Khi người đẹp làm phim

by Hương Giang

Là con gái độc nhất của đạo diễn lừng danh với siêu phẩm The Godfather, Sophia Coppola đã chứng tỏ bản năng làm điện ảnh của mình qua những tác phẩm độc đáo, in đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân. Cô được coi là một trong những đạo diễn thành công và nổi bật nhất trong thế hệ những nhà làm phim trẻ hiện nay tại kinh đô điện ảnh Hollywood.

1 Tuổi thơ đồng hành cùng điện ảnh

Có thể nói Sophia Coppola là một cô gái may mắn, điện ảnh dường như đã trở thành người bạn đồng hành cùng cô ngay từ khi mới lọt lòng. Sinh vào mùa xuân năm 1971 tại miền Bắc bang California của Mỹ, cô là con gái duy nhất của đạo diễn Fancis Coppola và Eleanor.

Ngay từ khi mới lọt lòng, Sophia đã được bố cho tiếp xúc ngay với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Cô được chọn vào vai con gái Micheal Fancis Rizzi của gia đình trùm Mafia nổi tiếng nhất trong siêu phẩm The godfather 1 vào năm 1972.

Hai năm sau đó  cô lại tiếp tục được bố mình cho xuất hiện trong phần hai của phim. Sau đó Sophia lại thủ vai trong hàng loạt các bộ phim tiếp theo của Fancis Coppola như: The outsiders (1983), Rumble fish (1983), The cotton Club (1984), Peggy Sue got married  (1986) và  The godfather3 (1990) cùng khá nhiều các bộ phim của các đạo diễn nổi tiếng khác của Hollywood.

Tuy nhiên sự nghiệp diễn viên không thành công đã khiến con đường đến với nghệ thuật điện ảnh của Sophia thêm chông chênh và có nhiều thử thách. Cơn ác mộng đầu tiên cản trở bước tiến của cô gái trẻ này chính là hai giải Razzie dành cho “Ngôi sao dở nhất” và “Diễn viên phụ tồi nhất” vào năm 1991 trong bộ phim “The godfather 3” cũng được coi là tệ nhất trong 3 phần của seri về trùm mafia của cha cô. Thậm chí có nhà phê bình người Mỹ gọi vai diễn Mary Corleone của cô là “Sự sai lầm chết người”. Nhận ra nghề diễn viên dường như không phù hợp với mình, chính bản thân cô gái trẻ tóc vàng này cũng phải thừa nhận “Hóa thân và diễn xuất trong một vài nhân vật nào đó theo sự sắp đặt của đạo diễn thực sự không phù hợp với tôi”…Có lẽ chính bởi cú ngã đau đầu tiên trong hành trình làm nghệ thuật đã thôi thúc, đẩy Sophia sang một hướng đi mới, một cách tiếp cận mới khác hẳn vai trò của diễn viên trong điện ảnh. Bằng tình yêu với những thước phim tha thiết, cô quyết định ghi tên mình vào khoa nghệ thuật tạo hình tại học viện nghệ thuật New Yord để theo đuổi và đi tiếp con đường của người cha là trở thành một đạo diễn điện ảnh. Và chính sự thay đổi ấy đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Sophia. Cô đã quên dần những nỗi buồn của nghề diễn viên không thành công để bắt đầu hành trình chinh phục những đỉnh cao trong vai trò một đạo diễn – vốn đầy khắc nghiệt tại Hollywood.

2 Những thành công trong vai trò đạo diễn

Những năm tháng theo cha đi khắp thế giới để làm phim, những kinh nghiệm dắt tay có được từ nghề diễn viên cộng với bản năng nghệ thuật nhạy cảm, sự nỗ lực không ngừng, tình yêu và kiến thức điện ảnh thu nạp được từ trường đại học đã giúp Sophia hình thành nên một tư duy điện ảnh khác hẳn với các đạo diễn trẻ cùng thời. Cô không chỉ cố gắng vượt qua giới hạn của sự sáng tạo thông thường trong điện ảnh mà còn bộc lộ cái nhìn riêng, một ngôn ngữ điện ảnh rất mới mẻ và đặc biệt là sự tinh tế của phụ nữ khi thể hiện, nắm bắt các vấn đề thể hiện trong tác phẩm của chính mình.

Bộ phim ngắn đầu tay do chính Sophia viết kịch bản và đạo diễn là Lick the star  (1998) là một phim ngắn khá thành công và nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn và khán giả. Từ phim ngắn đầu tay, Sophia như được tiếp thêm sức mạnh. Ngọn lửa đam mê với điện ảnh dẫn dắt cô tới với bộ phim thứ hai trong vai trò đạo diễn là The Virgin Suicides (1999). Bộ phim truyện này đã gặt hái thêm nhiều những đánh giá tích cực từ phía các nhà phê bình. Mặc dù lúc đầu bị cha mình ngăn cản quyết liệt việc lấy cuốn tiểu thuyết này để chuyển hóa từ ngôn ngữ văn chương sang điện ảnh nhưng Sophia vẫn một mực giữ lập trường của mình. Chính bởi lập trường kiên định ấy mà cái tên Sophia dần dần được nhiều người biết tới, hi vọng vào tài năng làm phim của một cô gái trẻ – điều hiếm hoi ở Mỹ sẽ có thể vút bay và tỏa sáng.

Các bộ phim ra đời sau như: Lost in translation (2003), Marie Antoinette (2006) và Some where (2010) đã một lần nữa chứng minh phong độ ổn định và tài năng làm phim gặt giải thưởng của nữ đạo diễn này. Với vẻ ngoài mong manh, đôi mắt xanh như nước hồ thu…ít ai nghĩ rằng Sophia lại có thể bắt nhịp nhanh đến vậy trong guồng máy công nghiệp điện ảnh của Mỹ. Hơn nữa cô lại hoàn toàn không bị chi phối bởi những vấn đề về tiền bạc, kinh phí làm phim hay sự cạnh tranh mạnh mẽ với các đồng nghiệp trong vấn đề làm phim. Với cô việc sáng tạo điện ảnh cũng như một cuộc chơi mà người đạo diễn tha hồ được thỏa sức vẫy vùng với ý tưởng, với cái nhìn độc lập của mình về thế giới xung quanh. Có thể vì vậy mà cuộc sống trong phim Sophia dù là góc nhìn về hiện thực trần trụi với đầy những lo toan, chán nản, nỗi buồn…vây hãm thì vẫn cứ đẹp, cái đẹp tồn tại bền bỉ, âm thầm ngay trong chính nỗi buồn hay sự cô đơn. Không thích tô vẽ quá nhiều nhưng không thể phủ nhận sự tươi mới, đa sắc trong từng thước phim của cô gái trẻ này. Màu sắc trong trang phục diễn viên, tông màu của quay phim, ánh sáng được sử dụng…tất cả đều được Sophia tỉ mỉ, kỹ lưỡng lựa chọn và phối kết hợp với nhau tạo thành một bản hòa tấu trọn vẹn. Thật khó để cưỡng lại sự hấp dẫn trong khi theo dõi phim của Sophia bởi lẽ nó ảnh hưởng và bao trùm toàn bộ không khí, tiết tấu phim. Nếu chỉ tò mò xem một phần người ta sẽ lại phải tò mò chờ đợi xem tiếp, im lặng đón nhận từng diễn biến tiếp theo trong mạch phim.

Lost in translation giống như bản giao hưởng buồn với những nốt trầm thay nhau ngự trị và làm người xem hoàn toàn mê đắm, nép mình trong thứ ngôn ngữ điện ảnh tưởng chừng như pha trộn của Đông – Tây, hiện đại – cổ điển mà đạo diễn cố tình sử dụng. Dường như có một sợi dây vô hình kết nối các tình huống, chi tiết phim lại với nhau trong một câu chuyện tưởng như tầm phào, ngẫu hứng. Không có cao trào, không có tình dục, không có những mong đợi được bùng nổ…Lost in translation dẫn dắt người xem đi vào thế giới riêng tư của hai nhân vật – hai kẻ dường như cô đơn nhất thế giới. Bao quanh họ là một cuộc sống sôi động, sự xa hoa, lộng lẫy của một đất nước hiện đại. Cái níu chân họ ở lại nơi mà mình giống như kẻ lạc lõng ấy chỉ là công việc và trách nhiệm, bổn phận với người thân. Ngôi sao Hollywood hết thời, cử nhân triết học theo chồng, gặp nhau tại một không gian chung là Nhật Bản. Mỗi nhân vật với những hành động, những nét tính cách khác biệt bỗng dưng một ngày lại cần nhau, thấu hiểu và rút ngắn khoảng cách bên nhau bằng những cuộc vui thâu đêm, những buổi lang thang đi dạo. Trong khi Charlotte ngày ngày mặc chiếc quần lót màu hồng ngồi trên ban công cửa sổ chờ đợi người chồng – một nhiếp ảnh gia thích di chuyển biết quan tâm, chia sẻ những tâm tư tận sâu thẳm trong lòng thì bên cạnh một căn phòng khác trong khách sạn lớn ấy cũng có một người đàn ông ậm ừ, thở dài và chán nản với những câu chuyện trong điện thoại của người vợ…Hai người bị ném vào giữa một đất nước xa lạ và nỗi cô đơn là bạn đồng hành. Rồi một ngày như sự sắp đặt của số phận, họ gặp nhau, bỏ lại nỗi cô đơn phía sau và bắt đầu cất tiếng nói chung. Nụ cười đã trở lại trên môi và những khát khao cháy bỏng bị lãng quên lâu ngày vô tình được đánh thức, gọi dậy.

Nếu nỗi cô đơn cùng cực ấy được tái hiện dưới bàn tay của một đạo diễn khác có thể Lost in translation sẽ có một kết thúc khác và không được người xem nhớ và ấn tượng nhiều đến vậy. Nhưng khi nằm trong tầm kiểm soát của Sophia, cô đã biến nó trở thành một câu chuyện điện ảnh phá vỡ cấu trúc quen thuộc, mới mẻ và đầy sáng tạo. Sophia không gồng câu chuyện theo những hướng đi thông thường mà để nhân vật được tự do ngụp lặn với những cảm xúc, sự lên men của tình yêu, khát khao và biêt dừng lại để không vượt quá giới hạn..Một bộ phim đầy ẩn ý khi cảnh cuối cùng khép lại như một câu hỏi để khán giả thỏa sức suy tư, đoán định. Hai người gặp nhau giữa đường phố xuôi ngược tấp nập, họ thì thầm vào tai nhau và mỉm cười hạnh phúc…Chẳng ai biết trong câu chuyện vội vàng ấy ngôi sao hết thời đã nói gì với cử nhân triết học nhưng đều tin thứ tình cảm họ đã dành cho nhau trong những ngày nếm trải mật ngọt và xua đuổi nỗi cô đơn là hoàn toàn xuất phát từ trái tim.

Lost in translation  không ám ảnh, không nặng nề. Vừa mông lung, khó đoán định, vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm, nỗi cơ đơn sâu thằm trong thế giới tinh thần của những con người đang bị bỏ quên trong cuộc sống như giúp người xem tìm ra những câu trả lời cho riêng mình. Một câu chuyện nhỏ được chắt lọc từ hiện thực cuộc sống qua bàn tay tinh tế và góc nhìn độc đáo của người nghệ sĩ đôi khi lại có sức mạnh lan tỏa và khiến người ta không ngừng thổn thức. Bộ phim đã nhận được giải Oscar dành cho “Kịch bản gốc xuất sắc”. Điều đó phần nào đã khẳng định những dụng công của đạo diễn trẻ trong vai trò một nhà biên kịch.

Tác phẩm phim truyện thứ ba của Sophia là Marie Antoinette (2006) với sự tham gia của các ngôi sao hàng đầu Hollywood như: Jost Harnet, Kristen Dunst…lại không gặt hái được nhiều thành công như mong đợi về doanh thu, nhưng vẫn nhận được giải thưởng danh giá tại liên hoan phim Cannes. Vì vậy mà Sophia được xếp vào đội ngũ nghệ sĩ có phong độ ổn định và tư duy nghệ thuật mạch lạc nhất trong số các đạo diễn thế hệ mới ở kinh đô điện ảnh. Bà cũng được gọi là đạo diễn của những giải thưởng khi liên tục tỏa sáng tại khắp các liên hoan phim danh giá trên thế giới.

Sau một thời gian nghiền ngẫm và suy nghĩ, Sophia đã trở lại ngoạn mục vào năm 2010 với tác phẩm phá cách Some where. Phim là những mảnh ký ức được gọi tên và thổi vào đó linh hồn để tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Cuộc sống của một ngôi sao lại tiếp tục được Sophia đưa vào khai thác. Vẫn nỗi cô đơn, sự nhàm chán bủa vây, khao khát được sống đúng nghĩa, thoát ra khỏi mớ hỗn độn của thực tế…nhưng Some where lại khai thác mối quan hệ, tình cảm cha con – điều thiếu vắng trong điện ảnh hiện đại những năm gần đây. Chính cô con gái đã kéo người cha đang sa ngã thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt của mình. Ánh hào quang của sân khấu chỉ như một thứ ánh sáng giả dối, ngắn ngủi khiến cho người ta sau những phút đứng trên đỉnh vinh quang là sự trống vắng đến cùng cực, là sự thờ ơ, lãnh cảm. Nhân văn và dung dị, câu chuyện về cuộc hành trình tìm lại chính mình, tìm lại “cái tôi” đã mất hay chính tình yêu đã nâng đỡ con người. Với phong cách tạo hình độc đáo, người ta có thể nhận ra sự trau chuốt đến từng tiểu tiết của đạo diễn cũng như cách phối hợp màu sắc, âm nhạc. Đặt nhân vật vào mớ bòng bòng với nội tâm phức tạp đạo diễn như một bác sĩ tâm lý kỳ tài gỡ rối và tháo từng nút thắt trong đời sống riêng tư của họ. Có lẽ vì thế các nhân vật của Sophia có nét gì đó gần gũi và chạm vào sâu tâm hồn người xem. Ngắm nhìn và trải nghiệm cùng nhân vật của cô sẽ nhận ra bức chân dung mà đạo diễn cố gắng miêu tả, khắc họa lại. Từ hình ảnh anh chàng diễn viên với quá khứ bất hảo,luôn cô đơn, trống rỗng ở những chốn xa hoa và lộng lẫy nhất, người ta liên tưởng tới bức chân dung của những ngôi sao Hollywood. Cô con gái 11 tuổi tới với người cha, đánh thức bản năng và tình yêu cuộc sống vốn đã chạy xa anh, bị lu mờ trong tâm trí anh một thời gian dài. Người cha như bừng tỉnh và từ từ nhận ra giá trị cuộc đời phía sau ánh đèn màu lung linh mà như vô cảm kia.

Some where giảnh giải phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice lần thứ 67 năm 2010. Nói về bộ phim người tình cũ của Sophia cũng là trưởng ban giám khảo Quentin Taratino khẳng định: “Bộ phim đã gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ những phút đầu tiên. Rồi những tình cảm đó cứ lớn dần lên trong trái trái tim, tâm hồn và trí óc của chúng tôi..”. Some where như một cơn gió lạ, mát mẻ, dễ chịu thổi qua cuộc sống của con người hiện đại. Cơn gió ấy đi qua và để lại trong lòng người xem một dư vị, dư vị của tình yêu, tình mẫu tử được thắp lên từ ánh sáng của mỗi khuôn hình đang nhẹ nhàng chuyển động…

Nói về Sophia Coppola là nói về một nữ đạo diễn trẻ tuổi, là con gái của thiên tài điện ảnh Fancis Coppola với những bộ phim vô cùng ấn tượng, đầy ẩn ý của mình. Nói về Sophia là nói về một nữ đạo diễn của những giải thưởng điện ảnh lớn và cuối cùng nói về Sophia là nói tới một thứ điện ảnh không chỉ đơn thuần là một môn nghệ thuật thỏa mãn những vọc phá, thể nghiệm của nghề nghiệp cá nhân mà còn chan chứa một tinh thần nhân văn, tinh thần tôn vinh cái đẹp từ những điều tưởng chừng bình dị và nhỏ bé nhất…

~ by huonggiangcinema on April 16, 2011.

One Response to “Khi người đẹp làm phim”

  1. image credits? … sources? … spelling? … titles need to be short, thank you

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: