Phim NGO – cho nhà làm phim trẻ
by Mai Phương – Thu Hằng
Từ năm 1989 đến nay, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam tăng mạnh cả về chất và lượng. Theo một thống kê không chính thức, từ năm 2002, số lượng các tổ chức và giá trị viện trợ tăng 7 lần so với giai đoạn trước đó.
Các tổ chức này hoạt động rộng khắp trên 61 tỉnh thành thay vì chỉ tập trung vào một số thành phố lớn như trước đây. Các lĩnh vực mà các NGO tham gia cũng rất phong phú: từ các dự án liên quan đến các vấn đề xã hội đến lĩnh vực y tế, từ giáo dục đến phát triển kinh tế, từ môi trường môi sinh đến phòng chống thiên tai và viện trợ khẩn cấp…Trong thời đại thông tin, nhu cầu tự quảng bá của các NGO nhằm gây ảnh hưởng, tạo uy tín và xin nguồn tài trợ cho các hoạt động của tổ chức mình ngày càng lớn. Mặt khác, các phương tiên truyền thông đại chúng ngày càng được quan tâm, như một phương thức hữu hiệu trong việc truyền đạt các thông điệp liên quan đến các hoạt động và các dự án mà NGO đang thực hiện. Trong các phương tiện truyền thông, phim – đặc biệt là phim tài liệu đang nhận được sự quan tâm khá lớn trong giai đoạn gần đây.
Phim NGO
Phim NGO (non-governmental organization), được hiểu là các phim do các tổ chức phi chính phủ đặt hàng các tổ chức hoặc cá nhân làm phim, nhằm mục đích giới thiệu về tổ chức, cổ súy cho các hoạt động, các dự án mà các tổ chức đó đang tiến hành. Có thể kể ra vài ví dụ về các phim NGO được làm trong mấy năm gần đây.
Still life moving, sản xuất năm 2009 bởi Paul Zetter, với sự tài trợ của DED – Tổ chức phát triển Đức, dựa trên dự án “Đối mặt” với sự tham gia của 16 thành viên khuyết tật của tỉnh Thanh Hóa, trong đó Hương – một nữ thanh niên khuyết tật trở thành nhân vật chính trong phim. Xuất hiện trong bộ phim không chỉ là những khó khăn trở ngại mà còn cả những nỗ lực lớn lao của cô để gây dựng một cuộc sống tự lập.
People living with stories, sản xuất năm 2010 bởi CCIHP – Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số và Ensemble Films, đạo diễn Paul Zetter, quay phim Jamie Maxtone-Graham. Bộ phim là một loạt các câu chuyện đời thường được sẻ chia chân thành, cởi mở, hấp dẫn bởi các nhân vật tham gia. Sự tiết lộ về căn bệnh mà những người trong cuộc đang mang đến sau những câu chuyện không những không ảnh hưởng đến ấn tượng tốt đẹp của người xem mà còn làm nảy sinh trong họ những suy tư mới mẻ, thậm chí mang tính “giải thành kiến” đối với những người có H.
Which way to the sea, sản xuất năm 2011 bởi CSAGA – Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Phụ nữ – Gia đình – Vị thành niên với sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên về vấn đề đồng tính nữ ở Việt Nam. Những nhân vật xuất hiện trên phim đại diện cho nhiều nghề nghiệp, địa phương, độ tuổi, hoàn cảnh sống, nhưng đều chung nhau ở tinh thần tự nguyện và cởi mở. Những câu chuyện của họ đã cho thấy những góc khác nhau trong bức tranh hiện thực phong phú về người đồng tính nữ.
Với các nhà làm phim trẻ
Câu hỏi đặt ra với một nhà làm phim khi đứng trước ngưỡng cửa sự nghiệp là: Có sống được bằng nghề hay không? Làm phim cho các dự án của NGO có thể là một phương án rất xứng đáng được cân nhắc. Nhiều nhà làm phim trẻ đã chọn phim NGO như một phương cách để duy trì những dự án làm phim cá nhân – những dự án thỏa mãn ý đồ nghệ thuật nhưng thường rất-khó-kiếm-tiền.
Một trong những e ngại lớn nhất của nhà làm phim trẻ khi nhận một dự án làm phim cho NGO là nỗi lo về phim đặt hàng, khi công việc làm phim bị tổ chức “chỉ đạo” từ khâu ý tưởng cho đến giai đoạn thực hiện về sau. Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Lựa chọn đúng đắn cho những trường hợp như vậy thường là (1) chấp nhận điều đó như một thực tế trong dự án làm phim, (2) tìm cách thương lượng và bàn thảo để tìm ra phương án tốt nhất. Tuy vậy các NGO có cách ứng xử khá đa dạng với những dự án làm phim kiểu thế này. Một số nhà làm phim may mắn có thể gặp những NGO tin cậy họ, được cấp một khoản tiền chi phí trọn gói cho quá trình làm phim và hẹn ngày giao phim theo hợp đồng!
Cũng cần thấy rằng phim NGO cũng cho nhà làm phim trẻ khá nhiều cơ hội tốt, trong đó có việc tiếp xúc với những mảng đề tài thú vị mà có thể nhà làm phim sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm, tiếp xúc, tạo dựng lòng tin, thuyết phục đối tượng tham gia vào phim…Việc chiếu phim trong cộng đồng NGO có thể đưa đến cho nhà làm phim những cơ hội tiếp theo.