Hình thức phim Rosetta
by Minh Thương
Để tạo ấn tượng và gây tác động mạnh đến cảm xúc khán giả với cuộc sống tuyệt vọng của Rosetta, anh em nhà Jean, Luc đã thực hiện toàn bộ “Rosetta” với máy quay cầm tay.
Điều này tạo ra hai hiệu ứng: sự chóng mặt đến buồn nôn ở một số người và cảm giác bấp bênh, nguy hiểm trong cuộc sống của Rosetta. Bộ phim cũng không có âm nhạc hoặc nhạc nền. Âm thanh thường xuyên nhất trong “Rosetta” là những âm thanh tự nhiên: xe cộ, tiếng người, tiếng thở, tiếng bước chân chạy. Có một đoạn nhạc nhỏ trong phim, nằm ở cảnh Rosetta ăn tối cùng Riquet và nhảy một chút với anh. Nhưng ngay cả ở phân cảnh được xem là lãng mạn, êm dịu nhất trong suốt bộ phim thì âm nhạc cũng chỉ là tiếng trống hỗn độn, không có trật tự và chát chúa. Jean, Luc cũng thường quay cận nhân vật, từ khuôn mặt đến bước chân chạy, gợi cảm giác chân thực cho khán giả. Bối cảnh các ông lựa chọn hầu như không có sự sắp đặt. Những phân cảnh nhiều lần được phân chia với nhau bằng hành động chạy qua đường, chạy về nhà của Rosetta. Những bước chạy vội vã, nguy hiểm qua con phố đông đúc xe cộ càng tô đậm cảm giác về cuộc sống chênh vênh của Rosetta. Ánh sáng trong “Rosetta” cũng hoàn toàn là ánh sáng tự nhiên, với cảnh rừng, cảnh đường phố, cảnh trong hiệu bánh. Tất cả khiến khán giả liên tưởng tới một bộ phim tài liệu nhiều hơn là một bộ phim điện ảnh. Điều này nằm trong chủ đích của đạo diễn, khi muốn xóa mờ cảm giác đang xem “diễn” của khán giả, để dồn tất cả cho sự chân thật của bộ phim. Cảm giác khó chịu, chóng mặt khi xem Rosetta thực sự là một thử thách với khán giả. Song với những gì đã thể hiện trong “Rosetta”, Jean, Luc đã chứng minh rằng không một hình thức nào thích hợp hơn để thể hiện một cách trọn vẹn câu chuyện này. Trong xã hội khắc nghiệt và lạnh lùng, Rosetta thậm chí không thể có được một công việc tầm thường nhất. Cô ấy ở dưới đáy xã hội, và càng vùng vẫy, cô càng bị tuột xuống thấp hơn. Cái run rẩy của máy quay cầm tay gợi liên tưởng đến sự run rẩy của linh hồn bị tổn thương của Rosetta, sự chênh vênh của những khuôn hình chính là cuộc sống bấp bênh, không một điểm tựa của Rosetta. Nó gia tăng cảm xúc cho khán giả và giúp câu chuyện chạm được đến trái tim.
Sử dụng ít đối thoại và nhiều những cảnh quay dài, Jean, Luc vẽ nên bức tranh về cuộc sống cô lập, hầu như không có mối liên hệ với xã hội và nhiều bất ổn của Rosetta. Bối cảnh là đô thị của Bỉ, Jean, Luc cố gắng lẩy ra một lát cắt trong mảng tối của bức tranh tưởng như hiện đại và văn minh này. Cốt truyện hoàn toàn đơn giản, hầu như không có gì để kể về một cô gái cố gắng tìm việc, “Rosetta” lại mang tải những thông điệp đạo đức và thậm chí cả chính trị.
Đặc trưng của những bộ phim Jean, Luc là kinh phí thấp và đơn giản về mọi mặt: diễn viên, phục trang, ánh sáng, bối cảnh. Nhưng anh em Jean, Luc luôn biết cách để đẩy kịch tính lên cao thông qua việc cho các nhân vật luôn chiến đấu, va chạm, hành động với nhau hơn là thông qua các cuộc thoại dài. Trong “Rosetta”, những cảnh quay cận mặt nhân vật rất nhiều, góc quay gần như được cố định để “bắt” từng chuyển biến cảm xúc nhỏ của nhân vật. Điều này khiến nhân vật giống như một bức chân dung chân thực và sống động. Những tâm tư, những toan tính xấu tốt của họ hoàn toàn hiện ra trong ánh sáng tự nhiên và bối cảnh đời thường. Kỹ thuật quay tưởng như không có kỹ thuật này, lại là một sự lựa chọn thông minh và phù hợp nhất với những câu chuyện như “Rosetta”.
Sau khi ra đời, ngoài giải thưởng Cành cọ vàng, “Rosetta” dành được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình trên khắp thế giới. Ở Bỉ, dưới ảnh hưởng của bộ phim này, thậm chí một đạo luật bảo vệ người lao động vị thành niên đã ra đời. Một câu chuyện tưởng chừng đơn giản về một cô gái sống trong khu cắm trại tồi tàn, lại tạo nên sự thay đổi thế giới, dù chỉ là một sự đổi thay nhỏ bé.
Nguồn ảnh: Jean – Pierre Dardenne và Luc Dardenne