Bài ca người lính

by Vương Thảo

Chiến tranh đã qua, nhưng chưa bao giờ bị quên lãng. Trong sự hủy diệt của chiến tranh, vẫn có những ánh sáng và giá trị cuộc sống được tái  sinh, tình yêu vẫn nảy mầm và hy vọng chẳng bao giờ tắt. Tôi muốn nói về hành trình về thăm mẹ của chàng lính trẻ Alyosha trong sáu ngày ngắn ngủi với vô vàn biến cố, chỉ kịp ôm mẹ rồi lại vội vã trở lại chiến trường. đó là hành trình của một cái ôm, cũng là hành trình của sự gặp gỡ rồi chia ly, và chờ đợi. (Image: Mosfilm)


Thoát khỏi quy tắc bất dịch của chủ nghĩa hiện thực về nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình, anh lính trẻ Alyosha trong phim chỉ là một con người bình thường. đó là một chàng trai trẻ 19 tuổi lần đầu ra trận, có sợ hãi, có khiếp đảm khi đối chọi với kẻ thù. Trước bom đạn, cậu trai trẻ ấy chỉ còn cách liều mạng chiến đấu. Phần thưởng cho sự liều mạng ấy là 2 chiếc xe tăng bị bắn hạ, và 6 ngày phép được trở về nhà lợp mái nhà cho mẹ. Hành trình tìm về với mẹ của người lính trẻ bắt đầu. Bài ca người lính cất lên, anh dũng, khắc khoải đến tuyệt đẹp.
Trong cuộc hành trình của mình, Alyosha đã gặp hàng loạt những biến cố và sự kiện. không phải là những hiểm nguy phải đối mặt trực tiếp với bom đạn, kẻ thù, Alyosha gặp gỡ với đồng bào đồng chí mình ở hậu phương – nơi mà những hy sinh thầm lặng chẳng thể nào đong đếm.
Trên hành trình ấy, người lính trẻ không hề đơn độc. Có tình yêu với cô gái Nga xinh đẹp và thuần hậu Shura là người bạn đồng hành. Tình yêu giữa Alyosha và Shura  nảy nở trong sáng và thuần khiết đến nỗi không thứ tình cảm nhục dục nào có thể xâm lấn nổi. Khi những hiểu lầm ban đầu sáng tỏ, họ đã đi bên nhau, đã yêu nhau và chia tay không kịp một lời tỏ tình, thậm chí không một nụ hôn. Trong cái khắc nghiệt của hoàn cảnh chiến tranh, không một dòng địa chỉ, không một lời nhắn gửi, chỉ có một người buồn bã đi trên sân ga, một người thảng thốt trên con tàu đã chạy xuyên qua màn đêm, qua những hàng bạch dương…Nhưng có một tình yêu đã thành hình, thậm chí mãnh liệt.

Cũng như ấn tượng đẹp lãng mạn mà cũng đầy niềm tin và nghị lực của cô gái Shura để lại, những người phụ nữ trong phim cũng đem đến những xúc cảm đẹp đẽ và cảm động.
Đó là người vợ của anh thương binh vỡ òa trong niềm hạnh phúc được đón chồng sống sót trở về, dù anh không còn lành lặn. Đó là cô gái ở trạm bưu điện vừa khóc vừa mắng anh thương binh khi biết anh định chia tay vợ qua một bức điện, vì anh lo sợ mình sẽ là gánh nặng cả cuộc đời người vợ trẻ của mình. Là những người phụ nữ ở quê nhà Alyosha đôn hậu, giàu tình cảm; là người mẹ chỉ kịp ôm con một cái trước khi vĩnh viễn không bao giờ gặp lại…
Hãy để ý góc máy quay gương mặt của những người mẹ, những người vợ, người yêu… góc máy hất từ dưới lên, thường là trung và cận mặt, kết hợp với chiếu sáng làm nổi bật ấn tượng về gương mặt của những người phụ nữ: gương mặt bất động, đau đáu ánh mắt chờ đợi. Hậu cảnh phía sau là nền trời rộng lớn, với gió, với mây… Những hình ảnh ấy mang tính tôn vinh một cách tinh tế những nỗi đau thầm lặng, những đợi chờ, hy sinh không thể gọi thành tên.
Và còn cả những nỗi day dứt của những người phụ nữ đã không thể chiến thắng nổi nỗi cô đơn khi chồng đi chiến đấu, ở nhà ngoại tình với người đàn ông khác. Là câu chuyện của Pavlov- người chồng, chỉ có thể gửi vội Alyosha hai bánh xà phòng về cho vợ, với niềm tin tưởng và tình yêu trọn vẹn, đã không ngờ tất cả sẽ vỡ tan như bong bóng xà phòng. Chúng ta hiểu nỗi uất ức của Alyosha khi chứng kiến sự phản bội của vợ người đồng chí ấy. Thế nhưng câu nói cuối cùng của cô với Alyosha, rằng: “cậu còn trẻ, cậu không hiểu được đâu…” cũng chất chứa bao nhiêu sự day dứt. Cuộc chiến không chỉ khốc liệt ở mặt trận giữa ta và địch, mà còn có cả cuộc chiến với chính bản thân trong mỗi con người. Nỗi cô đơn, sự đợi chờ không biết tương lai…không phải ai cũng có thể vượt qua.
Sáu ngày phép với biết bao trở ngại, chứa chất cả niềm vui và những nỗi buồn, hy vọng và thất vọng, Alyosha chỉ kịp ôm mẹ một lần rồi lại vội vã trở lại chiến trường. Đoạn kết phim có thể nói là một trong những cái kết cảm động nhất trong các bộ phim về chiến tranh. Những người Alyosha gặp trên hành trình về nhà đã chiếm hầu trọn thời gian anh muốn dành cho mẹ, mong muốn lợp cho mẹ mái nhà bị dột đã không thể thực hiện được. Những chờ đợi vỡ òa trong vòng tay mẹ, cuộc gặp gỡ phút chốc đã phải chia tay. Chỉ có những giọt nước mắt của mẹ, cái vẫy tay của con, và chiếc xe chở Alyosha mất hút dần trên con đường xa tít tắp đến tận cuối chân trời. Dáng đứng của mẹ Alyosha trên con đường đã từng tiễn đứa con trai duy nhất lên đường, trong cơn gió thổi, giữa mênh mông của đất trời đã để lại một ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ và xúc động trong tâm trí người xem.


Điểm kết thúc phim quay về hình ảnh đầu phim: người mẹ đứng ngóng con, dù biết Alyosha chẳng bao giờ về nữa. Alyosha đã lên đường, trở về là một người lính, cùng đồng đội, vẫn đang cất tiếng hát Bài ca người lính, và tiến về phía trước.

Bài ca cùng đồng đội ngoài trận tuyến

Người lính hát, nuốt những giọt lệ rơi,

Hát về những cây bạch dương của nước Nga,

Về những đôi mắt huyền,

Về ngôi nhà thân yêu của mình,

Người lính hát trên khắp nẻo đường…

(Lời bài hát trong phim -Minh Nguyệt lược dịch)

~ by Cỏ thơm on April 23, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: