Đức tin – món hàng xa xỉ

by Phạm Thu Hằng

Được biết đến như là những nhà làm phim độc lập có phong cách độc đáo nhất trong làng điện ảnh không chỉ ở Hollywood mà còn trên thế giới, không phải là không có lý do khi anh em nhà Coen được coi là đại diện cho dòng phim tác giả gặt hái được những thành công vang dội trong hầu hết các Liên hoan phim danh tiếng nhất.

Chúng ta sẽ cùng khảo sát những nét độc đáo này qua hai tác phẩm “O’brother..” và “No country for old man”. Những lý giải về nguồn gốc của không những tội ác mà còn là sự băng hoại các giá trị đạo đức của con người trong xã hội hiện đại được thể hiện sâu sắc qua hai bộ phim này. Mới đầu, đặt hai bộ phim cạnh nhau, việc tìm ra điểm chung giữa hai tác phẩm này dường như là điều bất khả. Nếu như O’brother tràn ngập những tình tiết gây cười và hài hước (trong tạo hình, trong một số thói quen và tính cách của nhân vật) thì “No country for old man” lại là 122 phút  bị nén trong một nồi hơi đóng kín xu páp gây ra trạng thái căng thẳng và lo lắng tột độ do cuộc truy lùng và tìm diệt đồng loại của một tên ác thú mang bộ mặt người Chigurh gây nên. Mang đến những trạng thái cảm xúc khác nhau, nhưng có thể nhận thấy một điều xuyên suốt trong hai bộ phim này, đó là một cuộc hành trình đẫm máu và hài hước trên con đường đi tranh đoạt quyền lực mà biểu tượng là đồng đô la Mỹ. Tiền bạc là biểu tượng của quyền lực, biểu tượng của giá trị duy nhất đang lũng đoạn không chỉ xã hộ tư bản Mỹ mà còn là một hiện tượng nhức  nhối trong xã hội của con người hiện đại.

Không quá khó khăn để nhận thấy rằng trong mỗi phim đều xuất hiện một nhân vật mà những đối thoại hoặc phát ngôn của họ toát lên chủ đề của phim. Trong “No country for old man”, nhân vật này là vị cảnh sát già, mệt mỏi và bất lực khi nhìn thấy tội ác diễn ra và không có cách gì ngăn chặn được, ông nhìn thấy những gì mà Chigurh, kẻ sát nhân cũng thấy.

Người tiên tri mù trong O’brother đã nói với Everret khi các nhân vật chính xin đi nhờ chiếc xe của ông ta: “Kho báu mà bạn tìm kiếm sẽ không giống kho báu mà bạn tìm thấy”.Everettvà hai người bạn đồng hành của anh ta đang trên đường trở về đi tìm một món tiền lớn được giấu dưới lòng hồ mà sắp sửa trở thành một cái đập thủy điện trong tương lai. Việc họ tìm thấy tiền  không đồng nghĩa với việc họ tìm thấy được hạnh phúc và những giá trị đạo đức cơ bản của con người.

Những ham muốn về quyền lực đã dẫn con người đến tội ác và ở trong một chừng mực nào đó, còn có thể khiến cho Đức tin, là thứ  khả tín và thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần của con người bị biến dạng và méo mó. Trong “No country for old man”, để đoạt lại số tiền hai triệu đô bị Moss nẫng mất, Chigurh, tên giết người không gớm tay với vẻ ngoài bệnh hoạn ráo riết săn lùng anh ta. Trong thâm tâm hắn biết chắc rằng Moss không thể thoát, bằng cách này hay cách khác. Điều ác đã ở đây đã trở thành Đức tin của  hắn.

Những điều được bàn đến trong tác phẩm của anh em nhà Coen đã trở thành những một hiện tượng phổ quát và phi ranh giới, người ta không còn kể đến ranh giới giữa hiện thực tư bản chủ nghĩa hay hiện thực xã hội chủ nghĩa trong tình trạng cái ác là kẻ thủ lĩnh thống trị tất cả. Cả hai phim đều lặp lại hình mẫu những nhân vật điển hình dưới dạng thức khác nhau. Chirguh lần lượt giết hết người này đến người khác, nhưng không kể đến cái chết của một người tình cờ gặp ven đường hay cái chết treo lư lửng trên đầu của ông chủ hiệu tạp hóa, phần nào những tội ác về sau này của hắn còn được lý giải ở một mức độ nào đó. Vợ của Moss, cũng phải nhận một kết cục bi thảm như các nạn nhân khác của Chigurh nhưng nguyên nhân dẫn đến cái chết này theo như lý giải của Chigurh trước khi hành quyết là Moss đã tự cứu mình trước khi nghĩ đến chuyện chịu trừng phạt để đổi lấy mạng sống cho cô. Moss, tất nhiên không tránh khỏi cái chết, nhưng nếu như anh ta chấp nhận cái chết đến sớm hơn và không tìm cách để tiếp tục chạy trốn thì anh ta đã cứu được vợ mình. Ở đây, ngoài chuyện một cái ác được đẩy lên đến tận cùng, nó còn hé lộ một lối thoát để kết thúc tội ác, đó là sự tỉnh táo và hi sinh của Moss lẽ ra đã trở thành giải pháp để chấm dứt mọi chuyện. Chigurh đã cho Moss một cơ hội nhưng anh ta đã từ chối. Sở dĩ Chigurh không coi những điều hắn gây ra là tội ác do sự nhận thức về điều ác theo quy chuẩn của xã hội thông thường không nằm trong lý lẽ của hắn. Mang một vẻ ngoài lạnh lùng và tàn bạo, người ta nhận thấy sự chết chóc bệnh hoạn và tàn độc trong đôi mắt, khuôn mặt, mái tóc của Chigurh. Người ta nắm bắt được nó bằng các giác quan và người ta run sợ. Điều ác như là một nhân tố không thể thiếu trong các tác phẩm của anh em nhà Coen. Trong O’brother cái ác hiện diện trong hình dạng một nhân vật béo phì, vui nhộn và làm những hành động hài hước: Nelson, hắn là hiện thân của cái ác nhưng ở một mức độ tinh vi và khó nhận diện. Khi kẻ thủ ác thực hiện hành vi của hắn mà không khiến cho người ta phải hoảng sợ và căm phẫn, điều đó còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần khi nó được phơi bày trước mắt. Nelson giỡn mặt cảnh sát, hắn cướp nhà băng và vung tiền tung tóe khắp nơi khi đang bị đuổi bắt, hắn giương súng lên bắn vào đàn bò một cách không thương tiếc, hắn vác súng vào nhà băng và dọa cướp tiền trong một tình huống hài hước. Ở đây, Nelson cũng là đại diện cho tội ác, nhưng còn  hơn Chigurh, hắn coi những hành động trái pháp luật và giết đàn bò như một hình thức tiêu khiển, một thú vui rất hồn nhiên thỏa mãn bản thân hắn.

Trong hai bộ phim này, điểm nổi bật nữa là sự nghi ngờ tất cả các giá trị nền tảng trong cuộc sống. O’brother được dựa theo sử thi Ullyse của Homer, một cuộc hành trình mà trong đó các sự kiện được lặp lại, cuộc gặp gỡ ông già mù, người khổng lồ một mắt và các nàng tiên Siren, tuy nhiên, tất cả các cuộc gặp gỡ đó đều là mầm mống của tai họa, đều là những cú lừa đảo ngoạn mục bị dẫn dắt bởi lòng tham và sự tàn nhẫn trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Đức tin đều bị lợi dụng hòng phục vụ cho những tham vọng cá nhân. Tôn giáo, điều tốt đẹp nhất còn sót lại, cứu cánh cuối cùng trong đời sống tinh thần của con người cũng không còn mấy ý nghĩa. Tất cả chỉ còn là một trò đùa, một trò lố mà người ta cố tình giăng bẫy nhau. Everet không tin vào tôn giáo và có lẽ, anh ta là người tỉnh táo nhất trong cả bộ phim này. Những điều thiện, trên một  phương diện nào đó, cũng là một thứ Đức tin, một thứ tôn giáo giúp con người duy trì trật tự và bình ổn xã hội “Trong No country for old man”, thứ tôn giáo này không những bị hạ bệ mà còn tồi tệ hơn, nó đã trở thành một thứ quyền lực ghê sợ có sức trấn áp khủng khiếp và không thể ngăn chặn. Chigurh đã thắng và người cảnh sát già nua như biểu tượng cho sự già cỗi và bất lực của luật pháp trong xã hội con người là hình ảnh kết phim đầy u ám và ảm đạm.

Một xã hội với đầy rẫy tội ác và sự lung lay về đạo đức, niềm tin bị đảo lộn và con người không thể tin tưởng vào nhau là một trong những dấu ấn đặc trưng trong phim của anh em nhà Coen.

Nguồn ảnh:    Miramax Films, Paramount Vantage

~ by vuongthuy8x on June 1, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: