Đọc sách và làm phim

by Thu Hằng – Mai Phương

Khi đã được trang bị một khối lượng kiến thức cơ bản về điện ảnh, đặc biệt từ việc xem nhiều phim, việc đọc  sách lúc này sẽ trở nên thú vị hơn nhiều so với trước thời điểm mà bạn chưa biết tí gì về điện ảnh.

Ngôn từ lúc này không còn là cái vỏ của tư duy nữa mà  còn là cái vỏ của hình ảnh, sự hưởng thụ giá trị chữ nghĩa sẽ chứa nhiều cảm giác hơn. Người ta sẽ thấy không chỉ không khí của câu chuyện mà còn hình dung được các nhân vật đi đứng hành động, các trạng thái cảm xúc đau đớn khổ sở buồn bã ưu tư…như thể họ đang hiện diện một cách sống động trước mặt mình. Bằng cách này, mỗi câu chuyện sẽ khiến ta nhớ lâu hơn, vì đơn giản trước kia ta chỉ nhớ từ, còn bây giờ, với một sự rèn luyện khác, năng lực nhớ bằng hình ảnh của ta còn nâng cao gấp bội phần. Đối với một người sáng tác, việc không ngừng làm phong phú và bồi đắp khả năng xúc động trước sự vật hiện tượng  là  vô cùng hệ trọng. Vì nghề của chúng ta, là nghề mà thực ra cũng xoay sở từ “vốn tự có” là chính. Nghề đi bán cảm xúc mà, phải không các đằng ấy?

Hôm nay nghe thầy Tuấn kể giai thoại hồi còn học ở bên Liên Xô, rằng người Nga xem phim Mỹ thì bảo là lúc đầu tưởng là không có gì cuối cùng thì lại thấy có cái gì, phim châu Âu thì tưởng là có cái gì thì cuối cùng lại không thấy có gì, còn xem phim Việt Nam, tưởng là không có gì hoá ra cuối cùng thì lại không có gì thật. Giai thoại vui vui nhưng nghe ra đượm vẻ chua chát muôn phần. Vậy thì cái “có gì” ở đây là “cái gì”? Có lẽ  “có gì ” đó là tư tưởng mà người làm phim muốn gửi gắm vào đó qua mỗi tác phẩm. Tư tưởng nói cho hay chứ thực ra xem xong một bộ phim, khán giả khi bước ra khỏi rạp mà vẫn cảm thấy bâng khuâng xao xuyến bởi cảm xúc mà bộ phim mang lại, thì chính xác là đã “có gì” lắm rồi. Nhưng làm được điều này quả thật không phải là điều dễ dàng. Xem một bộ phim hay cũng giống như đọc được một truyện hay hoặc nghe được một câu chuyện thú vị. Câu chuyện hay truyện đó đôi khi không cần tỉa tót chữ nghĩa cầu kỳ, lời văn khôn khéo uốn éo, mà chỉ cần, quả thật có thế, sự chân thành của người viết, là đã đủ lắm rồi. Sự chân thành này là những triết lý giản đơn ai cũng biết, nhưng phải là ngưòi đọc nhiều, trải nghiệm nhiều thì mới khiến những thứ phức tạp trở nên đơn giản dễ hiều. Thầy David James là một ví dụ sinh động cho chuyện này. Kiến thức của thầy rất rộng và uyên thâm, nhưng chúng ta vẫn có thể nắm bắt được một cách rõ ràng vì ngôn từ thầy truyền đạt rất trong sáng và mạch lạc.

Phim Việt Nam, như thầy Tuấn đã nói rất nhiều lần trên lớp, mình chỉ nhắc lại để ghi nhớ và tỉnh táo trong hành vi của mình sau này, ấy là lồng ghép quá nhiều điều và quá nhiều tư tưởng vào một bộ phim kéo dài 90’. Nói quá nhiều chuyện trong khi không có chuyện gì là giải quyết được trọn vẹn và đi đến nơi đến chốn, kiểu “đẽo cày giữa đường” như dân gian vẫn hay nói. Từ xưa đến nay,  Việt Nam vốn không phải là nước sản sinh ra những tư tưởng lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến ý thức hệ của cộng đồng, không sản sinh ra những triết gia kiều đức Phật hay Khổng Tử hay Platon v…v. Một nước nhỏ với nền nông nghiệp lúa nước truyền đời không tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các học thuyết lớn. Mọi học thuyết từ Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo rồi sau này là Thiên Chúa giáo đều trà trộn vào đất nước này và cùng chung sống hoà bình quấn bện lẫn nhau (trừ đạo Thiên Chúa là có xu hướng đứng tách biệt hẳn ra so với các đạo trên), không có một tư tưởng nào lớn mạnh tới mức trở thành tên độc tài toàn trị và kéo theo sự quy phục của toàn thể cộng đồng, có lẽ vì thế chăng mà nó ảnh hưởng đến tâm thức văn hoá của người Việt, không thể đẩy được điều gì lên đến mức cực đoan, không có những tác phẩm cực đoan ráo riết truy vấn hay lật đi lật lại một vấn đề. Lại nữa, đã không thế thì thôi, việc học hành một cách bài bản và tử tế những kiến thức nền tảng cũng không được đến nơi đến chốn.

Nói thẳng ra, tình trạng đọc không đến đầu đến đũa cũng sẽ dẫn đến hậu quả là các tác phẩm cũng không đến đầu đến đũa. Trong khi đây là việc mà hoàn toàn có thể khắc phục được từ chính bản thân và nỗ lực của mỗi cá nhân. Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện được tình trạng nhìn cuộc đời hời hợt và nông cạn như nhìn qua vũm nước  sau cơn mưa này. Trải nghiệm ít, dấn thân ít, thì phải lấy việc đọc để bổ khuyết vào, nếu không thì chúng ta sáng tạo gì với một cái đầu rỗng  và những cái máy đánh chữ gõ ra những ký tự sống sít và phập phồng như một hơi thổi. Hà hơi nhẹ là rữa nát và tan biến luôn vĩnh viễn.

Nói thì rất hay. Xong làm mới khó. Nhỉ các bạn nhỉ?

Đi đọc sách đi!

~ by phuongphammai on April 26, 2011.

One Response to “Đọc sách và làm phim”

  1. Đúng là không được học cơ bản thì đọc sách cũng khó mà hiểu và làm theo được. Nói chung muốn giỏi thì phải có thầy

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: