M. Antonioni và sự bi quan (P.2)

by Đặng Hải Quang

Cả hai bộ phim L’Avventura và Blow-Up đều thể hiện rõ sự bi quan của Michelangelo Antonioni, thông qua cách ông nhìn nhận và biểu hiện thế giới, sự vật.

Thế giới của đồ vật

Antonioni đặc biệt quan tâm đến đồ vật. Trong phim của ông, đồ vật nhiều khi còn sinh động hơn cả con người. Cả L’Avventura và Blow-Up đều có những cảnh mà sự bố trí của đồ vật là cực kỳ quan trọng. Thử lấy ví dụ với hai cảnh, một là khi Thomas (Blow-Up) ra mở cửa cho người đưa cánh quạt gỗ tới nhà, và một là khi Claudia (L’Avventura) ra ngoài ban công nhà bà công nương. Ở cả hai, ta đều thấy sự sắp xếp đồ vật mà mới nhìn qua thì hơi có vẻ bừa bãi. Thật ra nếu để ý kỹ, cách sắp xếp đồ vật trong bối cảnh của Antonioni là có dụng ý. Tất cả các đồ vật (tượng bán thân, tranh ảnh, búp bê) được đặt trong nhiều chiều không gian khác nhau (quay ngang, quay dọc), nhiều tư thế khác nhau, nhìn ra nhiều hướng khác nhau. Đó có khác gì một xã hội thu nhỏ, mà mỗi đồ vật là một cá thể, là một sự sống riêng? Thậm chí chúng còn sống động hơn cả người sống quanh nó nữa. Điều này làm sự cô đơn của con người càng được thể hiện rõ.

Thế giới của những xã hội cô đơn

Không chỉ Thomas (Blow-Up) tự cách ly mình ra khỏi xã hội. Chính xã hội mà anh đang sống cũng dửng dưng đến đáng ngạc nhiên. Tay cộng sự thân tín của anh – Reg – thật sự là một người đắc lực. Nhưng anh này chỉ biết giao tiếp với Thomas qua những từ cụt lủn như “Vâng” hoặc “Có”, những cái gật đầu và những động tác phối hợp trong công việc như một cái máy được lập trình sẵn. Peter, người mà Thomas tin tưởng để kể về vụ giết người anh phát hiện ra, chẳng bao giờ nghe anh được một câu. Gã còn bận sống trong những bữa tiệc sa đọa xuyên đêm. Thậm chí khi Thomas đi trên một con phố vắng rồi nảy ý định bấm còi thật to để xem mọi người phản ứng thế nào, thì cũng chỉ có duy nhất một ông già tỏ thái độ không bằng lòng. Những người còn lại – cả một xã hội xung quanh anh – phải chăng là những cái xác không hồn?

Khi Anna (L’Avventura) mất tích, thái độ dửng dưng của những người bạn đồng hành của cô được thể hiện cực kỳ rõ nét. Người ta tìm kiếm chỉ để cho có. Rồi cả đám người đó lại lên đường tìm một chuyến viễn du mới cùng những bữa tiệc mới, chẳng thèm quan tâm xem người đã từng chung thuyền với mình hiện giờ còn sống hay đã chết. Gần như tất cả các nhân vật trong hai phim đều chìm vào các cuộc vui triền miên – những nỗ lực vô vọng để che đậy cuộc sống vô vọng và không mục đích của các nhân vật.

Nếu những chi tiết trên chỉ phản ánh sự thiếu giao tiếp – sự mất dần của các mối quan hệ bên ngoài, thì những “trò chơi tình dục” được Antonioni đặc tả trong phim của mình lại cho thấy sự mất dần của các mối quan hệ thực sự. Cả trong Blow-Up lẫn L’Avventura, các mối quan hệ ngoài luồng có rất nhiều. Cái phản ứng dữ dội con người ta thường có, khi thấy bạn tình của mình ăn nằm với người khác đâu rồi? Không hề có. Ta chỉ thấy Thomas lặng lẽ ra khỏi nhà khi thấy bạn gái ăn nằm với cậu bạn thân, cả Claudia cũng chỉ tỏ ra hơi xúc động.

Trong hai phim, Antonioni đều để những kẻ phản bội họ phát hiện ra sự có mặt của người kia. Nhưng phản ứng của họ cũng rất yếu ớt. Chẳng ai thanh minh lấy một câu. Liệu Thomas có thật sự yêu bạn gái mình? Sandro chỉ cưa cẩm Claudia để thỏa mãn nhu cầu trong cơn thiếu thốn? Dù thế nào đi nữa, mối quan hệ ràng buộc giữa họ giống như một sợi chỉ mảnh, có thể đứt bất cứ lúc nào.

Những cảnh tình dục được Antonioni khai thác một cách rất đặc biệt. Chúng chẳng mang lại một niềm đam mê, một cảm giác nóng bỏng nào cho khán giả. Tất cả được hạ xuống một bậc, đơn giản chỉ là để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, thỏa mãn bản năng nguyên thủy nhất của con người. Hãy xem cảnh Thomas “vui vẻ” với hai cô gái háo danh, hay cảnh Julia và anh chàng họa sĩ 19 tuổi hôn nhau ngay trước mặt Claudia. Người ta cố gắng dùng tình dục để kết nối với nhau. Và người ta thất bại.

Kết

Hẳn một khi đã xem phim của Antonioni, không ai có thể quên được cái kết. Hình ảnh cái kết của L’Avventura và Blow-Up đều hết sức đặc biệt, khi con người được thu lại thành nhỏ xíu trên một phông nền lớn, mắt hướng về những nơi xa xăm vô cùng tận. Chúng ta thấy họ như ở một thế giới khác, đầy sự cô đơn và lạnh lẽo.

Đó phải chăng là thế giới của chúng ta qua lăng kính đầy trí tuệ của Michelangelo Antonioni?

~ by hoangthuongvn on May 14, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: