Số phận tình yêu

by Minh Thương

Chung một dòng sông (1959), Chị Tư Hậu (1963), Tiền tuyến gọi (1969), ba bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã cuốn hút khán giả suốt nhiều thập kỉ qua. Không chỉ hấp dẫn khán giả ở tính thời sự và những cảnh quay trau chuốt, những bộ phim trên còn mang tới những thông điệp ý nghĩa về số phận của tình yêu trong chiến tranh tàn khốc. (Image: Hãng phim truyện Việt Nam)

Chiến tranh – xét theo một khía cạnh nào đó – là thử thách khắc nghiệt nhất đối với tình yêu. Đối với những tình cảm chân chính thì trong hoàn cảnh bom rơi đạn nổ, chia ly cách trở, tình yêu đó lại càng trở nên mạnh mẽ, mãnh liệt hơn, mang đến sức mạnh kì diệu cho con người. Khác với tình yêu thời bình, tình yêu thời chiến vừa là tình cảm yêu thương giữa người với người vừa là sự gắn kết máu thịt giữa những người cùng chí hướng, chiến đấu vì cùng một mục đích cao cả: bảo vệ từng tấc đất quê hương và giành lại độc lập cho quê hương đất nước. Tình yêu trong Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông và Tiền tuyến gọi chính là tình cảm thời chiến cao quý ấy.

Chị Tư Hậu kể về một đoạn đời của người phụ nữ bình dị miền Nam, người đã vượt qua những khó khăn, những đau đớn nghiệt ngã nhất. Tuy hình ảnh người chồng của chị Tư Hậu chỉ xuất hiện ở những phân đoạn đầu của bộ phim song cũng đã để lại những ấn tượng đẹp. Đó là người đàn ông khi biết chuyện vợ của mình bị địch hãm hiếp, trong lòng có những đau đớn dằn vặt, song vẫn mở rộng tấm lòng, tự vượt qua những tức giận định kiến trong lòng để yêu thương người vợ như trước. Mặc dù người chồng sau đó đã hi sinh nhưng khán giả vẫn cảm nhận được sức mạnh tinh thần mà anh đã truyền lại cho người vợ, giúp chị có được nghị lực vượt qua những khó khăn gian khổ của cuộc chiến đấu, trở thành người chiến sĩ anh dũng và đáng tự hào.

Chung một dòng sông lại kể về sự chia cắt của đôi vợ chồng Vận – Hoài ở hai bên dòng sông Bến Hải. Cùng chịu chung cảnh ngộ bị chia cắt của cả đất nước, Vận và Hoài lại càng khó khăn hơn khi Hoài lọt vào tầm ngắm của tên đồn trưởng. Đám cưới dở dang, lại thêm âm mưu phá đám của tên đồn trưởng và sự xa cách lâu ngày đã đặt tình cảm của hai người vào thử thách lớn lao. Song bằng tình yêu, bằng niềm tin và sự vững vàng, Vận và Hoài đã vượt qua được những nghi ngờ, thử thách để giữ trọn tình yêu. Cuối cùng, bộ phim đã có một kết thúc có hậu khi đôi vợ chồng bị chia cắt đã được gặp lại nhau trong niềm vui sum họp của đôi bờ.

Trong khi đó, bộ phim Tiền tuyến gọi lại không đặt ra ranh giới địch – ta một cách rõ ràng như hai bộ phim kia. Tiền tuyến gọi kể về tình yêu giữa những người cùng chung một lí tưởng Vũ Khiêm và Hương Giang. Ở bộ phim này, tình yêu giữa Vũ Khiêm và Hương Giang nhờ chiến tranh mà càng thêm mạnh mẽ. Qua chiến tranh ác liệt, thấy Vũ Khiêm ngày càng trưởng thành và có lí tưởng, quan điểm đúng đắn, tình cảm của Hương Giang ngày càng mãnh liệt hơn. Tình cảm giữa hai người không chỉ là tình cảm trai gái đơn thuần mà còn là sự cảm phục, mến mộ giữa những người làm khoa học có cùng chí hướng với khoa học, với đất nước. Mặc dù kết thúc bộ phim, tình cảm của Hương Giang và Vũ Khiêm vẫn chưa đi đến sự viên mãn cuối cùng song khán giả có thể cảm nhận được tình cảm hai người dành cho nhau cũng như sự trong sáng và lí tưởng cao đẹp của họ.

Có thể nói, trong ba bộ phim trên, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã đề cập đến ba khía cạnh khác nhau của tình yêu thời chiến. Đó là tình cảm vợ chồng bị ngăn trở bởi địa lí, bị chia cắt bởi âm mưu thâm độc của địch song vẫn vượt qua được tất cả để giữ gìn tình yêu dành cho nhau. Đó là tình yêu giữa những nhà khoa học trẻ tuổi cùng chí hướng, yêu nhau bằng tình cảm cảm phục, mến mộ và vượt qua mọi khó khăn cũng bằng tình cảm đó, lí tưởng đó. Đó còn là tình yêu mà những người hi sinh truyền lại cho người còn sống, là sức mạnh ngầm ẩn giữa những người yêu nhau. Nhờ có sức mạnh tình yêu đó, bao người đã vượt qua được chiến tranh gian khổ và góp sức mình vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Do đó, các bộ phim trên đã có sức cổ vũ, động viên lớn lao đối với khán giả thời bấy giờ và tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả hiện nay.

Nguồn ảnh: Hãng phim truyện Việt Nam

~ by hoangthuongvn on May 14, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: