Đi qua vùng cỏ non (p.2)
by Huy Trường – Huyền Trâm
4. Ròng rã hơn tháng rưỡi kể từ ngày công chiếu ( 18/3/2011) , “ Bi , đừng sợ” trở thành tâm điểm của báo chí , truyền thông lẫn giới phê bình .
Ngoài những review thường thấy trên các trang báo mạng phổ thông như vnexpress, vietnamnet , có tờ như Thể thao văn hoá tổ chức hẳn một chuyên đề lấy tên “ “Phim cảm giác – một vài lát cắt” như một động thái ngầm ủng hộ Phan Đăng Di và khẳng định đẳng cấp của tờ báo văn hoá hàng đầu Việt Nam . Phim cũng đã khiến “ Rừng Nauy “ và “ Cánh đồng bất tận” trở thành vai diễn phụ trong cuộc hội thảo “ Điện ảnh phản ánh hiện thực” do Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức trong nhân ngày Điện ảnh Việt Nam 2011 và lễ trao giải Cánh diều vàng . Sức hút của thỏi nam châm này còn lôi kéo cả những nhà phê bình trong giới : Nguyễn Thanh Sơn , Phan Gia Nhật Linh , .. , những người xem có trình độ cao ( phóng viên văn hoá) đến dân ngoại đạo hoàn toàn như nhà xã hội học , nhà thơ, dịch giả . Tựu chung lại có hai luồng ý kiến : khen và chê . Việc thể hiện mình ngả về phe bên nào không phải là mục tiêu của người viết , mà chỉ muốn coi đây là một case điển hình để nhận định,lý giải các phương pháp quan niệm về phê bình tồn tại lâu nay trong nền điện ảnh Việt . Dẫu biết có thể là khập khiễng khi người viết áp dụng lịch sử lý thuyết tiếp cận phê bình văn học cho điện ảnh nhưng trong nhiều trường hợp, một chiếc Minsk màu mận chín có thể bon bon ở cả trên đường quốc lộ I lẫn những đoạn đèo cao vút tận Mù Căng Chải do suy cho cùng, cả hai nơi đều từ đất, đá mà ra . Xin lấy ví dụ ở lý thuyết Mĩ học tiếp nhận của H.R.Jauss đã được Đỗ Lai Thuý đúc kết ở hai điểm cơ bản ( 1) :
- Văn bản chưa phải là tác phẩm và chỉ là tác phẩm qua hành động đọc . Từ đó trung tâm chú ý chuyển sang người đọc
- Lịch sử văn học, vì vậy, chủ yếu là lịch sử tiếp nhận của người đọc
Chỉ cần thay thế chữ “ người đọc” bằng “ người xem” và “văn học” bằng “ điện ảnh” ta sẽ có hai kết luận gần như tương đương kết luận ban đầu . Như vậy, người xem đồng thời là người sáng tạo ra giá trị tác phẩm điện ảnh cùng với diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất . Một bộ phim luôn ở trong trạng thái phát triển không ngừng chừng nào còn có người xem ở bất cứ đâu : rạp chiếu phim, đĩa DVD , hay mạng Internet .
5. Trở lại trường hợp “ Bi , đừng sợ” ,có một kết luận rút ra : phê bình điện ảnh ở Việt Nam nặng về áp đặt ý kiến chủ quan người phê bình lên giá trị tác phẩm . Thật trớ trêu khi một bộ phim chịu ảnh hưởng Chủ nghĩa ấn tượng lại được tiếp nhận bằng lối phê bình Ấn tượng chủ nghĩa ( thuật ngữ mượn từ văn học ) . Miếng đòn “ gậy ông đập lưng ông” này là hệ quả lối suy nghĩ giản đơn “ lấy hồn tôi hiểu hồn người” ( Hoài Thanh) thiên về cảm tính , nặng về trình bày phát biểu cảm tưởng . Theo đó, người xem lấy kinh nghiệm bản thân làm thước đo tiêu chuẩn , từ đó đánh giá phim thông qua điểm tương đồng giữa hiện thực trên phim với tiêu chuẩn đó . Tiêu biểu như ý kiến của nhà báo NNVL :” Con người trong Bi là dị dạng… Nhưng tính cách nhân vật trong phim quá xa lạ , nó chỉ là một mô hình ẩn hiện từ dòng phim tác giả của Pháp, của Đức của Ý hay đâu đó ở Phương Tây” (2) hay một ý kiến khác “ Xem phim chẳng thấy giống con người Việt Nam gì cả. Phim đã bóp méo sự thật, không coi trọng con ngườ”.(3) Phân nhánh rẽ ngang của lối phê bình này là lối phê bình giáo điều pha chút “ anh hùng luận” trong đó nhà phê bình, đứng ở vai trò người hiểu biết hơn độc giả , trình bày cách hiểu cá nhân về chi tiết trong phim như người hướng đạo cho đám đông thưởng thức như Nguyễn Thanh Sơn, Phan Gia Nhật Linh . Chất “ anh hùng luận” thể hiện ở những tính từ ( mĩ từ hoặc nhạo báng từ ) gán cho một nhân vật như trong loạt bài phim cảm giác (4) : “ huyền thoại người Thụy Điển Ingmar Bergman” , “ bậc thầy quá cố Michelangelo Antonioni” , “đứa con bất trị François Ozon” , “một Kurosawa – đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch xuất chúng của điện ảnh Nhật Bản” , “ Andrei Tarkovsky, nhà làm phim Nga “thiên sứ” và quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ 20” hoặc huyền thoại hoá chi tiết đời tư nhân vật : “ một Michelangelo Antonioni hoặc một Ingmar Bergman, hai người khổng lồ của điện ảnh thế giới, mất cách đây vài năm trong cùng một ngày”, “ phim của Vương Gia Vệ chỉ kết thúc đúng vào ngày chuẩn bị dự giải hoặc khi… hết tiền”. Một cách làm khác, nhà phê bình chơi trò nhập vai vào nhân vật , hoặc gián tiếp xâm nhập vào phim bằng cách đối thoại cùng cậu bé Bi như Nguyễn Thanh Sơn đã làm : “ Hay em sợ những con người sống quanh em “ (5)
6 .Kết luận thứ hai rút ra như hệ quả lối phê bình Ấn tượng chủ nghĩa kia là một lối phê bình tài tử xem nhẹ tư liệu , dẫn chứng . Trong đó , người phê bình bị dẫn dắt bởi cảm xúc chủ quan , coi bài viết như một phương tiện để bày tỏ hoặc chứng minh cảm xúc của mình là đúng .Sự thật hẳn biết cười ( 6) trước cảm tưởng được bộc lộ hồn nhiên của dịch giả VNT :” mà lại là những phút cao trào, từng nhiều lần làm rơi nước mắt chính tác giả bài viết” , “ Và bây giờ, lần đầu tiên trong kinh nghiệm xem phim của tôi,…”. Thực chất, đạt được thành công với lối phê bình Ấn tượng là việc khó khăn vô cùng do phương pháp này dựa hoàn toàn vào năng lực cá nhân người viết . Nói một cách khác, người viết cần có một kiến thức vững vàng, độ nhạy cảm sâu sắc cùng kỹ thuật ngôn từ điêu luyện không khác gì một nhà thơ. Cách tiếp cận này giống như con đường tắt dẫn đến đích trong tích tắc nhưng trải đầy gai chông trong khi các cách tiếp cận khác là những con đường vòng tuy dích dắc nhưng an toàn , chắc chắn . Do vậy, khi năng lực người viết chưa vững vàng dễ tạo ra những cách hiểu suy diễn , phiến diện, thiếu căn cứ . Tiêu biểu như tên chuyên đề “ Phim cảm giác – một vài lát cắt” của TTVH đưa ra khái niệm thể loại “ phim cảm giác” , một định nghĩa không có trong từ điển thuật ngữ điện ảnh Việt Nam cũng như quốc tế . Trường hợp tương tự xảy ra với cụm từ “ dòng phim hiện thực” ( 7) được gán cho “ Bi , đừng sợ” của nhà báo CV
7 . Nhận xét cuối cùng người viết muốn rút ra nhân trường hợp “ Bi , đừng sợ” bắt nguồn từ ý kiến nhà biên kịch , lý luận phê bình Đoàn Minh Tuấn về thứ phim “ hiện ra những con người ở Sài Gòn và Hà Nội cực kỳ bệnh hoạn” , “ và thậm chí nó còn được nhiều nhà làm phim trẻ bắt chước một cách lộ liễu” (8). Đây là một ý kiến khá bất ngờ bởi nếu cho rằng lý do khiến nhà biên kịch “ Chuyện tình trong ngõ hẹp” bất bình nằm ở những cảnh sex táo bạo như phần đông các ý kiến ngược chiều e có phần không thoả đáng bởi “ Chuyện tình trong ngõ hẹp” gây xôn xao dư luận đầu những năm 90 chính bởi cảnh nóng trong phim. Bản thân thầy Tuấn , trong các giờ dạy , luôn khuyến khích sinh viên sẵn sàng phá cách , đạp đổ những khuân mẫu sẵn có trên tinh thần không ngại va chạm . Như vậy, phản ứng gay gắt của ĐMT , cũng như những nhà phê bình học thuật khác trước “Bi , đừng sợ” có lẽ do phim đi ngược quan niệm nghệ thuật hành đạo của điện ảnh Việt Nam . Nếu như các nhà làm phim Ấn tượng như Phan Đăng Di, Trần Anh Hùng coi làm phim “ như một cách thể hiện cảm xúc cá nhân”( 9) thì các nhà phê bình Việt Nam lại chịu ảnh hưởng quan niệm “ văn dĩ tải đạo” từ thời Trung đại và phần nào quan niệm “ văn học phải đạo” ( từ dùng của Hoàng Ngọc Hiến) thời kỳ xây dựng CNXH . Theo đó, nhà làm phim đồng thời là một trí thức , đồng nghĩa với việc anh ta phải thể hiện thái độ trí thức trên màn ảnh
qua những vấn đề thời cuộc, trọng đại của đất nước . Nét đặc trưng này dễ nhận thấy trong những phim chính thống của Việt Nam : Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát, Sống trong sợ hãi , …. Thái độ tri thức thể hiện ở sự quan tâm tới số phận con người trong tư cách đại diện cộng đồng anh ta thuộc về . Thế nên , nhà báo PTN phê phán sự lạc lõng của chủ thể , nét đặc trưng của chủ nghĩa cá nhân : “ Con người trong Bi , đừng sợ không đại diện cho con người Việt Nam” ( 10). Còn nhà biên kịch ĐMT đề cao ý thức bảo tồn lòng tự trọng của dân tộc qua sự phê phán: “ Người Việt chúng ta trong chiến tranh đã đầy cực khổ, sau chiến tranh lại chịu đựng bao biến động oái oăm. Người nghệ sỹ không nâng con người dậy mà lại dìm họ xuống bùn và cười khẩy.Thử hỏi những người mang danh là nghệ sỹ đó, mang những chuyện đau lòng của đất nước, của dân tộc đi khoe với phương Tây, được họ khen và thưởng cho ít tiền,phỏng có vinh dự gì không” ( 11). Vậy nên, tranh cãi quanh trường hợp “ Bi , đừng sợ” suy cho cùng là sự xung đột hệ mĩ học trên nền ý thức tổ quốc luận và cá nhân luận ( 12) . Hy vọng hai thái cực này không triệt tiêu mà còn bổ sung, làm phong phú thêm cho nhau bởi trong nghệ thuật : không có sự đúng , sai mà chỉ có những sự khác nhau .
Tài liệu tham khảo :
(1):Sự đỏng đảnh của phương pháp ,Đỗ Lai Thuý biên soạn và giới thiệu, tr 529 , NXB VHTT 2004
(2),(3),(7),(8),(10),(11) : Dẫn theo tóm tắt cuộc hội thảo “ Điện ảnh phản ánh hiện thực” trên tạp chí Thế giới điện ảnh
( 6) : Dựa theo “ Đi tìm sự thật biết cười” của Umberto Eco do Vũ Ngọc Thăng dịch
(9) : Giáo trình Nghệ thuật điện ảnh , Bordwell & Kristin Thompson , tr 570
( 4), (5) :Loạt bài “ Phim cảm giác – một vài lát cắt” đăng trên Thể thao văn hoá: Bị bỏ quên hoặc tồn tại mãi mãi, Vương Gia Vệ – tinh thần chung của dòng phim cảm giác ( Chu Trần Minh Đức ) , Rừng Nauy – run rẩy và lấp lánh ( Vũ Ngọc Thăng) , Một kiểu điện ảnh của cảm giác vật lý và sinh học ( Vũ Ngọc Thăng)
(12) : hai khái niệm của Phan Ngọc trong “ Bản sắc văn hoá Việt Nam” trong đó TQL là đặc trưng cơ bản của văn hoá thuần nông Việt Nam còn CNL là nét cơ bản văn hoá đô thị phương Tây.
Bó chiếu=.=.
Đặng Hải Quang said this on April 24, 2011 at 10:50 pm
Bài viết khá thú vị. Giọng tường thuật tỉ mỉ đi kèm với một vài nhận xét tỉnh táo, buông-nắn khiến người đọc sớm nhận ra chủ ý của người viết, rằng, qua trường hợp Bi, đừng sợ, để nhận chân bản diện lai mục điện ảnh nghệ thuật VN đương đại và từ đó, là hệ thẩm mĩ của giới phê bình (lẫn công chúng) xine vốn đang rất đáng bàn hiện nay.
Có một vài khái niệm rất muốn được tác giả nói rõ thêm:
1. Điện ảnh Ấn tượng, hiểu một cách chung nhất, là thế nào? Tại sao, ngay từ đầu, tác giả xếp Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di vào dòng phim/điện ảnh Ấn tượng ?
2. Tổ quốc luận và cá nhân luận, nếu là ý thức thuộc về 2 hệ mĩ học, thì phải có những điểm gì đặc trưng, để nó đối kháng nhau?
Xin hãy xem trên đây là những thắc mắc trong thái độ cầu thị chứ không phải là bắt bẻ/bí gì.
Trân trọng.
buibui said this on April 24, 2011 at 11:00 pm
Hình ảnh là một trong những thành công của bài viết
hienpham1982 said this on April 26, 2011 at 12:52 pm
@buibui :
1. bài bạn đọc là phần 2 loạt bài về Bi, bạn đọc thêm phần 1 ở đây thì rõ hơn : https://tinvanonline.org/2011/04/14/bi-d%E1%BB%ABng-s%E1%BB%A3-di-qua-vung-c%E1%BB%8F-non/
2. Xin lỗi , do sơ suất ở phần tài liệu tham khảo mình bỏ sót chú thích cho 2 khái niệm Tổ quốc luận và Cá nhân luận . Đây là 2 khái niệm mượn từ ” Bản sắc văn hóa Việt Nam” của Phan Ngọc . Trong đó, ” Người Việt Nam là con người tổ quốc luận , tức là đối với anh ta , Tổ quốc lớn hơn tất cả ” ( tr 35) . Điều này dẫn đến thói quen nhìn nhận một sự kiện trong mối quan hệ với tổ quốc ,đất nước ( đặc trưng cho tính cộng đồng làng xã ) . Bi được giải tại LHP Cannes với tư cách là phim đại diện của VN nên khán giả lẫn giới phê bình VN trước tiên sẽ xem xét Bi phản ánh con người VN đúng được bao nhiêu , có nhân vật nào thể hiện trách nhiệm với đất nước không … . Cá nhân luận, ngược lại, là đặc trưng của văn hóa đô thị phương Tây coi trọng tự do cá nhân . Ở đó, hành động của mỗi cá nhân ít bị rằng buộc với cộng đồng anh ta thuộc về .Theo đó, thẩm mỹ khán giả phương Tây nghiêng về cái riêng biệt , khác lạ , thể hiện phong cách cá nhân người làm phim , và nội dung không nhất thiết phải thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng .
Huytruong said this on April 26, 2011 at 9:30 pm
@buibui :
1. bài bạn đọc là phần 2 loạt bài về Bi, bạn đọc thêm phần 1 ở đây thì rõ hơn : https://tinvanonline.org/2011/04/14/bi-d%E1%BB%ABng-s%E1%BB%A3-di-qua-vung-c%E1%BB%8F-non/
2. Xin lỗi , do sơ suất ở phần tài liệu tham khảo mình bỏ sót chú thích cho 2 khái niệm Tổ quốc luận và Cá nhân luận . Đây là 2 khái niệm mượn từ ” Bản sắc văn hóa Việt Nam” của Phan Ngọc . Trong đó, ” Người Việt Nam là con người tổ quốc luận , tức là đối với anh ta , Tổ quốc lớn hơn tất cả ” ( tr 35) . Điều này dẫn đến thói quen nhìn nhận một sự kiện trong mối quan hệ với tổ quốc ,đất nước ( đặc trưng cho tính cộng đồng làng xã ) . Bi được giải tại LHP Cannes với tư cách là phim đại diện của VN nên khán giả lẫn giới phê bình VN trước tiên sẽ xem xét Bi phản ánh con người VN đúng được bao nhiêu , có nhân vật nào thể hiện trách nhiệm với đất nước không … . Cá nhân luận, ngược lại, là đặc trưng của văn hóa đô thị phương Tây coi trọng tự do cá nhân . Ở đó, hành động của mỗi cá nhân ít bị rằng buộc với cộng đồng anh ta thuộc về .Theo đó, thẩm mỹ khán giả phương Tây nghiêng về cái riêng biệt , khác lạ , thể hiện phong cách cá nhân người làm phim , và nội dung không nhất thiết phải thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng .
tahuytruong said this on April 26, 2011 at 9:53 pm