Tản mạn cùng Nguyễn Huy Thiệp
by Vũ Thị Thảo
Đây không phải lần đầu tiên tôi được tiếp kiến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhưng mỗi lần gặp là một lần ngỡ ngàng ngạc nhiên. Có lẽ bởi những lần gặp trước trong không gian sân khấu lớn, nơi những buổi phỏng vấn trang trọng trong khán phòng hội họp, ở đó cái nhìn của tôi ngưỡng vọng mà xa cách. Trái lại, trong buổi gặp gỡ với các thành viên của dự án điện ảnh K4 ngày 9 tháng 12 năm 2008, tôi ngỡ ngàng bởi ở đó tôi gặp một Nguyễn Huy Thiệp bình dị, gần gũi.
Nơi không gian lớp học nho nhỏ, nhà văn thâm trầm nói về hành trình của người sáng tác, nhắn nhủ cho chúng tôi những trải nghiệm đời sống của một người đi trước chân tình mà thấm thía. Một Nguyễn Huy Thiệp với triết lí sống “sắc sắc không không” bình thản khi tiếp nhận đời sống với thăng trầm và cay đắng, nhưng không để tuột mất niềm tin yêu.
Buổi nói chuyện thân tình kéo dài tới ba tiếng rưỡi đồng hồ và chúng tôi đã phần nào hiểu hơn về con người của ông, một người mạnh mẽ sống, dũng cảm trải nghiệm, và cũng thật thâm trầm triết lý. Trong không khí của đầm ấm, tin tưởng, chúng tôi mạnh dạn trao đổi những vướng mắc của mình với nhà văn, từ câu chuyện bếp núc của người sáng tác để thấu hiểu tâm niệm của ông “Nghề viết văn phải trau dồi nội tâm và sự kiên trì quyết tâm rất cao”.
Với những người đang chập chững bước những bước đầu tiên đến với nghệ thuật thứ bẩy như tất cả các thành viên K4 chúng tôi, trao đổi với Nguyễn Huy Thiệp là một sự trải lòng với bậc tiền bối về những băn khoăn sáng tạo và con đường của người nghệ sĩ. Không có thành công nào mà không trải qua những thử thách chông gai, những thử nghiệm nghiệt ngã, có khi bị từ chối hắt hủi tới tê tái khi nó mới xuất hiện.
Thời gian với những biến động đầy bất ngờ, cùng với những trải nghiệm đời sống sâu sắc mà Nguyễn Huy Thiệp đã nói “Cứ đi chặng đường nào biết chặng đường ấy bởi bản thân cuộc sống hỗn độn vô minh, nhiều khi muốn làm ra điều gì đó phải tự vạch ra con đường để mà đi. Nước đến đâu bắc cầu đến đấy, bởi sống là tùy duyên.”
Tôi cứ băn khoăn mãi một điều, người ta đến với văn chương nghệ thuật có phải là một sự ngẫu nhiên, đơn giản là kiếp mạng đời người thế? Nguyễn Huy Thiệp nói về hành trình của ông, sau thời gian dài là thầy giáo, làm doanh nhân buôn bán, ông bén vào duyên bút mực, phải chăng là một sự tơ duyên từ tạo hóa? Hay thực ra là một chặng đường mà trên hành trình không mệt mỏi, Nguyễn Huy Thiệp đã tìm thấy chính mình? Thiết nghĩ, một cuộc đời nghệ sĩ cũng như bao cuộc đời khác nơi trần thế luôn chịu quy luật của cái ngẫu nhiên và tất nhiên, và không thể có một Nguyễn Huy Thiệp của ngày hôm nay nếu ở ông sự cố gắng kiên trì không tồn tại. Ngẫu nhiên có thể đưa tới cho ông một con đường, nhưng mồ hôi và nước mắt mới mới là yếu tố tất nhiên của sự thành công.
Ẩn sau cuộc đối thoại tản mát với vẻ dông dài là những thẳng thắn của nhiều tâm hồn. Chúng tôi được nghe những phân trần của ông về niềm yêu thích nghệ thuật sân khấu, những lần ông thử sức mang kịch bản sân khấu tới các nhà hát, những thất bại, chưa hài lòng… “Tôi rất yêu thích sân khấu, khi tôi mang kịch bản đi tôi thấy họ không hợp với tôi, tôi biết mình thất bại. Tôi biết buổi ra mắt với sân khấu thất bại, nhưng về nhà tôi vẫn viết” (Nguyễn Huy Thiệp).
Nguyễn Bính đã từng nói “Đã dây với duyên bút mực, suốt đời mang lấy cái long đong”. Có lẽ bởi tâm hồn nghệ sĩ luôn khao khát về cái mới và Nguyễn Huy Thiệp không nằm ngoài quy luật ấy. Không hài lòng với thành công ở lĩnh vực văn chương, ông còn tìm đến với sân khấu,để sống với đam mê cháy bỏng từ trong tim. Công chúng yêu nghệ thuật sân khấu sẽ được thưởng thức vở kịch “Đến bờ bên kia- Đáo bỉ ngạn” tại liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc năm 2008, được chuyển thể từ truyện ngắn “Sang sông” của Nguyễn Huy Thiệp.
Khi những thầm kín tự đáy lòng của nhà văn bộc bạch, những sinh viên chúng tôi thấy rõ một điều muôn đời nay nghệ thuật là sự kiếm tìm và vươn lên, không tồn tại một giới hạn của sự thỏa hiệp bằng lòng với những gì đã có. Và người nghệ sĩ khi sáng tác phải đặt khao khát viết về những tình cảm thật của con người, “về những ám ảnh giới tính” để con người biết họ đang tồn tại.
Chúng tôi đã tranh luận thẳng thắn những thắc mắc của mình về tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Trong triết lý “sắc sắc không không” mà Nguyễn Huy Thiệp lý giải, theo tôi, có lẽ đã thể hiện chân thật tình cảm của ông với nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật không thể đòi hỏi một sự rạch ròi kiểu công thức toán học. Nó lưỡng phân giữa hai bờ thực ảo. Ở đó con người thấy bản chất đời sống, bản chất của chính mình, và quan trọng hơn để nuôi dưỡng tâm hồn, dù biểu hiện của nó đôi khi là phản ứng gay gắt với thế giới này.
Buổi gặp gỡ kết thúc khi cả nhà văn và lớp sinh viên chúng tôi đã thấm mệt. Nhưng tất cả thành viên K4 chúng tôi đều cảm nhận một điều rõ ràng hơn về nghệ thuật, về con đường nhiều thử thách đang đợi mình phía trước. Chúng tôi cảm ơn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã truyền cho chúng tôi niềm tin trước mọi khó khăn để can đảm đi tiếp con đường của riêng mình.
~ by Thao Vu (Sabrina) on December 27, 2008.
Posted in Recent Posts, Reflections
Tags: film studies program, hanoi, k4, literary adaptation, Nguyen Huy Thiep, phim viet nam, University of Social Sciences and Humanities, vietnam cinema, Vietnamese Film, Vietnamese Literature
em ơi, chú THiệp vui lắm khi biết lớp mình có nhiều suy nghĩ và bài viết sau khi nói chuyện.
quynh12281 said this on December 27, 2008 at 11:37 pm