Một ngày trong miên viễn
by Mai Phương
Trong một bài phỏng vấn do Gideon Bachmann thực hiện tháng 11 năm 1997 – nửa năm trước khi Eternity and a Day đến với Cannes, Theo Angelopoulos đã chia sẻ, “trong phim của tôi, thời gian là chủ đề trung tâm”. Ngay từ tên phim – Miên viễn và một ngày đã cho khán giả lý do để đoán định thời gian như cảm hứng chủ đạo của bộ phim. Cảm hứng này đã thể hiện trên mọi yếu tố phong cách của bộ phim, từ dàn cảnh đến quay phim, từ dựng phim đến âm thanh.
Ra đời năm 1998, bộ phim là câu chuyện cuối đời của một nhà thơ nổi tiếng, Alexandre (Bruno Ganz). Mắc một căn bệnh nan y, ông dự định sẽ trải qua những ngày cuối cùng cô đơn trong bệnh viện. Ngày trước khi ra đi, có nhiều cuộc gặp gỡ đã diễn ra. Alexandre đến với con gái, nghe cô đọc những bức thư của người vợ đã mất, Anna (Isabelle Renauld) và biết sự thật vợ chồng cô muốn bán căn nhà kỷ niệm của gia đình mà không cần hỏi ý kiến cha mình. Alexandre đến gặp người quản gia trung thành, giao cho bà con chó, người bạn đường quý mến của ông. Nhưng còn một cuộc gặp gỡ bất ngờ không có trong dự định của Alexandre. Ông tình cờ cứu một cậu bé đường phố (Achileas Skevis), tình cờ bắt gặp cậu bị bắt cóc, và, lần này thì không còn tình cờ nữa, quyết định cứu cậu…Cuộc hành trình kéo dài một ngày của hai người bắt đầu. Với riêng Alexandre, hành trình đó hình như dài hơn một ngày, còn một ngày nữa – ngày hội mùa hè trong quá khứ, trong nỗi tưởng nhớ không nguôi về Anna. Alexandre đã cùng lúc sống một ngày trong quá khứ cùng với một ngày trong hiện tại.
Bộ phim là sự hòa trộn phóng túng giữa quá khứ và hiện tại, sự bất chấp logic thời gian thông thường, để cho trí tưởng tượng lãng mạn và ký ức ám ảnh lên ngôi. Khâu dàn cảnh thể hiện rõ điều này. Nhân vật chính trong phim đã là một ám thị cho sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại: nhà thơ già sắp lìa đời và cậu bé lưu vong đứng trước ngưỡng cửa của cuộc phiêu lưu đầu tiên trong đời – chú bé ở đúng độ tuổi của Alexandre khi xuất hiện đầu bộ phim. Hai nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối phim trong trang phục thống nhất: Alexandre trong chiếc áo khoác dài tối màu cũ kỹ và cả chòm râu hoa râm cũng cũ kỹ như thế, chú bé hẵng còn tuổi thơ bé mặc chiếc áo phao màu vàng sáng nhưng quần jeans và đôi giầy đã có vẻ bụi bặm đường phố. Trong những ngày cuối của đời mình, Alexandre sống trong nỗi ám ảnh về thời gian ngắn ngủi còn lại và thời gian đã qua. Giờ là lúc con người phải đối mặt với cái hữu hạn của cuộc đời và cảm giác bất lực trước quy luật tự nhiên không thể trốn tránh. Khung cảnh trong phim thường đơn giản, chắt lọc, nhân vật hoặc bị dồn vào một góc của khuôn hình hoặc bị đặt vào giữa khung cảnh rộng lớn và trống trải, thường là biển khơi. Có nhiều lần Alexandre đứng trước biển: thuở bé trốn nhà chạy ra biển chơi với lũ bạn, chìm vào ký ức về Anna, vẫy gọi con tàu phía xa…Ở đây nỗi cô đơn của Alexandre giữa cái vô thủy vô chung của thời gian hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết, tất cả chỉ bằng sức mạnh của hình ảnh – mà ở đây là mise-en-scene.Trong khi đó, hai bác cháu thường xuất hiện trong những khuôn hình tĩnh, hai người ở trung tâm của tiền cảnh với không gian được chia đều cho cả hai, cho thấy cuộc đối thoại thân tình, đầy chia sẻ giữa hai người một già một trẻ. Một cuộc đời sắp tắt đi đã đem những ánh sáng cuối cùng của mình để thắp sáng một cuộc đời bé bỏng khác.Ánh sáng trong phim cũng rất đáng chú ý bởi tính nhất quán cao độ của nó trong việc phục vụ cho chủ đề.
Cảnh nội thường tối, nhiều bóng đổ, cảnh ngoại âm u, mờ mịt, trừ những hồi ức của Alexandre về những ngày hè tươi đẹp trong quá khứ. Trong thứ ánh sáng ấy, thời gian như ngưng đọng lại, trôi đi chậm và nặng nề hơn, một thứ thời gian tâm lý. Alexandre cứ đi và không ở đâu ông tìm được nơi chốn của mình. Ông lưu vong ngay trên chính mặt đất quê hương mình, bên những người thân của mình, trong ngôi nhà năm xưa của mình. Sự nối kết của con người với những người còn lại đang bộc lộ vấn đề. Cách dàn dựng đám đông trong Eternity and a Day cho thấy điều đó. Đám đông xuất hiện nhiều lần, trong cả quá khứ và thực tại. Nhân vật trong phim thường có xu hướng tách khỏi đám đông, quay lưng lại đám đông. Lấy ví dụ, cảnh Alexandre đến gặp Urania – người quản gia của mình, nhờ cậy ở bà một nơi trú ngụ mới cho chú chó cưng của mình. Người xem có thể tự hỏi, tại sao không phải là một cuộc gặp thông thường mà lồng vào đám cưới của con trai bà quản gia? Đám cưới tạm ngưng khi Alexandre xuất hiện, nhưng Alexandre không thuộc vào cuộc vui đó, sau khi nói lời từ biệt với người giúp việc trung thành, ông quay lưng bước đi và cuộc vui tiếp tục. Phải chăng, nhà đạo diễn muốn tạo ra ấn tượng về sự đối lập, hạnh phúc lứa đôi và nỗi cô quạnh, niềm vui sum họp và sự chia xa…
Nghệ thuật quay phim đã kết hợp với dàn cảnh tạo nên một bài ca thời gian độc đáo trong Eternity and a Day. Cả bộ phim bao trùm trong một tông xanh xám lạnh lẽo, nhạt nhòa. Màu không gian lây nhiễm vào tâm trạng con người hay nỗi lòng người nhuốm màu không gian? Không những thế, cảm giác lạnh lẽo trong không gian mùa tuyết tan không khỏi gây một chuyển đổi lên cảm giác về thời gian. Thời gian ở đây trôi chậm hơn. Một ngày và miên viễn, miên viễn và một ngày. Alexandre đã trải nếm một ngày thật lạ trong đời mình, nhưng cũng chỉ là một ngày trong miên viễn mà thôi.
Nhịp điệu thời gian đã được tạo nên bởi những trường đoạn dài, rất đặc trưng cho phong cách làm phim của Angelopoulos. Người xem được trôi trong thời gian với những cú lia máy nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. Ngay cả trong những trường đoạn có tính cách hành động, khi Alexandre thâm nhập vào hang ổ của những kẻ bắt cóc và buôn bán trẻ con, máy vẫn giữ được nhịp điệu tương đối bình ổn, không bị cuốn theo sự kiện. Đạo diễn luôn biết mình muốn gì, ý thức mạnh mẽ về chủ đề và nhịp điệu phim cho phép ông xử lý các cảnh quay cực kỳ nhất quán, trong khi chúng có thể được xem là rất khác biệt nếu so với những cảnh quay cùng đề tài.Trong phim cảnh toàn nhiều (đám trẻ lau kính xe ô tô, nhóm người vui chơi trong ngày hội mùa hè, đám cưới ), ít các cảnh cận, nó thể hiện một cái nhìn quan sát từ xa, có phần ngoài cuộc, thái độ lạc lõng, ít nhập bọn của một người đã từng trải, đã biết hiểu về cuộc đời, đủ để không còn háo hức, lạ lẫm, nay đã đã tách ra khỏi cuộc sống để nhìn vào nó. Theo Angelopoulos ưa chuộng những khuôn hình tĩnh tại, có cảm giác máy sẽ không di chuyển nếu không thấy thật cần thiết. Angelopoulos cho nhân vật của mình thời gian để suy nghĩ, chiêm nghiệm và để trò chuyện cùng nhau. Những cuộc trò chuyện của hai bác cháu thường diễn ra trong những khuôn hình tĩnh như vậy. Những phút một mình của Alexandre cũng vậy.
Sẽ là một thiếu sót nếu không nói đến dựng phim trong Eternity and a Day. Thời gian ở đây như một thứ vật liệu dẻo, được nhào nặn, được kéo dài, được nén lại, được cắt rời, được nối liền…Đây là lúc sự hòa trộn giữa quá khứ và thực tại diễn ra. Hai thủ pháp tiêu biểu là nối bằng âm thanh và hình ảnh. Ngay cảnh phim mở đầu, quá khứ xa xôi và hiện thực nhãn tiền đã gặp nhau trong một mối nối mượt mà không tỳ vết. Chú bé nhảy xuống biển cùng các bạn, biến mất sau lớp sóng, một cảnh biển mờ chồng, tiếng gọi “Alexandre” của một người phụ nữ vang lên tha thiết, và một người đàn ông đứng tuổi ngả mình mỏi mệt trên ghế dựa. Trong một trường hợp khác, khi người con gái của Alexandre đọc bức thư bí mật của mẹ mình – Anna, Alexandre chìm vào hồi ức, và lúc này giọng đọc của người con gái đã trở thành giọng của Anna-mẹ cô, giọng đọc đó đã đưa Alexandre trở lại quá khứ, ông đứng dậy mở rèm và Anna đứng đó như đã chờ đợi từ lâu. Những mối nối như vậy có thể gây bối rối lúc ban đầu nhưng quả thực có một sức quyến rũ không thể nào chối bỏ. Thủ pháp dựng phim bằng hình ảnh trong Eternity and a Day thường dựa trên sự tương hợp về đồ họa. Chiếc xe biến mất dần sau con đường và hiện rõ dần ra trên một con đường khác ở cảnh quay tiếp sau. Khung cảnh bao la tuyết phủ vùng biên ở cảnh quay trước được tiếp nối bởi cảnh quay con sông xanh thắm và nhịp cầu bình yên. Một trong những mối dựng đáng nhớ liên quan đến tương hợp đồ họa là cảnh Alexandre đứng trước biển, nghĩ về ngày hè tươi đẹp trên biển cùng Anna và bè bạn. Khi ông chạy lên một mỏm đá bên bờ biển và vẫy gọi con tàu chạy qua, máy quay lia từ biển lên bầu trời, một chiếc máy bay bay qua, máy quay lia xuống, cái chúng ta nhìn thấy đã là thực tại.
Thời gian trong Eternity and a Day có lẽ đã không thể thăng hoa nếu thiếu đi âm thanh. Âm thanh đầu tiên nên được nhắc đến là khoảng lặng. Phim có rất nhiều khoảng lặng. Vẻ đẹp của sự yên lặng làm nên tính độc đáo cho phim. Alexandre suy nghĩ và đắm chìm trong hồi tưởng về người vợ. Alexandre tạm biệt con gái.
Alexandre giữ lấy chú bé trong khi hỗn loạn và dàn xếp với những kẻ bắt cóc để đưa chú đi. Tất cả đều không cần giải thích bằng lời…Giai điệu violon xa vắng ở đầu phim đã báo hiệu không khí tâm lý của phim, niềm thương nhớ khôn nguôi, nỗi buồn chia biệt, sự cô đơn và ám ảnh thời gian…Tiếng đàn ac mô ni ca, thưa thớt, cách quãng, lạc lõng…xuất hiện trở đi trở lại trong phim, thường vào những thời điểm Alexandre cô đơn nhất, như lúc ông vào viện thăm mẹ.Còn hai âm thanh khác, được sử dụng với tần số cao trong phim. Thứ nhất là tiếng còi tàu. Âm thanh này vang vọng trong nhiều trường đoạn, ngay cả trong phố xá, khi người ta không hề nhìn thấy biển. Nó báo trước khoảnh khắc biệt ly rồi sẽ đến, nhất định phải đến. Tiếng gọi xa vắng ấy chỉ một lần duy nhất được nghe thấy từ một con tàu, trong cuộc chia tay vĩnh viễn của Alexandre và chú bé…Thứ hai là tiếng gọi “Alexandre”, tiếng gọi vang lên lúc mở đầu phim và kết thúc phim. Cũng cùng là biển, là tiếng gọi da diết của mẹ, nhưng cậu bé Alexandre ngày nào đã là người đàn ông sắp từ giã cuộc đời. Korfulamu – tình mẹ ấm êm bao bọc người ta lúc đầu đời cũng là niềm an ủi sau cùng trước lúc lìa đời. Hay con người mãi mãi là đứa trẻ trước biển, trước thời gian miên viễn? Cuộc đời con người tưởng như dài dặc mà hóa ra cũng chỉ là một ngày trong miên viễn đó thôi.
Năm 1998, trong diễn từ nhận giải Palme d’Or cao quý tại liên hoan phim Cannes cho Eternity and a Day, Theo Angelopoulos nói rằng, “Tôi thuộc về một thế hệ đang dần tiến tới điểm sau cuối của sự nghiệp”. Và Eternity and a Day chính là điểm sáng đáng nhớ, hội tụ những đường nét điển hình nhất trong phong cách làm phim của nhà làm phim Hy Lạp lừng danh này.
Nguồn ảnh: Theo Angelopoulos Films, Greek Film Center, Greek Television ET-1