Sáng Tạo Bằng Sự Giản Dị
by Phú Hiển
“Still life” (Người tốt ở Tam Hiệp) được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh hiện thực xuất sắc của đạo diễn Giả Chương Kha. Ra đời năm 2006, bộ phim đã chiến thắng tại một trong những LHP danh giá nhất thế giới là Venice, gây ngạc nhiên hoàn toàn cho tất cả giới chuyên môn và người hâm mộ điện ảnh lúc đó.
Cùng với các đạo diễn như: Vương Tiểu Soái, Lâu Diệp, Khương Văn…Giả Chương Kha là một trong những nhà làm phim nổi bật của thế hệ thứ sáu, xứng đáng là những tài năng kế cận xứng đáng lớp đàn anh đi trước từng thành công vang dội trước đó tại Trung Quốc, được nhiều nhà làm điện ảnh trên khắp thế giới đánh giá cao như: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Điền Tráng Tráng… Ông đã góp phần tạo ra một nền điện ảnh mới mang hơi hướng thời đại, khắc họa đến tận cùng hiện thực đời sống, thể hiện nhiều tìm tòi, sáng tạo trong phong cách biểu hiện.
Sự giản dị nhưng thấm sâu:
Không hút hồn, không chiêu đãi thị giác khán giả bằng những cảnh quay màu mè, hoành tráng, dàn diễn viên đẹp mê hồn hay những câu chuyện dã sử với kinh phí lớn lên tới hàng triệu đô la như: “Dạ yến” (Phùng Tiểu Cương), “Vô Cực” (Trần Khải Ca), “Hoàng Kim Giáp” (Trương Nghệ Mưu)… Nhưng “Người Tốt ở Tam Hiệp” vẫn có sức thu hút đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng đẹp với công chúng bởi bức tranh cuộc sống được nhào nặn thông qua những hình ảnh chân thực, từng chi tiết được gọt giũa một cách cẩn trọng, nhân vật là những con người gần gũi, quá đôi thân quen mà khán giả không hề cảm thấy xa lạ.
Lấy đề tài đương đại làm mẫu số chung trong những sáng tạo nghệ thuật của mình. Không chỉ khắc tả sự trần trụi về hiện thực cuộc đời, đạo diễn còn dựng nên, phả vào phim những màu sắc có phần ảm đạm và buồn rầu, tiếp tục hoàn thiện nó thêm bằng những cảnh quay dài, những cú máy khiến cho người xem có cảm giác dường như bất động hoàn toàn trên màn ảnh. Phong cách điện ảnh – tài liệu được Giả Chương Kha áp dụng một cách triệt để trong phim bằng một cốt truyện tưởng chừng như không đầu không cuối, chẳng hề rõ ràng, mờ mịt và nếu không chú ý đôi khi sẽ bị lệch hẳn ra ngoài quỹ đạo chung của câu chuyện. Thêm vào đó, đạo diễn cố gắng cộng hưởng một số những pha tình tiết hết sức thú vị và hơi kỳ quặc để làm giãn không gian câu chuyện. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm rất giàu ý tưởng sáng tạo này trôi chảy một cách tự nhiên, tự nhiên đến không ngờ trong từng phút phim.
Nếu bạn là một người quan tâm đến nghệ thuật của các đạo diễn thế hệ thứ sáu nói chung và Giả Chương Kha nói riêng, sẽ dễ dàng nhận thấy Người tốt ở Tam Hiệp là tác phẩm dễ xem nhất của ông so với Platform, The world hay 24 city…thường nặng về cấu trúc phức tạp và đầy ẩn ý trước đó. Bộ phim mượn câu chuyện về con người để nói về quá trình thay đổi, sự ảnh hưởng của đô thị hóa mạnh mẽ diễn ra tại Trung Quốc đã tác động đến chính đời sống con người như thế nào. Chính sự thay đổi này như một phản ứng ngược trở lại đối với chính con người, tạo ra không ít những câu chuyện buồn với kết cục bi thảm. “Người tốt ở Tam Hiệp” trở thành một cú nổ đối với điện ảnh đương đại Trung Quốc bởi những cách tân hết sức riêng biệt, cách kể chuyện với giọng điệu nhởn nha, ngẫu hứng nhưng chứa đựng đầy chua xót, sự kết nối tưởng chừng phi lý mà hoàn toàn rất tài tình của những ca khúc thời thượng – cách dựng phim ấn tượng, lô gic, tưng tửng của đạo diễn và không thể thiếu sự kết tủa đáng lưu tâm của một tài năng đang độ chín muồi khi đưa ra những điểm rơi có độ chắc trong nghệ thuật xử lý kịch bản.
Hai câu chuyện, một đề tài:
“Người tốt ở Tam Hiệp” được đạo diễn cố tình sắp đặt với hai câu chuyện khác nhau và tất nhiên giữa chúng chẳng hề có điểm chung nào ngoại trừ việc đạo diễn để chúng nằm chung tại một bối cảnh. Có cảm giác đạo diễn đã nhặt những mẩu chuyện nhỏ của đời sống hàng ngày, đôi khi là những chi tiết vụn vặt đến nỗi nếu không chú ý khán giả có thể bỏ qua hoặc lãng quên ngay để chắp lại thành một câu chuyện lớn mang ý nghĩa thời đại. Hoàn toàn là những diễn viên không có thế mạnh về ngoại hình nhập vai, thế nhưng người xem có thể thấy rõ dàn diễn viên ấy có thừa khả năng để xử lý, tiết chế diễn xuất của mình thông qua hành động cũng như khả năng biểu lộ cảm xúc nội tâm trên màn ảnh. Những nhấn nhá hợp lý ở một số tình huống bi – hài chính là chất xúc tác mạnh mẽ để “Người tốt ở Tam Hiệp” dẫn dắt người xem đi vào những góc khuất đời nhất, những giá trị nhân bản nhất.
Câu chuyện đầu tiên mà đạo diễn thực hiện liên quan tới Han Sanming, một người thợ mỏ trở về thị trấn nằm trong công trình đập Tam Hiệp để tìm lại vợ và con gái và cuối cùng chỉ thấy sau 16 năm, những gì anh đi tìm chỉ còn là ký ức ngập sâu trong biển nước mênh mông. Cũng trong bối cảnh lộn xộn, đổ nát ấy một người phụ nữ khác tên Shen Hong cũng lặng lẽ đi tìm người chồng của mình cũng đang xây dựng công trình đập tại đây. Nhưng nỗ lực tìm kiếm của cô cũng không hề thành công khi sau một khoảng thời gian dài nỗ lực chờ đợi, mong ngóng nhưng hai vợ chồng gặp nhau cũng chỉ để nói lời tạm biệt, chia ly. Shen Hong bỏ đi sau khi chứng kiến sự thay đổi của chồng còn người thợ mỏ Sanming quyết định ở lại trở thành một người thợ phá dỡ công trình.
Hai câu chuyện được kể bằng những quan sát tinh tế và rất tự nhiên. Dễ dàng nhận thấy sự di chuyển của máy quay theo sát những hành động, ghi lại từng diễn biến xung quanh câu chuyện tìm kiếm người thân của hai nhân vật chính. Với việc mượn xác hình thức của một tác phẩm tài liệu để khắc tả đời sống chậm chạp. Bên cạnh đó là sự chuyển mình của những cảnh quay dài khiến người xem có cảm giác đạo diễn đang cố gắng nắm bắt, không bỏ qua bất cứ một tiều tiết nào. Giả Chương Kha rất chú trọng khai thác và “tát cạn” những chi tiết nhỏ nhặt, những đạo cụ…góp phần đẩy diễn tiến phim lên cao. Sự bỏ ngỏ, lấp lửng của câu chuyện khiến người xem có cảm giác khó đoán định và mất nhiều thời gian để suy tư. Dường như đây là những ký ức vụn vỡ, chập chờn của những người đang cố gắng hàn gắn, lục lọi trí nhớ để tìm kiếm chính quá vãng đã qua của mình.
Ảnh: Giả Chương Kha
Kết luận:
Kết hợp giữa bi và hài, nụ cười thâm trầm, sâu sắc, cười mà như khóc, Gỉa Chương Kha đã mang tới cho người xem những chiêm nghiệm thú vị về giá trị cuộc sống, sự đảo lộn của một đời sống công nghiệp hóa đầy biến động với những số phận cá nhân rất điển hình. Không đao to búa lớn, không lên gân, cầu kỳ, sự tối giản tối đa tất cả các yếu tố liên quan tới nội dung phim đã giúp cho “Người tốt ở Tam Hiệp” trở thành một tác phẩm thực nhất trong những giá trị thực đang được nhiều nhà làm phim quan tâm, thể hiện trên màn ảnh. Hiện thực cuộc sống chính là những quặng vàng vô giá để những nhà làm phim khai phá và sáng tạo. Gỉa Chương Kha không đi lại lối mòn cũ, ông đã tái hiện nó bằng chính chất xi – nê đậm đặc của nghệ thuật thứ bảy để góp phần tạo ra một tiếng nói riêng cho chính tác phẩm của mình.
Tham khảo:
1. Still Life Film Review, Fernando F. Croce, Slant Magazine tại: http://www.slantmagazine.com/film/review/still-life/3330
2. Người Tốt Ở Tam Hiệp – Một Cách Thể Hiện Lạ, dịch bởi Băng Phong, Thế Giới Điện Ảnh tại: http://www.thegioidienanh.vn/newsdetail/muon_mat_dien_anh/7978/nguoi-tot-o-tam-hiep–mot-cach-the-hien-la.htm
Nguồn Ảnh:
1. http://www.willysthomas.net
2. chihiro.blox.pl
3. newdirectors.org