Những Benshi trong điện ảnh
by Hương Nguyễn
Ngay từ khi mới ra đời và cả trong suốt kỷ nguyên phim câm, điện ảnh chưa bao giờ thực sự im lặng. Thông thường, đi kèm với mỗi buổi chiếu phim, các rạp chiếu luôn sắp xếp các chương trình ca nhạc hoặc hài kịch ngoài lề để đem lại sự đa dạng cho chương trình của mình nhằm thu hút công chúng.
Trong khi dõi theo các hình ảnh chuyển động trên màn hình, khán giả cũng cùng lúc được thưởng thức âm nhạc do một ban nhạc sống hoặc một nghệ sĩ biểu diễn trong bóng tối. Những âm thanh này luôn phải phù hợp với nội dung của hình ảnh để tạo cho người xem một cảm xúc cộng hưởng, đem lại cho họ sự thích thú. Khi điện ảnh trở thành một trào lưu lan tỏa ra khắp thế giới, đến mỗi vùng đất, nó lại kết hợp với văn hóa bản địa, chẳng hạn như âm nhạc truyền thống, tạo nên đặc trưng riêng của từng khu vực, góp thêm phần phong phú cho bộ môn nghệ thuật mới mẻ này. Một trong những quốc gia mà điện ảnh xuất hiện sớm và phát triển mạnh mẽ nhất phải kể đến là Nhật Bản. Cũng tại đất nước này, điện ảnh đã trở thành tiền đề cho sự xuất hiện của những người nghệ sĩ hết sức đặc biệt. Không phải diễn viên, cũng không phải ca sĩ, họ chính là những người dẫn truyện, những Benshi theo tiếng Nhật, những người mà ảnh hưởng của họ tới xã hội Nhật Bản trong giai đoạn này là cực kì to lớn.
Năm 1986, lần đầu tiên nước Nhật biết đến điện ảnh với sự xuất hiện của chiếc máy Kinetoscope của nhà khoa học Thomas Edison và ngay lập tức những buổi chiếu phim đầu tiên được tổ chức ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và nhanh chóng lan ra khắp các khu vực lân cận. Liền sau đó, sự xuất hiện của chiếc máy Cinematographe do anh em nhà Lumiere sáng chế cũng thu hút đông đảo công chúng Nhật Bản đến với các rạp hát. Người Nhật tỏ ra đặc biệt thích thú với phát minh khoa học mới mẻ này của phương tây. Chính vì lẽ đó mà trong suốt hai thập kỷ tiếp theo, ở đất nước mặt trời mọc, điện ảnh vẫn chỉ được coi là một phát minh kỳ lạ gây sự tò mò hơn là một bộ môn nghệ thuật nghiêm túc. Việc chiếu phim cũng được tổ chức một cách nhỏ lẻ và theo hình thức lưu động. Thông thường, sau khi được trình chiếu ở thành phố lớn, các đoàn chiếu phim sẽ mang phim đến các thành phố nhỏ, những khu vực ngoại thành hoặc vùng nông thôn. Ở đây, người ta dựng những căn lều đơn giản để chiếu phim trong khoảng một tuần rồi sau đó lại thu dọn và di chuyển đến nơi khác. Để thu hút sự quan tâm và cũng để thỏa mãn trí tò mò của khán giả, trước mỗi buổi chiếu phim bao giờ cũng có một màn giới thiệu phát minh kỳ diệu đến từ phương tây, sau đó là sự thuyết minh, giải thích nguyên tác hoạt động của chiếc máy. Tất nhiên âm nhạc huyên náo là không thể thiếu trong những sự kiện xã hội như vậy. Đây chính là mầm mống cho sự phát triển của nghệ thuật dẫn truyện Benshi sau này.
Dù điện ảnh xuất hiện ở Nhật từ khá sớm, việc tự sản xuất phim thời kỳ này lại chưa thực sự phát triển mà các nhà đầu tư chủ yếu tập trung nhập khẩu phim từ phương Tây. Tận đến năm 1903, Nhật Bản mới xuất hiện rạp chiếu phim chính thức đầu tiên nhờ vào việc số lượng các phim nhập khẩu đã tăng lên nhanh chóng đến mức đủ để chiếu liên tục suốt 2 tháng ở cùng một địa điểm. Ngay sau đó, thấy được lợi nhuận từ việc kinh doanh trình chiếu phim, hàng loạt các rạp chiếu bóng khác đã ra đời và cho đến năm 1917 có tổng cộng 64 rạp trên khắp nước Nhật. Cũng bởi các phim được chiếu đều là phim nhập khẩu cho nên nhu cầu thiết yếu để đông đảo công chúng có thể lĩnh hội được những gì bộ phim truyền tải là phải có một người dẫn truyện. Vai trò của người dẫn truyện này thực tế không chỉ dừng lại ở mức dẫn dắt câu chuyện. Trước khi một bộ phim được trình chiếu, người dẫn truyện sẽ giải thích sơ lược về hoạt động của chiếc máy chiếu. Sau đó, người dẫn truyện giới thiệu về bộ phim chuẩn bị chiếu và tóm tắt nội dung phim. Điểm cốt yếu ở đây là làm sao để khơi dậy trí tò mò cùng óc tưởng tượng của khán giả để họ hào hứng hơn khi xem phim. Trong thời gian chiếu phim, người dẫn truyện sẽ tiếp tục giải thích câu chuyện, giải thích những hình ảnh, những hành động của nhân vật mà nhiều khi, do khác biệt về văn hóa, khán giả Nhật Bản không thể nào hiểu được. Họ cũng đưa ra những lời nhận xét hóm hỉnh hoặc lý thú về các tình huống trong phim nhằm mang lại sự thích thú cho người xem. Trong giai đoạn này của điện ảnh, đích thực Benshi mới là trung tâm của các buổi chiếu phim bởi họ là những người trực tiếp tương tác với khán giả và dẫn dắt cảm xúc của người xem.
Từ năm 1899, các công ty Nhật Bản bắt tay vào sản xuất những bộ phim đầu tiên. Thời kỳ này, những bộ phim của Nhật chỉ đơn thuần ghi lại những buổi biểu diễn Kabuki – một loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu kiểu như kịch, rất đặc trưng và được yêu thích tại Nhật Bản.
Máy quay được đặt ngay chính diện và ghi lại chính xác những gì diễn ra trên sân khấu mà không cần đến bất kỳ một thủ thuật điện ảnh nào. Để khán giả xem phim hiểu được nội dung của vở kịch, các benshi cũng làm thêm công việc lồng tiếng cho nhân vật. Thông thường, người ta sử dụng người lồng tiếng tương ứng với từng nhân vật trên sân khấu. Chẳng hạn một đứa trẻ sẽ lồng tiếng cho nhân vật trẻ con trên màn ảnh hay một người phụ nữ lồng tiếng cho nhân vật nữ. Như vậy, một bộ phim được trình chiếu ngoài một Benshi chính, người dẫn dắt câu chuyện, còn có những người phụ tá làm công việc đọc lời thoại của nhân vật.
Từ năm 1915 đến 1925, điện ảnh Nhật Bản trải qua thời kỳ biến động lớn. Đó là phong trào Pure Film Movement, phong trào phản đối kiểu làm phim đơn thuần ghi chép lại sân khấu kịch Kabuki. Những người khơi dậy phong trào này cho rằng trong khi nền điện ảnh phương tây đã cực kỳ phát triển các kỹ thuật quay phim, cắt dựng và nghệ thuật kể chuyện để dẫn dắt khán giả theo dõi câu chuyện một cách dễ dàng thì nền điện ảnh Nhật Bản vẫn dậm chân tại chỗ chính là bởi sự tồn tại của các Benshi. Các nhà làm phim Nhật Bản không chịu tìm tòi phát triển các kỹ thuật điện ảnh mới bởi họ biết rằng những gì họ không thể truyền tải đến khán giả bằng hình ảnh thì các Benshi sẽ làm giúp họ, bằng tiếng nói của mình. Dĩ nhiên, những nỗ lực của phong trào Pure Film Movement nhằm loại bỏ vai trò của Benshi trong điện ảnh Nhật Bản hoàn toàn thất bại bởi khán giả đã quá quen với sự tham gia của những người dẫn truyện trong quá trình xem phim. Tuy nhiên phong trào này lại góp phần thúc đẩy nghệ thuật dẫn truyện phát triển lên một tầm cao mới, còn gọi là nghệ thuật Setsumei. Từ đó trở đi, thông thường một buổi chiếu phim chỉ có 1 Benshi, người sẽ làm cả 3 công viêc: dẫn truyện, lồng tiếng cho nhân vật và đưa ra những nhận xét trong suốt quá trình phim được chiếu. Thơ ca và văn học dân gian Nhật Bản cũng được ứng dụng triệt để để đem lại hiệu quả dẫn dắt cảm xúc tối đa. Chẳng hạn, nếu trên màn hình có cảnh trăng sáng thì các Benshi sẽ ngâm một bài thơ ca ngợi ánh trăng. Trong các buổi chiếu phim nước ngoài, các Benshi bình luận về các hình ảnh, cảnh vật hoặc con người và thậm chí là thời trang trong phim. Họ cũng giải thích cho khán giả về phong tục tập quán của đất nước xa lạ trên màn ảnh đó. Chính vì thế, vào thời đại này các Benshi rất được coi trọng vì trí tuệ và tầm hiểu biết của mình.
Khi những bộ phim ngắn được thay bằng các phim dài hơi hơn, công việc của các Benshi cũng trở nên vất vả hơn nhiều. Họ phải nói liên tục trong một phòng chiếu phim rộng lớn chứa tới vài trăm người mà không hề có một công cụ khuếch đại âm thanh nào. Vì thế, một buổi chiếu phim thường có 2,3 Benshi thay nhau làm việc. Benshi chính, cũng là người nổi tiếng nhất, sẽ chỉ dẫn dắt những đoạn cao trào, quan trọng trong cả bộ phim. Các công cụ âm thanh khác như dàn nhạc sống cũng được kết hợp một cách khéo léo để hỗ trợ các Benshi. Người Nhật đặc biệt tài tình trong việc hòa trộn âm nhạc truyền thống với âm nhạc du nhập từ phương Tây. Để tạo hiệu quả âm thanh tối ưu, dàn nhạc chơi trong các buổi chiếu phim thường sử dụng đủ loại nhạc cụ, từ kèn Trumpet, Violon, Piano cho đến đàn Samisen, trống Taiko của Nhật Bản.
Ở thời kỳ này của Nhật Bản, các Benshi thực sự có vị trí rất cao trong ngành công nghiệp điện ảnh bởi còn hơn cả các ngôi sao màn bạc, họ chính là yếu tố lôi kéo khán giả đến với rạp chiếu phim. Các rạp chiếu cũng đưa ra đãi ngộ đặc biệt để lôi kéo các Benshi nổi tiếng đến làm việc cho mình. Trước cửa rạp, bên cạnh các poster phim, hình ảnh Benshi chính của buổi chiếu cũng được trưng bày nhắm thu hút khán giả. Thậm chí các Benshi có quyền xem trước và sửa đổi kịch bản theo ý muốn trước khi phim được làm. Nhiều Benshi tự sở hữu rạp chiếu phim hoặc một hãng phim. Chính Benshi mới là ngôi sao trong mắt khán giả. Người ta bắt chước cách ăn mặc, thậm chí là cách nói năng của các Benshi nổi tiếng. Nghề Benshi trở thành một nghề được trọng vọng trong xã hội. Lúc bây giờ, có ít nhất vài nghìn Benshi trên khắp nước Nhật. Trở thành Benshi cũng không phải dễ dàng. Trước khi đạt đến vị trí vinh quang, một Benshi, ngoài năng khiếu kể chuyện bẩm sinh, phải trải qua một thời gian luyện tập và học việc tương đối gian khổ. Để được hành nghề, họ cũng phải trải qua một kỳ thi gay go quyết liệt để lấy chứng chỉ. Chưa kể, trong môi trường cạnh tranh gay gắt, muốn nổi tiếng, mỗi Benshi phải tạo ra cho mình một phong cách riêng để khán giả không bao giờ quên được anh ta. Một số Benshi nổi tiếng Nhất trong thời kỳ này có thể kể đến là Saburō Somei, Rakuten Nishimura, Raiyū Ikoma, Mitsugu Ōkura, Shirō Ōtsuji và đặc biệt là Musei Tokugawa, người được mệnh danh là Benshi vĩ đại nhất của Nhật Bản.
Trong khi ở phương Tây, phim có tiếng nói đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1927, tại Nhật Bản, do những khó khăn về kỹ thuật, thời kỳ phim câm vẫn tiếp tục kéo dài cho cho đến tận 1935. Chính vì lẽ đó, phim câm Nhật Bản và nghệ thuật dẫn truyện của Benshi có thêm thời gian cũng như cơ hội để phát triển nhiều khía cạnh mới mà thế giới chưa biết đến. Tiếc thay, nhiều tư liệu quý giá về điện ảnh Nhật Bản trong giai đoạn này đã bị hủy hoại bởi động đất và chiến tranh. Như nhiều loại hình nghệ thuật đặc biệt khác trên thế giới, Benshi và nghệ thuật dẫn truyện của họ cũng dần dần biến mất theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật. Những Benshi, ngôi sao của ngành công nghiệp điện ảnh ngày nào, dù cố gắng vùng vẫy đến đâu, cuối cùng đều phải tự tìm cho mình những công việc mới. Người làm kinh doanh, người chuyển sang lĩnh vực phát thanh hoặc trở thành diễn viên điện ảnh nhưng tất cả đều mãi nuối tiếc về một thời vàng son của kỷ nguyên phim câm và nghệ thuật dẫn truyện chỉ có ở Nhật Bản.