Nỗi ám ảnh về sự bất ổn (p.2)

by Vương Thảo

Có không ít ý kiến cho rằng bộ phim có những chi tiết không bao giờ giải thích, đặc biệt là căn bệnh đau dạ dày của Rosetta. Cơn đau bụng đến bất ngờ vào những thời điểm trong cuộc đời cô xuất phát từ đâu? Và ý nghĩa của nó là như thế nào đối với Rosetta, và trong cả bộ phim này?…

Những câu hỏi khiến người xem thắc mắc và dường như không có sự giải thích rõ ràng nào trong phim – như là cố tình được đặt ra trong câu chuyện vẫn luôn là một cách hoàn hảo để khiến khán giả không thể quên được một bộ phim. (Image: ARP Selection).

  Vì những bí mật không được tiết lộ, mỗi người xem vẫn luôn cố gắng tìm ra một ý nghĩa khả thể để hiểu những chi tiết đó trong bộ phim. Ý kiến của Derek Smith dường như là hợp lý, khi cho rằng cơn đau dạ dày được sử dụng như là một bất tiện – xuất hiện để tạm thời ngăn cản Rosetta tiến về phía trước (vì thế mà chỉ khi cơn đau xuất hiện Rosetta mới được nằm nghỉ trên giường). Và tôi cũng cho rằng, cơn đau xuất hiện là một cộng hưởng ngăn cản sự kết nối của Rosetta với người khác – mà ở đây là anh chàng Rique – người duy nhất có vẻ mong muốn đến gần với Rosetta hơn.

Một cảnh đáng lẽ là sẽ trở nên lãng mạn nhất trong phim: khi Rique khiêu vũ cùng Rosetta, chúng ta đã hy vọng rằng giữa họ sẽ có một tình cảm đặc biệt, Rosetta sẽ có thể chia sẻ nhiều hơn với anh ta, và cô sẽ được trở về là một cô gái đúng nghĩa, có được những giây phút lãng mạn, được yêu thương và yêu thương người khác nhiều hơn… Rique đã cố gắng giao tiếp, kết nối với Rosetta, nhưng ta chỉ thấy Rosetta cắm cúi ăn. Đến khi cơn đau bụng đột ngột xuất hiện, nó đã trở thành dấu hiệu của sự không thể tương tác của Rosetta với Rique.

Đúng như ý kiến của Jonathan Rosenbaum rằng câu chuyện về Rosetta đã được cố tình để lại trong bóng tối nhiều vấn đề. Như là cơn đau bụng, hay là sự không gợi mở về danh tính người cha của Rosetta .Và đặc biệt là ý nghĩa của cảnh phim cuối cùng. Rosetta ngã, và gục lên bình ga, bật khóc. Ta chỉ thấy từ đằng sau Rique đỡ Rosetta đứng dậy, và khuôn hình chỉ còn gương mặt Rosetta vẫn đang nức nở, nhìn về phía đối diện và cắt ngay tại đó. Đó là cách kết thúc bộ phim, đột ngột và không để lại một sự giải đáp nào. Tất cả những gì còn lại là do khán giả tự suy đoán và cho mình một kết thúc, một cái nhìn về tương lai của Rosetta. Rosetta không có gì cả, nhưng cô ấy sẽ không tự tử nữa? cô ấy sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc và đấu tranh vì cuộc sống của mình?… Chỉ có một câu trả lời chắc chắn, là chúng ta, những khán giả đã theo dõi một phần cuộc đời của Rosetta, cũng như chính bản thân Rosetta, không biết tương lai của cô ấy sẽ như thế nào. Cái khả dĩ chỉ là hy vọng nó sẽ tốt đẹp hơn mà thôi.

Bằng cách sử dụng máy quay cầm tay theo sát nhân vật, những nhà làm phim đã đem lại cảm giác chân thực, gần gũi nhất đến với người xem. Hơn 90’ của bộ phim, Rosetta chưa bao giờ ngừng lao về phía trước. Những cảnh phim được cắt đột ngột nhưng lại được dựng nối tiếp một cách khéo léo đem lại hiệu quả tuyệt vời.

Cách làm quen thuộc mà chúng ta có thể nhận ra là cảnh Rosetta bước mải miết về phía trước thì ngay cảnh nối sau đó, Rosetta vẫn đang tiếp tục bước đi nhưng lại trong trang phục khác. Ví dụ như ở một trong những trường đoạn đầu phim, khi Rosetta hỏi lão chủ nhà xem có thư không rồi bước nhanh về nhà, cảnh nối ngay sau là camera đón chuyển động Rosetta vẫn đang đi trong cùng bối cảnh (khu nhà trọ), nhưng đã trong bộ quần áo ở nhà, với chiếc khăn mặt trên vai. Một ví dụ khác rõ ràng hơn là camera theo sau lưng Rosetta khi cô nhổ những bó cây của bà mẹ đã trồng trước đó rồi gần như lao về nhà, nối ngay sau đó vẫn là camera theo sau lưng Rosetta trong cùng trung cảnh nhưng lại trong chiếc áo khoác màu đỏ rồi giữ máy đến cận cảnh gương mặt Rosetta quay lại; tiếp tục sau đó bối cảnh chuyển sang Rosetta mở cửa chiếc xe bán bánh. Như vậy bối cảnh thay đổi nhưng hành động nhân vật vẫn nối tiếp một cách vô cùng hợp lý. Điều này cho phép giữ sự liền mạch trong cách nối cảnh quay mà vẫn tạo sự liên tục, tiếp nối về mặt thời gian, trong cùng một bối cảnh hay nhiều bối cảnh khác nhau một cách hợp lý và tạo tâm lý tiếp nhận hoàn toàn tự nhiên cho khán giả.

Cảm giác bức bối ngay từ đầu phim với những khuôn hình hẹp, hầu hết là những cảnh trung hẹp, cận chặt gương mặt nhân vật cộng với sự rung lắc mạnh của máy quay cầm tay theo chuyển động khiến người xem chao đảo và ngột ngạt đến những thời khắc cuối cùng của bộ phim không hề được giảm bớt. Trái lại, tiếng xe máy của Rique xuất hiện trên con đường tìm đến cái chết của Rosetta càng khiến không khí bộ phim trở nên đầy khó chịu và bực dọc. Âm thanh ấy ầm ĩ, như một sự trêu ngươi, một sự chọc tức bám riết lấy Rosetta, cũng không buông tha người xem. Khi Rosetta gục ngã, cô đã bật khóc. Lần đầu tiên chúng ta thấy Rosetta khóc. Không có một Rosetta luôn tỏ ra mạnh mẽ đến quyết liệt, chỉ còn lại một Rosetta yếu đuối, bất lực và tuyệt vọng. Một sự tương phản tưởng đối lập mà vô cùng hợp lý trong tâm lý nhân vật hoàn toàn thuyết phục và chiếm được sự đồng cảm sâu sắc từ phía người xem.

Cắt dựng đột ngột là cách làm của không ít những nhà làm phim hiện đại, trong đó có anh em nhà Jean – Luc Dardenne. Trong Rosetta, ngoài cách dựng tiếp nối những cảnh quay riêng biệt để tạo tính liên tục trong sự thay đổi về không gian và thời gian (như đã trình bày ở trên), thì Jean – Luc Dardenne cũng sử dụng cách cắt dựng đột ngột, đặc biệt rõ nét ở cắt dựng âm thanh. Không vuốt âm thanh để chuyển cảnh êm ái, mà trái lại những cú cắt dựng đột ngột đã tạo nên hiệu ứng về mặt cảm xúc. Sự tương phản về mặt âm thanh khi sau những âm thanh ồn ã là sự im lặng tạo nên hiệu ứng như một “cú sững người”. Cùng với cách quay, bố cục hình ảnh, việc cắt dựng âm thanh tương phản như vậy tạo hiệu quả rõ nét trong việc tạo nên một không khí ngột ngạt, bất ổn, lo lắng và cảm giác bất lực trong Điều cũng rất thú vị ở cuối phim, là khi cắt cảnh cuối ở gương mặt Rosetta, chuyển sang chạy generic thì hoàn toàn không có nhạc nền hay bất cứ âm thanh nào. Tất cả là sự im lặng. Nó làm tôi nhớ đến điều thầy Đặng Nhật Minh từng nói, một bộ phim kết thúc không ở cảnh cuối phim, mà để cảm nhận nó đến cuối cùng, hãy ngồi lại cho đến khi hết generic. Generic tựa như là một khúc vĩ thanh, là dư âm cuối cùng trước khi chúng ta chia tay 1 bộ phim. Bởi vì cả bộ phim Rosetta này là sự ngột ngạt và chênh chao, một cái kết không đem lại một câu trả lời, cho nên toàn bộ sự im lặng khi chạy generic là khoảng thời gian quý giá để mỗi người xem lặng lại và chìm sâu hơn vào những xúc cảm đã có được sau khi kết thúc cảnh cuối cùng. Không phải là một bản nhạc buồn để kéo tâm trạng của ta xuống, không phải là một bản nhạc vui để ta phấn khởi hơn, sự im lặng là khoảng trống. Và sự im lặng ấy, hơn cả một lời nói, là một sự ám ảnh không thể rời bỏ về Rosetta, hay là về sự bấp bênh bất ổn của cuộc sống con người.

Nguồn tham khảo:

http://www.imdb.com/title/tt0200071/

http://www.cinematicreflections.com/rosetta.html

http://www.jonathanrosenbaum.com/?p=6424

~ by Cỏ thơm on April 25, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: