Rashomon: minh chứng tiêu biểu

by Minh Thương

Điện ảnh Nhật Bản có thể nói đã tự tạo được cho mình một diện mạo riêng trên bức tranh điện ảnh phong phú của thế giới. Không chỉ có những bộ phim đặc sắc, ăn khách mà điện ảnh Nhật Bản còn có những tác phẩm đậm chất nghệ thuật và mang đặc trưng riêng. Rashomon là một minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh này của điện ảnh Nhật Bản. (Image: Hãng Daiei)

1. Một thông điệp sâu xa về tính thiện của con người

Rashomon được xây dựng dựa trên 2 truyện ngắn là “Cổng đền Rashomon” và “Trong rừng trúc” của nhà văn Akatugawa Ryunosuke. Nội dung bộ phim kể về một vụ án giết người và cưỡng bức qua lời khai của người trong cuộc cùng các nhân chứng.

Ra đời năm 1950, bộ phim Rashomon được làm vào thời điểm nước Nhật vừa bước qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, đầy khốn khó và nghèo nàn. Đạo diễn Kurosawa đã làm Rashomon mà không sử dụng bất cứ kĩ xảo nào và với kinh phí làm phim rất thấp. Toàn bộ diễn viên trong phim chỉ có 8 người, xoay quanh nội dung về một vụ án mạng – cưỡng hiếp. Qua lời kể của nhà sư, người tiều phu với người khách qua đường, khán giả hình dung ra được vụ án.

Nhưng từ người trong cuộc (tên cướp, vợ người samurai, nạn nhân hiện hồn qua bà đồng cốt) cho đến nhân chứng đều mỗi người kể một câu chuyện khác nhau và có biến tấu đi cho phù hợp với lợi ích của mình. Cuối phim là một bất ngờ, khi người tiều phu (vốn đã thú nhận có kể câu chuyện sai đi một chút để lấy trộm con dao quý) nhận nuôi đứa trẻ bị bỏ lại giữa đống đổ nát của đền Rashomon trong khi chính ông ta cũng đang nheo nhóc với đàn con 6 đứa. Bộ phim kết thúc với lời tin tưởng vào nhân tính con người của nhà sư.

Bộ phim để lại một thông điệp sâu xa về ranh giới mong manh giữa điều thiện và điều ác, về nhân tính của con người, về sự thật và chân lí. Sự thật có thể không bao giờ được tìm thấy khi ngay cả người chết cũng nói dối. Sự thật bị che giấu bởi những mưu mô, toan tính cá nhân. Đúng như lời nói của nhân vật nhà sư trong phim: “Con người sẽ mãi mãi không thể tìm thấy được sự thật, bởi sự yếu đuối và ích kỉ của chính mình”. Song điều lớn lao nhất, đó là tính thiện của con người, dù có lúc bị mờ đi, vẫn là bản tính cội rễ nhất.

2. Cầu nối với điện ảnh thế giới

Rashomon chính là bộ phim đầu tiên mở đường cho điện ảnh Nhật Bản đến với thế giới. Sau tác phẩm này, các nhà làm phim thế giới đã phải nhìn lại điện ảnh Nhật Bản bằng con mắt thán phục và kính nể. Khi mới ra đời, Rashomon bị xếp xó, bị các nhà phê bình chỉ trích tơi tả, và doanh thu thì thất bại thảm hại. Mãi cho đến khi được phát hiện lại bởi giáo viên người Ý Giuliana Stramigioli thì giá trị của Rashomon mới được nhìn nhận thật sự. Kể từ đó, bộ phim Rashomon của đạo diễn Arika Kurosawa được xem là tác phẩm điện ảnh kinh điển không chỉ của Nhật Bản mà còn của thế giới.

Điểm đặc biệt khiến Rashomon trở nên nổi tiếng chính là ở cách kể chuyện không theo truyền thống. Vụ án trong Rashomon được tái hiện qua lời kể của các nhân vật. Mỗi nhân vật kể lại vụ án một kiểu, với những chi tiết mâu thuẫn nhau tùy theo mục đích của từng người, và cho đến kết phim vẫn chưa có một kết luận chính xác về vụ án này. Nhân chứng và người trong cuộc đã thế, trong Rashomon còn không hề xuất hiện nhân vật quan tòa. Có phòng xử án đấy nhưng khán giả không thấy khuôn mặt quan tòa. Toàn bộ cuộc xét xử chỉ là các nhân vật nhìn trực diện vào máy quay và nói. Tất cả điều này như những ẩn dụ về sự khó khăn trong cuộc kiếm tìm sự thật, chân lí.

Bối cảnh trong phim cũng cực kì tiết chế, chỉ gồm cảnh trong rừng trúc, trong phiên tòa và trước cổng đền. Cảnh ba người: nhà sư, người qua đường và người tiều phu ngồi nói chuyện với nhau về vụ án là đại diện cho những tầng lớp xã hội khác nhau, và mỗi người đều có những phần tốt – xấu ẩn khuất. Cảnh kết phim về hình ảnh người tiều phu bế đứa bé bị bỏ rơi về nuôi là một hình ảnh tươi sáng, thể hiện niềm tin lớn lao vào con người.

Với những cách tân về nghệ thuật kể chuyện, những sáng tạo về kĩ thuật quay, dựng phim,… và thông điệp giàu ý nghĩa, Rashomon đã đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Venice năm 1951 và sau đó, tiếp tục đoạt giải Oscar Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Bộ phim còn có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tác phẩm điện ảnh sau này như phim Anh Hùng, Hoodwinked,…

Nguồn ảnh: Hãng Daiei

~ by hoangthuongvn on May 14, 2011.

3 Responses to “Rashomon: minh chứng tiêu biểu”

  1. Mình muốn trao đổi với tác giả bài viết vài điều:
    1. Cần xem lại nhận xét “Rashomon chính là bộ phim đầu tiên mở đường cho điện ảnh Nhật Bản đến với thế giới. Sau tác phẩm này, các nhà làm phim thế giới đã phải nhìn lại điện ảnh Nhật Bản bằng con mắt thán phục và kính nể.” Đúng là Rashomon là bộ phim Nhật Bản đầu tiên có giải thưởng quốc tế, nhưng khó có thể mói nó mở đường cho điện ảnh Nhật Bản đến với thế giới. Bạn đừng quên, trước Kurosawa là hai đạo diễn “cây đa cây đề” : Ozu và Miguchi, bên cạnh vài đạo diễn khác. Kurosawa rất tài năng, thậm chí còn là được mệnh danh là “ông vua” trong điện ảnh Nhật, nhưng không thể vì vậy mà phủ nhận những sáng tạo và nền móng phim ảnh được những người trước ông gầy dựng.
    2. Dường như sự say mê bạn dành cho Kurosawa với Rashomon quá lớn, đến mức bạn quên (hay chưa từng biết), những “thông điệp” và nghệ thuật kể chuyện độc đáo (mỗi nhân vật kể một phiên bản câu chuyện khác nhau) đã hoàn tất trong truyện ngắn “Trong rừng trúc” (tựa tiếng Việt là “Bốn bề bờ bụi”) của nhà văn Akutagawa. Truyện ngắn đó có cấu trúc tuyệt vời, và Kurosawa đã kế thừa gần như toàn bộ cấu trúc ấy. Xét về kết cấu tự sự, ngoại trừ “mảnh vỡ cuối” của câu chuyện (tiều phu kể lại sự tình) và việc sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa nhà sư, người qua đường và tiều phu, Kurosawa không phải sáng tạo gì thêm.
    Có lẽ bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về nguyên tác văn học của bộ phim này, vì suy cho cùng, đây là một bộ phim chuyển thể. Việc đó sẽ giúp bạn bình luận, đánh giá phim một cách tỉnh táo và sòng phẳng khoa học hơn!
    Thân mến!

  2. Cảm ơn những đóng góp của bạn cho bài viết của mình!

  3. […] bài viết: cbr.com Cre chú thích: https://tinvanonline.org/2011/05/14/rashomon-4/ Trans cre: […]

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: