Sự biến mất của âm thanh

by Đỗ Huệ- Đức Trọng

Tôi cứ tự hỏi nếu một ngày những thứ xung quanh tôi đột nhiên lặng câm, hoặc thử, tôi trở thành một điều gì đó, hoàn toàn im lặng- với mọi thứ xung quanh. Tôi đã thử, và tôi cũng đã thất bại với cuộc thử nghiệm của chính mình. Persona là câu trả lời mà tôi tìm kiếm!

 Một bộ phim hay- và đáng sợ. Tôi nghĩ đó là một bộ phim thực sự hay và đáng sợ, bởi không thể nghi ngờ là một sự phân tâm hoàn hảo, mổ xẻ những ngóc ngách tâm lý con người phức tạp tới độ tinh vi.

Hai người đàn bà, hai số phận, hai tính cách- đột nhiên bị quẳng ra ngoài- chính xác hơn là tự tách mình ra khỏi xã hội với những mối quan hệ, những ràng buộc và sự mưu sinh. Và vô tình, cuộc đời lại gắn họ gần với nhau. Một luôn nói, và một thì lắng nghe. Từ câu chuyện của họ chúng ta nhận ra sự cô đơn tồn tại trong mỗi người, âm ỉ và tới một lúc nào đó, thành mục ruỗng, trống rỗng và yếu ớt đến tội nghiệp, tới không thể nào tiếp tục che giấu được nữa. Giống như tấm gương soi để họ có thể nhìn thấy chính bản thân mình nơi người đối diện. Quan sát- mổ xẻ và phân tích với con mắt thích thú và lạnh lùng trong bức thư Elizabet gửi cho bác sĩ. Bởi vì câu chuyện của người khác, nên có thể kể lại như một sự khám phá, một phát hiện. Yêu, ghét, chung thủy, phản bội, sai lầm và hối lỗi, đấu tranh, mỏi mệt và lại tiếp tục đấu tranh với chính bản thân mình. Bi kịch của hai người đàn bà chính là sự cô đơn, khát khao cần được giải tỏa, nhưng họ không biết cách nào để. Khỏe mạnh về thể xác nhưng kiệt quệ về tâm hồn, một thì cố gắng buông xuôi, một thì cố gắng vươn lên để sống- sống không có nghĩa chỉ là tồn tại.

Câu chuyện tưởng chừng như cứ thế trôi đi. Người bệnh- diễn viên có tiếng và y tá- một người hoàn toàn vô danh- bằng long với tình trạng hiện tại: y tá nói và người bệnh nghe. Họ bắt đầu từ những câu chuyện không đâu, ở một ngôi nhà ven biển, hoàn toàn cách ly với đời sống bên ngoài. Đối diện với nhau, và có lẽ cũng chính bởi không có gì ngoài ngôi nhà, ngoài sóng biển, ngoài những tiếng lách cách chạm vào nhau của đồ vật, tiếng thở dài và sự im lặng của người kia- phát sinh nên nhu cầu được nói, được là mình, được cảm thông.

“Bạn thân mến mình chắc rằng mình sẽ thích sống mãi theo kiểu này mất. Sự im lặng này đã khiến đời sống sinh nhai bị tách hẳn ra. Cái cảm giác về một tâm hồn mòn vẹt cũng bị xóa nhòa”. Trong bức thư gửi cho người bạn bác sĩ của mình, Eizabet đã viết một cách hoàn toàn khách quan. Cô cảm thấy thú vị với những câu chuyện của Elma, những câu chuyện thấy rằng con người ấy thật là bé nhỏ, trong những dằn vặt mà bản than không thể tự tha thứ cho mình, không thể nói cùng ai, chỉ cần có cơ hội là tuôn ra. Elma nói và Elizabet lắng nghe. Chỉ đến khi chạm vào xung đột đồng thời với sự cân bằng bị phá vỡ- kịch tính làm vỡ òa sự tin tưởng, ngỡ rằng một bên sẽ ngừng nói, một bên sẽ ngừng được lắng nghe thì lại không hoàn toàn là vậy. Elma không ngừng nói mà còn yêu cầu được lắng nghe, nghĩa là không chỉ mình cô nói. Cô khao khát được nghe những tiếng nói từ trong long Elizabet, bởi cô hiểu rằng sự gắn bó giữa hai người đến mức nào, rằng cô yêu Elizabet với một thứ tình cảm đặc biệt- đặc biệt gắn bó tới mức những bí mật đã vùi sâu chon chặt đã được đào xới lên để bày ra trước ánh sáng.

Cuộc hành trình tiếp theo là cuộc đấu tranh buộc bên kia phải cất tiếng- buộc phải phá vỡ sự im lặng một chiều. Elma buộc Elizabet phải nhìn thẳng vào những điều mà cô trốn tránh- sự sợ hãi, trách nhiệm, sự bé nhỏ tội nghiệp của bản than- long tin- sự kiêu hãnh- đối lập hoàn toàn với một cơ thể khỏe mạnh- một tâm hồn dường như khỏe mạnh thì lại là hoàn toàn mục ruỗng. Sự im lặng của cô- sự cấm khẩu của cô- tự đánh lừa mình- giống như một con ốc giấu mình trong cái vỏ, nhưng sự cô đơn ngày càng lớn, cái vỏ ngày càng chật chội hơn- bị đem ra mổ xẻ và phân tích. Tôi còn nhớ một câu của Macket mà tôi đã từng đọc được đâu đó, hình như là trong diễn từ nhận giải Nobel của ông: và khi con người ta chạm phải chính mình, vụ nổ này sẽ thật kinh hoàng.

Trong câu chuyện này, dường như Elma đóng vai trò của một người dẫn đường, một người vạch lối: một người khỏe mạnh, một y tá đặc biệt chăm sóc một bệnh nhân đặc biệt, một người gợi mở cho lối đi vào những ngóc ngách của tâm hồn, một người có thể khơi được những “nguồn” mà tự bản thân người khác không cách nào gợi ra được từ chính mình. Sự cô đơn- là tiếng nói chung của họ, họ cô đơn biết bao nhiêu, tội nghiệp biết bao nhiêu. Elma có thể thoát ra chính bi kịch của mình- “Tôi sẽ không bao giờ giống như chị. Không bao giờ- tôi luôn thay đổi”, – không đơn giản: “ nhiều từ ngữ thật kinh tởm- nỗi đau không thể lý giải nổi- thứ vứt đi” dồn nén lại tới mức không thể diễn đạt nổi bằng lời, chỉ biết đập tay lên bàn mà diễn tả chính sự bất lực đó- dường như có ẩn chứa sự cuồng loạn bị kiềm chế tới mức tối đa.

Elma cố gắng thoát ra khỏi sự khủng hoảng của mình- và buộc Elizabet phải cuốn theo cô. Dù muốn hay không thì Elizabet cũng không thể từ chối chính mình, không thể từ chối Elma: từ sự vô thức bật ra những âm thanh “em nên về giường ngủ đi, nếu không em sẽ ngủ gục ở bàn mất”- tới lẩn tránh- buộc phải lắng nghe- buộc phải thừa nhận- buộc phải bật ra âm thanh một cách có ý thức trong tình trạng yếu đuối gần như hơi thở chỉ còn gợn lại một chút kiệt quệ.


Bộ phim là một cuộc hành trình đi tìm sự khôi phục và xóa bỏ những mặc cảm về cô đơn và tội lỗi trong tâm hồn của hai người đàn bà tình cờ bắt gặp nhau, song hành với nhau và khám phá, đấu tranh lẫn nhau. Gam màu trắng đen và độ tương phản sáng- tối đem lại cảm giác về cái lạnh, sự trống rỗng có lẽ cũng là một chủ ý nghệ thuật của đạo diễn. Khi người ta hạn chế tối thiểu những thứ có thể che đậy bản thân thì bức chân dung cá nhân lại hiện lên với những gì thô ráp và hiện thực nhất. Những góc quay cận và đặc tả gương mặt với độ tương phản cao như hai mặt của con người, cái nhìn thấy và cái ẩn chứa bên trong. Sự ngồn ngộn của cảm xúc được tiết chế, nỗi đau hòa nhịp và tan ra, vết thương vỡ òa và những máu mủ bên trong ộc ra- vết thương dần dần khép lại- hơi ấm và tình yêu hồi phục cũng là lúc con người trở về với đời sống hiện thực- đời sống bình thường và tâm hồn được an ủi. Bộ phim đem đến cho người xem những khám phá- và buộc phải cộng mình vào những dấu cộng còn ẩn sau màn ảnh.

Tôi đã sợ bộ phim này, bởi vì nó khiến tôi phải nhìn lại chính tôi.
Đã có một thời con người ta đi tìm chính mình một cách tưởng chừng như nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy vật vã và đớn đau.

photoby: http://www.filmreference.com/Films-Or-Pi/Persona.html

~ by dohue on May 30, 2011.

Leave a comment