Ngày bánh mì
by Thu Hằng – Mai Phương
Tám năm sau ngày Liên bang Xô Viết sụp đổ, một ngôi làng hẻo lánh gần một nhà máy bị bỏ hoang cách thành phố Saint Peterburg 80 km đã khơi nguồn cảm hứng cho Secgei làm nên một tác phẩm, một bộ phim tài liệu tuyệt vời mang tên “Bread Day”.
Một thể chế chính trị ra đi nhưng những di sản mà nó để lại vẫn còn đâu đó trên đất nước Nga. Có lẽ Sergei Dvortsevoy đã đến đó vào một mùa đông ảm đạm, buồn bã, và chắc rằng, ông cũng đã phải lăn lộn ở đó rất nhiều ngày nhiều đêm, thậm chí nhiều mùa thì mới có thể kể một câu chuyện thật hay và đượm buồn về một thế giới bị lãng quên đi như thế. Không có thông tin về nghề nghiệp của các cụ già, không một lời giải thích tại sao ngôi làng đó vắng bóng thanh niên, câu chuyện bắt đầu vào một ngày cóng lạnh, tuyết rơi dầy và phủ kín đường ray xe lửa, con đường duy nhất kết nối thế giới quên lãng đó với cuộc đời. Có một chiếc xe lửa kéo theo một thùng hàng mà mãi sau này ta mới biết đó là thùng bánh mì, nguồn thực phẩm thiết yếu của toàn bộ dân làng, một nhóm các cụ ông và cụ bà đang càu nhàu về chuyện tuyết rơi quá nhiều và họ phải mất nhiều sức lực dùng xẻng và các công cụ khác để đào bới khơi thông đường. Cuối cùng thì thùng hàng cũng được đẩy đi bằng tất cả sự khốn khó của họ. Sau hai tiếng đồng hồ miệt mài đẩy thùng bánh mì đó, họ cũng về được đến đích. Ngôi làng của họ hiện ra trong một dáng vẻ tê tái và lãnh đạm. Tại đây, trong một shop bánh mì duy nhất trong làng, người ta thấy những cuộc mua bán khó khăn để đổi lấy một vài tấm bánh, những cuộc cãi vã không ngớt giữa bà lão bán bánh và người đàn ông đàn bà trong làng. Nếu xem xét Bread Day như một tác phẩm phim truyện thì phần nào có thể liệt kê bộ phim này vào thể loại hành trình bởi chiếm gần 1/3 nội dung là cuộc hành trình đầy vất vả và mệt nhọc của các cụ già chật vật với kho lương thực kềnh càng trước mặt. Công cuộc để làm một bộ phim tài liệu vốn có nhiều đặc thù không giống như làm phim truyện, có những bộ phim tài liệu đã được lên sẵn kịch bản và ngược lại, trong tình thế này thì đôi khi may mắn lại là cái duyên trời cho mỗi đạo diễn trong một vài cảnh quay đoàn làm phim chộp bắt được. Những tình tiết, yếu tố đó xảy đến một cách bất ngờ và không hề được đoán định trước thậm chí đến mức sau khi đem băng về gỡ và xem lại người ta mới thảng thốt nhận ra những điều đó. Không chắc có chính xác là như thế không nhưng Bread Day đã chiếm trọn những điều may mắn ấy ngay trong cảnh đầu của phim. Bằng một cú long take dài bất tận, đây có thể coi là phong cách chủ đạo trong toàn bộ bộ phim, máy quay đã không chỉ ghi lại hoạt động của họ, những người già, mà còn toàn bộ hoạt động của các chú chó chay lăng nhăng xung quanh họ, bíu ríu lấy chân những con người khốn khổ. Nếu không có sự xuất hiện của chúng, những con vật đáng yêu thể hiện sự tí tởn hí hửng khác hẳn những cái dáng miệt mài và chật vật đang di chuyển bên trên chúng kia, thì hình ảnh mở đầu phim không thể khiến cho người ta nghĩ đến một điều gì tốt đẹp hơn ngoài chuyện kể về những người tù khổ sai đang chịu phạt. Chính những con chó khiến cho không khí trong Bread Day vì thế vừa khiến cho người ta nhìn thấy một vài niềm hi vọng về cuộc sống, vừa thể hiện mối liên hệ tình cảm giữa chúng với con người một cách đầy cảm động. Do thế, tôi muốn nói đến một khía cạnh khác của bộ phim này ngoài chuyện vẫn được người ta biết đến như một câu chuyện về những con người thuộc về một thế hệ bị ruồng bỏ và quên lãng.
Bối cảnh chủ yếu của Bread Day có thể phân chia làm hai không gian: không gian trong nhà (cửa hàng bán bánh mì) và không gian ngoài trời, nơi thiên nhiên phô bày hết vẻ lãnh lẽo băng giá của nó và trên cái nền đó là những cuộc tình mùi mẫn và cả tình mẫu tử rất buồn cười và vui nhộn. Ở nơi này, con người cũng chỉ là một mắt xích trong vô vàn măt xích của tự nhiên, họ phải vật lộn để tồn tại, và cuộc vật lộn được minh chứng bằng hàng giờ đẩy xe bánh mì khổng lồ trên tuyết lạnh. Còn những mắt xích khác, những mắt xích thuộc về một thế giới chậm tiến hóa hơn là của thế giới động vật, của loài dê và loài chó loanh quanh đâu đó. Sergei đã phải kiên nhẫn và óc quan sát cũng như tình cảm của ông phải trìu mến như thế nào thì mới kể được một câu chuyện đầy mơ mộng và cảm động thế về loài dê ở đây. Ông dường như đứng ở một nơi nào đó rất cao và quan sát được tất cả, một chú dê lao từ mái một ngôi nhà xuống và bắt đầu cất tiếng kêu tha thiết tìm bạn tình, cú máy bị dẫn dụ theo bước chân của chú và dường như cũng bắt đầu háo hức tìm kiếm thứ gì đó. Chúng dẫn nhân vật chính của chúng ta, một chú dê mềm mại và dịu dàng đến một ngôi nhà khóa kín cửa, tuyết phủ tơi bời và chỉ còn nhìn vào được qua khuôn cửa gỗ. Người ta sẽ không ngờ tới một món quà của sự òa vỡ cảm xúc và ngạc nhiên khi nhân vật chính chồm lên và bắt đầu gõ móng vào cảnh cửa và liền đó từ trong nhà, nơi tăm tối và bị cùm kẹp kia một cái đầu với cặp sừng vươn ta và chúng thực sự là hôn nhau một cách cuồng nhiệt. Một cái tát nảy lửa vào thuyết tiến hóa và bộ môn sinh vật học của chúng ta. Mới đây trong tin tức về trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản, cả thế giới phải bùi ngùi xúc động về chuyện một chú chó kiên quyết ở bên cạnh động loại của mình che chở cho bạn dù nó đã gần như là chết rồi. Tình yêu của các loài vật dường như còn nằm ngoài sự tưởng tượng và hiểu biết của con người. Câu chuyện về cặp dê trên kia dường như là khoảnh khắc đáng giá và gây nhiều xúc động nhất trong bộ phim. Ngoài ra, một hoạt cảnh nhốn nháo về đàn chó cũng là một nốt thăng vui vẻ, như một đốm lửa hồng thắp sáng và xua đi cái lạnh lẽo băng giá của mùa đông nơi đây.
Một điểm độc đáo đặc biệt trong Bread Day là nghệ thuật quay phim, những cú máy dài và tròn vo gần như 360 độ được tác giả sử dụng miêu tả toàn bộ không gian của ngôi làng với tiết tấu chậm rãi như hòa vào với không khí lanh lẽo và đượm buồn của cảnh vật và cảnh sống của những người già nơi đây. Ngoài những cú xoay 360 độ cho thấy bàn tay của người quay phim trong đó, còn lại, hầu như toàn bộ các cảnh quay khác máy quay dường như là con mắt của Chúa, chúng làm một nhiệm vụ duy nhất là mặc kệ cho mọi sự xảy đến như nó phải thế.
Bread Day chỉ là một trong số rất nhiều những bộ phim tài liệu độc đáo và thú vị của đạo diễn Sergei Dvortsevoy. Bộ phim đã dành được sáu giải và 1 đề cử và cho thể loại phim tài liệu hay nhất trong các liên hoan phim lớn như Cracow Film Festival, Jihlava International Documentary Film Festival….
Nếu bạn không có cảm tính với phim tài liệu, thì đây chính là cơ hội để bạn thay đổi suy nghĩ đó. Hãy tin tôi đi!