Doclab trong mắt tôi
by Thu Hằng
Có một trung tâm làm phim tài liệu, phim thử nghiệm và video art nằm trong khuôn viên của viện Goethe Hà Nội số 56-58 Nguyễn Thái Học: Doclab
Ngày 14/10/2009 tôi trở về sau một khóa học ba tháng ở Sài Gòn và ngày 20/10/2009 tôi đến viện Goethe để tham gia một khóa học làm phim đầu tiên của Doclab. Tôi biết được thông tin về chuyện này qua quỹ Đông Sơn, một tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa nghệ thuật của Nhật rất hay thời điểm đó. Thời gian sau quỹ đóng cửa không biết vì lý do gì. Thật sự rất đáng tiếc.
Chúng tôi có một tuần để xem và viết review về phim. Trước đây, việc tiếp nhận phim tài liệu của tôi chủ yếu thông qua các kênh truyền hình chính thống như VTV1, VTV2… ngoài ra, không còn gì khác. Chính vì thế, phim tài liệu thử nghiệm và video art là một khái niệm rất khác và hoàn toàn mới mẻ. Những phim được chiếu ở đó trong vài ngày đầu chủ yếu là của các đạo diễn trẻ, một số phim như “Triết lý tình yêu buổi sáng”, “Bia bọt xả hơi” (Phạm Thị Hảo) hay “Lý do để sống và cách đơn giản để chết” (đạo diễn người Myanma), “Chuyến tàu lúc bình minh” (Một đạo diễn người Nga) …mang đến cho tôi một cái nhìn mới mẻ về thể loại phim tài liệu. Không phải là những bộ phim kể về những tấm gương vượt khó hay ca ngợi chân dung người lao động, người tốt việc tốt v…v mà, phim tài liệu hoàn toàn có thể là một ý nghĩ thoáng qua, một quan niệm về tình yêu, một khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày hay một triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc về cuộc sống. Tôi bắt đầu viết review và đều đặn gửi đến Doclab sau mỗi buổi chiếu.
Để thực sự trở thành học viên Doclab, tôi còn phải trải qua một cuộc phỏng vấn với Nguyễn Trinh Thi, người mà sau này tôi nên cảm ơn số phận đã cho tôi gặp chị. Chị hẹn nói chuyện với tôi trong văn phòng Doclab, một căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 với rất nhiều cửa sổ sơn trắng và các cửa phụ ngăn kín với các phòng khác. Sở dĩ như thế là do phòng này trước kia là nhà kho ở sân phụ đằng sau viện Goethe, ngay sát nhà vệ sinh. Vì Doclab là trung tâm mới phát sinh đang thuộc diện “vô gia cư” cho nên nhà kho được trưng dụng để làm “cơ sở cách mạng” tạm thời. Đến phỏng vấn, chị Thi hỏi tôi qua loa vài câu về công việc hiện tại và lý do nào khiến tôi muốn tham gia vào khóa học, sau đó, chị đưa một chiếc máy ảnh và yêu cầu ra ngoài chụp từ 5-10 phút, chủ đề không giới hạn và thỏa sức tự chọn. Tôi đi loanh quanh trong khuôn viên viện Goethe, chụp được ba hay bốn bức gì đó và hoàn toàn tự do. Chính tại thời điểm này, tôi hân hoan phát hiện ra một điều gì đó tuy chưa gợi hình rõ nét nhưng vô cùng sáng sủa và tràn đầy hi vọng về những điều mới mẻ đang đón đợi tôi ở phía trước, với dấu hiệu độc đáo của cuộc phỏng vấn này, khi người ta nhận biết con người bằng sự nhảy cảm và tư duy sáng tạo đến từ bản năng. Tôi mang ảnh vào và được hỏi rõ lý do vì sao lại chọn cách chụp như thế này mà không phải thế khác. Một tuần sau, tôi nhận được email từ Doclab thông báo “trúng tuyển” và chuẩn bị đi học ngay trong thứ 7 của tuần đó. Mọi chuyện diễn ra dường như rất nhẹ nhàng và suôn sẻ.
Những thành viên đầu tiên của Doclab đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều độ tuổi khác nhau. Chúng tôi trải qua khóa học ba tháng dưới sự hướng dẫn của chị Thi và của Hảo, một con người rất đáng yêu về sau này. Mỗi tuần, chúng tôi gặp nhau vào chiều thứ 7, xem phim và thảo luận về ý tưởng phim cá nhân của mỗi người. Buổi học giống như tinh thần của một lớp phân tích tâm lý, mỗi người đều không sớm thì muộn, chia sẻ những vấn đề riêng tư , có những bạn, họ thực sự bật khóc khi kể ra câu chuyện của mình. Phim đầu tay quả thực là thử thách rất lớn với mỗi người, không ít người bỏ cuộc, không ít người định bỏ, có người phải mất đến gần một năm trời mới có thể hoàn thành được một phim vỏn vẹn 5 phút. Mọi sự khởi đầu bao giờ cũng quá khó khăn!
Nhưng một thành công lớn của Doclab sau khóa học đó là mang đến cho những thành viên đầu tiên một cái nhìn khác về thể loại phim tài liệu, mang đến cho họ những phương cách làm phim mới mà ở nơi đó, con người sáng tạo, con người cá nhân được thỏa thức thử nghiệm, thỏa sức vẫy vùng và không có một giới hạn nào cho cho trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo. Những cách thức mà một nhà làm phim độc lập sau này phải trải qua được coi là mục đích và chủ trương của chị Thi ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi được hướng dẫn cách tư duy bằng hình ảnh, phát triển ý tưởng, học quay phim và tập dựng cho chính phim của mình, mọi công từ đoạn pre-production cho đến post production. Tất cả là miễn phí trừ sự nhiệt tình và tận tâm của chị Thi và Hảo thì cần phải trả ơn bằng chính thành quả là các phim cá nhân của mỗi người.
Doclab sang năm 2011 đã được hai năm. Một quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để ghi lại dấu ấn của nó với vai trò manh nha như một “Làn Sóng Mới” nếu có thể nói như thế trong sự phát triển của phim ảnh VN hiện nay. Phim tài liệu thử nghiệm và video art, một đại lộ lớn trên thế giới và là một con đường nhỏ còn nhiều bụi rậm và cỏ gà ở Việt Nam, Doclab giống như những “Người bán kinh thánh” đi gieo rắc niềm tin tốt lành đến với mọi người bằng sự và dấn thân và tinh thần tử vì đạo của mình.
Trang nhà của doclab nếu bạn muốn ghé thăm: hanoidoclab.org
Nguồn ảnh: Doclab