‘The Reader’ và thông điệp phim
by Dang Ha Phuong
Bài viết đã sửa chữa từ “The Reader – Chưa sẵn sàng cho một thông điệp”
Trên trang web Kenh14.vn, khi bình luận về chiến thắng của Slumdog Millinonaire, thành viên Minh Khuong đã bình luận: “Dù sao, mình vẫn thích The Reader đoạt Oscar hơn, mặc dù nếu đoạt được thật, nó sẽ gây ra tranh cãi lớn. Làm sao mà người ta có thể ủng hộ một mối tình loạn luân như thế nhỉ?”. Với tư cách một khán giả, tôi tìm cách lý giải cho câu hỏi: Vì sao The Reader không đạt được tượng Oscar cho Phim xuất sắc nhất? Và câu trả lời là: tác phẩm đình đám đã mang về cho nữ diễn viên Kate Winslet tượng vàng Oscar sau nhiều năm cố gắng này thực ra là một tác phẩm chưa đạt tới tầm của nguyên tác, ít nhất là về mặt thông điệp.
Mặc dù Bernard Schink – tác giả của cuốn tiểu thuyết tuy mỏng nhưng đầy sức ảnh hưởng trên văn đàn thế giới cho biết: “Tôi yêu điện ảnh, và muốn cuốn sách này được dựng thành phim”. Song ông cũng phải thừa nhận: “Ông ta (đạo diễn) không đưa lên phim những hình ảnh như tôi từng có trong đầu, mà chỉ lấy cuốn sách làm cơ sở cho phim của mình”.
Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi một đạo diễn có lối tư duy, hoặc kế thừa toàn bộ hoài bão, tình cảm mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm để thể hiện lại qua điện ảnh, sẽ là dễ dàng ảnh hưởng đến chức năng sáng tạo của điện ảnh. Song, nếu ai đã từng đọc kĩ tác phẩm “The Reader” sẽ thấy được: vấn đề chính của tác phẩm không nằm ở mối tình lệch lạc về tuổi tác, hay tội ác chiến tranh mà một thế hệ người Đức đã mắc phải trong Đế chế III. Qua câu chuyện làm thế nào mà một cậu bé sinh sau đế chế Nazi của Đức Quốc xã cả chục năm vẫn phải chịu trách nhiệm với lịch sử, với lòng mình, khi vướng vào tình yêu với người đàn bà hơn mình 21 tuổi; tác phẩm là thông điệp của một người Đức thuộc thế hệ sinh sau Đế chế thứ ba về gánh nặng vô hình mang tên Trách nhiệm lịch sử đó.
Sự hấp dẫn giới tính đơn thuần
Ý kiến của khán giả Minh Khuong ở trên có thể đại diện cho quan điểm của số đông khán giả (giả định đó là những người chưa đọc nguyên tác) về nội dung bộ phim này. Có lẽ là do ấn tượng quá mạnh của nhiều cảnh nóng bỏng, táo bạo được dàn dựng trong phim (vốn được đánh giá là “diễn xuất dũng cảm” của 2 diễn viên chính), song vấn đề là tận cùng của tình yêu đặc biệt này không phải là sự hấp dẫn nam nữ đơn thuần. (Tất nhiên, cũng không phải là sự sẻ chia một sở thích chung là đọc sách). Tôi cũng không phủ nhận điều quan trọng đầu tiên làm nên câu chuyện là sự thu hút giới tính giữa người đàn bà từng trải và cậu bé 15 tuổi còn tự ti và yếu đuối.
Trong phim, cảnh gợi cảm đầu tiên giữa hai người đã được lột tả khá táo bạo về mặt hình thể, diễn xuất: Michael vô tình nhìn qua khe cửa thấy Hanna đang đi tất, cô quay mình lại ngạc nhiên, để lộ toàn bộ thân dưới trần trụi. Như vậy, ngay từ ban đầu, người xem đã được mặc định trong đầu: Michael – cậu bé non nớt bị hấp dẫn bởi Hanna vì cảnh hở hang của cô. Và chỉ có vậy, không nói lên được ấn tượng quan trọng nhất. Còn trong tiểu thuyết, thao tác ấn tượng của Hanna được miêu tả tỉ mỉ từng bước một, như thể một hành động có tính thứ tự, nghiêm túc; như thể một nghi thức riêng của chính cô. Bản thân nhân vật Michael lý giải như sau: “Nhiều năm sau tôi nhận ra rằng tôi không thể rời mắt khỏi cô không vì hình dáng, mà vì tư thế và cử động của cô… Người phụ nữ ấy không lấy dáng, không làm điệu…. mà dường như cô lui vào thân thể mình, thả trôi với chính nó, và nhịp điệu riêng của nó không bị chi phối bởi mệnh lệnh nào của lý trí, quên hết thế giới xung quanh… – sự khêu gợi …là lời mời hãy quên hết thế giới xung quanh khi đã đi vào nội tâm” (*).
Michael đã nhận được rất nhiều điều trong mối quan hệ với Hanna: Không chỉ có khám phá tình dục, Michael còn tự xây dựng cho bản thân thái độ sống tự tại, tự tin trong thể thao, học tập, và quan hệ xã hội. Đổi lại, Michael cũng phải chịu nhiều đau đớn mà tình yêu này có thể đem lại cho một cậu bé 15 tuổi. Cứ mỗi lần phạm phải những nguyên tắc, luật bất thành văn mà Hanna dựng lên quanh mình là một lần nghiễm nhiên Michael phải “nhịn nhục và xin lỗi, cho đến khi cô chấp nhận tôi. Nhưng trong lòng tôi đầy căm hận”. Và cậu chỉ còn có một cách trả thù – “phản bội” vừa yếu đuối, vừa trẻ con là che giấu về Hanna với bạn bè, như một cách phủ nhận vai trò của cô trong cuộc sống của cậu.
Chính những trải nghiệm vừa ngọt ngào, vừa nặng nề, cay đắng mà chỉ Hanna với cá tính khác thường mới có thể đem lại cho cậu đã khiến cô có một chỗ đứng không thể thay đổi trong lòng Michael không chỉ suốt thời niên thiếu, mà cả trong quãng đời còn lại. Chính điều này đã khiến việc ra đi của cô trở thành một khoảng trống rỗng to lớn, khiến Michael vừa yêu – lại vừa căm thù khi việc Hanna biến mất đã gây quá nhiều mất mát.
Trong phim, ta đã thấy một sự đổi khác của Michael (do David Kross thủ vai) – hồn nhiên và vô tư lự ban đầu (khi gặp Hanna) và một Michael lịch sự, nhưng gần như dửng dưng với những tình cảm bình thường mà bạn bè theo đuổi. Đạo diễn đã cố gắng xây dựng tạo hình nhân vật đó như một lý giải về cảm giác tổn thương đến tê dại, lạnh lùng đến trống rỗng mà sự ra đi của Hanna gây ra cho cậu. Thế nhưng chính việc khai thác cốt truyện chỉ bám sâu vào sự hấp dẫn giới tính đơn thuần, những tình cảm còn lại được khai thác rất hạn chế, không dứt khoát đã thu hẹp những tầng lớp cảm xúc của nhân vật chính, phủ nhận nỗ lực của đạo diễn. Và vô tình, câu chuyện trở thành câu chuyện đơn thuần chỉ về Hanna, chứ không còn là câu chuyện cuộc đời của Michael.
Hoán đổi vai trò nhân vật chính
Bernard Schink cho rằng: “Tiểu thuyết The Reader là câu chuyện cuộc đời Michael Berg. Qua ánh hào quang của một Kate Winslet tài năng, bộ phim The Reader đã trở thành câu chuyện của Hanna”.
Quả thực, diễn xuất (và sự nổi tiếng) của Kate Winslet đã góp phần khiến cốt truyện trở thành cơn lốc sự kiện xoay quanh nhân vật của cô. Một phần khác, có lẽ là do chủ ý của đạo diễn và biên kịch trong giới hạn cảnh quay, quy mô khả dĩ mà đoàn làm phim thực hiện được. Song đáng tiếc là, sự thay đổi này đã khiến khán giả khó lòng nhận ra được thông điệp quan trọng nhất đã rung cảm trái tim hàng triệu người đọc trên thế giới: Áp lực tinh thần về chiến tranh có sức tàn phá khủng khiếp, nó khiến con người không thể sống một cuộc sống bình thường, và không thể dành cho mình một tình yêu bình thường. Đó chính là gánh nặng trách nhiệm quá khứ mà thế hệ Michael phải chịu đựng, mà Michael – với mối duyên tình kì lạ đã trực tiếp nhận nó nhiều hơn người khác mà thôi.
Lý do khác theo tôi là diễn xuất của Ralph Fiennes – đóng vai Michael trưởng thành đã để lại ấn tượng mờ nhạt nhất trong bộ ba diễn viên. Ngay từ những cảnh đầu phim, anh thể hiện một thái độ hào hứng, hồ hởi thái quá đối với người đàn bà có quan hệ với mình. Và trong nhiều cảnh khác, người ta không thấy được vẻ lãnh đạm, trống rỗng của một người bị thương. Người ta chỉ thấy các nhân vật khác (người tình, con gái, bà mẹ) khẳng định sự lạnh nhạt, bí ẩn của anh, còn bản thân Michael trưởng thành trong phim không biểu hiện được điều đó. Nỗi đau giữa một bên là hiện thực cuộc sống đòi hỏi anh phải xét đoán thế hệ cha ông đã phạm tội trong quá khứ, và một bên là tình yêu với Hanna đã được biểu hiện bằng lời thoại nhiều hơn là diễn xuất.
Và như vậy, khi vai trò nhân vật chính bị hoán đổi đã góp phần khiến bộ phim chỉ hoàn thành nhiệm vụ kể câu chuyện về tình yêu, chứ không thành công khi truyền tải lại thông điệp có ý nghĩa thực sự về một số phận của Michael Berg – đại diện cho một thế hệ người Đức. Mà về cơ bản, số phận đó gắn rất chặt với hệ quả của mối tình này.
Những ấn tượng đẹp
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận những ấn tượng tốt đẹp của bộ phim. Đó là diễn xuất khá thành công của David Kross. Đó là đoạn dựng song song thời điểm Hanna và Michael cùng chuẩn bị trước khi bước vào phiên xử án cuối cùng – thời điểm không chỉ quyết định với Hanna, mà còn đòi hỏi Michael phải có quyết định dứt khoát về tình cảm, thái độ ứng xử với tội lỗi trong quá khứ của người yêu. Tất nhiên, là cả diễn xuất của Kate Winslet – tuy còn bị giới hạn, song đã lột tả khá thành công một Hanna vừa độc đoán, vừa ngây thơ.
Song tôi vẫn hi vọng vào một phiên bản “The Reader” thành công hơn nữa. Mà trong đó, những hình ảnh đáng ra đã trở thành dấu ấn trong điện ảnh sẽ được thể hiện thành công hơn: “Một hình là Hanna xỏ tất ở trong bếp. Một hình khác là Hanna đứng trước bồn tắm và nâng chiếc khăn bông. Một hình khác nữa là Hanna đi xe đạp, váy bay tung trong gió… Hanna sung sướng, tươi tắn cười… quay mình, nhảy nhót trước gương”… Những ám ảnh đó sẽ lý giải cho người xem vì sao khi Michael gặp lại Hanna lần cuối trong nhà xác, anh thấy “trong khuôn mặt chết hiển hiện khuôn mặt sống, trong khuôn mặt già nua hiện lên khuôn mặt trẻ trung – Đó phải là cảm giác của những đôi vợ chồng già” mà trước đó anh dửng dưng, không hề nhận ra. Qua đó thấy được sức mạnh tàn phá của chiến tranh dù đã đi qua lâu chừng nào, vẫn có thể khiến một con người không có được một mối tình bình thường, một cuộc sống bình thường với người yêu dấu.
Xét về xuất phát điểm, “The Reader” (hãng sản xuất Weinstein) có được một đội ngũ làm phim thuộc dạng thượng thừa so với các ứng cử viên khác: đạo diễn Stephen Daldry (Billy Elliot, The Hours), biên kịch gia David Hare, bộ đôi diễn viên nổi tiếng Kate Winslet, Ralph Fiennes, cùng bốn nhà sản xuất Anthony Minghella (The English Patient, Cold Mountain), Sydney Pollack (Out of Africa, The Interpreter), Donna Gigliotti, Redmond Morris (**)… Bản thân nguyên tác vốn là tiểu thuyết best-seller đầu tiên của Đức trên tờ New York Times danh giá, được in tới hàng triệu bản và được dịch ra 37 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới từ 1995 đến nay.
Với một nền tảng vững chắc như vậy, giá “The Reader” có sự đào sâu khai thác về các tầng ý nghĩa của tiểu thuyết hơn nữa, sự thành công của tác phẩm sẽ không chỉ dừng lại ở vinh quang cho một cá nhân.
Hà Phương
———————————————————————————-
* : Bài viết sử dụng tài liệu từ tiểu thuyết “The Reader” của Bernhard Schlink (NXB Phụ nữ – Lê Quang dịch, nhan đề Người đọc);
** : Tham khảo thông tin từ bài viết “The Reader – Người đọc” của Cobain P (trang web Kenh14.vn đăng tải vào 00:01:00 ngày 22/02/2009)
Bạn Minh Khuong bình luận trên kênh 14 dùng từ “loạn luân” cho quan hệ của micheal và Hanna.
Loạn luân: Loạn luân là một dạng quan hệ tình dục giữa những thành viên có quan hệ ruột thịt hay họ hàng gần gũi.( Theo từ điển wiki)
Loạn luân: Có quan hệ nam nữ về xác thịt với nhau giữa những người cùng máu mủ, trái với phong tục hoặc pháp luật.( Theo từ điển tiếng Việt)
Tóm lại mình không thấy quan hệ trên là loạn luân.
dominhtu said this on April 11, 2009 at 12:44 am
Hè hè… Vầng, đúng rồi.
Rõ là bạn ấy dùng sai từ.
Còn em chỉ mún trích dẫn lại ý kiến của một khán giả, mà em cho là giống nhìu khán giả khác ở chỗ chỉ quan tâm đến mối tình này. Cái đó là do nội dung phim.
Không bít em có nên tìm xem có bạn nào dùng câu chữ chuẩn chính tả hơn hok ta? (Thực ra nếu xét về “Phong tục” của VN ta thì mối quan hệ của 2 nhân vật chính rõ là hơi bị trái khoáy roài, :P)
haphuong812 said this on April 11, 2009 at 12:48 am
Tình hình là em hok có bít post bài chuẩn font chữ, nó cứ nhấp nhô như sóng lượn thế kia… Còn ảnh post lên giữa bài thì dính tịt với chữ, border thì màu đen, em hok bít edit ảnh ở đâu thành ra phải delete. :((
haphuong812 said this on April 11, 2009 at 12:50 am
Minh da re-size lai anh.
Cach post font tieng Viet chuan va anh vao giua bai thi ban co the nho BBT Tin Van chi giup :)
maninthedark said this on April 11, 2009 at 1:08 am
Bó tay với kênh 14! Bạn này chắc ít đoc sách và xem phim, vì thế, có cái nhìn tác phẩm sai lệch, cảm nhận nghệ thuật đơn thuần là chuyện giới tính. Bản thân Người đọc tiểu thuyết thành công không chỉ đơn giản chuyện tình của ngừoi đàn bà mù chữ và cậu bé khi 15 tuổi, bối cảnh xã hội, ý nghĩa cuộc sống và cá nhân, sự khẳng định…. Những giá trị đó khong đủ cho tác phẩm thành công?
quynh12281 said this on April 11, 2009 at 5:37 am
Vầng, một vài bài điểm phim trên Kênh 14 không được chuẩn lắm.
Dưng được cái số bài phong phú, đa dạng, cách viết xì-tin nên hấp dẫn.
Còn người xem cảm nhận thế nào em nghĩ ko hẳn do ảnh hưởng từ các bài điểm phim. Cái chính là khi người ta xem phim, những ấn tượng về mối tình lệch tuổi này quá mạnh.
haphuong812 said this on April 11, 2009 at 9:33 am
ĐỂ post font tiếng việt chuẩn, Phương nen paste bài của mình vào cửa sổ lưu file có đuôi .text trước. Sau đó, dùng bản trong file này để up lên tinvan thì sẽ tránh được tình trạng bị lỗi font hơn. Kinh nghiệm của chị là như vậy.
Ngo Chuyen said this on April 11, 2009 at 10:11 am
this is a very impressive post just for its structure … i added some active links in the opening paragraphs … but the mode of comparison and the critical thinking here are excellent models for any topic … remember that active links in your posts will attract more viewers because the other sites have tracking software that will register the tinvanonline.org use … active links put the site into the flow of other sites and it will eventually show up more often in searches as a result … hope that makes sense … try making a comment on a movie blog or yxine and put the url for this post in your comment …
maximumeskimo said this on April 11, 2009 at 11:35 pm
Thanks for your reform & suggestions, teacher. :D
haphuong812 said this on April 11, 2009 at 11:47 pm
To Chuyên: Nhưng thông tin sai lệch thì mất đi cái hay, cái đích thực của bộ phim! Chị thấy mối tình này trong nghệ thuật và sáng tạo ko có gì ấn tượng đến shoc cả, mà cái chính là cách thể hiện tình yêu của 2 người, đặc biệt. Chị thì xúc động khi người đàn ông đọc truyện và thu băng, cái đó ám ảnh khugnr khiếp và ngừoi đàn bà xóa đi sự tự ti bằng cách học chữ, thời gian trong tù có lẽ là một thòi gian ý nghĩa để khẳng định tình yêu, xóa lấp đi sự tự ti kia,
quynh12281 said this on April 12, 2009 at 12:01 am
Không hiểu bạn quynh12281 đã đọc bài viết gốc về The Reader trên K14 chưa mà bảo là sai lệch nội dung , cảm nhận nghệ thuật. Bài trả lời trên của của bạn Minhkhuong, chỉ là khách vãng lai, chứ đâu có phải là của K14. Hi hi
tpdmovie said this on April 13, 2009 at 5:34 pm