Kiếp hoa

by Hương Nguyễn

Kiếp hoa là bộ phim tiêu biểu cho điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn 1945 -1954. Dù còn nhiều điểm phi lý trong kịch bản và lối diễn xuất ảnh hưởng từ sân khấu cải lương của các diễn viên, không thể phủ nhận sự thành công của bộ phim trong việc chuyển tải đến người xem hình ảnh về một Hà Nội hào hoa với những người con gái đẹp như tranh hay một miền quê thanh bình cho những buổi hẹn hò lãng mạn.

Một trong những trường đoạn đặc biệt gây ấn tượng cho người xem phải kể đến cuộc hẹn hò dưới ánh trăng của Thiện và hai chị em Lan, Thủy.Đêm ấy, trăng sáng đẹp và yên bình đến độ Thiện phải đề nghị hai chị em Lan, Thủy cùng đi ngắm cảnh đêm. Đạo diễn thật khéo chọn thời điểm và bối cảnh để làm nền cho nhân vật bởi dưới ánh trăng huyền ảo đó, hình ảnh hai thiếu nữ đã xinh đẹp lại càng thêm phần duyên dáng. Trang phục của hai cô chỉ là hai chiếc áo trắng giản dị đơn sơ nhưng lại phù hợp hơn bất kỳ thứ quần áo màu mè sặc sỡ nào. Màu trắng nổi bật trên nền đêm đen tĩnh mịch, phản chiếu ánh trăng đem đến cảm giác như thể chính hai nàng đang tỏa sáng. Màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng thuần khiết, ngây thơ mà cũng kiêu kì. Chỉ trang phục thôi cũng đã đủ hé lộ bao điều về nhân vật. Cùng với những khuôn hình đẹp như mơ ấy, âm nhạc vang lên bao trùm cả không gian bằng muôn vàn tình ý. Tiếng hát của hai nàng trong trẻo cất lên lời ca về quê hương thanh bình, gieo vào lòng người xem cảm giác bình yên, hạnh phúc như thể những âu lo về chiến tranh chưa bao giờ tồn tại. Lan nhìn Thiện đầy âu yếm rồi lại nhìn Thủy dịu dàng, và đạo diễn đã cố ý để cho hai nàng như thể vô tình mà cùng nắm hai đầu của một sợi rơm. Có lẽ đây là một cách hé mở cho cái kết còn dang dở của bộ phim. Sau cái chết của Lan, Thiện và Thủy sẽ ra sao? Phải chăng hai con người cùng đau khổ ấy sẽ đến bên nhau, dựa vào nhau và xoa dịu nỗi đau cho nhau? Phải chăng Thủy sẽ nối duyên chị, trở thành vợ của Thiện? Cho dù đó mãi sẽ là một câu hỏi không lời đáp nhưng từ những hình ảnh đẹp đẽ dưới trăng này, người xem vẫn có quyền hi vọng vào một kết cục tốt đẹp hơn cho những người ở lại.

Ra đời vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng bộ phim lại tập trung khai thác khía cạnh tình yêu và thân phận người phụ nữ, chính vì thế nó thu hút đông đảo khán giả ở nhiều tầng lớp. Bộ phim như một bản tình ca vừa bi thương vừa đẹp đẽ còn ngân nga mãi trong tâm trí người xem.

~ by huongnguyen1118 on May 19, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: