm về đề tài chiến tranh nhưng mỗi phim là một cách thể hiện khác, một góc nhìn khác và có nhiều điểm mới so với các phim chiến tranh kiểu truyền thống trước đây.

“Ngôi sao” (đạo diễn N.Lebedev) gợi lại âm hưởng hào hùng và xúc động của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bộ phim kể về sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của một đơn vị trinh sát Xô Viết với bí danh “Ngôi sao” được giao nhiệm vụ thu thập thông tin trong vùng hậu phương địch. Với cách thể hiện trực diện, chân thực về số phận của những người lính trinh sát trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và nguy hiểm, “Ngôi sao” gợi liên tưởng đến bộ phim nổi tiếng “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” của đạo diễn Stanislav Rostotsky. Cũng với mô-tip về sự chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh hùng của những chiến sĩ Xô Viết, cũng khắc họa chân dung và số phận của những người lính trẻ ưu tú đáng ra phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc, cả hai bộ phim đều khiến khán giả xúc động, cảm phục và xót xa.

Đề tài và câu chuyện không mới, có nhiều điểm tương đồng với những phim kinh điển thời Liên Xô cũ, nhưng “Ngôi sao” vẫn mang nét hiện đại trong cách thể hiện về quay phim và âm thanh. Hai yếu tố quay phim và âm thanh trong bộ phim được kết hợp chặt chẽ và hài hòa, tạo nên hiệu quả nghe- nhìn cao, cuốn hút sự theo dõi của khán giả. Cảnh bọn phát xít Đức truy đuổi nhóm trinh sát đến vùng đầm lầy được thể hiện bằng những cú máy động, zoom vào đột ngột, kết hợp với âm thanh và tiếng động mạnh, rồi đến một khoảng lặng đáng sợ khi tên chỉ huy Đức liếc đôi mắt sắc lạnh quan sát khắp khu đầm. Đây là một đoạn phim ấn tượng và thành công trong xử lý quay phim và âm thanh, khiến người xem phải nín thở hồi hộp.

Tiếp đó, đoạn phim về sự hy sinh của một chiến sỹ trinh sát dũng cảm đánh lạc hướng bọn địch để đồng đội kịp rút lui được thể hiện hết sức chân thực với góc máy chủ quan gắn vào người diễn viên, âm thanh khuyếch đại tiếng thở gấp gáp làm cho khán giả có cảm giác như chính mình đang bị truy đuổi. Một cảnh phim đáng nhớ khác là khi người chỉ huy đội trinh sát cố gắng phát tín hiệu liên lạc: “Ngôi sao gọi Trái đất…”, tiếng gọi khẩn thiết như bay lên cùng với chuyển động máy quay, bay qua những mái nhà, những rừng cây tít tắp để về đến căn cứ. Nhờ cách xử lý sáng tạo của các nhà làm phim, tiếng gọi vô hình ấy đã trở nên hữu hình, như anh linh gửi gắm lại của những người lính kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Cũng làm về chiến tranh bi thương, khốc liệt, bộ phim “Chúng tôi đến từ tương lai” (đạo diễn A.Malyukov) lại có một cách tiếp cận vấn đề mới mẻ và thú vị. Theo thể loại phim giả tưởng pha chất hành động, phim xoay quanh câu chuyện về một nhóm thanh niên ngang tàng thời hiện đại bị quay ngược trở về quá khứ, rơi vào trận chiến ác liệt thời chiến tranh vệ quốc. Tình huống của câu chuyện phim hoàn toàn mang tính hư cấu, giả định nhưng cũng nêu lên một phản đề đáng suy ngẫm: nếu những người trẻ tuổi đang sống trong hòa bình ngày nay trở về quá khứ chiến tranh, chịu những gian khổ hi sinh như cha ông họ phải trải qua thì họ sẽ cảm thấy như thế nào?

Các nhà làm phim càng tô đậm thêm sự đối lập khi xây dựng nhóm thanh niên ban đầu là những kẻ thích chơi bời, coi chiến tranh như một món hời với việc chuyên đi đào bới cổ vật thời chiến để kiếm tiền. Nhưng khi họ bị rơi vào chính chiến trường ác liệt đó, những gian khổ, đau thương mà hào hùng của cuộc chiến bảo vệ đất nước đã dần dần làm thay đổi nhận thức của họ. Từ chỗ bị ném vào trận chiến một cách thụ động, họ đã dần trở thành những người lính thực thụ, tham gia chiến đấu và nhận ra cái giá của hòa bình phải đánh đổi bằng biết bao xương máu. Những điều đó lại được thể hiện một cách tự nhiên, cuốn hút từ đầu đến cuối theo phong cách hành động với tiết tấu nhanh kết hợp cả yếu tố hài và những đoạn trữ tình nhẹ nhàng. “Chúng tôi đến từ tương lai” rất phù hợp với giới trẻ, giúp họ hiểu và có nhận thức đúng đắn về quá khứ- chiến tranh bằng một cách thể hiện hấp dẫn, hiện đại.

Đề tài hiện đại

Bên cạnh thế mạnh về dòng phim chiến tranh, những năm gần đây điện ảnh Nga đã có nhiều tác phẩm hay về đề tài hiện đại. Có thể nhắc đến hai bộ phim đặc sắc thuộc thể loại tâm lý- xã hội là “Kuka” (đạo diễn Yaroslav Chevazhevsky) và “Spartak và Kalashnikov” (đạo diễn A.Proshkin).

Điểm chung trong cả hai bộ phim này là đều đi sâu thể hiện cuộc sống của những trẻ em mồ côi, lang thang trong xã hội Nga hiện đại đầy bất trắc và biến động. “Kuka” kể câu chuyện cảm động về một cô bé mồ côi mới 6 tuổi nhưng đã phải sống tự lập một mình và cuộc gặp gỡ của cô bé với một người phụ nữ nhân ái, tạo nên kết cục có hậu về một mái ấm gia đình. Còn “Spartak và Kalashnikov” là hành trình lang bạt, thăng trầm của cậu bé mồ côi Kalashnikov với chú chó thông minh, trung thành Spartak. Tuy có thể xếp hai bộ phim này vào thể loại phim thiếu nhi, nhưng những vấn đề các nhà làm phim đặt ra lại khiến chính những người lớn phải day dứt và suy nghĩ. Hai bộ phim đã đề cập đến một thực trạng đáng báo động của xã hội Nga với hơn 2 triệu trẻ em lang thang, không được chăm sóc, bảo vệ và đặt ra vấn đề cấp thiết về thái độ, cách đối xử của những người lớn, của toàn xã hội đối với các em.

Bộ phim “Kuka” khiến người xem thích thú vì sự ngộ nghĩnh, thông minh và tinh thần tự lập của cô bé Kuka, nhưng cũng đồng thời cảm thấy xót xa, thương cảm với hoàn cảnh đơn côi, không ai chăm sóc trong sự bàng quan của mọi người xung quanh. Một chi tiết gây xúc động mạnh với khán giả là khi cảnh sát đến kiểm tra nhà của Kuka mới phát hiện ra bà cô bé đã chết từ bao giờ mà không ai hay biết, cô bé đã sống với xác của người bà suốt một thời gian dài! Cách đối xử của những người có chức trách khi bắt ép Kuka lên xe và đưa đến trại trẻ mồ côi trong tiếng khóc xé lòng của cô bé càng làm chúng ta cảm thấy bất bình và đau xót. Chỉ có tình yêu thương và sự cảm thông của người phụ nữ tốt bụng nhận nuôi Kuka mới có thể xoa dịu nỗi đau và mang lại cho cô bé một mái ấm gia đình hạnh phúc.

“Spartak và Kalashnikov” không có một kết thúc có hậu như “Kuka”. Cậu bé Kalashnikov trốn khỏi trại mồ côi khắc nghiệt, cùng với chú chó Spartak lang bạt hết nơi này đến nơi khác, gặp gỡ nhiều người, gia nhập băng nhóm trẻ em đường phố…Bộ phim là một hành trình buồn vui, phơi bày một hiện thực xã hội ngổn ngang với nhiều mâu thuẫn, tốt xấu lẫn lộn. Trải qua bao thăng trầm và những cuộc gặp gỡ rồi lại ra đi, cuối cùng Kalashnikov cùng chú chó Spartak vẫn quyết định tiếp tục cuộc sống lang thang với đám trẻ đường phố, dù rất nhiều người tranh nhau nhận nuôi cậu bé sau chiến công lẫy lừng của Spartak. Một lựa chọn bất ngờ nhưng dễ hiểu: cậu bé không tìm thấy tình yêu thương từ những người lớn ấy, cậu chỉ có chú chó và những đứa trẻ lang thang cùng cảnh ngộ là bạn mà thôi! Bộ phim là lời nhắc nhở những người lớn trong xã hội hãy quan tâm và dành tình yêu thương thực sự cho những đứa trẻ mồ côi, lang thang không nơi nương tựa.

Bốn bộ phim trên đã cho thấy sự chuyển mình của một nền điện ảnh giàu truyền thống sang một giai đoạn mới hiện đại hơn và bắt kịp với những vấn đề thời đại. Hi vọng rằng trong tương lai không xa, điện ảnh Nga sẽ lại trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam, không chỉ qua những kỳ liên hoan phim mà là chính thức trình chiếu thương mại trong các rạp chiếu lớn.

Photos by

http://www.vnciem.gov.vn/home/detail.php?iCat=25&iData=5581&module=news&page=20

http://2sao.vietnamnet.vn/p1005c1026n20091020211015937/xem-phim-nga-mien-phi.vnn

http://www.thegioidienanh.vn/20091020024458538p0c136/m227n-nh227n-voi-tuan-phim-nga-tai-viet-nam.htm

http://www.kinoglaz.fr/u_fiche_film.php?num=3517

~ by petit3lf on April 11, 2010.

Leave a comment