Phim hoạt hình nào sẽ chiến thắng?

By Minh Thương – Đỗ Hòa – Hải Quang

Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký trong danh sách 15 phim tranh giải, Toy Story 3, The IllusionistHow To Train Your Dragon đã lọt vào danh sách đề cử cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất. Cùng nhìn lại 3 tác phẩm điện ảnh này trước ngày công bố bộ phim chiến thắng của giải thưởng danh giá nhất hành tinh Oscar.

1. Toy Story 3 – kỳ quan thứ 11 của Pixar

Là phần phim tiếp nối câu chuyện về đồ chơi nổi danh thế giới, Toy Story 3 đã thu về hơn 920 triệu USD sau khi ra mắt và đã hoành tráng vượt qua Shrek 2 để trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Toy Story 3 là câu chuyện phiêu lưu của lũ đồ chơi, sau khi cậu bé Andy ngày nào đã lớn lên và chuẩn bị đi học đại học. Do sự hiểu lầm rằng Andy không cần đến mình nữa, Woody, Buzz và những người bạn đồ chơi đã rời khỏi ngôi nhà và có cuộc phiêu lưu vĩ đại đến một vườn trẻ. Bị hành hạ bởi các cô cậu bé nghịch ngợm ở đây, những đồ chơi của Andy đã cùng những đồ chơi ở vườn trẻ: búp bê Barbie, chú gấu bông màu hồng,… cùng nhau đào tẩu.

Toy Story 3 trước hết hấp dẫn người xem bởi những hình ảnh rực rỡ, đầy màu sắc trẻ thơ được 3D hóa, khiến tất cả trở nên sống động y như thật. Tạo hình nhân vật cực đáng yêu, lời thoại hóm hỉnh và những chi tiết hài hước cũng là những điểm cộng cho bộ phim này. Song yếu tố cuốn hút nhất của Toy Story 3 không phải ở hiệu ứng hình ảnh hiện đại mà ở những ý nghĩa ngầm ẩn sâu sắc. Đây có thể được xem là “truyền thống” của Pixar, khi những bộ phim hoạt hình tiêu biểu của họ như Finding Nemo, Wall – E,… đều là những câu chuyện cảm động lòng người. Toy Story 3 cũng không là ngoại lệ khi đã chạm tới cảm xúc sâu thẳm nhất của con người về thế giới tuổi thơ tươi đẹp và trong trẻo, gắn liền với những đồ vật đồ chơi cực kì gần gũi.

Với những yếu tố đó, Toy Story 3 đang được xem là ứng cử viên nặng kí nhất cho danh hiệu Phim hoạt hình hay nhất của Oscar lần thứ 83.

2. The Illusionist – câu chuyện buồn lãng mạn

The Illusionist (tiếng Pháp: L’Illusionniste) là một bộ phim hoạt hình 2010 của đạo diễn Sylvain Chomet. Bộ phim được dựa trên kịch bản của diễn  viên người Pháp – Jacques Tati năm 1956. Bộ phim hoàn toàn thất bại về mặt doanh thu khi được sản xuất với ngân sách 17 triệu USD và thu về chỉ có hơn 3 triệu USD. Song về mặt nghệ thuật thì The Illusionist thật đáng tự hào với đề cử tại Giải thưởng điện ảnh Châu Âu và xuất sắc vượt qua 14 bộ phim nặng kí khác để lọt vào danh sách đề cử cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất của giải Oscar.

Câu chuyện trong The Illusionist diễn ra ở những địa danh nổi tiếng trên thế giới như Paris, London, Scotland và chủ yếu ở Edinburgh – thủ đô của Scotland. The Illusionist kể về một ảo thuật gia buộc phải biểu diễn những trò ảo thuật của mình tại các quán bar, quán café nhỏ hay trong các tầng hầm để kiếm sống, khi mà nhà hát và các địa điểm hoạt động lớn đã bị các ban nhạc rock hay các ca sĩ nhạc pop thống trị. Một ngày, khi ông thực hiện trò ảo thuật của mình tại một quán rượu Scotland nhỏ nằm trên một hòn đảo xa xôi, ông đã bị cuốn hút bởi cô gái trẻ đẹp Alice. Ngược lại, Alice cũng bị nhà ảo thuật hấp dẫn khi cô tin rằng ông thật sự sở hữu những quyền hạn siêu nhiên. Alice đã đồng ý đi theo nhà ảo thuật gia, tin tưởng và cổ vũ ông một cách nhiệt thành, mang lại cho ông những mơ mộng đã mất, cho đến một ngày cô gái phát hiện ra ông thật sự không có quyền hạn đó…

The Illusionist thiên về bi kịch u sầu với những hình ảnh tinh tế nhẹ nhàng, với một cốt truyện tưởng chừng như đơn giản song lại để lại những cảm xúc sâu lắng. The Illusionist còn được đánh giá là rất đẹp, bởi những khung cảnh quen thuộc của Edinburgh được tái hiện lại một cách mới lạ trong phim. Cuối cùng, bộ phim như một lời chứng minh rằng, ngay cả trong bóng tối thẳm sâu của Edinburgh, phép thuật vẫn có thể tồn tại một cách diệu kì.

3. How To Train Your Dragon – thế giới của thần thoại

Là bộ phim thứ 3 trong danh sách đề cử Phim hoạt hình hay nhất của Oscar 83, How To Train Your Dragon là câu chuyện thần thoại về một cậu bé người Viking còm nhom nhưng thông minh đã cố gắng thuyết phục cả bộ tộc mình rằng giết rồng là việc không cần thiết. Giống như Toy story 3, How To Train Your Dragon ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc trong câu chuyện trẻ thơ, vì thế, nó đã cuốn hút ngay cả những khán giả lớn tuổi. Và cũng như Toy Story 3, How To Train Your Dragon ngay từ đầu đã được sản xuất theo công nghệ 3D (chứ không phải từ 2D chuyển sang 3D) nhằm mang lại cho người xem những ấn tượng thị giác cao nhất. Trí tưởng tượng phong phú của các nhà làm phim đã đem tới cho khán giả “bữa tiệc hình ảnh” khi trong phim xuất hiện vô số những loài rồng ngộ nghĩnh và dễ thương.

Tổng doanh thu sau 31 ngày ra rạp của  How To Train Your Dragon là 178 triệu USD. Bộ phim cũng có nhiều khả năng đoạt Oscar khi trên các trang web điện ảnh uy tín, điểm số khán giả yêu thích mà bộ phim dành được là rất cao. Nếu như Pixar thiên về các bộ phim nhẹ nhàng, giàu ý nghĩa thì phim của DreamWorks lại hài hước và dường như dữ dội hơn. Shrek, Chicken Run,… là những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu của DreamWorks. Hãng phim này cũng là chủ nhân đầu tiên của giải Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất bắt đầu được trao từ năm 2002 cho siêu phẩm Shrek. Và trong kỳ Oscar năm nay, How To Train Your Dragon cũng được xem là đối thủ khá mạnh của Toy Story 3.

(Nguồn ảnh: Dreamworks)


~ by hoangthuongvn on March 22, 2011.

Leave a comment