Thương nhớ đồng quê
by Mai Phương
Đặt trong bối cảnh một làng quê Bắc Bộ Việt Nam, truyện phim Thương nhớ đồng quê (Đạo diễn Đặng Nhật Minh, sản xuất năm 1995) hiện lên qua cái nhìn của một chàng trai mười bảy tuổi. Và thế giới làng quê trong mắt cậu là một thế giới đậm đặc thiên tính nữ, thể hiện thông qua mối quan hệ giữa cậu và những người phụ nữ trong và ngoài gia đình.
Nhâm (Tạ Ngọc Bảo) – tên nhân vật chính là người đàn ông duy nhất trong nhà. Cha cậu đã mất, anh trai đi làm xa, Nhâm sống với mẹ, chị dâu – Ngữ (Thúy Hường) và em gái – Minh. Ngữ về làm dâu đã năm năm, chịu cảnh xa chồng đằng đẵng. Trong làng không ít gia đình chịu chung cảnh đó: nhà dì Lưu có chồng đi làm thợ mộc trên tỉnh, Bửu – con trai dì mất sớm, vợ Bửu – Thoa góa bụa từ thuở đầu xanh…Cuộc sống trong làng quê bé nhỏ của Nhâm sẽ cứ trôi đi lặng lẽ như thế, nếu không có một ngày, Quyên (Lê Vân) – cháu gái dì Lưu, người đã sống ở làng thuở nhỏ, sau đi di tản, trở về…Và Nhâm là người ra ga đón cô.
Bộ phim được bắt đầu và kết thúc với hình ảnh đặc tả Ngữ – một gương mặt đàn bà đang bước vào độ chín của tuổi thanh xuân, đẹp mặn mà và lam lũ qua vành nón và ánh nhìn nhẫn chịu. Điều đó đủ cho thấy vai trò và vị trí của Ngữ trong cấu trúc truyện phim. Trong phim, Ngữ thường xuất hiện theo hai cách: xuất hiện với các hình ảnh có tính biểu tượng (chim bồ câu, dế, tổ chim non…) hoặc như “cái bóng” của Nhâm, lặng lẽ dõi theo Nhâm. Những hình ảnh có tính biểu tượng góp phần làm rõ tình cảnh, tính cách cũng như tâm trạng của Ngữ. Khán giả cảm nhận rõ nỗi cô đơn của người đàn bà ngồi chải tóc bên thềm, suối tóc xanh buông xõa, thẫn thờ nghe tiếng chim câu gù nhau tha thiết. Hoặc khi Ngữ tìm thấy tổ chim trong ruộng mía, sau cái đêm Ngữ và Nhâm ôm nhau bên giếng nước, ta dường như cảm thấy bản năng đàn bà, bản năng làm mẹ trỗi dậy trong cô trong cái cách Ngữ nâng niu trìu mến những sinh linh bé nhỏ…Đạo diễn thích sử dụng những cú máy đặc tả làm dấu chấm câu cắt cảnh, vừa miêu tả tâm trạng nhân vật. Không ít lần trong phim, ta nhận ra Ngữ đứng lặng từ xa quan sát Nhâm: Ngữ nhìn theo Nhân đi thơ thẩn trên cánh đồng (trong lòng đang nghĩ về Quyên), Ngữ dõi theo Nhâm đi soi ếch trong đêm mưa gió, rồi đội mưa mang áo cho em, Ngữ thẫn thờ thấy Nhâm và Quyên sánh đôi ra bờ sông ngắm cảnh…Máy quay thường sử dụng những cảnh quay đảo hướng, đặt Ngữ ở tiền cảnh (hậu cảnh có thể là Nhâm, Quyên hoặc không gian đồng quê rộng lớn), góc máy tĩnh diễn tả cái cô quạnh trong thân phận, cái da diết âm thầm trong tình cảm của Ngữ…
Nếu như Ngữ gắn bó với làng quê và gần như “mắc kẹt” trong cảnh sống của mình, Quyên lại trở về làng như một làn gió thị thành, làm xáo trộn đời sống của Nhâm – chàng trai mới lớn và có lẽ cả Ngữ. Đạo diễn đã khéo léo mô tả mối quan hệ tay ba giữa họ chỉ qua đoạn thoại ngắn giữa Nhâm và Ngữ khi Nhâm mới trở về từ nhà dì Lưu (Có đón được không?-Có, Có xinh không?-Xinh). Quyên đẹp một vẻ khác với người phụ nữ nông thôn mà từ bé đến lớn Nhâm quen thuộc và nét đẹp thị thành tự nhiên táo bạo ấy cuốn hút Nhâm. Chi tiết Nhâm tìm mùi hương trong chiếc áo Quyên để lại trên bờ trước khi xuống sông tắm là một chi tiết đầy gợi cảm. Nó hé mở bản năng giới đang sống dậy trong chàng trai, đồng thời gây ấn tượng gián tiếp về chất đàn bà mê hoặc nơi Quyên. Khác với Ngữ, chất đàn bà trong Quyên có tính chủ động: Quyên tìm tới Nhâm, đề nghị đi cùng Nhâm, hỏi han Nhâm những ước mong sâu kín, sẻ chia tâm sự mình với Nhâm…Cảnh quay Quyên chạy theo gọi tên Nhâm trong khi chàng trai trẻ vội vã lao đi trên bờ đê trong nỗi hổ thẹn bị phát hiện thể hiện rõ sắc thái chủ động trong tính cách đó. Không chỉ trong cách xây dựng tính cách nhân vật, ngay từ khâu chọn diễn viên, trong cách phục trang, hóa trang, hay cách đặt máy quay (Quyên thường xuất hiện trong các góc máy động), đạo diễn rất chú trọng tạo ra sự khác biệt trong vẻ đẹp của Quyên và Nhâm
Bên cạnh hai nhân vật nữ Ngữ và Quyên, thế giới đàn bà trong “Thương nhớ đồng quê” còn là nhiều gương mặt khác. Có những người đầu xanh tuổi trẻ, có những người tuổi đã xế chiều…nhưng dường như trong số phận họ, cuộc đời họ đều chung nhau một nét buồn u ám. Trong một cái làng mà “không nhà nào trên ban thờ không có ảnh người chết trẻ”, những người đàn bà chịu cảnh góa bụa như một lẽ thường. Các nhân vật được xây dựng khá tiết chế, chỉ vài nét chấm phá về hoàn cảnh và tính cách, không mấy khi lên tiếng…nhưng ám ảnh kỳ lạ. Thoa – con dâu dì Lưu cứ đến phiên lại long đong qua sông chạy chợ, dành dụm tiền cho cái dự định xa vời mà xót xa lòng – “đi thăm mộ chồng tận Tây Ninh”, Nhung – cô gái điếm được giáo Quỳ cưu mang để rồi vẫn tiếp tục kiếp sống “bán trôn nuôi miệng” trong khi lòng cô vẫn đau đáu nỗi khát khao được yêu thương che chở…Còn nữa những người đàn bà chỉ xuất hiện thấp thoáng trên phim, như mẹ Nhâm, mẹ Ngữ, dì Lưu…lúc nào cũng trong cảnh tất bật việc nhà, lam lũ ruộng đồng, cô đơn mất mát…Nếu như thân phận người nông dân nói chung, trong chiến tranh hay hòa bình, đều khổ sở – như lời thầy giáo làng tổng kết lúc cao hứng sánh bước với Quyên trên đường làng, những người đàn bà là những người nặng gánh truân chuyên nhất.
Thế giới đàn bà ấy đã được gắn kết qua những mối quan hệ đan xen qua lại, trong đó Nhâm là sợi dây quan trọng nhất. Có một sắc thái u ẩn dịu dàng trong cách Nhâm nhìn làng quê của cậu và những người đàn bà quanh cậu. Cả bộ phim chìm trong một không gian làng quê vừa rất quen thuộc, lại vừa bí ẩn. Điều đó làm nên bởi sắc xanh bàng bạc phủ lên cây cỏ, đồng quê và cả gương mặt người. Cũng có thể, đó là kết quả xứng đáng của công tác dàn cảnh tỷ mỷ, đầy dụng ý trong khi vẫn tôn trọng tính hiện thực đời sống.
Giữa một thế giới “thịnh âm”, người ta tự đặt câu hỏi về nửa bên kia? Không giống như cách nhìn thế giới đàn bà, thế giới đàn ông trong phim có nét gì đó méo mó, nực cười và cay đắng. Ngoài nhân vật chính Nhâm, những người đàn ông xuất hiện trong phim, nếu không phải mờ nhạt, qua lời kể của những người đàn bà (mất sớm, bỏ làng kiếm kế sinh nhai) thì cũng dở gàn, viển vông (giáo làng, giáo Quỳ), bạc tình (chồng Ngữ, Phụng)…Họ không những không là chỗ dựa, mà là cái nợ, cái gánh nặng những người đàn bà của họ phải mang theo trong đời. Họ cũng không làm gì nhiều cho mảnh đất của họ và những người quanh họ. Dường như bằng việc xây dựng một thế giới âm thịnh dương suy như vậy, tác giả đặt câu hỏi thách thức quan niệm về vai trò thống trị của nam giới trong gia đình và làng xã truyền thống.
Đến cuối phim, đám tang của hai em gái Minh và Mỵ một lần nữa gắn kết mọi người trong nỗi đau chung và làm thức dậy trong họ một điều gì đó mới mẻ. Quyên đã tìm lại được mối liên hệ với cội nguồn mà cô tưởng mình đã đánh mất. Ngữ quyết lên Cao Bằng tìm chồng…Trong nỗi đau và sự dập vùi của số phận và nỗi chán chường của cảnh sống hằng ngày, những người đàn bà ấy tiềm ẩn trong mình ngọn lửa sống tiềm tàng, dưỡng nuôi mảnh đất đồng quê mà Nhâm sinh ra, lớn lên, ra đi và nguyện sẽ trở về. Thế giới đàn bà trong “Thương nhớ đồng quê” dẫu buồn thương nhưng không thể nào tuyệt vọng. Hình ảnh mẹ và chị Ngữ trở lại êm đềm thương mến trong những suy tư miên man của Nhâm trên đường đi nghĩa vụ trong những giây cuối của bộ phim là một ám thị kín đáo về tính nữ đậm đà sâu lắng trong tác phẩm điện ảnh này.
short titles … be careful to hold the ‘shift’ key down when using ‘return’ because this is all html at the shell level … welcome to online publishing …
maximumeskimo said this on April 18, 2011 at 9:06 am
Đoạn phân tích về Ngữ là đoạn tớ thấy cừ nhất. Cố gắng mọi đoạn phân tích khác đều có duyên và chuyên nghiệp như vậy, chắc bài của bạn sẽ có một phong cách riêng đó: chuyên nghiệp và nữ tính!
thichhoathinh said this on April 19, 2011 at 9:29 pm