Tokyo Story

by Hương Nguyễn

Trên hành trình nghệ thuật lắm chông gai, có khi người ta mải mê tìm kiếm một thứ gì đó quá xa xôi và mĩ lệ mà quên mất cuộc sống vốn đầy rẫy những điều bí mật giản đơn, bình dị mà xúc động đến ngỡ ngàng.

Những lúc ấy sao không dành ra một buổi sáng Chủ nhật thảnh thơi để đắm mình vào những khuôn hình tĩnh lặng của Ozu mà nhấm nháp từng cảm nhận tinh tế qua mỗi câu chuyện đời thường. Và Tokyo Story là một câu chuyện như thế.

Bộ phim bắt đầu bằng những cảm xúc hân hoan như những đứa trẻ của 2 người già khi chuẩn bị hành trình từ quê nhà lên thành phố Tokyo hoa lệ, lần đầu tiên trong đời, để thăm các con đã trưởng thành. Sự xuất hiện của 2 người già bắt đầu đưa đến những xáo trộn trong cuộc sống bình thường của những đứa con, từ đó nảy sinh những mâu thuẫn nhỏ bé, nhẹ nhàng len lỏi vào từng ngóc ngách của mối quan hệ gia đình. Đầu tiên là phản ứng của những đứa cháu, thằng lớn thì bực tức vì phải nhường chỗ cho ông bà, thằng bé thì chạy trốn khỏi vòng tay ôm và những cử chỉ làm thân của người bà. Hình như không có đứa nào thực sự vui mừng trước sự xuất hiện của ông bà. Cũng chẳng thể trách trẻ con bởi những xa cách về không gian và thời gian vô tình biến người thân ruột thịt thành những kẻ xa lạ. Ẩn nấp đâu đó dưới cái cười xòa của người ông, người bà kia là nỗi buồn, nhưng hơn tất cả là sự chấp nhận bởi vì cuộc sống đôi khi diễn ra như thế.

Từng chút từng chút một qua mỗi bước tiến của câu chuyện, niềm vui lúc ban đầu lặng lẽ tan đi và nỗi thất vọng, nỗi buồn cứ lớn dần lên để cuối cùng thành sự xót xa. Ấy là khi buổi đi chơi đầu tiên bị hủy bỏ vì cậu con cả bận việc, là khi họ nhận ra cuộc sống và công việc của cậu con trai cũng không danh giá như họ tưởng, là khi người bà buồn bã chơi cùng cháu trên đường đê. Buồn hơn nữa là những sự việc diễn ra ở nhà cô con gái. Cô con gái thực ra không phải là một đứa con bất hiếu, cư xử tàn tệ với bố mẹ bởi vì cô ta có suy nghĩ đến việc đưa bố mẹ đi chơi, thương bố mẹ đến Tokyo mà toàn ru rú ở nhà. Tuy nhiên qua một chi tiết rất nhỏ như cằn nhằn khi thấy chồng mua bánh đắt tiền cho bố mẹ ăn, nhân vật để lộ một chút ích kỷ, nhỏ nhen tính toán của người đàn bà có lẽ cũng phải vật lộn cho cuộc sống ở nơi thành thị. Chính nhờ những tính cách như thế mà nhân vật của Ozu lúc nào cũng chân thực, sống động và rất “con người” khiến cho người ta ghét nhưng lại cảm thông được.

Trong một nỗ lực cố gắng mang lại niềm vui cho bố mẹ, 2 người con đã góp tiền để đưa ông bà đến khu suối nước nóng nghỉ ngơi. Ý định tốt đẹp cuối cùng lại chẳng thể thành công bởi họ còn bận tìm địa điểm giá cả phải chăng mà không để tâm liệu không khí ở đó có thích hợp cho người già. Con cái đôi khi quá vô tâm để hiểu được nhu cầu của cha mẹ. Ông bà lặn lội đến Tokyo để được gần gũi con cháu, tận hưởng cảm giác sum họp gia đình thì cuối cùng lại bị tống đến một resort xa xôi, giữa một đám đông ồn ào xa lạ. Cảnh 2 người già đứng trên bờ biển, quay lưng về khán giả, phía trước mặt là mênh mông trời nước gợi lên một không khí buồn bã, nỗi cô đơn trống trải và cảm giác nhỏ bé, yếu đuối của những con người đang đi nốt đoạn dốc cuối cùng của cuộc đời. Lúc này đây, họ thực sự muốn trở về nhà, ngôi nhà của họ chứ không phải nhà của những đứa con, một nơi mà họ thực sự thuộc về, nơi duy nhất cho họ cảm giác bình yên và ấm áp.

Trở về từ cuộc đi chơi, đón ông bà là thái độ không vui vẻ gì của cô con gái bởi cô chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc với đồng nghiệp và sự có mặt của 2 người già lúc này quả là không thích hợp. Ông bà đã chọn giải pháp ra đi bởi như tất cả những người già khác trên đời, khi cảm thấy mình đã già nua và vô dụng, họ chỉ muốn một điều duy nhất là không làm phiền đến cuộc sống của con cái. Tình tiết đơn giản là thế mà đẩy câu chuyện lên đến đỉnh điểm của bi kịch khi hai người già bị đẩy ra đường giữa một thành phố xa lạ. Cảnh họ ngồi trò chuyện trong công viên thật xót xa. Người cha bông đùa “giờ chúng ta thành những kẻ vô gia cư” và người mẹ lo lắng bị lạc giữa thành phố rộng lớn nhường này. Thành phố rộng lớn và những đứa con thành đạt, vậy mà không có nổi chỗ trú chân cho cả  2 người, để rồi họ, những người đã đồng hành gần hết cuộc đời, phải chia tay nhau để tìm kiếm một chỗ nghỉ ngơi đêm nay. Khoảnh khắc chia ly không có nước mắt cũng không có lời từ biệt, chỉ một câu nói “nếu bị lạc, chắc tôi với ông chẳng tìm thấy nhau” và nỗi buồn sâu sắc.

Buổi chuyện trò của 3 ông già, 3 người bạn cũ tại quán rượu lại mở ra cho người xem những khía cạnh, những suy ngẫm khác về cuộc sống. Rốt cuộc chẳng có cuộc đời của ai là hoàn hảo. Một người thì đã mất cả 2 đứa con trong chiến trận, một người thì hoàn toàn thất vọng về đứa con trai duy nhất và một người thì đang phải lang thang tìm chỗ ngủ qua đêm mặc dù có đến mấy đứa con. Ông cảnh sát trưởng năm nào, giờ chỉ là ông già vô dụng phải ăn bám vào con đã phải thốt lên cay đắng: “Thật xót xa khi con chết, nhưng sống với chúng nó cũng chẳng dễ dàng gì. Đằng nào cũng khổ”. Thoại trong phim Ozu bao giờ cũng thế, thật giản dị, thật đời thường mà cũng đầy triết lý.

Cùng lúc ấy, người vợ đang có những trải nghiệm khác trong ngôi nhà tràn đầy kỷ vật về cậu con trai quá cố. Đứa con đã chết 8 năm nhưng lúc nào cũng như đang còn sống đối với người cha người mẹ. Người con dâu chăm sóc mẹ chồng chu đáo. So với 2 đứa con ruột ở Tokyo này, xem ra cô gái chẳng chút quan hệ máu mủ nào lại quan tâm, chăm lo cho ông bà hơn cả. Là người làm công ăn lương vất vả, cô vẫn sẵn sàng xin nghỉ phép để đưa bố mẹ chồng đi chơi. Nhà cửa lụp xụp, chật chội, cô vẫn vui mừng đón tiếp ông bà. Cô gái này, ngược lại với nhưng người con ruột, lại đưa đến cho người xem niềm hy vọng về sự bền vững của mối quan hệ giữa con người với con người trong một gia đình. Cho dẫu người chồng, sợi dây liên hệ duy nhất giữa cô với gia đình này đã mất từ lâu nhưng có lẽ trong lòng cô đây vẫn là gia đình của mình, hai người già này vẫn là cha mẹ mình. Giữa con người với nhau, nhiều khi sự gắn bó không nằm ở khía cạnh pháp lý mà chính ở tình nghĩa. Cuộc sống dù có nhiều rạn vỡ, lắm lạnh lùng xa cách đến đâu, nhưng ở một góc nhỏ bé nào đó, tình người vẫn sưởi ấm trái tim chúng ta.

Sau hành trình dài gian khổ, trớ trêu thay, nguyện vọng cả gia đình sum họp đầy đủ lại chỉ thực hiện được sau cái chết của người mẹ. Trong đám tang này, vai trò, tích cách của từng người lại càng được bộc lộ rõ. 2 người con lớn dù đau buồn nhưng cũng đủ tỉnh táo và thực tế đến mức chuẩn bị trước áo tang. Cô con dâu và con gái út ngược lại, quá bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của người mẹ. Sau đám tang, cả 3 đứa con ruột đều vội vã ra đi, về với cuộc sống riêng của mỗi người, chỉ có cô con dâu ở lại. Một lần nữa, sự đối lập trong cách cư xử giữa những người ruột thịt và người dưng lại làm cho người xem phải xa xót. Con cái là thế, khi lớn lên đều mải mê với gia đình của mình, quên mất cha mẹ, quên mất tuổi thơ và những ký ức thiêng liêng.

Cảnh cuối cùng của bộ phim để lại trong lòng người xem một nỗi cô đơn đến day dứt. Vẫn khung cửa sổ ấy, vẫn người hàng xóm ấy, vẫn chiếc bàn, chiếc chiếu ấy nơi mới hôm nào 2 người cùng nhau chuẩn bị hành trang lên đường, giờ đây chỉ còn mình người chồng lặng lẽ đếm từng ngày dài trôi qua, cô độc.

Mỗi khuôn hình trong Tokyo Story vẫn đầy những đặc điểm làm nên phong cách đặc trưng của Ozu như góc quay thấp, máy quay cố định để nhân vật di chuyển tự do trong khuôn hình, đảo hướng đột ngột, không tuân theo qui tắc trục hành động….Các sự kiện quan trọng ở đây bị bỏ qua một cách cố tình để tập trung vào cảm xúc hơn là kịch tính. Cụ thể như đoạn bà mẹ lâm bệnh, rồi qua đời, hầu như chỉ được miêu tả qua lời của những đứa con, qua bức điện tín thông báo…

Như bao bộ phim khác của Ozu, Tokyo story cũng chỉ xoay quanh những mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, anh chị em với những tình tiết giản dị, những sự việc đời thường mà người ta có thể tìm thấy hàng ngày, hàng giờ ở bất kỳ đâu trên thế giới này. Nhưng bằng tài năng kỳ lạ, Ozu đã khiến cho người xem không thể rời mắt khỏi màn hình trong suốt 136 phút của bộ phim và còn tiếp tục suy ngẫm về nó hàng mấy thập kỷ sau kể từ ngày bộ phim ra đời để mỗi lần lại nhận ra một triết lý khác của cuộc sống.

Nguồn ảnh: Shochiku

~ by huongnguyen1118 on May 19, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: