“Vụn” đáng giá

by Nguyễn Trà

Bộ phim tài liệu ngắn của tác giả trẻ Phạm Thu Hằng đã giới thiệu một phần nào đó chính cuộc sống  của cô trên mảnh đất Hà Nội. Cuộc sống ấy trong bộ phim thể  hiện chủ yếu qua cái nhìn của cô giữa những mối quan hệ : sự xa cách, rào cản với những người hàng xóm tưởng chừng rất gần, những mối quan hệ bạn bè chia sẻ sở thích, cách sống, và cả về 1 người đàn ông của riêng mình vẫn còn đứng đâu đó trong góc tối, và trong cả tiếng thở dài của người phụ nữ trẻ. (Image: Doclab Trung tâm phim tài liệu và thử nghiệm Video)

Nếu “vụn” ở đây được hiểu theo nghĩa “những mẩu vụn vặt” hoặc “không có giá trị”, thì bộ phim hẳn giống như một tác phẩm  ghép vải nghệ thuật – 1 tác phẩm kỳ công ghép nên bằng những mẩu vải đơn sơ. Từ những chi tiết đời thường đã được tác giả lựa chọn kỹ càng, với việc lựa chọn góc máy, dựng âm thanh đậm tính chủ ý và dụng công của tác giả, qua đó ta hiểu thêm những suy nghĩ của Thu Hằng về chính bản thân mình được ẩn tinh tế sau những hình ảnh quen thuộc.

Điểm có thể thấy rõ trong bộ phim ngắn chỉ hơn 6 phút này là những mối dựng đối lập : Cảnh đầu phim,  đường phố nhộn nhịp với những tiếng còi, tiếng loa và đầy ánh sáng từ các loại đèn, thì sang cảnh sau, không gian chìm trong im lặng và bóng tối của khu nhà. Sự lặng lẽ ở đây lại được biểu đạt bằng tiếng động, không gian tĩnh mịch được nhấn mạnh khi mà  chỉ tiếng bước chân, hay tiếng ho cũng vang lên rõ rệt. 2 mối dựng này được sử dụng 2 lần, và lần sau sự đối lập càng rõ rệt hơn. Giữa đường phố náo nhiệt, đôi bạn trẻ hôn nhau trong hạnh phúc, thì cảnh sau là người đàn ông lẻ loi đi giữa im lìm và bóng tối. Tôi chỉ không hiểu rõ 2 mối dựng song song : 2 cô cậu đang hôn nhau và chiếc xe quét đường, liệu tác giả có chủ ý gì khi cho những hình ảnh này được đặt cạnh nhau?

Tác giả cũng rất chu đáo và sáng tạo trong việc chọn góc máy, di chuyển máy.Sự chuyển cảnh từ buổi đêm tối sang sáng bằng căn phòng che rèm để tự  tay cô gái kéo rèm mở ra ngày mới cũng khá thú vị. Máy quay quay qua những song sắt từ chính ngôi nhà cô gái sang  những cửa sổ đóng, những song sắt  khu nhà vốn rất gần đối diện, thể hiện những rào cản của con người. Họ tuy ở rất gần nhau nhưng có những rào chắn khiến cô – không thể hoặc không muốn vươn tới tiếp cận. Ở cảnh cô gái trở về nhà, bước những bước nặng nề trên cầu thang , máy quay lia nhanh và nghiêng gợi cảm giác trao đảo, sự vất vả mệt nhọc của cô gái sau một ngày dài trở về nhà, và hơn cả là sự mệt mỏi trong tâm hồn. Cách quay bóng cô gái hắt lên tường cũng là một sáng tạo và đắc địa trong việc lựa chọn hình ảnh, một hình ảnh vừa đẹp về mặt thị giác lại nhấn đậm vào sự cô đơn, lẻ loi của người con gái giữa đêm “cô đơn lẻ bóng”.

Âm thanh được sử dụng cẩn thận suốt phim để làm rõ những đối lập ồn ào và lặng lẽ, rộn rã và cô đơn, và nhấn một điểm nhấn thành công cuối phim bởi bài hát ru của người bà, lời hát vang lên phù hợp với không gian đêm, và nội dung câu chuyện, như lời than trách cho người con gái, như thay lời tác giả buông một tiếng thở dài.

Bộ phim kết trong cảnh chùm bóng bay bị mắc kẹt giữa dây điện với đầy ẩn ý, hình ảnh này vốn đã được “set up”  ngay từ đầu bộ phim và đây là lúc để tác giả “pay off”. Nó đồng thời tạo cảm giác về một kết cấu hình tròn cho bộ phim, cuộc sống cô gái cứ như vậy tiếp diễn trong một vòng tròn không hoàn hảo. Bóng bay là tượng trưng cho những ước mơ, hy vọng vậy mà nó bị mắc kẹt giữa đám dây điện, có giống như tâm hồn cô gái đầy ước mơ khát khao, hy vọng được kết nối nhưng bị mắt kẹt sau những song sắt, dây điện của thành phố, vẫn có gì lạc lõng giữa chốn đông người và những con người cách mình rất gần.

~ by smelltea on April 26, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: