Cuộc du hành lên mặt trăng (p.1)

by Ngọc Thùy

Melies được coi như ông tổ của nền kĩ xảo điện ảnh thế giới bằng việc sử dụng kỹ thuật quay phim và in tráng để biến đổi các hình ảnh quay theo trí tưởng tượng chứ không còn chỉ thuần túy là quay lại những cảnh tượng có thật ngoài đời.

Bộ phim Cuộc du hành lên mặt trăng của ông được coi là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng đầu tiên với đầy đủ ý nghĩa của nó. Ngoài ra, với một loạt những sáng tạo tiếp theo, Melies cũng có thể được coi như một trong những đạo diễn sáng tạo ra thể loại phim liêu lưu mạo hiểm và phim kinh dị. (Image: Star Film).

Mặc dù mức độ ứng dụng kĩ xảo điện ảnh vào Cuộc du hành lên mặt trăng của Melies còn rất sơ sài và nhiều thiếu sót phi logic, nhưng nó là dấu mốc đáng nhớ cho sự phát triển một cách ngạc nhiên của những ứng dụng kĩ thuật kì diệu về sau này.

Có thể phân tách những đóng góp mang tính khai phá trong Kĩ xảo Điện ảnh của Melies làm 2 mảng chính. Đó là kĩ xảo dựa trên việc bật tắt máy quay (stop motion) và  xử lí in tráng hậu kì.

1.   Bật tắt máy quay (stop motion)

Trong Cuộc du hành lên mặt trăng, đạo diễn Melies đã sử dụng liên tục nhiều lần kĩ xảo này như trong các trường đoạn về đoàn thám hiểm chiến đấu với Người Mặt trăng. Mỗi lần Người mặt trăng bị hạ gục, họ ngã xuống đất và ngay lập tức phát nổ, bốc khói và biến mất. Tất cả các sự kiện trên diễn ra liên tục, đồng bộ và chỉ trong 1 cảnh duy nhất.

Đây là một kĩ xảo được thực hiện theo quy trình áp dụng vào cảnh quay thực tế như sau:

*Máy quay ghi hình cả cảnh liên tục như bình thường. Đến đoạn nhà khoa học chiến đấu với người Mặt trăng, đánh người Mặt trăng ngã xuống.

*Ngay lập tức dừng máy (hoặc có thể thời điểm đó máy quay vẫn tiếp tục ghi hình nhưng khi dựng lại sẽ cắt bỏ những đoạn không có gì chuyển động trên hình).

*Lúc này tất cả các diễn viên đều phải đứng im, không chuyển động, trừ diễn viên Người Mặt trăng sẽ được di chuyển khỏi bối cảnh, thay vào đó là các hiệu ứng khói, lửa được chuẩn bị sẵn.

*Máy quay tiếp tục ghi hình (hoặc là điểm nối tiếp tục lấy hình ở bản ghép dựng lại), đạo diễn cho khói, lửa bùng lên, cảnh diễn tiến như bình thường.

Trình tự thực hiện này tạo hiệu quả hình ảnh sau khi biên tập lại rất ấn tượng. Ngay frame trước còn có sự xuất hiện của Người Mặt trăng, frame sau Người Mặt trăng đã biến mất cùng với khói lửa bùng lên. Ở vào thời điểm ra mắt, kĩ xảo này thực sự là một “ngôi sao” thu hút sự chú ý, hứng khởi và tò mò của khán giả, giúp cho Melies liên tiếp đạt được những thành công.

Nhìn lại vào Lịch sử Phát triển Điện ảnh thế giới, có thể thấy có rất rất nhiều phim về sau này thừa hưởng sự sáng tạo sơ khai này của Melies. Điểm lại những bộ phim ngay gần đây từng được nhắc đến như những quả bom tấn của công nghiệp Điện ảnh, những siêu phẩm của Kĩ xảo Điện ảnh thời kì xử lí đồ họa và số hóa, cũng không thể không nhận thấy dáng dấp những kỹ thuật mà hơn 100 năm trước Melies đã áp dụng: Trong cả 7 phần của Harry Potter, bộ 3 phần Chúa tể những chiếc nhẫn, bộ phim kinh dị làm lại nổi tiếng The Ring, bộ tác phẩm ăn khách về những người đột biến X-men hay tác phẩm Enternal Sunshine of the spotless mind… và rất nhiều những tác phẩm điện ảnh khác nữa. Càng hoành tráng bao nhiêu, càng nhiều kĩ xảo bao nhiêu, ta lại càng thấy dấu ấn của Melies đậm nét bấy nhiêu.

2.   Xử lý in tráng hậu kỳ

Trước Melies và thậm chí, cả sau này, rất nhiều bộ phim điện ảnh chỉ quay, in tráng 1-1 và biên tập dựng lại. Nhưng với Melies, ông không cho phép trí tưởng tượng và sự sáng tạo của mình dừng ở đó. Vốn là một nhà ảo thuật, ông không chỉ gây hứng thú cho khán giả ở những gì diễn ra trước ống kính máy quay, cũng không dừng ở việc thực hiện vài xảo thuật với riêng ống kính. Con mắt của một nhà trình diễn, của một nghệ sĩ ảo thuật luôn thích tìm tòi đã giúp ông có được những quyết định xuất thần khi thử áp dụng cả những phép màu của hóa học vào công đoạn in tráng biên tập phim.

Cụ thể trong Cuộc du hành lên Mặt trăng, ngoài sự bất ngờ mang tính hành động mạnh (như việc các nhà khoa học tiêu diệt Người mặt trăng và cái cách mà anh ta biến mất cùng khói và lửa), Melies còn đem lại cho khán giả những cảm giác mới lạ rất nhẹ nhàng. Khán giả như được chiêm ngưỡng một giấc mơ êm đềm khi sao chổi với cái đuôi dài bay qua bầu trời đêm, cho chòm Đại Hùng tinh với ngôi sao Bắc đẩu ngó xuống ngắm đoàn thám hiểm của Trái đất trên Mặt trăng. Ông cũng giúp người xem hình dung ra một vị thần Sao thổ già nua bên cạnh Nữ thần Phoebe trẻ trung, điệu đà… Tất cả những hình ảnh như thơ ấy hiện lên dần dần trong khi cả đoàn thám hiểm say ngủ. Để làm được điều đó Melies đã sử dụng cách in tráng: cho lộ sáng 2 lần trên cùng một đoạn phim và điều chỉnh hóa chất hãm – hiện để đạt được hiệu quả như ý muốn.

Nếu chú ý hơn, ta sẽ thấy Melies liên tục sử dụng cách chuyển cảnh bằng thủ pháp mờ chồng. Những hình cuối của cảnh này sẽ mờ dần song song với việc hiện rõ dần những hình đầu tiên của cảnh kế tiếp sau nó. Đây là một thủ pháp hiện nay đã và vẫn đang rất thịnh hành trong các bộ phim truyền hình. Tuy nhiên, nếu biết được rằng, ngay cả với điều kiện kỹ thuật vượt gấp hàng trăm lần so với hơn 100 năm trước, thì ngày nay thủ pháp mờ chồng  này cũng chỉ được sử dụng rất hạn chế trong điện ảnh – không phải vì giá trị nghệ thuật kém mà bởi vì nó khá tốn kém khi thực hiện – thì mới có thể hình dung ra tầm vóc và sức sáng tạo phi thường của Georges Melies.

Ở một góc nhìn rộng hơn mang tầm ảnh hưởng, việc xử lí in tráng, tô màu, lộ sáng hai lần… của Melies đầu thế kỉ 20 cũng chính là các phương pháp cơ bản của Kĩ xảo Điện ảnh thế kỉ 21. Đó chính là những viên gạch đầu tiên dẫn đến các phương pháp khác được suy ra từ nó như việc cân chỉnh tone màu cho các cảnh quay, nhằm tạo hiệu quả thị giác hay ấn định tâm lý hình ảnh, sắc thái cảm xúc của đạo diễn dành cho khán giả (các phim như Yellow Earth của Chén Kǎigē, Return của Andrei Zvyagintsev). Đó cũng là nền tảng của kĩ thuật sử dụng máy chiếu phông trong phim trường Hollywood những năm sau này, hay kĩ thuật sử dụng phông màn xanh rồi ki hình diễn viên lên một hình ảnh khác mà nổi bật là bộ tam tuyển Matrix của anh em nhà Wachowski.

~ by Cỏ thơm on April 25, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: