Khuynh hướng hình thức

by Phạm Thu Hằng

“The Hurt Locker” mở đầu bằng lời đề từ: “The rush of battle is often a potent and lethal addiction, for war is a drug –  Chris Hedges ”. “For war is a drug” được nhấn mạnh như là một tuyên ngôn cho tinh thần chính của phim: Đó cũng chính là tuyên ngôn về quan điểm của nhà làm phim khi nhìn nhận về chiến tranh Iraq nói riêng và các cuộc chiến tranh nói chung.

30 phút đầu của “The Hurt Locker” cho thấy tình cảnh hỗn loạn trên một góc phố, nơi những người lính trong biệt  đội gỡ bom mìn Delta đang thực hiện nhiệm vụ bằng việc điều khiển một con robot gỡ bom từ xa. Dựa trên một sự kiện có thật, tuy nhiên, bằng các thủ pháp điện ảnh mang khuynh hướng hình thức, trong những phút đầu, bộ phim đã thành công trong việc lôi cuốn khán giả hòa nhập vào bầu không khí căng thẳng, kịch tính đang diễn ra. Trường đoạn đầu tiên tập trung vào hai sự kiện chính là: sự xuất hiện của robot gỡ mìn và đội trưởng Thompson (Guy Pearce), anh ta phải  trực tiếp tiến tới chỗ quả bom để gỡ kíp nổ khi robot bị hỏng . Hình ảnh ở đầu phim là cận cảnh bóng đổ của robot  chạy trên mặt đường với vận tốc cực nhanh, cú máy lia chạy theo bám sát robot trên đoạn đường ghồ ghề bị xới tung, sau đó, hàng loạt các cú cắt  đột ngột  (trung bình 4s/ cảnh) cho thấy tình cảnh chạy loạn nháo nhào trên đường phố.

Phương pháp dựng nối tiếp đặc trưng của chủ nghĩa hình thức được tận dụng triệt để trong trường đoạn này. Cảnh đầu phim, khi ba người lính nói chuyện với nhau trong khi vẫn đang điều khiển robot, đội trưởng Thompson quan sát xung quanh, hai hình ảnh xuất hiện gần  cạnh nhau: người phụ nữ Iraqvà vài bộ quần áo phất phơ cho thấy điểm nhìn của anh đang hướng về phía đó.

Ở trường đoạn sau cũng tương tự như thế, cắt cảnh cho  thấy điểm nhìn của James đang quan sát các khu nhà cao tầng hai bên khu phố. Các cảnh đó tuy chỉ kéo dài  trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng bằng vào việc cắt dựng theo điểm nhìn của nhân vật (point of  view cutting) đã gợi lên được cảm giác căng thẳng và một bầu không khí ngột ngạt đầy đe dọa của bối cảnh.

Không sử dụng các cú máy dài để miêu tả hành động của các nhân vật và sự kiện, các thủ pháp cắt dựng theo sự tương hợp của hành động đã được vận dụng triệt để trong đoạn đồng đội của Thompson phát hiện ra một kẻ khủng bố đang chuẩn bị bấm nút cho bom phát nổ. Cả hai người cùng đồng thời lao đến. Trong cảnh này, nếu chỉ với cú máy dài và sử dụng cảnh quay tiêu cự sâu, chắc chắn sẽ không  đạt được mục đích trong việc miêu tả tình trạng khẩn cấp và cực kỳ nguy kịch lúc đó, thay vì thế, các cảnh được cắt với tốc độ cực nhanh và đột ngột cho thấy sự hoảng hốt của Sanborn (Anthony Mackie) và Owen Eldridge (Brian Geraghty), hình ảnh tên khủng bố trong bộ đồ trắng cải trang thành người bán thịt bò với một thiết bị trên tay và hắn đang chuẩn bị bấm nút, càng kịch tính hơn nữa khi xen vào đó là cảnh đội trưởng Thompson khi  nghe được tiếng báo động thất thanh của đồng đội anh đã vùng chạy nhưng không kịp. Khối bom phát nổ và Thompson gục xuống. Bằng việc sử dụng effect quay chậm trong cảnh này, người ta thấy được sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh: mặt đất rung chuyển và bị xới tung, khối bom bùng nổ với một sức công phá khủng khiếp và Thompsom quỵ ngã. Âm thanh lúc này trở nên nghẹt thở và đông đặc, chỉ còn nghe thấy rất khẽ những tiếng lạo xạo vụn vỡ của đất đá rơi xuống. Cảnh phim đột ngột cắt ở đó gây một sức nén và tạo hiệu ứng bàng hoàng cho người xem.

Không chỉ sử dụng điểm nhìn của nhân vật để miêu tả bối cảnh và không khí trong phim, các góc máy  từ trên các tòa nhà nhìn xuống còn cho thấy, dường như bên cạnh câu chuyện đang diễn ra trên đường phố, còn có một cái nhìn bí mật khác đang chăm chú quan sát và theo dõi các hành động của những người trong đội gỡ mìn: Cũng trong đoạn đầu, toàn cảnh góc phố nơi Thompson và đồng đội đang làm nhiệm vụ, cú cắt cảnh nhanh và chèn vào là một cảnh quay thiết lập chiếc xe bọc thép và hình ảnh của Sanborn, Owen bồng súng bé tí tẹo cho thấy từ một khoảng cách rất cao, qua hàng rào mắt cáo, có ai đó đang quan sát họ.

30 phút đầu của phim chủ yếu sử dụng hand- held, các cú máy đảo liên tục, các cú zoom in, zoom out chóng mặt, các cảnh quay thiết lập được sử dụng…đã gợi lên toàn bộ bối cảnh và không khí của câu chuyện (các khu dân cư đổ nát, đường phố xới tung, dân cư chạy toán loạn, binh lính hung hãn…).

“The Hurt Locker” với một dàn diễn viên chưa hề có tiếng tăm (ngôi sao Guy Pearce trong bộ phim này chỉ có một vai diễn phụ (đội trưởng Thompson) là: Jeremy Renner, Anthony Mackie và Brian Geraghty, nhưng với diễn xuất tuyệt vời và chân thực đã mang lại những cảm nhận về không khí khốc liệt, những tình cảm, tình đồng đội của những người lính trong cuộc chiến. Đây cũng là một trong những thành công của The Hurt Locker.

Nguồn ảnh : Summit Entertainment Warner Bros. (Italy) OptimumReleasing/Redbus Film Distribution (UK)

~ by vuongthuy8x on June 1, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: