Âm nhạc, nhịp điệu

by Đỗ Huệ

Là một trong những nghệ sĩ sớm đạt được thành công lớn khi theo đuổi dòng phim nghệ thuật tác giả, Wong Kar Wai (Vương Gia Vệ) là cái tên được nhắc nhiều không chỉ trong giới làm phim Trung Quốc, ông được thế giới biết đến với tư cách đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất.

Phim của Wong Kar Wai gây ấn tượng tác động mạnh tới khán giả bởi yếu tố dòng tâm lý nhân vật chứ không phải nằm ở trong kết cấu truyện hay tình huống. Cũng có thể xem như một thể loại phim tâm lý đặc biệt tuân theo dòng chảy cảm xúc nhân vật. Có thể thấy rõ qua bộ ba phim nghệ thuật liền mạch: A Phi Chính Truyện ( Days of Being Wild hay The True Story of Ah Fei – 1991), Tâm Trạng Khi Yêu ( In the Mood for Love – 2000), 2046 ( 2004).

Cuộc sống được khắc họa trong chuỗi ba phim này được làm khá liền mạch nhau với những nhân vật đi liền từ phim này sang phim khác, vẫn là họ, vẫn nối tiếp cuộc đời họ và các nhân vật đều gặp gỡ nhau dường như một mô típ khá khó phá vỡ. Hiện thực cuộc sống xã hội Trung Quốc dù ở Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao, Đại Lục hay chỉ trong cộng đồng người Hoa lưu vong ở Philipin, Malai thì vẫn là không khí đó: Wong Kar Wai tập trung khai thác về đời sống của tầng lớp trung lưu, những viên chức, gái nhảy, cảnh sát, nhân viên bán hàng, quản lý, song bạc, gái điếm,… giữa hiện thực khó khăn nhưng không thực sự khắc nghiệt, việc con người tìm đến với nhau cũng như một lẽ tự nhiên và ra đi cũng không có gì đặc biệt.

Trong A Phi Chính Truyện, nhân vật chính là Húc Tử thì kết thúc chuỗi ba phim này là hình ảnh của Chu Mộ Văn một lần nữa như một sự lặp lại của Húc Tử. Về tiểu sử xuất thân cũng như đời sống cá nhân của họ không hề giống nhau nhưng đều gặp nhau ở những tổn thương tâm lý trong quá khứ về phụ nữ nên thái độ của họ ở hiện tại không có sự gắn bó, không để bị ràng buộc với bất kì một ai, một đời sống tự do và phóng túng. Họ không ngần ngại làm tổn thương và rũ bỏ những người đàn bà đến thực lòng với mình. Nhưng tất cả đều có nguyên do của nó. Húc Tử được nuôi nấng bởi một gái điếm, trong mối quan hệ của anh với mẹ tồn tại một sự oán hận và cả thương xót “ mọi chuyện những tưởng đã có thể hoàn hảo, nếu như mẹ không nói ra điều đó, mẹ chỉ nói một ít rồi lại giấu đi phần còn lại” khi bà cho biết không phải là mẹ ruột của anh và anh lại là kẻ bị cha mẹ ruột rũ bỏ. Không có một công việc cụ thể, không phải lo lắng về mưu sinh, với những kinh nghiệm bản thân, anh ta dễ dàng chinh phục những người phụ nữ, nhưng không ai đủ sức giữ chân anh lại, cuộc sống của anh là đi từ người đàn bà này sang người đàn bà khác, dù hiền lành nhu mì, trong sáng hay dữ dội, ghen tuông, ghê gớm thì tất cả đều quay trở lại với con số không. Những tổn thương về sự bỏ rơi dường như là một sự ám ảnh trong tâm lý anh ta, anh không chủ định đến rồi lại bỏ rơi những người khác đến với mình nhưng không có gì có thể xóa nhòa cái mặc cảm ấy để có thẻ giữ anh lại với một cuộc sống, một cuộc tình, một người đàn bà ổn định. Khi làm bộ phim này, Wong Kar Wai đã đặt cho nhân vật cái tên “ A Phi” giống như một lời giải thích cho nhân vật: sự thật đằng sau cuộc sống của một anh chàng trác tang, ăn chơi. Kết thúc A Phi lại là sự nối tiếp của Chu Mộ Văn. Và kết thúc của Chu Mộ Văn cũng là một điểm lửng không thấy phía sau, mịt mờ giống như cái kết mà A Phi đã để lại trong lòng khán giả. Liệu cái gì sẽ tiếp diễn ở phía sau, liệu còn một A Phi, một Chu Mộ Văn nào khác nữa sẽ tiếp diễn nhau trong đời?

Trái với  Húc Tử của “A Phi Chính Truyện”, nhân vật nhà văn, nhà báo Chu Mộ Văn xuất hiện qua hai tác phẩm tiếp theo xâu chuỗi như hai giai đoạn của cuộc đời anh, với vai trò kết thúc câu chuyện của Húc Tử và gợi mở cho những câu chuyện còn chưa xuất hiện. Qua nhân vật này, các nhân vật xung quanh cuộc đời A Phi vẫn tiếp tục được tái hiện: Tô Lệ Chân, Lu Lu, Lưu Đức Hoa,… và thêm rất nhiều những “bản sao” thất bại và tổn thương trong tình cảm: Mèo đen ( cũng là Tô Lệ Trân)  Bạch Linh, hai cô gái nhà họ Hoàng,… Chu Mộ Văn đến với khán giả ngay khi câu chuyện của A Phi kết thúc với những hình ảnh về một anh chàng chải chuốt như một sự gợi mở nối tiếp của một A Phi, cũng là sự báo hiệu cho việc phát triển mô típ “play boy” với những nạn nhân không thể chống đỡ. “Tâm Trạng Khi Yêu” là một giai đoạn chuyển tiếp từ “A Phi Chính Truyện” sang “2046” để biến Chu Mộ Văn thành một A Phi thứ hai. Cả hai nhân vật này đều không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình, hay nói chính xác hơn là đã mất đi ý nghĩa.

Đến với những người phụ nữ khác nhau, nhưng không cho phép ai “mượn” mình, không cho phép ai ràng buộc mình như một cách họ tự vệ không để cho những tổn thương tiếp tục tái hiện trong cuộc đời. “Tâm Trạng Khi Yêu” cũng là một lời giải thích cho sự trống rỗng và phù phiếm của Chu Mộ Văn với khán giả như cái cách mà  Wong Kar Wai đã bảo vệ cho nhân vật Húc Tử của mình. Những con người hoàn toàn cô độc nhưng lại không đủ mạnh mẽ một mình, cũng như không đủ mạnh mẽ để có thể thay đổi cuộc sống của mình. Tất cả các nhân vật, đều thiếu đi động cơ và mục đích đối với chính cuộc đời mình, và cái vòng luẩn quẩn không lối thoát, không niềm vui và đầy những mất mát ấy lại trở về làm chính cuộc đời.

Về mô típ các nhân vật nữ trong bộ ba phim này: dù xuất thân trong hoàn cảnh nào, nghề nghiệp, tuổi tác, tính cách,… thì cũng đều là một sự lặp lại của nguyên mẫu thất bại trong tình yêu. Họ là những người phụ nữ xinh đẹp và có tình yêu mãnh liệt. Họ đều bị bỏ rơi và sau đó rơi vào một trạng thái “ ưu sầu”, tệ liệt về cảm xúc. Cũng như các nhân vật nam- kẻ bỏ rơi thì chính họ, phản xạ tự vệ trước nỗi đau khiến họ biến đổi theo những cách khác nhau: người chìm đắm trong trạng thái trống rỗng, bất lực, chán nản và thui chột: Lệ Chân, Bạch Linh,… mức độ bị tổn thương của họ có lúc dường như không cách nào có thể vực dậy, chìm đắm trong khoảng u tối của tuyệt vọng, khép cửa lòng mình với những cơ hội: Mèo đen Tô Lệ Chân không đủ niềm tin để có thể đi theo Mộ Văn khi anh đề nghị cùng với anh đến một nơi khác để thay đổi cuộc sống của chính họ, người thì vẫn tiếp tục của những thất bại nhưng không cam chịu thất bại cho tới chết: Lu Lu… những người phụ nữ yêu và yêu đến mãnh liệt. Cho dù ngay ban đầu họ đã chấp nhận một mối quan hệ nhạt nhòa không rang buộc và biết chắc có một cái kết thúc chờ sẵn thì đến khi đối mặt với sự tan vỡ đó cũng đều là một khủng hoảng lớn trong cuộc đời.

Mối quan hệ giữa con người và con người trong một xã hội có những biến động, không phải chiến tranh, không súng ống và chết chóc nhưng xã hội thị trường với sự trao đổi hàng hóa dường như cũng tác động mạnh tới tâm lý con người. Ý nghĩa cuộc sống không còn đủ mạnh để gợi lên những ham muốn gắn bó, sự chán nản và ưu sầu, không động lực và không thực sự ham muốn. Đây là thực tế xã hội Trung Hoa những thập niên trước. Đó cũng là một đề tài phổ biến của Hậu hiện đại, con người Hậu hiện đại, khai thác những tổn thương tiềm thức và lý giải nó bằng dòng suy tưởng, cảm xúc , gợi lên sự đồng cảm và  những phán đoán mịt mờ về tương lai của nhân vật. Con người là những nguyên  mẫu “lang thang” ngay chính cuộc đời mình, không ổn định và bơ vơ không lối thoát, chỉ có thể tìm kiếm thấy hạnh phúc trong những giấc mơ không thực như trong thế giới của những chuyến tàu đến năm 2046. Nhưng cho dù là giấc mơ của sự sáng tạo thì sau cùng con người vẫn phải chấp nhận “ không thể nào vượt qua thời gian” và dù có chạy trốn sang một thế giới khác thì không phải lúc nào tình yêu cũng được đền đáp một cách như ý. Đó vẫn là một thế giới hiện thực được che giấu và bao bọc, nó chỉ có thể an ủi con người trong một khoảng thời gian nhất định, là nơi lưu trú tạm thời, sau đó họ phải trở về sống nốt cuộc đời đang dở của mình. Cho dù cuộc đời đó không thực sự có ý nghĩa.

Trong phim của Vương Gia Vệ , đặc biệt với bộ ba phim nghệ thuật đầu tay này của ông, xã hội mà ông tái hiện chính là cái xã hội với đầy những vấn đề những mất mát và ẩn ức chìm sâu đằng sau cái vẻ phù phiếm của ăn chơi và những mối quan hệ qua đường- những mối quan hệ dường như chỉ là sự trao đổi, không phải trao đổi vật chất mà chỉ để không bị lãng quên và được gần gũi nhau lại một chút. Con người che đậy bản chất của mình trong sự tàn nhẫn, sự hời hợt và cả sự gục ngã. Khán giả tiếp cận, theo dõi, mất lòng tin và đau đớn theo cuộc đời nhân vật. Nhưng đến tận cùng, niềm tin được cứu rỗi bằng một chút ánh sáng lóe lên, dù rất mong manh:

“ Anh có nhớ lúc ba giờ chiều ngày 16 tháng tư  năm ngoái, anh làm gì?

–    Tại sao anh hỏi câu này

–    Tôi có một người bạn thường kiểm tra trí nhớ của tôi. Người ấy hỏi tôi đã làm gì trong ngày đó. Tôi đã quên mất rồi. còn anh thì sao?

–    Cô ấy nói với anh?

–    Tôi nghĩ có thể anh đã quên

–    Tôi có thể nhớ điều nên nhớ”

( A Phi Chính Truyện)

Cho dù mối tình cảm có hời hợt đến đâu, cho dù biểu hiện phũ phàng đến đâu thì nhân vật không thể phủ nhận và ở một mức độ nào đó đều để lại những ấn tượng trân trọng con người từng gắn bó. Với chút niềm tin này, dường như những lỗi lầm của nhân vật đều được cảm thông và có thể tha thứ.

Hầu hết các phim của Wong Kar Wai đều có một tiết tấu chậm và tính nhạc điệu rất cao. Điều này lý giải cho yếu tố tâm lý dẫn chuyện của phim. Điều quan trọng không phải là sự kiện, không phải là câu chuyện mà là những tình cảm, những lô gic tình cảm đã đẩy các nhân vật đi từ điểm này tới điểm khác, từ sự đổi thay này đến đổi thay khác. Tâm lý cũng có thể lý giải cho những hành động nhân vật thực hiện, lý giải cho các mối quan hệ. Phim “tâm trạng khi yêu” đặc biệt chậm với sự lặp đi lặp lại những sự gặp gỡ, trò chuyện, chối từ và phủ định giữa hai nhân vật Lệ Chân và Mộ Văn. Các hình ảnh mang tính biểu tượng được khai thác triệt để: Bước chân, mưa, đường phố vắng,… những tông màu trầm, buồn và tối cùng âm nhạc nặng về tính cổ điển và lãng mạn đã tạo nên những khoảng ngưng cảm xúc cao, điều này tạo nên sự dồn nén và tích lũy cho việc “nổ tung” ở những cái kết cuối phim một cách hợp lý nhất.

Những tác phẩm của Wong Kar Wai luôn có sự thống nhất trong việc khai thác nhân vật, đề tài cũng như sự nhất quán trong các yếu tố kĩ thuật: âm nhạc, khuôn hình, bối cảnh, màu sắc,… tạo nên sự hấp dẫn riêng mà chỉ có ông mới có. Bộ ba phim “ A Phi Chính Truyện” “ Tâm Trạng Khi Yêu” và “2046” mở đầu và đã định hình ổn định cho phong cách làm phim nghệ thuật đầy xúc cảm của ông. Với những chiến thắng ở các liên hoan phim và các giải thưởng điện ảnh như Canes, César  … là một sự khẳng định cho thành công và tài năng của nhà làm phim này.

Photos by:

http://www.wkw.freeuk.com

~ by dohue on May 28, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: