Phong cách phim Ozu

Tokyo story

by Trần Trà

Yasujiro Ozu là một tên tuổi lớn trong làng điện ảnh, nổi tiếng với những góc quay thấp, máy quay cố định-những cú máy tĩnh, đảo hướng đột ngột, không tuân theo quy tắc trục hành động…

Ở thời kỳ đầu khi còn là một đạo diễn trẻ, ông chịu ảnh hưởng khá lớn từ nền điện ảnh Hollywood, với những đề tài làm phim đa dạng, nhân vật khá hiện đại từ trang phục đến lối sống ( ảnh hưởng văn hóa phương Tây), ngoài việc sử dụng diễn viên là người Nhật thì những bộ phim ban đầu của ông có thể nói khá giống với những bộ phim Mỹ cùng thời kỳ.

Những đối tượng mà nội dung phim hướng tới trong phim của Ozu thời kỳ đầu, thường là những nhân vật nghèo, bị túng thiếu, và những vấn đề hay xung đột nảy sinh từ sự nghèo khó này. Ở giai đoạn sau, đạo diễn Ozu ít đề cập tới tầng lớp nghèo của xã hội nữa, ông tập trung hơn trong việc khắc họa những nhân vật là người bình dân. Và đặc biệt, đề tài chủ đạo là về cuộc sống gia đình. Ta sẽ phân tích kỹ về phong cách phim của đạo diễn Yasujiro Ozu trong giai đoạn sau qua tác phẩm Tokyo Story.

Bộ phim bắt đầu bằng những cảm xúc hân hoan như của 2 người già khi chuẩn bị hành trình từ quê nhà lên thành phố Tokyo, lần đầu tiên trong đời, để thăm các con đã trưởng thành, song họ đâu ngờ những gì sắp đến với họ chỉ là những sự đối xử đầy khó chịu và bất lịch sự. Sự xuất hiện của 2 người già bắt đầu đưa đến những xáo trộn trong cuộc sống bình thường của những đứa con, từ đó nảy sinh những mâu thuẫn nhỏ bé, nhẹ nhàng len lỏi vào từng ngóc ngách của mối quan hệ gia đình. Đầu tiên là phản ứng của những đứa cháu, khi chúng phải nhường chỗ cho ông bà, khi bị những cử chỉ yêu thương của ông bà làm khó chịu ( bởi chúng có được gặp ông bà bao giờ đâu, nên với chúng dường như ông bà là những người xa lạ). Ẩn nấp đâu đó dưới cái cười xòa của người ông, người bà kia là nỗi buồn, nhưng hơn tất cả là sự chấp nhận bởi vì cuộc sống đôi khi diễn ra như thế.

Đạo diễn Ozu đã tập trung về nội dung vào sự tan rã của những gia đình truyền thống ở Nhật Bản, những sự kiện đã khiến cho các thành viên trong gia đình bộc lộ được hết những suy nghĩ, hay niềm vui cũng như nỗi buồn thầm kín (khác với truyền thống trong các gia đình ở Nhật nói riêng và ở Châu Á nói chung, đó là sự cam chịu và sống khép kín).

Qua mỗi bước tiến của câu chuyện, ta thấy niềm vui lúc ban đầu lặng lẽ tan đi và nỗi thất vọng, nỗi buồn cứ lớn dần lên để cuối cùng thành sự xót xa. Chúng ta thấy lần lượt trong phim các chi tiết, khi 2 người già bị cậu con trai cả vì bận việc mà hủy cuộc đi chơi chung cả gia đình, rồi đồng thời nhận ra sự tự hào về công việc của người con trai ấy bấy lâu cũng chỉ là ảo tưởng. Hay như chi tiết diễn ra ở nhà cô con gái, khi cô cằn nhằn với chồng vì mua bánh đắt tiền cho bố mẹ ăn, ta như thấy chút gì đó chi li tính toán, của một người phụ nữ dù rất thương yêu bố mẹ, nhưng vì cuộc sống vật chất khó khăn nơi thành thị mà phải trở thành nhỏ nhen như thế. Chính nhờ những tính cách như thế mà nhân vật của Ozu lúc nào cũng chân thực, sống động và rất “con người” khiến cho người ta tuy ghét nhưng lại có phần cảm thông.

Ở một chi tiết khác, khi đưa bố mẹ già đi nghỉ ở khu suối nước nóng, Ozu đã xây dựng những chi tiết rất tinh tế cho 2 người con, đó là khi họ quá kỹ lưỡng tìm kiếm địa điểm với giá cả phải chăng mà quên mất những điều kiện phù hợp cho hai người già, đấy là khi 2 người con tận sâu trong lòng rất thương bố mẹ, mong muốn bố mẹ được nghỉ ngơi nhưng thói quen vật lộn với cuộc sống thành thị khó khăn đã làm họ nhòe đi cả tình cảm đó, mục đích đó. Phim của Ozu thường sử dụng cốt truyện nhẹ nhàng, bình dị, không có cao trào kịch tính và ít khi có một sự kiện trung tâm để bộ phim xoay quanh. Mỗi bộ phim, là những lát cắt về cuộc sống gia đình với cấu trúc không gian, thời gian mở và thường bỏ ngỏ… Cảnh 2 người già đứng trên bờ biển, quay lưng về khán giả, phía trước mặt là mênh mông trời nước gợi lên không ít xót xa, một không khí buồn bã, nỗi cô đơn trống trải và cảm giác nhỏ bé, yếu đuối của những con người đang đi nốt đoạn dốc cuối cùng của cuộc đời. Lúc này đây, họ thực sự muốn trở về nhà, ngôi nhà của họ chứ không phải nhà của những đứa con, một nơi mà họ thực sự thuộc về, nơi duy nhất cho họ cảm giác bình yên và ấm áp.

Chi tiết tiếp theo, đó là khi hai ông bà trở về từ chuyến đi chơi, thì nhà cô con gái đang chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc. Ông bà cũng dễ dàng nhận ra thái độ không mấy vui vẻ của cô con gái dành cho mình, họ đã chọn giải pháp là không làm phiền tới con cái nữa, và lặng lẽ ra đi. Ta thấy, cách kể của Tokyo Story theo cách chuẩn mực cổ điển, khá vòng vo, song vẫn đẩy các tình tiết lên đến độ kịch tính, khi buộc khán giả xem phải đối đầu với tình huống mà nhân vật phải giải quyết. Các sự kiện then chốt của câu chuyện dường như có phần bị làm cho mờ nhạt do các phương tiện tỉnh lược, hay do các chi tiết phụ khác dường như lấn át đi, song khán giả vẫn cảm nhận thấy sự đau nhói và hồi hộp khi chờ đợi câu chuyện diễn biến.

Hai người già bị đẩy ra đường giữa một thành phố xa lạ, họ ngồi trò chuyện trong công viên. Người cha bông đùa “giờ chúng ta thành những kẻ vô gia cư” và người mẹ lo lắng bị lạc giữa thành phố rộng lớn nhường này. Thành phố rộng lớn và những đứa con thành đạt, vậy mà không có nổi chỗ trú chân cho cả  2 người, để rồi họ, những người đã đồng hành gần hết cuộc đời, phải chia tay nhau để tìm kiếm một chỗ nghỉ ngơi đêm nay. Khoảnh khắc chia ly không có nước mắt cũng không có lời từ biệt, chỉ một câu nói “nếu bị lạc, chắc tôi với ông chẳng tìm thấy nhau” và nỗi buồn sâu sắc.

Trong phim Ozu, khi các nhân vật hòa hợp với nhau, thì thường ta thấy họ được khắc họa bằng những hình ảnh gần như đồng nhất, như cùng nhìn về một hướng, hay cùng có một dáng vẻ trong cuộc trò chuyện, còn khi họ có tình cảm với nhau, Ozu thường cho họ biểu lộ tình cảm bằng những câu trò chuyện bâng quơ nhưng lại rất tình, rất mang tính chia sẻ. Cụ thể như trong cảnh trò chuyện của 3 ông già, 3 người bạn cũ tại quán rượu, khi họ tâm sự về cuộc đời. Cụ thể Một người thì đã mất cả 2 đứa con trong chiến trận, một người thì hoàn toàn thất vọng về đứa con trai duy nhất và một người thì đang phải lang thang tìm chỗ ngủ qua đêm mặc dù có đến mấy đứa con. Ông cảnh sát trưởng năm nào, giờ chỉ là ông già vô dụng phải ăn bám vào con đã phải thốt lên cay đắng: “Thật xót xa khi con chết, nhưng sống với chúng nó cũng chẳng dễ dàng gì. Đằng nào cũng khổ”. Thoại trong phim Ozu bao giờ cũng thế, giản dị, đời thường song đầy triết lý.

Cùng lúc ấy, người vợ đang ôn lại những ký ức về cậu con trai quá cố, người mà đã mất 8 năm song dường như lúc nào cũng hiện hữu đối với bà. Ozu đã xây dựng chi tiết rất nhân văn và đầy triết lý cuộc sống, đó là con cái dù lớn hay bé, dù còn hay mất, lúc nào cũng tồn tại; đầy yêu thương trong lòng cha mẹ. Người con dâu chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Tuy là người làm công ăn lương vất vả, cô vẫn sẵn sàng xin nghỉ phép để đưa bố mẹ chồng đi chơi. Nhà cửa lụp xụp, chật chội, cô vẫn vui mừng đón tiếp ông bà. Cô gái này, ngược lại với nhưng người con ruột, lại đưa đến cho người xem niềm hy vọng về sự bền vững của mối quan hệ giữa con người với con người trong một gia đình. Dù chồng cô_sợi dây liên hệ duy nhất giữa cô với gia đình này đã mất từ lâu, song với cô, cô vẫn luôn coi hai người già này là cha mẹ. Chi tiết này đã cho thấy giữa con người với nhau, nhiều khi sự gắn bó không nằm ở khía cạnh pháp lý mà chính ở tình nghĩa.

Vốn lớn lên trong cảnh gần như vắng bóng người cha, Ozu tập trung khai thác những thời khắc quan trọng của gia đình như đám tang của cha mẹ hay những rắc rối xung quanh chuyện tìm chồng và đám cưới của con cái trong gia đình. Trong Tokyo Story, thời khắc quan trọng đó là đám tang của người mẹ. Trong đám tang này, vai trò, tích cách của từng người lại càng được bộc lộ rõ. 2 người con lớn dù đau buồn nhưng cũng đủ tỉnh táo và thực tế đến mức chuẩn bị trước áo tang. Cô con dâu và con gái út thì quá bàng hoàng. Sau đám tang, cả 3 đứa con ruột đều vội vã ra đi, chỉ có cô con dâu ở lại. Và thật đau lòng thay, khi mà vẫn khung cửa sổ ấy, vẫn người hàng xóm ấy, vẫn chiếc bàn, chiếc chiếu ấy nơi mới hôm nào 2 người cùng nhau chuẩn bị hành trang lên đường, giờ đây chỉ còn mình người chồng lặng lẽ đếm từng ngày dài trôi qua, cô độc. Qua cách khắc họa như vậy, ta thấy gì đó xót xa..

Đạo diễn Ozu thật tinh tế khi xây dựng câu chuyện như vậy, vì qua sự khắc họa như thế, mà ta sẽ điểm lại một cách trân trọng những thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi trong phim, khi các nhân vật thể hiện niềm vui một cách rất kín đáo thông qua những nụ cười, ánh mắt hay câu thoại đơn giản, những giờ phút hạnh phúc  ngắn ngủi, gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình, đặc biệt là giữa ông bà với các cháu, giữa bố mẹ với các con…, để mà thấy trân trọng hơn một lần nữa.

Thay lời kết, ta thật kính nể với đạo diễn Ozu, khi phong cách của đạo diễn đã đạt tới mức hoàn hảo, với những cảnh quay tĩnh, các câu thoại ngắn, sâu sắc và những chi tiết tuy rất nhỏ nhưng đều thể hiện ý nghĩa tinh tế. Đó là ở cảnh quay gần cuối, sau cái chết của bà mẹ, ông bố cùng người con dâu ngồi quay về cùng một hướng để nói chuyện. Câu chuyện của hai người chỉ xoay quanh thời tiết nóng nực của mùa hè, song như là những hạt muối đang được xát vào lòng khán giả.. Khán giả xót xa không chỉ bởi nỗi đau của người bố đang được nín nhịn xuống tận đáy lòng mà không thể vỡ òa cởi mở, nỗi đau không thể diễn đạt thành lời kêu khóc mà đã trở nên chai sạn khi được chà xát bởi cuộc sống toan tính nhỏ nhen hàng ngày.., Đó là nỗi đau lặng lẽ trong dáng ngồi của người cha, hay nỗi buồn sâu kín của sự cô đơn tuyệt đối thoát ra từ tác phẩm…

Tokyo story của Ozu, tuy với nội dung đơn giản  xoay quanh những mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, anh chị em với những tình tiết giản dị, những sự việc đời thường mà người ta có thể tìm thấy hàng ngày, nhưng bằng một phong cách rất Ozu, ông đã khiến cho người xem không thể rời mắt khỏi màn hình trong suốt 136 phút của bộ phim và còn tiếp tục suy ngẫm về nó hàng mấy thập kỷ sau kể từ ngày bộ phim ra đời, để mỗi lần lại nhận ra một triết lý khác của cuộc sống.

~ by Chun on May 19, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: