Trình diễn tiếng cười
by Đình Hải
1. Cười
Tôi đã từng gặp những người khó tính cáu bẳn, đã từng gặp những người chai sạn vô cảm, đã từng gặp những người sầu não u buồn, đã từng gặp những người đau đớn thê thảm, đã từng gặp những người thoi thóp chờ chết, nhưng chưa từng gặp ai không biết cười. Cho dù những người hiện nay không còn cười nữa, trong quá khứ nhất định cũng đã từng mỉm cười. (image: Sony Pictures)
Người ta cười vì nhiều lý do, và nhất định phải có lý do, kể cả thằng điên thì cũng có lý do để nó cười: Nó điên. Bởi lẽ đó, tôi không quan tâm đến chuyện người ta cười như thế nào, ha hả hay mủm mỉm, sằng sặc hay khùng khục, cái tôi quan tâm là nguyên do nào khiến người ta cười.
Nói đến nguyên nhân mỉm cười, tức là đã đề cập đến một vấn đề phức tạp, không chỉ là nguyên nhân khách quan từ bên ngoài tác động đến con người, mà còn do nguyên nhân chủ quan bao gồm trạng thái tâm lý, đặc điểm văn hóa, hệ thống tri thức, loại hình tính cách và nhiều thứ linh tinh trừu tượng khác. Chính bởi những nguyên do nội tại này, mà có những thứ khiến người này cười nghiêng ngả thì lại chẳng làm cho người khác nhếch mép nổi; có những truyện cười được coi là kinh điển của dân tộc này nhưng sang dân tộc khác lại chẳng đáng giá một xu. Có những chuyện xảy ra với người này, trong trường hợp này thì buồn cười, xảy ra với người khác trong trường hợp khác lại không buồn cười.
Chọc cho người ta cười là một chuyện vừa dễ lại vừa khó, dễ với người có duyên, khó với người vô duyên; dễ khi chọc cười một cách thô thiển, khó khi chọc cười một cách tinh tế sâu sắc; dễ là khiến người ta cười đến mức vừa cười vừa chảy nước mắt, khó là khiến người ta cười xong rồi mới chảy nước mắt. Thò tay vào nách người ta mà cù cũng là một cách. Đọc ở đâu đó một câu chuyện vui, về kể với bạn bè rồi cười cùng nhau cũng là một cách. Nói ra những câu mỉa mai châm biếm người nọ, để khiến người kia sung sướng mà cười cũng là một cách. Nghĩ ra những điều độc đáo thú vị, khiến người ta phải phì cười cũng là một cách. Tỏ ra đần độn cũng là một cách. Tỏ ra thô thiển cũng là một cách. Tỏ ra thông minh cũng là một cách. Tỏ ra đểu cáng cũng là một cách.
Mỗi người một cách chọc cười, có sang có hèn, có tốt có xấu, có khôn có ngu, có nhã có tục… Nhưng cho dù thế nào, nếu muốn người ta cười được, thì tự mình cũng phải biết cười trước đã.
2. Trò chơi xếp gạch
Chọc cười thiên hạ, cũng giống như xếp một đống gạch. Đừng tưởng cứ xếp viên nọ lên viên kia, xếp mãi xếp mãi là thành một đống gạch to. Trong việc xếp gạch sợ nhất là bị đổ, mà xếp ngu cũng đổ, xếp cao quá cũng đổ, xếp phức tạp quá cũng đổ. Gạch đổ có khi đè chết người.
Phim hài nói riêng, và các thể loại hài nói chung, có thể chia làm hai loại: Loại thứ nhất là loại dùng để gây cười, coi tiếng cười là mục đích tồn tại. Loại thứ hai là loại sử dụng tiếng cười, lấy tiếng cười làm phương tiện truyền tải những thứ khác. Tuy rằng khó có thể nói rằng cười kiểu nào tốt hơn, hay hơn, giá trị hơn, nhưng có thể đưa ra ngay một kết luận không cần quá đắn đo suy nghĩ: Xếp một đống gạch to thù lù dễ hơn xếp gạch thành một ngôi nhà. Người kể chuyện để gây cười, tất nhiên phải có trí thông minh, khả năng ứng biến uyển chuyển, sự am hiểu về con người và quá trình lao động nghiêm túc, chăm chỉ. Thế nhưng, khi dùng tiếng cười để kể chuyện, thì ngoài việc phải biết làm ra những sản phẩm chọc cười, còn phải lựa chọn trong kho các nụ cười mà mình có thể tạo ra, những nụ cười phù hợp nhất với câu chuyện cần kể. Như vậy, người kể chuyện bằng tiếng cười phải sáng tạo trong tình trạng bị gò bó, lại phải làm cho điều mình muốn nói nó tự vang lên, chứ không phải là cài gắn vào tiếng cười một cách thô thiển. Muốn làm được như thế, người kể chuyện bằng tiếng cười, luận về trí thông minh, khả năng ứng biến uyển chuyển, sự am hiểu về con người hay công sức lao động, so với người kể chuyện gây cười đều phải cao hơn gấp bội.
Lại có một cảnh giới cao hơn nữa, ấy là những người không cần cố tình gây cười, nhưng trong tác phẩm của họ vẫn luôn thấy một một nụ cười mỉm, cho dù tác phẩm đó nói về những vấn đề nghiêm túc khô khan nhất thế giới. Khi ấy, sản phẩm của họ làm ra không thể đơn thuần gọi là một sản phẩm hài, mà phải gọi là sản phẩm nghiêm túc mang phong cách hài. Đã có thể tạo ra phong cách, giọng điệu, tức là đã ở đẳng cấp của tôn sư; đã có thể cười trong những vấn đề sâu sắc nghiêm túc nhất, tức là đã đạt đến trạng thái của hiền nhân, triết giả.
Dù biết là việc kể chuyện bằng tiếng cười rất khó, nhưng người ta thường sợ rằng làm về tiếng cười đơn thuần quá thì bị coi là nông cạn, thành ra cứ cố gắng đưa vào thông điệp này nọ, hoặc đả phá mỉa mai, hoặc dạy dỗ lên lớp, hoặc hô hào cổ động… Thế nhưng, một cái đống gạch xếp vuông, cho dù có vẽ thêm cửa chính cửa sổ, cho dù có vẽ cả mái, cả bậc thềm, cả ống khói, ban công… thì cũng vẫn chỉ là đống gạch, không thể coi là ngôi nhà được.
Một số người vốn không biết cười, nhưng thích cái phong cách của các “tôn sư” quá, muốn làm hiền nhân triết giả quá, thành ra phải cố gắng gò mình rặn ra vài tiếng cười. Một tác phẩm cho dù buồn buồn nhàn nhạt, hoặc nghiêm túc khô khan thì vẫn còn có hình hài của nó, nhưng cứ cố gắng thêm vào chất hài tự nhiên trở thành dị hợm không thể tả, như thể đắp một ngôi nhà bằng đất, rồi vẽ hình những viên gạch lên tường, thậm chí còn cắm thêm cái biển “nhà xây bằng gạch” ở trước cổng để khẳng định “phong cách”.
Làm hài sợ nhất là gượng ép, không kể được một câu chuyện hài có đầu có đũa thì tạo ra một mớ tình huống hài cũng ối người muốn mua; gạch vỡ quá không xếp được thành đống thì bán mớ cho người ta làm nền nhà cũng có tiền. Điều đáng sợ không phải là gạch của anh lành hay vỡ, biết xây nhà hay không xây nhà, mà là gạch vỡ lại cứ cố xếp thành đống, chỉ biết xếp gạch lại cứ cố xây nhà.
3. Diễn hài
Diễn hài trong phim kịch, với mục đích mang lại tiếng cười, là một công việc rất đặc biệt. Đó là công việc của nhà viết kịch, của đạo diễn, của diễn viên, thậm chí là của cả âm thanh, tiếng động, ánh sáng, bối cảnh, đạo cụ…
Điều cốt yếu nhất để mang lại tiếng cười là sự khác thường. Tất nhiên, sự khác thường có thể mang đến nhiều cảm xúc khác nhau, không chỉ là tiếng cười, nhưng sự bình thường thì chẳng khiến ai cười được hết. Chính vì điều này, một số người có phong cách khác thường trở thành các siêu sao hài kịch, chỉ cần họ xuất hiện là đã tạo ra tiếng cười. Một số khác là những người có ngoại hình hoặc giọng nói khác thường, cũng có thể trở thành các diễn viên hài chuyên nghiệp (tuy rằng việc mang thân thể giọng nói mình ra cho người khác chế diễu có vẻ không phải là điều vinh dự cho lắm). Thế nhưng, không phải cứ có siêu sao hài kịch là có thể trình diễn được chuyện hài. Khán giả có thể cười trước thân hình phì nộn của một diễn viên, nhưng cái cười đó chỉ là cái cười thoáng chốc, sẽ tắt rất nhanh. Nếu anh ta không làm điều gì hay ho, không nói những câu xuất sắc, thì phần sau của cuộc trình diễn sẽ chỉ là buổi tra tấn của sự nhàm chán. Một câu chuyện hài xuất sắc kể bằng phim kịch, phải là một câu chuyện hài được kết hợp một cách hoàn hảo từ các khâu: Kịch bản, đạo diễn và diễn xuất. Ví dụ khi một nhà biên kịch đưa ra tình huống thế này:
“Trên màn hình hiện lên một anh công tử bảnh bao, mặc một bộ đồ trắng cáu cạnh. Anh ta vừa đi vừa mỉm cười quyến rũ một cô gái đứng ở ban công. Vì mắt hếch lên, anh ta dẫm chân vào một đống phân trâu.”
Đó là một tình huống hài của nhà biên kịch, đạo diễn hoặc diễn viên không cần phải sáng tạo thêm cái gì thì nó cũng đã gây cười rồi.
Bây giờ giả sử tình huống đó được chuyển đến tay một đạo diễn, anh ta xử lý như sau:
“Khi anh công tử mỉm cười với cô gái, cho thêm vào một bản nhạc nền thuộc thể loại lãng mạn kinh điển. Góc máy quay đặc tả nụ cười và sự tự mãn của tay công tử.
Đột nhiên, nhạc nền bị cắt ngang bằng một âm thanh quái dị, khuôn mặt của anh công tử cũng biến thành quái dị, tỏ vẻ kinh tởm và bất ngờ.
Cô gái ôm bụng cười lớn, trỏ tay xuống dưới chân anh công tử.
Máy quay từ từ quay xuống chân anh công tử, đặc tả ống quần trắng muốt và bàn chân ngập trong phân trâu.”
Như vậy, xử lý của đạo diễn đã khiến tình huống tăng thêm tính bất ngờ, hiệu quả gây cười cao hơn rất nhiều.
Phần còn lại, nếu diễn viên có ngoại hình và cách diễn xuất phù hợp; diễn viên nam có vẻ mặt gây cười, diễn viên nữ có giọng cười sảng khoái, hoặc đậm chất diễu cợt, thì sản phẩm cuối cùng coi như hoàn thiện.
4. Hiện trạng phim kịch hài
Dạo gần đây người viết hay phải đi xe bus đường dài, loại xe “chất lượng cao” có trang bị màn hình và đầu DVD, và mười lần đi thì có đến chín lần được xem “bộ phim” hài của danh hài Chiến Thắng. Phim hài của anh này có đặc điểm là hay có những bài hát mà anh ta gọi là trữ tình, bình dân, phù hợp với tầng lớp người lao động. Giọng hát của anh ta, nếu theo tiêu chí của thể loại nhạc đó thì cũng có thể miễn cưỡng coi là “nghe tàm tạm”, nhưng cảm giác của người viết khi xem “phim” thì cứ thấy nhạt toèn toẹt, vừa gượng ép vừa thô thiển, từ đầu đến cuối không sao cười nổi. Có cười thì cũng chỉ là xem xong nhếch mép cười ruồi.
Người viết tự hỏi: “Anh ta nổi tiếng đến thế, lại được chiếu đi chiếu lại nhiều đến thế, ấy vậy mà mình vẫn không cười được, có phải là đầu óc của mình có vấn đề hay không?” Tự hỏi rồi lại nhìn sang xung quanh, thì thấy những người cùng xe có người xem, có người không, và cũng chẳng có ai thèm cười. Có lẽ, điều khiến người ta vẫn chiếu “phim” của anh ta, là bởi vì dù sao thì đó cũng là “phim” hài, không chiếu phim đó thì cũng chẳng còn phim nào mà chiếu. Nhìn lại thì quả nhiên phim kịch hài, so với nhu cầu của xã hội thì lúc nào cũng thiếu, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Vào dịp tết, đài truyền hình cũng hay làm hài. Rồi một số seri phim hài tình huống tối nào cũng chiếu. Có điều những thứ hài đó nhàm quá rồi, năm nào cũng diễn đã là nhàm, ngày nào cũng diễn càng nhàm. Không thấy có những bộ phim hài nghiêm túc công phu, cũng không thấy những tiểu phẩm hài kịch thực sự có chất lượng. Tại sao? Tại sao một sản phẩm bán rất dễ, rất nhiều người muốn xem lại không được đầu tư? Tại sao lại như thế?
Phải chăng là vì: Làm hài không đơn giản!
please get a real image credit …
maximumeskimo said this on April 21, 2011 at 12:06 pm
Vâng, em nhầm, em sửa lại rồi, thưa thầy!
hanphongxuytuyet said this on April 21, 2011 at 2:40 pm