Chuyện phịa kiểu Tarantino

by Hồng Ánh

Ra mắt tháng 8/2009, bộ phim “Inglourious Basterds” (tạm dịch: “Đội quân trứ danh”) của Quentin Tarantino ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cả giới chuyên môn lẫn đông đảo khán giả. Hài hước, giễu cợt sâu cay, đầy rẫy bạo lực và hoàn toàn bịa đặt, không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là một siêu phẩm “tưng tửng” đóng mác tay “đạo diễn gangster” Tarantino 100%.

Lấy bối cảnh nước Pháp những năm 1940, bộ phim bao gồm 3 tuyến truyện. Tuyến truyện thứ nhất kể về hành trình của một nhóm lính Mĩ gốc Do Thái đến Paris với nhiệm vụ tiêu diệt lính Đức đang chiếm đóng tại đây. Dưới sự chỉ huy của “tù trưởng côn đồ” Raldo Raine, nhóm lính bao gồm những tay “anh chị” khét tiếng này chủ trương giết được càng nhiều lính Đức, giết càng dã man càng tốt, nhằm gây hoang mang lo sợ trong quân Đức. Tuyến truyện thứ hai kể về cô gái Do Thái Shosanna với mối thù cả gia đình bị phát xít tàn sát. Tuyến truyện thứ ba là tay “thợ săn Do Thái” Hans Landa mới được điều từ Áo về Pháp với nhiệm vụ săn đến người Do Thái cuối cùng. Cả ba tuyến truyện này được trình bày lần lượt qua các chương như các câu chuyện độc lập, để rồi cùng hội tụ lại ở chương cuối cùng: “Sự trả thù của gương mặt vĩ đại”.

Mối thù của Shosana – một trong các tuyến truyện chính

Mặc dù được làm lại từ bộ phim “The Inglorious Bastards” (1978) của đạo diễn người Ý Enzo Castellari, “Inglourious Basterds” mang đậm phong cách phóng túng độc đáo của Tarantino. Bộ phim được mở ra bằng lời dẫn “Ngày xửa ngày xưa ở một miền quê nước Pháp…” giống như trong truyện cổ tích, báo hiệu tính hư cấu của câu chuyện sắp được kể. Hiện thực, vì vậy, được nhìn qua lăng kính giễu nhại và cường điệu. Tarantino còn không ngừng “nhắc vở” cho khán giả nhớ rằng đây là một câu chuyện phịa: trong suốt bộ phim, không ít lần mạch kể bị ngắt đột ngột để chèn các phần “tư liệu” về nhân vật vào, và các dòng chỉ dẫn về tên tuổi, chức vụ của nhân vật xuất hiện với mật độ dày đặc. Điều này khiến cho người xem y’ thức được rằng những điều đang xảy ra trong phim không phải là một hiện thực được tái hiện chân thực, hay nói cách khác, đó là một hiện thực được nhìn qua lăng kính bịa đặt.

Phong cách phim kiểu Tarantino thể hiện đậm đặc trong cách sử dụng âm nhạc và xử lí tình huống. Bộ phim được mở đầu như một câu chuyện cổ tích: một làng quê thanh bình với những triền cỏ trải dài, một ngôi nhà nhỏ với người cha và ba cô con gái xinh đẹp… và tất cả những điều này được thể hiện trên nền nhạc tươi sáng, trong trẻo. Sự đối lập giữa vẻ ngoài yên ổn, đẹp đẽ đó và hiện thực khốc liệt bên trong (sự xuất hiện của viên “thợ săn Do Thái” Hans Landa, kéo theo một chuỗi thảm kịch) khiến cho bộ phim hai lần giễu nhại: một mặt, nó là sự giễu nhại hiện thực, mặt khác, nó lại là sự giễu nhại cổ tích.

Cảnh hành động trong phim đầy bạo lực

Thủ pháp đối lập càng được thể hiện rõ trong việc Tarantino kết hợp thoại và hành động. Giống như nhiều phim khác của ông, “Inglourious Basterds” sử dụng rất nhiều thoại, những đoạn thoại kéo dài lê thê khiến cho người xem muốn phát điên khi phải gắng sức với theo và cố hiểu chúng. Thế nhưng, ngay sau những đoạn thoại có vẻ rất nhàm tẻ này lại là những hành động cực nhanh, dứt khoát và đẫm máu. Nó khiến cho nhịp căng chùng của bộ phim trở nên khó lường, và vì vậy, những hành động trong phim khi xuất hiện đều đập thẳng vào trực giác của người xem.

Với kinh phí 70 triệu USD, “Inglourious Basterds” là bộ phim độc đáo theo đúng phong cách Tarantino. Kết hợp các yếu tố giải trí của một bộ phim thương mại và cái nhìn mỉa mai sâu cay, bộ phim khiến người xem vừa phá lên cười vì sự láu cá của tay “đạo diễn gangster”, vừa phải trầm ngâm về các lớp y’ nghĩa thâm thúy ẩn giấu trong đó. “Inglourious Basterds” xứng đáng là một trong mười bộ phim đáng xem nhất trong năm 2009.

pics by thepasswordisswordfish.files.wordpress.com, thefilmyap.com, cinemovies.fr

~ by anhvth2011 on January 16, 2010.

2 Responses to “Chuyện phịa kiểu Tarantino”

  1. again, these image sources have no rights … you need to cite the photographer or publishing company who hired her … otherwise, it looks like an interesting contextualization

  2. I’m very sorry about these pictures, Dean.

    I tried my best to find their sources but i cant. I dont know how to cite the photographer or publishing company etc. I could not find the image sources in these link…

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: