Tangled

by Đặng Hải Quang

Rapunzel là công chúa thứ sáu trong bộ sậu các công chúa cổ tích mà Walt Disney để ý tới. Sau bé Bạch Tuyết ngây thơ, cô Lọ Lem thật thà chăm chỉ, Người đẹp ngủ trong rừng lười biếng và hai nàng công chúa thích “yêu động vật” (một nàng yêu nhầm anh đô vật The Beast, đời nàng kia còn tệ hơn: lưỡng cư), Rapunzel gần như là lựa chọn cuối cùng. Gần như là cuối cùng, bởi chuyện của nàng này gần như chẳng có gì để nói cả. Và cũng bởi câu chuyện nguyên bản không có gì nhiều để nói, Walt Disney mới phải sáng tạo ra một lô một lốc các nhân vật cũng như tính cách mới.

Nhân vật chắp vá

Đầu tiên là nhân vật nam chính, anh chàng Flinn Ryder. Khỏi cần nói thì mới nhìn ngay trẻ con cũng biết, gã trộm vặt này được đo ni đóng giày cho nàng công chúa lười cắt tóc gội đầu kia. Về hình tượng cũng như tính cách, có lẽ Flinn Ryder chẳng khác mấy với chàng Aladdin mười mấy năm về trước. Gã này chỉ hơn Aladdin ở một điểm duy nhất: Gã chẳng tự nhận mình là hoàng tử để gạt công chúa. Đây là một điểm cộng trong tính cách bất cần đời của Flinn Ryder, nhưng lại là một điểm trừ trong lòng khán giả. Không có bí mật cần phải che giấu, không có sự mặc cảm tế nhị đến mức dễ thương của Aladdin, màn biểu diễn tình cảm của chàng và nàng có vẻ nhạt đi ít nhiều.

Tiếp theo, hãy xem nhân vật phản diện quan trọng nhất của phim: Bà mẹ giả độc ác. Có thể nói, bà già này chính là một bản sao biến dị của mẹ kế nàng Bạch Tuyết. Ham sắc đẹp đến mức rồ dại, có cái lưỡi thuyết phục dẻo như kẹo kéo, và, lại là một bà mẹ kiểu phải-mà-không-phải (Sao các nàng mẹ ghẻ trong cổ tích biến thái và độc ác thế nhỉ?). Nhân vật này tập hợp gần như đầy đủ các tính cách xấu xa cần phải có nhất từ các nhân vật xấu xa.

Xử lí khiên cưỡng, vụng về

Các câu chuyện cổ tích thường không đơn giản chút nào. Ẩn sâu trong chúng, hoặc là các khát vọng tính dục, hoặc là những mong muốn đổi đời, khát vọng trả thù đầy mạnh mẽ khéo léo luồn dưới lớp vỏ bọc nhân nghĩa đạo đức. Cô bé quàng khăn đỏ rốt cuộc mang ý nghĩa gì? Không phải là “Dù cố gắng thế nào thì cuối cùng người con gái cũng có ngày hết cái tuổi ngây thơ”, nói thẳng toẹt ra là “mất trinh” đó sao? Cô Tấm đã xử lý mẹ ghẻ thế nào? Không phải là xả thịt ướp muối sao? Những ý nghĩa nguyên thủy đó, dưới bàn tay nhào nhặn của Walt Disney chợt trở thành những câu chuyện dành cho trẻ em 100%. Cô công chúa Rapunzel, vốn có ý nghĩa về giới tính rất rõ, lại được chế biến thành một món ăn không đậm không nhạt, vừa miệng với con trẻ.

Cũng chính vì để làm hài lòng các khán giả nhỏ tuổi, xử lý còn thiếu gia vị là điều không thể tránh khỏi. Ai chẳng biết họ sẽ gặp nhau? Ai chẳng biết họ sẽ yêu nhau? Cứ tuần tự nhi tiến, như ăn cơm chan canh rau muống mà và cho hết bữa vậy. Ngoài ra, điểm mà khán giả kỳ vọng nhất – chính là cái cách mà các nhà làm phim cho Rapunzel đối mặt với sự thật về bà mẹ “hai trong một” – lại khiến khán giả thất vọng nhất.  Thật khó tin khi tình cảm mười mấy năm bên nhau trở thành tro bụi, trong khi tình cảm giữa Rapunzel và mẹ thật lại đến thật nhanh chóng chỉ qua “trí nhớ của Rapunzel”. Walt Disney đã trốn tránh mối quan hệ “vừa là người thân vừa là kẻ thù” này một cách vô cùng ngớ ngẩn, bằng cách ép nhân vật bà mẹ giả tự biến mình thành nhân vật phản diện toàn tập, qua đó Rapunzel chẳng phải làm đắn đo gì về tình cảm của mình dành cho bà già độc ác kia nữa hết. Mối quan hệ cũ chấm dứt cái rụp, và cô sống vô tư lự, happy ever after với những người mới quen được có vài ngày. Trẻ con có thể nuối trôi được cái này, chứ người lớn thì có lẽ không.

Còn gì cho tương lai?

Có vẻ như cổ tích là một mảnh đất không bao giờ có giới hạn của Walt Disney. Đã hơn 50 năm kể từ khi bom tấn Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn ra đời, những bộ phim về thế giới thần tiên của đám công chúa hoàng tử tuổi xì tin, của lũ những bà tiên, mụ phù thủy hay ganh ghét nhau vẫn không ngừng cuốn hút bao nhiêu thế hệ thanh thiếu niên, cả ngây thơ cũng như lõi đời. Tangled, con đẻ của Walt Disney Animation Studio, chính là sự nối tiếp không ngừng nghỉ của đế chế hùng mạnh đó. Thật tiếc khi Pixar không nhúng tay vào.

pic by Walt Disney

~ by hoangthuongvn on May 14, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: