Nghệ thuật kể chuyện của 2046
by Phạm Thu Hằng
Nếu như Nhật Bản có Ozu thì Hong Kong có Vương Gia Vệ, sự so sánh này có vẻ như khập khiễng nhưng xét về mặt tài năng và độc đáo thì có lẽ sự so sánh trên cũng không phải là thái quá. Ozu và Vương Gia Vệ có một đặc điểm chung là luôn dùng dàn diễn viên quen thuộc trong các tác phẩm của mình và điều này đã chứng tỏ sự lựa chọn của của họ là đúng đắn.
Trong một chùm gồm ba phim làm tại ba thời điểm hoàn toàn khác nhau nhưng có mối quan hệ với nhau là: A day of being wild (1991), In the mood for love (2000) và 2046 (2004), Chủ đề tư tưởng xuyên suốt ba bộ phim này là cuộc hành trình của những con người cô độc, suốt đời sống trong thế giới cô độc của họ và vật vã trong những hoài niệm về quá khứ. Cuộc sống ấy chỉ mất đi và hành trình suy niệm ấy chỉ dừng lại khi những con chim đó không còn có thể bay được nữa. Lúc nó dừng lại, cũng là lúc nó kết thúc sự sống vật chất trong cuộc đời này, đó là lời của nhân vật nam chính trong “A day of being wild” và được nhắc lại khi văn sĩ Châu kể về cô bạn cũ của mình trong 2046. Cô ta suốt đời đi tìm một người đàn ông tựa như những cánh chim cứ mãi bay đi không mỏi.
Màu đỏ trong chùm phim đó là màu đỏ của nhà thổ. Đó là màu sắc của nhục cảm, màu sắc của những cuộc hiến tế trong các lễ hiến sinh thời xưa. Trong 2046, không chỉ đơn thuần tạo một ấn tượng mạnh về thị giác, màu đỏ đã trở thành một nỗi ám ảnh quá khứ, hiện tại và cả tương lai của nhà văn Châu. Hong Kong năm 1962, nơi Châu gặp và yêu người đàn bà đã có gia đình (In the mood for love), cuộc hẹn hò của họ diễn ra trong một khách sạn với những tấm rèm đỏ khổ lớn sâu hun hút, người đàn bà đó đến với Châu trong khách sạn vào một hôm nào đó cũng trong một bộ sườn xám đỏ như màu máu.
Cách Vương Gia Vệ lựa chọn cỡ hình cũng để lại ấn tượng mạnh Các nhân vật của ông luôn chiếm chỉ một nửa khuôn hình mà hiếm khi là cả mặt. Có một điều gì đó cần dấu diếm ở đây chăng mà khuôn hình như thể bị chẻ làm đôi, mắt ta như thể bị chắn đứng lại trước một barrie vừa kiên cố vững chãi vừa khơi gợi trí tò mò và sự háo hức muốn được nhìn tận và nhìn cho rõ, nhìn thật sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Những cảnh của cô con gái ông chủ nhà trọ luôn được nhìn từ một góc máy xa, toàn, không cận. Dường như ta không thể đi sâu vào thế giới của họ, không thể đi sâu được vào tâm hồn họ, họ chỉ hiện ra trước mắt ta ở một khoảng cách khá xa và ta luôn không thể với tới được. Khán giả có cảm giác như họ đang nhìn trộm, đang dòm trộm vào những thế giới tình cảm sóng gió đó. Nhân vật có những lúc chỉ là một hình ảnh rất nhỏ ở phía xa, một góc của khuôn hình, cô gái như thể bị dồn ép và nén chặt vào góc cao của khuôn hình, không gì có thể chạm vào được cô, cô vẫn ở trên cao, tự nói chuyện với mình, khuôn mặt hướng lên vòm trời. Không có ai ảnh hưởng được đến cô, chạm được vào thế giới nội tâm của cô, kể cả khán giả, kể cả ông bố khắc nghiệt. Cô hoàn toàn tự do trong vùng trời đó.
Kỹ thuật chuyển cảnh trong 2046 rất mềm mai, ví dụ từ đôi chân của cô gái bị giết và chuyển ngay sang cảnh đôi chân đang di chuyển của cô chủ nhà trọ hoặc có thể cắt cảnh bằng cách chuyển thoại của nhân vật. Cảnh nhân vật nam và ông chủ nói chuyện với nhau, khi nhân vật nam nói để tôi gọi cô gái cho thì tiếp ngay sau đó là cảnh nhân viên khách sạn gọi nhân vật Châu.
Về chi tiết buồng điện thoại trong nhà trọ. Nó luôn được nhìn từ trong nhìn ra, dàn cảnh chiều sâu cho thấy được toàn bộ những hoạt động đang diễn tiến, như thể mạch máu và sức sống của căn nhà trọ được phơi bày và được nhìn qua từ buồng điện thoai, nó đóng vai trò như thể một cái ống nhòm và dường như luôn có một con người vô hình và bí hiểm nào đó đang quan sát đời sống của các nhân vật của chúng ta.
Không có sự logic về mặt thời gian, chỉ có logic về câu chuyện và sự kiện, thời gian có thể chuyển rất nhanh từ ngày hôm trước cắt cảnh sang ngày hôm sau. Tiết tấu của cách kể chuyện đôi khi rất nhanh, chạy rất nhanh như một tia chớp và chỉ bằng một cú cắt cảnh: (đoạn Châu sang xin lỗi cô gái điếm) là anh đã ở trên ngưỡng cửa nhà cô và ngỏ lời xin lỗi vì chuyện hôm trước với ông chủ. Tiết tấu và nhịp điệu phim không đều, nó đi theo dòng cảm xúc của người kể chứ không theo trình tự thời gian và logic trong sự kiện. Có thể nói rằng 2046 là một bộ phim đáng phải bỏ công sức ra xem không chỉ một lần.
Photo by Jet Tone Films
chà, bài viết khiến mình thấy cần xem lại phim quá, :), tx,
ờ mà “giấu diếm” mới đúng chính tả, :P,
phongsinh said this on June 29, 2011 at 7:55 pm
Cảnh nhân vật nam và ông chủ nói chuyện với nhau, khi nhân vật nam nói để tôi gọi cô gái cho thì tiếp ngay sau đó là cảnh nhân viên khách sạn gọi nhân vật Châu.
>>
Cảnh nhân vật nam và ông chủ nói chuyện với nhau, khi nhân vật nam nói: “để tôi gọi cô gái cho” thì tiếp ngay sau đó là cảnh nhân viên khách sạn gọi nhân vật Châu.
Nên chau chuốt sự trình bày.
Long Nguyen said this on July 24, 2011 at 6:58 am