Tiếng cười Charlot (p.2)

by Nguyễn Trà

Charlot (Charlie Chaplin) không chỉ có một ngoại hình gây cười, mà những hành động của anh cũng hài hước, đầy sáng tạo. Sâu xa hơn, đằng sau những hành động tưởng chừng tưng tửng đáng cười ấy, ta thấy một nhân cách lớn dám chống lại thế lực xấu, điều ấy khiến chàng lang thang trở thành anh hùng đáng mến trong lòng khán giả.

2.1 Nội dung gây thiện cảm và thỏa mãn tâm lý số đông quần chúng

Trên quan điểm nghệ thuật Chaplin cho rằng với ông, điện ảnh là phương tiện diễn tả tuyệt diệu, hơn ngòi bút, rằng phim của ông được dành cho đông đảo công chúng. Và có lẽ Chaplin đã hoàn toàn thành tâm với quan điểm sáng tác của mình, vì các tác phẩm của ông đều dễ hiểu, dễ xem, và được sự ưa thích của hầu như tất cả các tầng lớp trong xãhội.

Để đến được với công chúng đông đảo, Chaplin nghiên cứu rất kỹ lưỡng thị hiếu của đa số công chúng với phim hài. Đâu phải ngẫu nhiên trong nhiều phim ông đã hài hước hóa những kẻ chức quyền không xứng đáng: Cảnh sát, cai ngục, chủ nhà băng, bọn to xác, bá tước… Ông viết: “ Trong cái quá đơn giản nhưu ta tưởng ấy, có hai nhân tố thuộc bản chất con người được nhằm tới ở đấy: một là cái thích thú của công chúng được thấy cái giàu sang và xa hoa bị phiền muộn, hai là xu hướng của công chúng trong việc cũng cảm thấy xúc động như  diễn viên, Một trong những bài học được nhanh nhất ở sân khấu là nhân dân nói chung tỏ  ra, khoái trá khi thấy những kẻ giàu có phải chịu phần hẩm hiu nhất…”

Năm được thị hiếu rồi, “bản chất” con người rồi,  ông thử nghiệm lâu dài, lựa chọn cẩn thận các thủ thuật gây cười của mình, sao cho tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, đồng thời sao cho toàn bộ công chúng đều hiểu được. Điều đó giải thích tại sao phim của Chaplin được tán thưởng ở cái đông đảo những tầng lớp nghèo nhất, đồng thời cũng thu hút được những tầng lớp trí thức tinh tế nhất, những giới khó tính và sành điệu nghệ thuật nhất

Về mặt nội dung: ông luôn quan tâm phản ánh trong các phim của mình những vấn đề mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, sâu sắc dưới hình thức một câu chuyện giản dị, một nhân vật chính đi ra từ công chúng, mang những đặc điểm tính cách của công chúng để chống lại những thế lực xấu xa. Nhân vật Charlot là một người dân nghèo khó, lang thang, nhưng bản chất tốt đẹp, hiền lành, yêu thương động vật, trẻ em, và galan với phụ nữ. Chính vì có những khó khăn vật chất nên anh ta được bù đắp bằng sự duyên dáng, thông minh, điều này một phần nào phản ánh tâm lý của đông đảo quần chúng, gửi gắm một phần mong muốn ước mơ trong cuộc đời của họ về luật bù trừ, về sự bù đắp những khó khăn vất vả. Chính với những đặc điểm đó, cùng với dáng vẻ hài hước, khác biệt nhưng có chút vừa hơi ngu ngơ đáng thương, lại vừa rất duyên, Charlot ngay lập tức có được cảm tình từ phía khán giả.

Nhân vật Charlot là hiện thân của một anh hùng, 1 anh hùng đi ra từ quần chúng chứ không xa các siêu nhiên, làm nhiệm vụ chống lại những thế lực hoặc giàu có trưởng giả, hoặc côn đồ xấu xa. Charlot  đánh lại tên côn đồ vạm vỡ hống hách trong “The kid” hay dành được chiếc ví từ 2 tên ăn cắp, khán giả không chỉ cười vì sự hài hước, mà hẳn còn bởi chút gì đắc thắng, đó là sự thắng lợi về mặt tinh thần của người dân  hiền lành chống lại thế lực xấu.

Phần lớn trong những tác phẩm của Chaplin âm điệu của mang tính nhân đạo và tính châm biếm xã hội, tính mỉa mai sâu cay và bức tranh xúc động về những khu nhà ở chuột cảu dân nghèo. Trong “A dog’s life” cuộc đời của Charlot được so sánh và đặt song song với cuộc sống của một con chó, nằm lăn lóc giữa một khu đất bỏ hoang. Trong “The Kid” cũng là một khu ổ chuột mà đứa trẻ hơn 5 tuổi đã phải ra đường làm công việc ném đá vào cửa sổ để bố nuôi của nó chuyên đi lắp kính lại cho người ta, đứa trẻ ấy cũng sớm có tâm lý của 1 kẻ lang thang làm việc xấu – thấy công an thì lẩn trốn, bỏ chạy.Cảnh bần hàn của những người nghèo khổ sẽ còn được miêu tả trong nhiều phim, đậm đặc giá trị hiện thực, vừa chan chứa tính nhân đạo và trữ tình. Nhà thơ Pháp nổi tiếng Aragong khi đánh giá về tác phẩm của Charlie Chaplin đã đặc biệt đánh giá rất cao ý nghĩa sâu sắc và sức mạnh của “tiếng cười run rẩy và không gì kìm nổi nước mắt cứ trào dâng

2.2 Ý tưởng sáng tạo

Ngay trong giai đoạn sáng tác đầu tiên (1914 -1920), Chaplin đã được nhắc đến với tư cách kế thừa phong cách hài của Mack Sennet và làm rạng danh cho trường phái này, nhưng không thể phủ nhận sức sáng tạo không ngừng nghỉ cả về mặt nội dung tới những hình thức biểu đạt cụ thể của Chaplin.

Trong “A dog’s life”, mấy ai có thể nghĩ tới cách cho một con chó vào trong quần, để rồi cái đuôi của con chó trở thành một chiếc dùi đánh trống, khán giả cười vì sự dí dỏm và ý tưởng bất ngờ ấy. Ngay sau đấy, khán giả lại ngạc nhiên khi từng bước nhìn người anh hùng lang thang của chúng ta có thể đối phó với 2 tên trộm cước ác ôn một cách đầy sáng tạo: dùng đôi tay của chính mình kết hợp với đầu của 1 trong 2 tên để nói chuyện với tên còn lại

Trong “The Kid”, đứa trẻ được chăm sóc uống sữa đầy đủ bằng cách treo một bình sữa lên trần, hay là cho đứa trẻ đi ném vỡ cửa sổ nhà hàng xóm để mình làm nghề thay kính cửa sổ. Khán giả như lao theo những cuộc phưu lưu của anh chàng lang thang, hồi hộp trước những khoảnh khắc mạo hiểm của anh chàng, rồi lại cười òa sảng khoái vì cách xử lý thông minh, hay là tiếng cười tán thưởng vì sự sáng tạo của Chaplin đằng sau mỗi ý tưởng.

Cái hài trong tác phẩm của Chaplin càng đạt tới trình độ nghệ thuật chín muồi và có bước phát triển mới. Nó nhằm mục đích bảo vệ cái tốt, cái thiện, chống lại trật tự xã hội tư sản chứa đựng nhiều nghịch cảnh bi thảm, phản đạo luật tự nhiên, được thể hiện thông qua hình tượng những con người bình thường giản dị chống đối lại với cái ác, cái tàn bạ, giả dối và phi lý trong xã hội đương thời. Cái hài trong phim chan chứa tính trũ tình và tính nhân đạo trong niềm hy vọng, tin tưởng vào cuộc đấu tranh ấy sẽ đem lại hạnh phúc.

Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn “Đạo diễn điện ảnh thế giới ” (Trung tâm lưu trữ Điện ảnh)

và trang web  www.wikipedia.com/

Nguồn ảnh: First National Warner Home Video

~ by smelltea on April 27, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: