Trăm năm lại được một vòng

by Đình  Hải

Đã gọi là quan điểm,tức là chỉ có giống nhau và khác nhau, chứ không có đúng sai. Đã gọi là nghệ thuật, thì chỉ có thích và không thích, chứ không có hay dở. Ai cũng biết là như thế, nhưng rồi ai cũng từng một lần tranh cãi về quan điểm nghệ thuật.

Xa xưa, từ cái thời người phương Tây bắt đầu manh nha lý luận triết học và tập tành tranh cãi thì bên phương Đông lại đẻ ra những cái như Trung Dung, người quân tử thì vô ý, rồi đạo khả đạo phi thường đạo v..v.. Từ đó về sau, để tìm đến chân lý, người phương Tây chọn cách hùng biện, người phương Đông chọn cách giác ngộ. Bởi thế trong lịch sử, triết gia phương Tây bút chiến nhiều không kể xiết, còn cao nhân phương Đông lại chỉ chắp tay cười ruồi. Cái thế ấy kéo dài tới thế kỷ 19, khi văn hóa phương Tây dựa vào sức mạnh công nghiệp lan sang phương Đông, thì người phương Đông cũng bắt đầu thử cãi nhau.

Đầu thế kỷ 20, ở ta có cuộc tranh cãi nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Ban đầu, đó chỉ là tranh cãi trong giới nghệ thuật, nhưng đến khi quần chúng tham gia vào thì nghệ thuật vị nghệ thuật liền chết toi, bởi vì quần chúng tất nhiên sẽ ủng hộ những người đứng về phía họ, hoặc ít nhất cũng ra vẻ đứng về phía họ. Họ đông, họ nắm trong tay sức mạnh kinh tế, chính trị, tất nhiên họ áp đặt được văn hóa. Có cái kinh nghiệm ấy, nghệ thuật nước ta càng ngày càng đề cao quần chúng. Cái gì quần chúng nâng niu hít ngửi thì là thơm, cái gì quần chúng chổng mông vào thì là thối. Quần chúng biết cái thế mạnh ấy, càng ngày càng tự tin mạnh dạn, chả còn úy kị gì hết. Rồi đến những năm gần đây, khi Internet phổ cập xã hội, báo mạng ra đời la liệt, quần chúng càng có cơ hội lên tiếng, càng ngày càng mạnh dạn, ồn ào náo nhiệt không thời nào bằng. Cũng bởi lẽ đó, tiếng nói của giới nghệ thuật nghe nhỏ vo ve như tiếng muỗi kêu, chả còn có tí trọng lượng nào (trừ khi nó đồng thanh với tiếng nói quần chúng).

Quần chúng không chỉ tham gia vào việc viết bài bình luận, thể hiện chính kiến (mà chủ yếu là nhục mạ những kẻ dám quẳng ra những sản phẩm không hợp ý họ để rồi họ “chẳng may” vấp phải khi ra đường), mà còn tham gia trực tiếp vào nghệ thuật để làm gương cho đám mơ mộng trên mây. Thế rồi người mẫu kiêm nhà văn kiêm diễn viên kiêm ca sĩ kiêm họa sĩ ra đời, thế rồi phim “bình dân” kiêm quảng cáo máy lọc nước,thuốc cường dương,thạch rau câu, ô tô máy nổ… xuất hiện. Quần chúng làm ra, rồi quần chúng lại chửi, nhưng quần chúng vẫn ngốn như điên, bởi vì những cái đó quần chúng hiểu được. Chỉ thương cho những thứ mà quần chúng không hiểu: 3000 người xem, 3 vạn người chửi. Người ta chửi rất hăng hái, rất độc địa, như thể có mối thù truyền kiếp với tác giả. Mà kể ra cũng đáng thù đáng hận thật. Cái hận lớn nhất là cái hận bị làm nhục. Mà cái nhục lớn nhất là cái nhục ngu dốt.Anh dám chê tôi ngu dốt (mặc dù anh không nói ra), tôi giết anh còn được huống hồ chỉ chửi anh?

Đến đây lại học theo Tam Quốc, vòng vo về chuyện “nghệ thuật”, “nhân sinh” ban đầu. Sở dĩ người ta chửi nghệ thuật vị nghệ thuật, vì đó là thứ nghệ thuật ích kỷ, người ta nuốt không vào, ăn không trôi, chẳng giúp cho người ta được cái gì. Rồi lớp người sau từ nhỏ đến lớn nghe chửi nhiều rồi cũng hùa theo mà chửi, chưa đọc cũng chửi, đọc rồi mà chưa hiểu càng chửi, hiểu rồi cũng té nước theo mưa chửi cho nó lành. Chửi mấy thế hệ, chửi suốt trăm năm, tưởng như trên đời này không có gì xấu xa bằng, không có gì đáng khinh bằng cái thứ “vị nghệ thuật” ấy. Anh không giúp tôi, không vì tôi thì tôi có quyền chửi anh. Một mình tôi chửi anh thì không là gì, nhưng mười thằng bọn tôi đều chửi anh thì chắc chắn là anh sai, anh dở, anh xấu; mà như thế tức là bọn tôi đúng, bọn tôi hay, bọn tôi tốt!

Người đông, thế mạnh, giọng nói to. Đó là đạo đức ngời sáng muôn đời!

Nguồn ảnh: Philosophical Practices

~ by hanphongxuytuyet on April 18, 2011.

19 Responses to “Trăm năm lại được một vòng”

  1. Anh Hải chú ý là bài nào cũng phải có ít nhất một ảnh, post ở ngay đầu tiên vào bài. Anh xem các bài khác để sửa nhé. Ảnh của anh phải ghi chú nguồn đầy đủ ở cuối bài viết.

  2. Ờ ha! Mình lại cho ảnh vào giữa. Đã sửa!

  3. Ảnh luôn phải căn lề trái (phần Alignment khi chèn ảnh, chọn ô “None”). Size ảnh không quá 300pixels. Trình tự post bài: Tiêu đề – Ảnh trang ngoài – by Đình Hải – lời dẫn (1-3 câu ngắn) – ngắt trang (cái này anh làm đúng rồi).
    Trong bài phần in nghiêng, in đậm là anh trích dẫn của ai à? Nếu thế anh phải để ngoặc kép và ghi rõ nguồn chứ?

  4. Đầu thế kỷ 20, ở ta có cuộc tranh cãi nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Ban đầu, đó chỉ là tranh cãi trong giới nghệ thuật, nhưng đến khi quần chúng tham gia vào thì nghệ thuật vị nghệ thuật liền chết toi, bởi vì quần chúng tất nhiên sẽ ủng hộ những người đứng về phía họ, hoặc ít nhất cũng ra vẻ đứng về phía họ

    Tớ thì đứng về phía nghệ thuật vị nhân sinh.

    Cho một thí dụ: có thể là 200 năm nữa thì khoa học kỹ thuật sẽ phát triển đến mức độ người ta có thể trở về chế độ “Công xã nguyên thủy”.

    Còn bây giờ, khoa học kỹ thuật chỉ cho phép xã hội nằm ở một vị trí tư bản chủ nghĩa. Muốn đem “công xã nguyên thủy” ra mà áp dụng liệu có được không?

    Xét về phương diện kinh tế, Việt Nam còn nghèo, cần những người sản xuất được sản phẩm không những tiêu dùng cho xã hội, mà còn có thể bán ra nước ngoài, đem ngoại tệ về nước để đất nước tránh được tình trạng nhập siêu.

    Làm phim nghệ thuật vị nghệ thuật bán được cho ai? Trong khi Hàn Quốc sản xuất phim bán cho cả châu Á, thì Việt Nam xách mấy phim nghệ thuật chiếu vài ba liên hoan phim rồi hết.

    Xét về phương diện nghề. Lấy thí dụ về xã hội nói trên. Tư bản còn bao nhiêu vấn đề: người bóc lột người, bất công, khoảng cách giàu nghèo. Anh có giỏi thì san bằng khoảng cách đó đi. Cứ ngồi đó bảo là cần lên “Công xã nguyên thủy” thì mới đạt được hạnh phúc thì vấn đề không còn là “có ích gì” hay không, mà vấn đề là anh đang muốn làm chuyện không tưởng.

    Khán giả hiện thời chỉ hiểu được đến đó. Anh đi làm phim mình anh hiểu, và dân cao cấp châu Âu hiểu thì anh đang ở trong thế giới khác, và ngoảnh mặt với thế giới hiện tại.

    (Bây giờ mới thật sự nói về nghề đây:) Anh có giỏi thì làm một phim theo đúng cấu trúc 3 hồi, đầy đủ những yếu tố ăn khách như Wish Fulfillment, Set up / Pay off, vào sớm ra trễ, Stake, suspense v.v… mà đồng thời phải là một phim có logic, hợp lý và đưa ra được một góc nhỏ của vấn đề xã hội. Làm được đi đã hãy nói, không dễ đâu, khó lắm đấy. Làm một phim lãng đãng, mơ mơ màng màng có khi còn dễ hơn.

    Đừng nói là cái đó, Holywood đã làm rồi nên tôi chẳng cạnh tranh làm gì. Holywood làm sao hiểu được những vấn đề người Việt?

    Đừng nói là cách phát triển của điện ảnh Việt Nam nên đi theo hướng nghệ thuật giống như Iran chẳng hạn chứ cố làm phim bom tấn thì chỉ đem sở đoản của mình ra mà tranh với sở trường của người ta. Sự thực là, có quyết tâm thì sẽ làm được. Ngày xưa nhà sáng lập Hyundai lúc mở xưởng đóng tàu, người ta bảo điên, Hàn Quốc chẳng biết gì về đóng tàu, mở ra để cạnh tranh với Tây phương cho mà chết à. Ông ta chỉ nói: tàu chỉ là đống thép ghép lại rồi nổi lên mặt nước thôi, sợ gì mà không làm được. Đấy, công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc bây giờ thuộc hàng nhất thế giới.

    Những lập luận trên mang tính dân tộc mạnh và có thể quá khích thì cũng không tốt. Nhưng thôi, thây kệ, ai cũng có quyền làm bất cứ gì mình muốn mặc kệ xung quanh thế nào.

    Người đông, thế mạnh, giọng nói to. Đó là đạo đức ngời sáng muôn đời!

    Chính xác, công lý thuộc về kẻ mạnh. Chẳng có gì mà phải ca thán. Chỉ tiếc là kẻ mạnh đó là bạn bè, cha ông, chú bác, cô dì những người ngồi bán hàng trong những cửa hiệu chật chội nóng nực để nuôi mình đến hôm nay, cũng có thể là những người công nhân làm việc trong nhà máy bụi mịt mù để làm ra món đồ giá rẻ ta dùng hôm nay, cũng có thể là nhà nông dầm mình trong thuốc trừ sâu cho ta gạo ăn hôm nay.

    Và sau khi ta lớn dậy ta đi ra nước ngoài lãnh giải, quay lưng lại với họ và bảo là “Thôi kẻ mạnh chửi í mà, mackeno”

    Tớ thì chỉ mong làm ra một phim mà dân Việt Nam 80 triệu người có 10 triệu người đi xem, và sau khi xem xong ít nhất 3 triệu trong số đó không đánh vợ nữa (thí dụ thôi), thế là được rồi.

    Nhân tiện nói về Tam Quốc, xin trích một khúc ra đây mọi người xem cho vui, đoạn Khổng Minh tranh luận với các trí sĩ Giang Đông việc có nên đánh Tào Tháo hay đầu hàng:

    …Nghiêm Tuấn xấu hổ làm thinh. Lại có người nói:
    – Ông ưa lý luận theo thời sự mà thôi, chưa chắc là người có học cao, e bị học trò nhỏ cười.
    Khổng Minh biết người ấy là Trình Bỉnh (tự là Ðức Khu), vốn người xứ Nhữ Nam, nên nói:
    – Trong Nho giáo cũng có chia ra hai hạng: quân tử nho và tiểu nhân nho. Quân tử nho là kẻ biết phò vua, giúp nước, thương dân, ưa chánh ghét tà, lo cho ngày nay mà còn phải để danh thơm cho hậu thế. Còn tiểu nhân nho là kẻ lo giàu lo nghèo, lúc xuân xanh ưa làm thơ, khi già cố xem cho hết sách viết ra để tỏ mình là người lưu loát, chớ trong lòng không được một kế. Như Dương Hùng là người có danh trong làng văn, lại hạ mình thờ Vương Mãng chẳng khỏi có ngày phải gieo đầu từ lầu cao xuống đất mà chết, đó gọi là tiểu nhân nho. Thử hỏi: dù đi ít bước làm được bài thơ, hay là một ngày làm được muôn bài cũng chẳng ích lợi gì?

  5. To Hoàng: Những phần in nghiêng hay đậm cũng là của anh chứ không phải trích dẫn của ai. Anh làm thế để đánh dấu và nhấn mạnh những thứ cần thiết thôi. Về phần Form, anh sẽ ngồi lần mò sửa lại luôn

  6. Format cơ bản cho bài này thì em đã sửa rồi đấy anh ạ.

  7. To Hoàng: Ok! Anh mò được cách làm rồi, lần sau không bị thế nữa đâu.
    To Hiển: Đợi chút nhé, bài của ông dài quá.

  8. Trời, hẹn trả lời mà hẹn bằng comment cũng được nữa à. Coi chừng đấy, tối nay tôi online với ý định tìm người chém đấy

  9. To Hiển, có mấy vấn đề cần nói rõ trước:

    Thứ nhất, tớ chưa bao giờ coi mình là nghệ sĩ, tớ không thích phim nghệ thuật, không viết những thứ lãng đãng mơ hồ bao giờ, và đặc biệt thích xem phim bom tấn.

    Thứ hai, bài này tớ không chống lại trường phái “vị nhân sinh”, không chống lại những người bình dân. Tớ chỉ chửi những người tự cho mình là giỏi, đi xem phim của người ta xong không hiểu gì, rồi về nói là phim nông cạn. Bố mẹ tớ, dân quê tớ trình độ có hạn, nhưng họ không hiểu thì bảo là không hiểu, không hợp thì bảo là không hợp, chứ không chửi tác giả ngu dốt, làm phim mà đến trình độ văn hóa sau đại học như họ mà cũng không hiểu.

    Xong hai tiền đề, bây giờ bàn đến chuyện chính:

    Tớ không phủ nhận rằng tư tưởng gốc của nghệ thuật vị nhân sinh – tức là làm nghệ thuật để giúp đỡ người khác – là tư tưởng rất cao đẹp. Nó cao đẹp hơn hẳn thứ nghệ thuật ích kỷ, mơ mơ màng màng mà cậu nói. Nhưng, tớ hay cậu hay bất kỳ ai cũng không có quyền chửi những người theo trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Họ lao động thực sự, vì đam mê của chính mình, và họ giúp trình độ thưởng thức nghệ thuật của cả thế giới tăng lên. Có thể sản phẩm của họ không trực tiếp tạo ra tiền của, nhưng nó khiến nền văn minh của chúng ta tiến lên. Cái thứ nghệ thuật vị nhân sinh, hay cái thứ phim cấu trúc ba hồi mà cậu cho là dễ cảm nhận đó, nếu mang về thời phong kiến chiếu cho người ta xem, người ta cũng không hiểu. Hồi đó, chính thứ nghệ thuật đó cũng là nghệ thuật vị nghệ thuật, đến khi phần đông loài người cảm nhận được nó, thì nó biến thành phương tiện của nghệ thuật vị nhân sinh. Điều này hiện ra rất rõ ràng ngay trong câu chữ, bởi vì cả hai trường phái đó đều có chữ “nghệ thuật”.

    Trong quan niệm của tớ, thứ nghệ thuật cao nhất là thứ nghệ thuật thuần phác, dễ hiểu, nhưng lại truyền tải được những nội dung to lớn. Tác phẩm loại đó trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, tớ chỉ mới gặp duy nhất một: Truyện Kiều. Những tác phẩm nghệ thuật cao siêu khác phần nhiều là khó hiểu. Nếu cậu muốn thưởng thức được chúng, cậu phải tự trau dồi khả năng cảm nhận của chính mình. Cậu không thể trách tác giả vì không làm ra những thứ hợp khẩu vị của cậu. Tài năng là của ông ta, ông ta muốn dùng vào đâu, dùng như thế nào là việc của ông ta. Ông ta giúp mình thì mình cám ơn, không giúp mình thì mình phải chịu, mình chẳng có tư cách gì chửi mắng hết.

    Điều tiếp theo mà tớ muốn nói, quan trọng hơn, là mục đích thực sự của nghệ thuật. Tại sao cậu làm phim cần tới 10tr người xem, 3 triệu người xem xong không đánh vợ? Nếu cậu vì người khác thật sự, cậu có thể bán nhà đi làm 1 bộ phim, chỉ cho 1 người xem, và cứu anh ta khỏi cuộc sống đau khổ. Đó mới là xả thân đúng nghĩa, còn vừa làm vừa tưởng tượng ra viễn cảnh hoành tráng 10tr người xem, thứ lỗi cho tớ nói thẳng, đó là vì danh vì lợi của mình trước hết, chứ chẳng phải vì người khác đâu.

    Mặt khác, cậu muốn các nhà làm phim nghệ thuật chuyển sang làm phim thương mại thì thật là bất công cho họ. Cậu thích phim thương mại, cậu làm phim thương mại thì sướng rồi. Người ta không xem nổi phim thương mại, cậu lại bắt người ta hi sinh cả đời cho phim thương mại để cho cậu xem. Như thế, người ích kỷ hơn, vô lý hơn là cậu hay là người ta?

    Điều cuối cùng tớ muốn nhắc lại, đó là mình theo trường phái nào thì theo, đừng chửi người khác. Chưa chắc người ta đã không tốt bằng mình, không giỏi bằng mình, không hi sinh vì người khác bằng mình.

  10. ôi, các anh “bút chiến như Tây phương” trong khi em thấy anh nào cũng có ý đúng thì em biết làm thế nào nhỉ??? Chẳng lẽ bắt trước cao nhân Đông phương :”chắp bút cười (ruồi)” ?!!!!
    em … cũng ko phải là ko dám dơ mặt ra hứng nhé, nhưng vì ko phải câu nói của em nên em trích thoai, cô G nói “có em thích thế này có em thích thế kia. Nhưng điện ảnh thì phải phong phú, nên các em không cần từ chối nhau làm gì …” Mới lại a Hải cũng nói “Đã gọi là quan điểm,tức là chỉ có giống nhau và khác nhau, chứ không có đúng sai. Đã gọi là nghệ thuật, thì chỉ có thích và không thích, chứ không có hay dở”. Các anh cứ tranh cãi nhau nảy lửa đi, và làm cho điện ảnh nước nhà phong phú nhé! ;D

  11. Buồn buồn thì lý luận lung tung cho nó có vẻ sâu sắc chứ được nước non gì mà bút chiến?

  12. Đoạn comment của em Trang tuy ngắn nhưng đã kịp sai 2 lỗi chính tả :D

  13. @ hanphongxuytuyet: lời cuối bác thốt ra quả đáng tầm đại cao nhân!
    @ A ductrong kia, anh ko có gì cmt vào đây hay ho hơn cái cmt em sao?!! ><' Em đọc kĩ lại rồi chỉ là Ngng hơi 9x thôi ;<'

  14. Ngoài ra, tớ đồng ý các điểm trên, cho đến khúc này:

    Điều tiếp theo mà tớ muốn nói, quan trọng hơn, là mục đích thực sự của nghệ thuật. Tại sao cậu làm phim cần tới 10tr người xem, 3 triệu người xem xong không đánh vợ? Nếu cậu vì người khác thật sự, cậu có thể bán nhà đi làm 1 bộ phim, chỉ cho 1 người xem, và cứu anh ta khỏi cuộc sống đau khổ. Đó mới là xả thân đúng nghĩa, còn vừa làm vừa tưởng tượng ra viễn cảnh hoành tráng 10tr người xem, thứ lỗi cho tớ nói thẳng, đó là vì danh vì lợi của mình trước hết, chứ chẳng phải vì người khác đâu

    Không đồng ý, vì:
    Nếu vì danh thì đoạt giải Cannes chẳng hạn sẽ danh giá hơn là làm phim 10 triệu người xem.
    Nếu vì lợi thì làm phim cho đám teen mua vé xem thôi, nghĩa là phim đánh đấm, hài nhảm hay kinh dị, sex để câu khách. Chứ làm phim về vấn đề “thanh niên phấn đấu trong thời buổi kinh tế thị trường” chẳng hạn, xách ra quê chiếu cho dân quê coi chẳng hạn, thì được bao nhiêu tiền?

    Tiếp theo: tớ chưa hề nói đến chuyện xả thân hay cứu ai. Tớ quan niệm trên đời này chẳng nên hy sinh để cứu ai cả, vì người ta chỉ có thể tự cứu mình. Việc mình làm đơn giản chỉ là cho người ta thấy được người ta có thể làm gì để tự cứu lấy mình.

    Và người ta chỉ chịu nghe lời khuyên của mình khi người ta cảm thấy bế tắc và muốn tìm cách giải quyết. Cái đó gọi là “có bệnh thì vái tứ phương”.

    Khi người ta cần mình, có nghĩa là người ta sẽ bỏ tiền cho mình làm. Chẳng việc gì mình phải bỏ tiền hay gia tài của mình ra cả. Chẳng việc gì tớ phải xốc nách ai lên.

    Còn điều mà tớ thật sự muốn nói ra ở đây là thanh niên trẻ trong một đất nước đang bề bộn khó khăn này nên làm gì. Đơn giản thế thôi.

    Mặt khác, cậu muốn các nhà làm phim nghệ thuật chuyển sang làm phim thương mại thì thật là bất công cho họ. Cậu thích phim thương mại, cậu làm phim thương mại thì sướng rồi. Người ta không xem nổi phim thương mại, cậu lại bắt người ta hi sinh cả đời cho phim thương mại để cho cậu xem. Như thế, người ích kỷ hơn, vô lý hơn là cậu hay là người ta?
    Điều cuối cùng tớ muốn nhắc lại, đó là mình theo trường phái nào thì theo, đừng chửi người khác. Chưa chắc người ta đã không tốt bằng mình, không giỏi bằng mình, không hi sinh vì người khác bằng mình.

    Đương nhiên, tớ không thể bắt người ta làm những thứ không phải là chính họ. Và tớ cũng chưa chửi ai. Nếu bạn đọc kỹ những ngôn từ tớ dùng, đố bạn tìm ra một từ chê bai, chứ đừng nói là một câu. Như Phan Đăng Di chẳng hạn, làm phim vị nghệ thuật là quyền của anh ấy, vì cái đấy thuộc về máu của anh ấy rồi. Người tớ nhắm vào là những người đắm đuối trước nghệ thuật anh ta mà không hiểu được cái mình thật sự muốn là gì, rồi cứ lấy hào quang thảm đỏ, hay đồng tiền làm mục đích của đời mình thì thật phí phạm.

  15. Tớ có thể tóm gọn bài viết của tớ vào một câu: Đó là tớ chửi những thằng chửi quàng. Nói thẳng ra là tớ ức mấy thằng bất học vô thuật chửi thầy giáo tớ, có thế thôi. Còn cậu, tớ nghĩ quan điểm của tớ với cậu giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Cái khác duy nhất chỉ là cậu quá ghét phim nghệ thuật, còn tớ thì không ghét. Thẳng thắn ra là thế, phải không?

  16. Tớ chưa bao giờ viết về phim được bài nào ra hồn, trình bày cũng thường lủng củng chỗ nọ đá chỗ kia, theo kiểu cảm xúc chứ không theo kiểu lý tính, thỉnh thoảng lại hay bốc giời cho nó oai. Các cậu đọc chắc cũng ngứa mắt, thôi thì niệm tình cùng một lò mà thông cảm cho.

  17. Đúng vậy, tớ không ưa phim nghệ thuật lắm, nhưng đôi khi phải thừa nhận có một số phim coi cũng được. Tuy nhiên, chọn đi đường nào thì tìm phim hướng đó xem, vì việc tẩu hỏa nhập ma là rất có thể.

    Một thí dụ thôi: Ingar Bergman chẳng hạn, là một đạo diễn nổi tiếng, nhưng phim ông ấy thoại tuy sâu sắc nhưng quá nhiều. Vì mục đích của tớ là làm phim quần chúng, nếu hâm mộ Ingar và để cho ấn tượng phim ông ta len lỏi vào đầu mình thì một ngày tớ sẽ bỏ một đống thoại vào phim của tớ mà tớ không nhận ra. Và như thế tớ đã tự đi ngược con đường phim quần chúng mình đã chọn.

    Được cái là tớ ban đêm khó ngủ, nhưng ban ngày thì muốn ngủ là khò ngay. Nên gặp phim nghệ thuật gây ngứa mắt là khò.

    Thật ra tớ cũng rất ghét phim Holywood kiểu câu khách, nhưng ai cũng chửi rồi nên mình cũng chẳng có đất mà chê nữa.

    Còn việc chửi quàng thì đúng là ở Việt Nam này nhiều lắm. Hôm trước cùng đăng bài với cô Giang (nhỏ), thấy cô ta chém phim không thương tiếc, phải năn nỉ cô ta cắt hết những từ ngữ gây tự kỉ. Đúng là có chê thì cũng phải lựa từ ngữ nhẹ nhàng và lập luận sao cho thuyết phục. Chửi quàng mình cũng ghét mà khen tận mây xanh mình cũng ghét. Mình thuộc trường phái “Nửa này tí nửa kia tí nhưng không quá lố” nếu có cái trường phái đó trên đời

    Còn tranh luận là tranh luận thôi chứ tớ cũng chẳng có ý chặt chém hay dập ai đâu. Vài người hiểu lầm rằng thái độ tớ trên forum là một sự tấn công… thật là khó giải thích.

  18. Đọc bài anh Hải lên, sướng tai như nghe loa phường ngày bầu cử .Các cụ hưu trí lấy làm hỉ hả , cánh thanh niên thờ ơ với chính trị bịt tai lại, còn những thế lực đối lập dù ” phản động” đứt đuôi vênh mặt : danh môn chính phái thế nào , chửi bọn ông như thế cũng chỉ là chửi … đổng thôi .

    Hì, vòng vo một tí , mục đích viết để làm gì thì anh Hải một mình mình biết .Truyền thống nghệ thuật ở Việt Nam xưa nay vẫn là : nghệ thuật vị nhân sinh do tính cộng đồng cố hữu của cơ cấu làng xã Việt . Khi truyền bá vào Việt Nam, chủ nghĩa Marx được tiếp nhận rất hồ hởi và sau này, tiến trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ít gặp phải phản đối từ phía nhân dân hơn các quốc gia Đông Âu khác do mô hình chế độ cộng sản ( kinh tế HTX, bếp ăn tập thể, ….) có nhiều điểm tương đồng với cách tổ chức cộng đồng làng xã .

    Các anh đón đọc phần 2 bài ” Bi , đừng sợ ” , bàn về hiệu ứng ngoại biên của phim trong đó có đề cập đến quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật ở VN trên số Tin vắn cuối cùng của K6 .

  19. :. Bạn nào ủng hộ nghệ thuật vị nhân sinh thử phân biệt hai khái niệm “Nghệ thuật vị nhân sinh” và “Nghệ thuật vị đám đông” cho mình mở mắt được không :D.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: