Khắc khoải ” Trăng nơi đáy giếng”
by Đỗ Huệ
Đọc kịch bản ” Trăng nơi đáy giếng” đã thấy ngậm ngùi, xem phim xong, vừa muốn viết, vừa không. Không thích cái lê thê nhưng lại không đành cái dấm dứt và nỗi đau thân phận con người, thân phận người đàn bà. Có chút gì đó cứ chìm trôi,xoáy vào da thịt với nỗi niềm và nỗi buồn thấm thía…
Hỏi: khi đóng phim này, Hồng Ánh là ai? Hư ảo có, hoang đường có, nhưng tình cảm là chân thật. Không phải chỉ tình yêu, chẳng phải chỉ tình người mà còn là sự sắp xếp lại bản thân. Và cũng bởi một điều: Còn sống, thì còn cần đến một thứ để viện vào, một thứ niềm tin để mà sống. Người hay ma, đâu có ý nghĩa gì, miễn là cảm thấy được an ủi và hạnh phúc với niềm tin của mình. Thứ gọi là gia đình, bền chặt hay không bền chặt, vững hay không vững, thực ảo như thế nào? Khi mà thứ từng chắc trong tay hoàn toàn biến mất, thực khiến con người khổ đau, còn ảo thì tìm lại được sự ấm áp ( có lẽ là tự thân mang đến). Điên hay không điên, điên cũng từ đau mà khởi phát. Trong cái tâm điên là sự bình thản và bằng an, trong sự bình thản và bằng an lại đau đáu dội lên một cơn đau dài trong lồng ngực người đối diện. Dày vò hay không dày vò, trong tận cùng đáy của tâm can, không ai hiểu được, không ai chắc được. Dù chỉ là một nhúm của tro tàn thôi… Nhưng để hi vọng vào một sự đổi thay, hi vọng vào một cái kết thúc có hậu thì hoàn toàn không phải.
Một cái kết có hậu.
Thời gian này tôi cũng suy nghĩ nhiều về điều này. Không phải kết luận, không phải một lời dạy dỗ chính thức từ ai, nhưng cũng đủ để thấy rằng, hầu hết người xem đều chờ đợi một cái kết có hậu, cho dù thế nào, cũng nên để cho những yêu thương tốt đẹp được báo đền.
Tự hỏi mình, và hiểu rằng mình vốn không đủ niềm tin để tin vào những điều tốt đẹp đến nhường ấy. Cuộc sống không tối tăm đến cùng đường, nhưng cuộc sống cũng không phải là hoa hồng. Trong tiếng cười sở dĩ đã ẩn tiếng khóc. Trong nỗi buồn đã có sự khao khát của niềm vui.Sao cứ phải răm rắp đi theo và làm theo những điều mình không hoàn toàn tin tưởng? Sao cứ phải gò mình theo những thứ mình không yêu?
Không để cho nhân vật một lối đi nào êm dịu. Giống như Chí Phèo thì phải chết, Lão Hạc thì phải ăn bã chó mà ra đi, giống như cái làng Vũ Đại trong phim ” Làng Vũ Đại ngày ấy”cả mà thôi. Dù là quần ngư tranh thực hay là nơi chốn của những hiện hữu thành quách tráng lệ cổ xưa thì cũng có đủ những yêu thương , ngọt ngào, có cả những mơ mộng, ước ao, nhưng sau hết thảy là hiện thực. Đừng đánh lừa mình lừa người. Đối diện với sự thực, nhìn thẳng vào nó, và cho dù sau đó, nó đưa ta đến điểm nào, đừngcố tình bóp méo… .
Trăng nơi đáy giếng, chỉ thấy bóng, không thấy hình.
Thân phận người đàn bà, việc lựa chọn cho mình một thứ tình yêu để sống. Vâng, cái mấp mé của sự điên.
Gần đây có người lại gợi về chuyện điên. Cái thời gọi là điên đã qua rất lâu, người ta không viện vào nó để tạo cho mình một cái gọi là vỏ bọc, có điên cũng là điên thành thực với chính mình. Để xoa dịu những nỗi đau mà chỉ có cách đó họ mới có thể dằn mình vào sự ru ngủ. Những cánh cửa mở ra lần lượt hết cánh này tới cánh khác, để minh bạch, để rõ ràng, để khẳng định sự đổi thay trước hết thảy cuộc đời. Nhưng khi những cánh cửa khép lại, cũng lần lượt và tuần tự như khi nó mở ra, chỉ còn lại bóng đêm và tiếng khóc rấm rứt khi không có bờ vai nào để tựa. Một người đàn bà kiên quyết rời xa người chồng thực để chấp nhận một người chồng chỉ có trong tâm linh. Câu chuyện của Hạnh, cuộc đời hạnh, rơi vào một khoảng chơi vơi và đem thẫm, sâu thẳm của nỗi buồn da diết.
Tôi thích cái cách mà Nguyễn Vinh Sơn đã kể. So với kịch bản thì đã thoát thai hơn rất nhiều. Đẩy lùi những cái tẹp nhẹp của cuộc đời, đẩy người xem dần vào cái bẫy của cảm xúc. Đọc kịch bản rồi, chờ đợi những thứ tuần tự theo những gì đã biết, rồi cười hóa ra khác. So sánh ít thôi, đừng đẩy điều gì vào thái cực của nó. Tốt, biết đã tốt rồi, xấu cũng đã xấu rồi, chứng minh nhiều quá, đâm hư.
Có một điều tôi băn khoăn và thậm chí không thể lý giải một cách thỏa đáng, đó là quá ít những cảnh cận và những góc quay đặc tả. Con người hẵng còn xa quá, không chạm vào được, cứ có cảm giác tuột ra khỏi tầm với của mình. Có phải dụng ý tác giả hay không? có lẽ là bản thân tôikhông đủ tinh để nhận ra điều đó,chỉ thấy rằng thiếu, như khi ăn canh nhạt mà thiếu đi một chút muối. Dù là ăn nhạt, nhưng cũng có cái độ của nó, để vị giác còn có thể cảm thấy ngon. Thiếu đi một chút đã như người đi buôn đá quý lận của khách hàng chỉ vài cara rất nhỏ thôi. Nhưng không phải là vàng, không phải là đá quý. Không phải nhưng có cái phải. Bằng lòng thì dễ chấp nhận, nghiêm khắc với mình thì không thể cho qua. Tôi muốn xem cái cách mà người đàn bà ấy nhìn chồng, ánh mắt ra sao, nụ cười thế nào, nho nhỏ thôi, nhè nhẹ thôi. Nhưng có lẽ bởi vì tinh nhiều quá, chi tiết nhiều quá, từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, tạo cho nhân vật quá nhiều bao dung, hi sinh, vị tha, hết mức này tới mức khác, để cuối cùng tự đẩy mình vào tận cùng của tuyệt vọng, nhân vật quá tốt, quá hoàn hảo, tuy là đến cùng vẫn thương, vẫn xót xa nhưng cũng phải công nhận đó là một kết quả tự thân ắt hẳn sẽ đến với nhân vật. Với tình yêu, nghĩa là không san sẻ. Tinh tế, chi tiết nhiều, nhưng cái tôi cần, tôi muốn, tôi khát xem là cái chất người, cái chất đàn bà giản đơn thì lại thiếu. Hóa ra vẫn là người ăn nhạt, húp canh tặc lưỡi kêu rằng canh thiếu đi một vài phần trăm gờ ram muối.
Cũng phải đặt thêm câu hỏi rằng: khi đặt “giọng” của diễn viên vào “giọng” chung của toàn phim, tác giả có để ý tới không? Nhân vật là một phụ nữ điển hình Huế, người Huế từ “dáng điệu, cử chỉ ôn hòa, âm điệu không quá cao không quá thấp nhằm hạn chế sự bộc lộ cảm xúc. Nhìn họ khó đoán biết được những gì đang thực sự xảy ra bên trong. Họ xoay sở để đạt được mọi ham muốn nhưng vẫn giữ được vẻ mặt hoàn hảo trước xã hội”. Đấy là cái cách mà Nguyễn Vinh Sơn muốn xây dựng, và về diễn xuất của Hồng Ánh thì không có gì để phải than phiền, thậm chí phải nghiêng mình trước sự hóa thân của chị. Chỉ có giọng nói. Tôi than phiền về giọng nói, khi mà Nguyễn Vinh Sơn đã để cho Hồng Ánh giữ nguyên giọng nói của mình trong toàn bộ câu chuyện. Có thể với khán giả nước ngoài, sẽ khó phân biệt được thứ giọng của Huế và của Sài Gòn, nhưng sao đạo diễn không nghĩ tới một sự cầu toàn hơn khi hoàn toàn có thể? Người đàn bà hát ru con bằng ca Huế ( Hồng Ánh đã rất chú ý tới âm vực của thổ ngữ- …) nhưng rồi bỗng tõm phát, chỉ trong một hai từ thôi, âm điệu lệch đi một chút cũng đã nới rộng khoảng cách ra lắm rồi. Tôi không nói trong câu hát ấy không đủ sự đằm thắm, nhưng có lẽ là một khán giả khó tính, tôi không muốn bằng lòng.
Và sau những dông dài, với tư cách của một người đã lớn lên trong môi trường văn học, đã từng yêu, đã từng theo đuổi, đã từng viết rất nhiều để tặng cho những người tình của mình, tôi thích, thích những bài thơ mà Hạnh viết. Những bài thơ như những cứu cánh làm êm dịu đi mà cũng ủ lửa bão bùng trong lòng người đàn bà lận đận long đong, có thể nói là bất hạnh ấy. Dưới mặt hồ phẳng lặng, là rong rêu hiền hòa hay ẩn chứa những rung chuyển ầm ào sẽ cuốn đi cuộc đời, mạnh mẽ hơn cái cách mà cuộc đời cuốn nhân vậy vào?
Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta
Nơi chỉ có em và anh trong đó
Nơi chỉ có anh cùng em và cây cỏ
Để ta nghe lòng mình khi cơn gió thoảng qua
Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta
Nơi bóng lá xanh rập rờn nắng gió
Nơi anh cùng em bình yên trên thảm cỏ
Xa cách cuộc đời
Em chỉ kiếm một mảnh vườn riêng thôi
Bởi cuộc đời không thật
Và tình yêu- tình yêu không ân hận
Để ta nhớ nơi ghi dấu ấn cho tâm hồn
Khi chiều về cây lá cũng bâng khuâng
Photo by: thegioidienanh.com
Một bài viết hay mà sao đến tận tháng 7 mới công bố thế ?
Huytruong said this on August 4, 2011 at 10:32 am
tại vì tháng 7 mới đọc mới xem mới viết thì tháng 7 mới công bố chứ sao bạn!
dohue said this on August 9, 2011 at 11:54 am
“Chỉ có giọng nói. Tôi than phiền về giọng nói, khi mà Nguyễn Vinh Sơn đã để cho Hồng Ánh giữ nguyên giọng nói của mình trong toàn bộ câu chuyện.” Tôi có quan điểm rất khác với tác giả bài viết, đặc biệt là ở ý này. Tôi hiểu, một khán giả “khó tính” như bạn ấm ức nhường nào khi đạo diễn Lê Vinh Sơn để lọt vào một thanh âm lạc điệu: giọng nói của Hồng Ánh, và có vẻ như, nhìn ở góc độ này, giọng nói ấy đã phá vỡ sự hoàn hảo của văn bản phim. Tuy nhiên, nếu khó tính (và kỹ tính) hơn chút nữa, bạn sẽ thấy đấy mới là ẩn ý tuyệt vời của tác giả (hoặc cũng có thể là ý tưởng ngông cuồng của chính tôi – ở góc độ một người phê bình). Hồng Ánh có vẻ là một phụ nữ Huế hoàn hảo từ cách cư xử, dáng điệu, cách đi đứng, ăn mặc, chỉ trừ giọng nói (dù cô sử dụng phương ngữ rất chuẩn, và thi thoảng còn nói, hát bằng ngữ âm Huế nữa). Nhưng thế nào đi nữa, người đàn bà ấy cũng vẫn là một thanh âm lạc điệu, bị hất ra khỏi thế-giới-Huế, thế-giới-người-chồng-Huế. Giọng nói ấy đã tố cáo tất cả. Cô không thuộc về thế giới ấy, không hề, mặc cho chất Huế toát ra từ cách cư xử, dáng điệu, cách đi đứng, ăn mặc. Vậy nhận vật của Hồng Ánh, người-đàn-bà-gần-như-hoàn-hảo-Huế (tôi không viết là người-đàn-bà-Huế-hoàn-hảo, xin bạn đọc lưu tâm) ấy thuộc về thế giới nào? Để ý một chút, ta sẽ thấy có 2, chứ không phải 1 người nói giọng Sài Gòn trong phim Lê Vinh Sơn. (Tôi tin, đạo diễn kỳ cựu này sẽ không tùy tiện đem “sạn” vào bộ phim của mình, nếu nó không phải là một viên “sạn” ngậm ngọc!). Độc giả, khán giả, hãy nhíu mày một chút, hãy nhớ lại giùm tôi giọng của bà đồng Thơi. Rặt Nam Bộ. Theo tôi, đó mới là thế giới mà người đàn bà kia thuộc về, cũng là nơi tâm hồn chị trú ngụ. Hai người ấy, theo một cách quái đản nào đó mà những bộ óc của chúng ta suy luận ra, thuộc về nhau. Họ là thế giới của nhau. Họ thuộc về nhau, thuộc về một thế giới nằm ngoài ranh giới của thế-giới-Huế kia. Hãy nhìn ngắm lại khuôn mặt rạng rỡ của Hồng Ánh trong “lễ hợp hôn”, khi người đàn bà nọ và đồng Thơi nắm tay nhau nhảy múa trong điệu nhạc rộn rã chầu văn. Hãy coi ngó lại từng phút phim, nhòm thật sâu vào đôi mắt và giọng nói lạc điệu kia, để xem đã có phút giây nào, người đàn bà kia thanh thản nhường ấy chưa, hạnh phúc nhường ấy (mà không có một rào cản, một tí âu lo, một chút ngượng nghịu, cam chịu nào) chưa? Mong các bạn, hãy để ý tất cả những điều ấy, trước khi chỉ trích rằng, tôi, vì lỡ mụ mị say mê “Trăng nơi đáy giếng” (và cũng xin thưa luôn, tôi không say mê bộ phim này đến thế) hay vì muốn “bênh” cho cái lỗi bất cẩn của đạo diễn (điều này thì tôi không dám) nên đã suy diễn, để một điều phi lý trở thành hữu lý.
Vẫn biết phê bình nghệ thuật cần những người xem khó tính và nghiêm khắc, nhưng cũng cần lắm những tiếng nói tri âm…
huyentrangtran said this on August 20, 2011 at 1:26 am
[…] LINK Share this:TwitterFacebookLike this:LikeBe the first to like this post. Comments RSS feed […]
Khắc khoải ” Trăng nơi đáy giếng” « giayrach said this on September 30, 2011 at 2:02 pm