“L’enfant” – Khi trẻ con bước vào điện ảnh

Author: Lê Ngọc Tú

Tôi xem “L’enfant” (“Trẻ con”) hai lần. Thật cảm động. Một bộ phim thật đến nỗi tôi cứ có cảm giác như thấy mình trong đó, cảm giác như mình đang tận mắt chứng kiến những chuyện thật sự đang xảy ra trong cuộc sống thực.
“Đứa trẻ” ở đây không chỉ là Jimmy, mà gồm cả cha mẹ của thằng bé. Những đứa trẻ mới lớn, coi việc trộm cắp kiếm sống là bình thường. Chúng không cần lo nghĩ nhiều mà chỉ sống trong hiện tại. Ngay việc bán con đẻ của mình lấy tiền cũng được Bruno xem là bình thường. “Rồi chúng ta sẽ lại có đứa khác.”- cậu giải thích cho hành động của mình đơn giản vậy. Người mẹ của Bruno, khi cậu đến nhờ giúp đỡ thì bà chỉ ậm ừ cho qua chuyện, cũng không cho cậu vào nhà. Xã hội hiện đại, hình như nhiều giá trị cuộc sống không còn được coi trọng, tình mẹ con, tình cha con, tình yêu. Ngay khi bán chiếc xe nôi được 65 Euro, Bruno đã định bỏ ra 50Euro để chơi trò chơi may rủi. Cho tới khi Steve bị bắt, có lẽ Bruno cũng vẫn không hiểu những việc mình đang làm là để làm gì, và tại sao mọi thứ lại diễn ra như thế. Để cuối cùng khi Sonia đến thăm trong tù, Bruno đã bật khóc nức nở, khóc như một đứa trẻ không hiểu vì sao mình bị phạt. Sonia người lớn hơn một chút, cũng bật khóc, như thấy mình có lỗi.

Hai đạo diễn Jean Pierre và Luc Dardenne đã để cho trong con người Bruno vẫn luôn có cái bản năng thiện của con người, để nó vẫn luôn cần một tổ ấm, vẫn lần tìm về căn nhà có Sonia và Jimmy là những người thân yêu nhất, khi đói cũng như khi sợ hãi. Rồi sau cùng, đứa trẻ bên trong con người tên trộm ấy, lại quyết định đi đầu thú để cứu bạn. Thì xem ra giá trị cuộc sống cũng vẫn còn trong một con người xấu, một đứa trẻ thì nhiều khi không biết là mình đang làm việc xấu. Nó làm những việc nó thích, để rồi khi phải trả giá thì không hiểu tại sao lại thế. Xã hội dường như quá lớn đối với nó. Tuy trong con người những đứa trẻ như vậy, vẫn có những điểm sáng của lòng tốt, lòng tự trọng hay tình thương, nhưng dường như là không đủ để cứu được cuộc đời của chúng.

Bruno và Sonia, hai cô cậu thanh niên mới lớn. Họ sống một cách hồn nhiên như lứa tuổi, sinh hoạt, yêu, vui đùa, có con. Bruno trộm cắp để kiếm tiền thuê lại ngôi nhà bị đòi vì không đóng tiền đúng hạn. Sonia ngồi chờ Bruno chia chác với hai đứa trẻ đồng bọn bên bờ sông. Bruno bán Jimmy – con của anh ta với Sonia. Sonia choáng váng vì chuyện đó phải vào viện – bản năng người mẹ thật luôn mạnh mẽ, dù là bên trong một đứa trẻ mới lớn. Bruno lấy lại Jimmy cho Sonia. Sonia không tha thứ cho Bruno. Bruno lâm vào cảnh khốn cùng, không có tiền ăn, bị đánh đập ép phải đi ăn cắp trả nợ. Bruno đến đồn cảnh sát tự thú để cứu Steve – cậu bé đồng bọn nhỏ tuổi hơn. Sonia vào thăm và cả hai ôm nhau khóc.

Mọi thứ diễn ra trên màn ảnh bằng một cách chân thực nhất. Máy quay theo sát nhân vật. Nhân vật hoạt động tự do, dường như không bị gò ép bởi kịch bản hay chỉ đạo diễn xuất. Ánh sáng tự nhiên với các cảnh quay phần lớn là ngoại cảnh. Thoại ngắn, không có âm nhạc làm nền hay tạo cảm giác cho người xem. Có lẽ đạo diễn muốn để cho khán giả có những cảm nhận thực nhất, máy quay ở đây chỉ để ghi lại các sự việc đang diễn ra chứ không có một chút vai trò nghệ thuật nào. Nghệ thuật quay và dựng ở phim này dễ làm người xem liên tưởng tới trào lưu Tân hiện thực ở điện ảnh Ý những năm 1940, dùng diễn viên không chuyên và quay ở hiện trường thật. Dù vậy, bộ phim ra đời năm 2005 này đã khai thác những góc riêng của xã hội hiện đại.

Về mặt ý nghĩa, bộ phim nêu lên một sự bế tắc trong việc tìm đường, tìm ý nghĩa cuộc sống của giới trẻ, xa hơn là đưa ra bi kịch của xã hội, những đứa trẻ được sinh ra và sẽ lớn lên không có tương lai.

~ by phongsinh on January 13, 2008.

Leave a comment