Độc đáo Bonnie And Clyde
by Dạ Vũ
Tác phẩm “Bonnie và Clyde” (1967) của đạo diễn Arthur Penn có một phong cách rất độc đáo, ảnh hưởng đến nhiều bộ phim gangster sau này. Đó là sự pha trộn hài hòa giữa bạo lực và cái đẹp, sự đan xen hợp lý giữa chất hài và bi…
Xoay quanh sự ra đời của bộ phim
Trước bộ phim này đã có ít nhất 3 bộ phim khác làm về hai nhân vật có thật Bonnie và Clyde ( You Only Live Once- 1937; They Live By Night- 1949; The Bonnie Parker Story- 1958), nhưng “Bonnie & Clyde” vẫn là tác phẩm điện ảnh được biết đến nhiều nhất. Vào năm 1967- năm bộ phim ra đời, việc làm phim ở Hollywood tuy vẫn chịu sự kiểm soát của một ban kiểm duyệt nhưng điều đó ngày càng mờ nhạt và gần như bị bỏ qua. Một trong những nguyên tắc kiểm duyệt là tội ác phải bị tiêu diệt ở cuối phim, nhưng trong bộ phim này, dù những tội phạm bị giết nhưng khán giả không muốn điều đó vì họ quá đẹp và hấp dẫn! Bộ phim này đã tạo nên một “trào lưu” ở Hollywood sau này là nhiều bộ phim làm về những kẻ phạm tội nhưng lại được khán giả yêu mến như những người anh hùng, những nhân vật tội phạm trở thành hình tượng đẹp còn những người thực thi pháp luật lại trở nên xấu xa.
Khi “Bonnie & Clyde” ra đời, hầu hết các nhà phê bình đều ghét bộ phim, cho rằng nó ca ngợi hình ảnh gangster, rằng nó quá bạo lực và chỉ mang tính gây cười bằng ngoại hình. Tờ New York Time viết: “ Đấy là một sự gây cười rẻ tiền, thật ngớ ngẩn và ngu ngốc!”. Các nhà phê bình phàn nàn về phong cách có vẻ không nhất quán của bộ phim. Tạp chí Variety phê phán: “Bộ phim có sự thiếu thống nhất về phong cách”. Nhưng nhà sản xuất Warren Beatty ( kiêm diễn viên đóng vai Clyde) đã thuyết phục được hãng Warner Bros về giá trị của bộ phim. Sau đó, nhiều người đến xem bộ phim hơn, các nhà phê bình cũng viết những bài phê bình tích cực hơn trên tạp chí Time, Newsweek…Các nhà phê bình thay đổi ý kiến, cho đây là bộ phim rất độc đáo và đáng xem!
Sự pha trộn phong cách Hài và Bi
Có thể nói, “Bonnie & Clyde” không có một tông chủ đạo mà luôn thay đối, đan xen giữa ranh giới hài hước và bi kịch, căng thẳng. Sự pha trộn ấy đã nằm ngay trong câu logline quảng cáo phim: “They’re young- They’re in love- And they kill people”.
Bộ phim kéo người xem vào những hành động tội phạm nhưng lại tạo cảm giác như đang trong một trò chơi, rồi đột ngột lại cảm thấy nghiêm trọng. Chẳng hạn như trong vụ cướp nhà băng đầu tiên của Bonnie và Clyde, ban đầu là cảm giác vui vẻ, phấn khích được tạo nên bởi âm nhạc, hành động, tiết tấu dựng… nhưng khi nhân vật Clyde nói: “Dừng lại!” thì tất cả bỗng nhiên thay đổi, trở nên căng thẳng, có vấn đề. Việc thay đổi tông phim từ hài hước sang nghiêm trọng làm cho người xem cảm thấy sốc nhưng cũng thấy rất thú vị. Đó chính là cảm giác đặc trưng khi xem các phim gangster mà thủ phạm lại đột nhiên trở thành anh hùng. Những nhà làm phim bằng nhiều thủ pháp đã làm cho người xem như bị đặt ra ngoài bộ phim, chỉ như người ngoài cuộc, từ đó kiểm soát quan điểm đạo đức của khán giả rằng gangster là tốt hay xấu. Các nhà làm phim cố tình pha trộn phong cách để tạo ấn tượng cho người xem như những cảnh tội phạm đấu súng với cảnh sát, đoạn nhân vật Blanch sợ hãi chạy hét ầm ĩ… Việc đưa những yếu tố hài kịch vào những cảnh căng thẳng càng tạo hiệu quả kịch tính hơn. Những yếu tố hài hước ngày càng giảm bớt ở cuối phim nhưng việc pha trộn phong cách vẫn tiếp diễn xuyên suốt bộ phim. Bởi vậy về tổng thể ta vẫn thấy bộ phim có sự hòa hợp, nhất quán về phong cách.
Vẻ đẹp của bạo lực
Một điểm độc đáo nữa của “Bonnie & Clyde” là các cảnh về bạo lực trong bộ phim không tạo cảm giác ghê sợ mà lại rất đẹp. Tập trung rõ nét nhất là cảnh cuối phim về cái chết đẫm máu của Bonnie và Clyde- rất bạo lực nhưng được thể hiện một cách rất đẹp và trữ tình. Trong cảnh này các nhà làm phim sử dụng đến 4 máy quay- một điều rất hiếm, thể hiện nhiều góc độ khác nhau, tạo nên hiệu quả thị giác đặc biệt. Góc máy thay đổi nhanh, liên tục, giúp người xem quan sát được nhiều góc độ của cùng một cảnh. Những cảnh bắn súng được quay chậm, nhấn mạnh tạo cảm giác như một vũ điệu bạo liệt, kỳ lạ. Một điểm lạ nữa là những cảnh slow-motion đó lại diễn ra sau khi hai nhân vật đã bị bắn, những người khác chầm chậm đi tới nhìn hai cái xác, như thể một khoảng lặng- một dấu chấm hết sau một bản hòa tấu. Bộ phim bị cắt, hết phim rất đột ngột. Do đó cảnh Bonnie và Clyde bị bắn tuy được làm chậm gây cảm giác dài nhưng lại vừa ngắn vì bị cắt đột ngột làm người xem cảm giác như phải có thêm một cái gì đó chuẩn bị cho sự kết thúc bộ phim. Nhưng trong cảnh này, khi nhân vật cảnh sát lấy hơi và chuẩn bị thở ra thì bộ phim kết thúc luôn! Đó là cái kết không bình thường so với các phim khác của Hollywood- thường kết thúc khi mọi chuyện đã được giải quyết. Khán giả có cảm giác câu chuyện đã hết nhưng bộ phim chưa hết. Có lẽ đó cũng chính là một nét độc đáo, khó quên của “Bonnie & Clyde” trong lòng khán giả.
Photos by itpworld.wordpress.com; watchful.wordpress.com; bluemoviereviews.wordpress.com; midnightcafe.wordpress.com; www.tv.com