Ảo mộng tuổi thơ say ngủ
by Huyền Trâm
Tôi đã đặt cược một món không nhỏ cho “The Illusionist” vào mùa Oscar năm nay. Và rõ ràng, niềm tin của tôi có cơ sở khi đặt cạnh những “ Toy Story 3” và “ How To Train Your Dragon”.
The illusionist đã đặt hình ảnh nhà ảo thuật già- nhân vật chính của câu chuyện- vào giữa bối cảnh nước Anh cuối những năm 50, với trạm tàu điện ngầm King’s Cross Luân-đôn, những chuyến xe lửa tới bờ biển, và cả những con hải âu dang đôi cánh cô đơn khóc gù trên bờ vịnh Edinburgh … Tất cả đều được hoàn thành với nét vẽ tay cổ điển, đơn giản, khoáng đạt như thể ta đang lần giở lại cuốn truyện tranh từ lâu lắm. Nhà ảo thuật già lạc lõng và cô đơn giữa khán phòng nhà hát Luân Đôn xung quanh là tiếng la ó của đám khán giả. Nhưng nếu chỉ có thế, thì sợi dây dẫn dụ ta về với thế giới xưa cũ cũng chỉ dừng ở mối thương cảm đối với người ảo mộng này, con người của giá trị tốt đẹp đang dần bị thực tế thay thế này. Và bởi tuổi thơ vẫn luôn hồn nhiên, sáng trong, vẫn luôn tin vào phép màu, nên cô bé con ở đó vẫn được nhìn , được hiểu cuộc sống với thứ tình cảm trong trẻo và thánh thiện nhất.
“The illusionist” tập hợp những mẩu đối thoại rời rạc, với thứ ngôn ngữ tối giản. Một bộ phim không đối thoại nhiều, chỉ có tiếng leng keng của đồng xu, của tiếng cót két những mũ, những hoa, những thỏ, những cử chỉ âu yếm, những phép màu kỳ diệu được tạo ra từ một trái tim nọt ngào và dịu dàng,…
“The illusionist” bản thân nó cũng là một phép màu kỳ diệu, một tuyệt phẩm được tạo ra trước nhất để tỏ lòng tôn kính với người thai nghén nó trong hình hài một kịch bản tưởng như đã ngủ quên- đạo diễn Jacques Tati, và sau cùng, là ngợi ca và đánh thức phép màu tình người kỳ diệu nơi mỗi chúng ta _ Một ly rượu hảo hạng đủ sức làm ta ngây ngất và xúc động mạnh sau khi uống xong.