Hài hước đen
by Mai Phương
No Country for Old Men (2007) và O Brother Where Art Thou ( 2000), tưởng chừng khó có thể tìm thấy điều gì chung từ hai bộ phim có vẻ rất khác nhau này của anh em nhà Cohen.
Một phim hành trình – miền Tây tăm tối với những cuộc giết chóc đẫm máu của một kẻ sát nhân hàng loạt và một phim hành trình – ca nhạc tươi sáng với các ca khúc nhạc đồng quê và những nhân vật chính kỳ khôi. Trong trường hợp này, hài hước đen có thể là một tín hiệu nghệ thuật xứng đáng được xem xét, cho dù nó có thể được thể hiện khác nhau trong hai bộ phim.
Hài kịch đen (xuất phát từ tiếng Pháp humour noir) là một thuật ngữ được tạo ra bởi nhà lý thuyết siêu thực Andre Breton vào năm 1935, để chỉ một thể loại phái sinh của hài kịch và châm biếm trong đó cái hài hước được thúc đẩy bởi thuyết khuyển nho và chủ nghĩa hoài nghi…Trong hài hước đen, các chủ đề và sự kiện thường được coi là cấm kỵ, đặc biệt những gì liên quan đến cái chết được xử lý một cách khôi hài hoặc biếm nhại trong khi vẫn bảo lưu tính nghiêm trọng của nó. Nội dung của hài kịch đen, vì thế, thường khiến khán giả cười và khó chịu, có thể cùng một lúc… (http://en.wikipedia.org/wiki/Black_comedy)
Nói cách khác, Hài hước đen, còn gọi là hài kịch đen, trong đó các yếu tố bệnh hoạn, rùng rợn với các yếu tố hài hước được đặt cạnh nhau nhằm nhấn mạnh sự điên rồ, phù phiếm của đời sống.
( http://www.britannica.com/EBchecked/topic/67959/black-humour)
Có thể là một điều tình cờ, cả hai phim đều xoay quanh chuyến hành trình của ba nhân vật. Với No Country for Old Men, ba nhân vật ở trong những vị trí khác nhau, gần như đối nghịch: Anton Chigurth – kẻ giết người hàng loạt, Ed Tom Bell – cảnh sát trưởng, Llewelyn Moss – gã thợ săn – ba số phận tình cờ gắn với nhau bởi một khối tài sản phi pháp khổng lồ từ một phi vụ ma túy, rồi từ đó bắt đầu những cuộc đuổi bắt, đối đầu đậm màu sắc bạo lực… O Brother Where Art Thou lại là câu chuyện của ba tội phạm, Everett Ulysses McGill, Pete và Delmar – ba kẻ cùng hội cùng thuyền cùng chạy trốn trại giam để tìm lại “kho báu” Everett đã chôn giấu trước khi bị bắt.
Trong No Country for Old Men, hài hước đen được thể hiện rõ ràng nhất qua nhân vật Anton Chigurth, kẻ từ nhân dáng – thô kệch, vạm vỡ nhưng hết sức gọn gàng, chỉn chu cho đến hành vi – kín kẽ, chính xác không có một chi tiết thừa… đều toát ra một vẻ nghịch dị chưa từng thấy. Có cảm giác trước mắt người xem không phải là một con-người mà là một cỗ-máy-người được chế tạo tinh vi cho mục tiêu giết chóc. Cảnh phim mô tả cuộc giết chóc thứ hai, sau khi Anton giết hại nhân viên cảnh sát, theo tôi, ấn tượng hơn nhiều cuộc sát hại trước đó. Không cần có một sự giằng co nào, bản án tử hình được thi hành với một người qua đường với thủ tục không quá 15 giây: một nụ cười xã giao, một câu nói mời xuống xe lịch thiệp, và ống khí nén găm vào trán người xấu số.
Cảnh phim này gợi ra một cảm giác tiêu biểu mà khán giả thường trải nghiệm với hài hước đen được nhắc tới trong định nghĩa ở trên. Sự rùng rợn được tăng thêm khi tác giả đặt vào nhân vật ý thức sứ mệnh, tức là Anton Chigurth giết chóc như một hành vi thay quyền tạo hóa. Hắn đi trong thành phố như một tử thần của thời hiện đại (thay cho lưỡi hái tử thần là dụng cụ giết người độc đáo của riêng hắn), hành vi giết người được “chuẩn hóa” như một nghi lễ – tung đồng xu, tuyên án và ra tay thủ ác. Anton chưa bó tay trước bất kỳ một đối tượng nào, không có một phản đề nào có thể làm lung lay niềm tin bệnh hoạn của hắn. Vợ của Llewelyn là nạn nhân duy nhất dám đặt câu hỏi với sự giết chóc phi lý của hắn, và câu trả lời cho cô và khán giả đã rõ qua cú long shot ngay sau đó – Anton cẩn trọng di đôi giày trên thảm cửa nhà cô gái– khâu cuối cùng của “nghi lễ”, kẻ sát nhân vấy máu luôn giữ cho mình sạch sẽ.
Tính nghịch lý của hài hước đen còn thể hiện ở các nhân vật còn lại trong bộ ba. Ed Tom Bell đã đủ trải đời và trải nghề, con người dường như biết, hiểu tất cả – những mánh lới tội phạm, những quy luật nghiệt ngã của kiếp người, nhưng ông cũng đồng thời là người-không-làm-gì-cả. Ed Tom Bell sống với quá khứ nhiều hơn sống với hiện tại. Trong một cảnh phim, ông sẵn sàng để tội phạm vượt thoát dù biết rõ trong xe hắn giấu cái gì. Trong một cảnh khác, khi quay lại hiện trường trong nỗi hoài nghi và nỗ lực vớt vát để truy đuổi Chigurth, Ed không làm gì nhiều cho cuộc truy đuổi, nỗi hoài nghi bản thân trong ông còn lớn hơn nhiều sự hoài nghi tội phạm.
Số phận của Llewelyn cũng cho thấy tinh thần của hài hước đen – một kẻ đánh cược mạng sống của vợ mình và chính mình để đổi lấy một đống tiền vốn không phải của hắn và không bao giờ là của hắn.
Khác với No Country for Old Men, là một phim ca nhạc, O Brother Where Art Thou tươi sáng hơn nhiều. Không có những cuộc thảm sát, cuộc hành trình của ba nhân vật, đúng như lời tiên tri của ông già mù, quả thực không dễ dàng, những nhân vật kỳ dị và các sự kiện họ gặp trên đường cho thấy một sự đổ vỡ rộng lớn, sâu sắc, lan truyền trong mọi ngõ ngách của đời sống. Một trong những nhân vật tiêu biểu cho khuynh hướng hài hước đen trong phim này là George Nelson – kẻ cướp nhà băng không rõ xuất thân, hành vi liều lĩnh, manh động, tưởng như dưới gầm trời này không ai có thể khiến hắn e dè. Nhưng George Nelson cũng đồng thời là kẻ dễ dàng bị tổn thương, phát khóc vì cái tên bị gọi nhầm, chi tiết đó báo trước nỗi tuyệt vọng bản thể của hắn khi bỏ ba tên tù trốn trại ra đi. Đúng như lời Everett nói, hắn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy “George Nelson-cuối-cùng”. Hình ảnh chiếc xe của tên cướp nhà băng lao đi trên con đường mù bụi và tiền bay tung từ trong chiếc va ly để mở…là một hình ảnh rất hài-hước-đen, ẩn tàng một nối buồn sâu kín từ trong nghịch lý của nó.
Cũng như vậy, nhân vật đứa bé – con trai của Hogwallop cũng là một hình tượng hài-hước-đen đáng suy ngẫm. Thằng bé còn chưa cao quá cây súng, còn phải ngồi lên một chồng catalogue để ăn cho vừa tầm với, và ngộ nghĩnh hơn cả – nó còn học đánh vần, đã biết đến bạo lực. Bạo lực, với nó là lời dặn của cha, giải cứu tội phạm cũng là trò chơi.
Hành trình phiêu lưu của ba tên tội phạm cho thấy sự đổ vỡ của cả một hệ thống niềm tin. Everret không tin vào bất cứ điều gì. Những người hắn gặp cũng khó lòng cho phép hắn gìn giữ một niềm tin nào vào đời sống. Tôn giáo ư? Cuộc rửa tội thiêng liêng mà Delmar và Pete tin tưởng hết lòng đúng là một trò đùa. Everret cũng chỉ cần đến tôn giáo một lần duy nhất trong đời – khi cận kề cái chết, và khi nguy cơ ấy qua đi, thì hắn lập tức có thể quay lại để cười vào quyền năng của Chúa Trời. Nghệ thuật ư? Everret không xem nghệ thuật là điều gì đáng giá, khi nào lợi dụng được nghệ thuật hắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Chính trị ư? Các nhà chính trị xảo trá có thể chà đạp lên cả hệ thống pháp luật vì quyền lực của mình, có thể làm trò cười để lấy lòng công chúng. Gia đình ư? Vợ Everret đã đi theo người đàn ông khác khi hắn vắng nhà, và nhất định không chịu quay lại nếu hắn không tìm được chiếc nhẫn từ lâu đã nằm dưới lòng sông…Niềm tin duy nhất của hắn là vào sáp vuốt tóc nhãn hiệu Dan Dapper. Ngày đầu tiên ra tù, trong suốt cuộc hành trình hay cả đến khi cận kề cái chết, vẫn chỉ một loại sáp vuốt tóc đó. Chi tiết gây cười nhưng đầy cay đắng về con người trong một thời đại đánh mất niềm tin.
Hài hước đen trở thành một đặc trưng trong các tác phẩm của anh em nhà Cohen mà No Country for Old Men hay O Brother Where Art Thou chỉ là hai ví dụ. Dẫu chất hài hước đen thể hiện rất khác nhau trong hai tác phẩm, nó vẫn luôn để lại những cảm xúc phức tạp trong khán giả.
.
~ by phuongphammai on April 27, 2011.
Posted in Critical Writing, Recent Posts
Tags: Anh em nhà Cohen, black humour, Critical Writing, Dự án điện ảnh, film studies program, George Clooney, hài hước đen, Javier Bardem, K6, Phạm Mai Phương, Tin Van Dien Anh, Tin vắn điện ảnh