Điện Ảnh, Game và Giấc Mơ
by Phạm Phú Hiển
Chúng ta thường đem Điện Ảnh để so sánh với các nền nghệ thuật khác như Hội Họa, Âm Nhạc, Văn Học hay Nhiếp Ảnh… nhưng mãi thì cũng nhàm, nên hôm nay tôi quyết định đem Điện Ảnh ra so sánh với hai chủ thể không được coi là nghệ thuật, nhưng có rất nhiều điểm tương đồng với Điện Ảnh, đó là Game Vi Tính và những Giấc Mơ.
Game Vi Tính xuất hiện từ khi có sự xuất hiện của máy vi tính những năm 70. Game Vi Tính là những trò chơi trên máy vi tính xảy ra bởi sự tương tác của người và máy tính thông qua những phương tiện tương tác như bàn phím, chuột và Joystick để tạo ra sự đáp trả từ máy tính qua phương tiện nghe nhìn. 1
So với Game Vi Tính, Điện Ảnh có xuất phát điểm từ lâu đời hơn từ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Điện ảnh là những câu chuyện được kể qua những hình ảnh thể hiện chuyển động. 2
So với cả hai hình thức trên thì Giấc Mơ có mặt từ lâu đời nhất, từ trước cả khi có loài người, những loài linh trưởng đã biết ngủ mơ. Giấc mơ là sự nối tiếp nhau của hình ảnh, ý nghĩ, cảm xúc và sự xúc động xảy ra trong đầu óc con người trong một số giai đoạn của giấc ngủ. 3
So sánh Game Vi Tính, Điện Ảnh và Giấc Mơ:
Cả 3 hình thức này đều có điểm chung là khả năng hiển thị hình ảnh và âm thanh, qua đó truyền tải những kinh nghiệm mới lạ về mặt thị giác và thính giác. Và cả 3 đều có khả năng kể chuyện. Việc kể chuyện bằng cách truyền tải những kinh nghiệm bằng thị giác và thính giác khiến cho cả 3 hình thức này có sức lôi cuốn mạnh mẽ.
Vì những khái niệm như Game Vi Tính và Điện Ảnh là khá rộng, tôi chỉ xin bàn hẹp vào dạng Game nhập vai và Điện Ảnh tự sự, là hai phân loại điển hình nhất của việc kể chuyện.
Trong một trò Game Nhập Vai, người chơi sẽ phải tương tác với máy tính, chính xác hơn là tương tác với câu chuyện đã được dựng sẵn bởi người lập trình. Người chơi có thể có những lựa chọn của mình, nhưng lựa chọn đó sẽ có giới hạn và thường thì không thể gây ảnh hưởng đến kết cục câu chuyện mà chỉ ảnh hưởng mức độ khó của những hành động tiếp theo mà người chơi phải thực hiện để đi đến kết thúc. Chẳng hạn như khi người chơi cầm súng tìm giết con trùm cuối, thì dù cho anh ta có rẽ trái hay rẽ phải, cuối cùng con quỷ vẫn phải bị giết, tuy việc rẽ trái có thể gây cho anh ta nhiều trở ngại hơn.
Trong Điện Ảnh Tự Sự, hoàn toàn không có sự tương tác giữa người xem và câu chuyện. Nhưng điểm đặc biệt của Điện Ảnh là đặt người xem vào vị trí theo dõi một nhân vật đã được định sẵn trên màn ảnh, thường là nhân vật chính. Chính việc khám phá bản chất, quan niệm sống và qua những lựa chọn của nhân vật trên màn ảnh, khán giả không chỉ được trải nghiệm cuộc hành trình, mà còn được trải nghiệm tâm hồn một con người.
Giấc mơ thì lại có cả sự tương tác với câu chuyện, lẫn việc trải nghiệm tâm hồn một con người. Có nhiều loại giấc mơ, nhưng với những giấc mơ có câu chuyện rõ ràng, thì bạn thường không phải là mình. Bạn có thể giết người, có thể làm những chuyện không hiểu nổi, có thể mong muốn những thứ mà trong đời thực bạn không bao giờ mong muốn. Nhưng từ con người đó mà vốn không phải là bạn, bạn tương tác với thế giới trong mơ và được dẫn theo một câu chuyện mà bạn không phải là người quyết định hồi kết. Bởi thế, giấc mơ rất có uy lực vì nó có sẵn uy lực của cả Điện Ảnh tự sự lẫn Game Nhập Vai.
Tuy nhiên, điểm yếu của giấc mơ là tính phi lô gic, câu chuyện không rõ ràng, thường xuyên bị đứt gãy và mọi cảm giác bị mờ nhạt.
Lợi ích của những hình thức trên đối với người hưởng thụ:
Suy cho cùng, lợi ích của việc theo dõi một câu chuyện là sự tiếp thu kinh nghiệm sống. Trong Game Nhập Vai, sự tiếp thu kinh nghiệm sống qua câu chuyện của game thường thì không nhiều vì câu chuyện game thường đơn giản. Nhưng chính sự tương tác sẽ cho người chơi game cảm nhận được những hành động của họ trong một tình huống sẽ gây ra hiệu quả gì, từ đó cho họ sự rèn luyện. Thí dụ như khi người chơi ném lựu đạn vào một đám địch thủ, thì vụ nổ do quả lựu đạn đó có tầm xa bao nhiêu, người chơi phải nhận biết được để không gây thiệt hại cho chính mình.
Đối với Điện Ảnh, câu chuyện luôn phức tạp hơn và có tính lo gic cao. Người xem tin được, và học được gì ở một câu chuyện Điện Ảnh phụ thuộc vào khả năng tạo cảm xúc của tác phẩm điện ảnh đó. Thí dụ, tôi cho rằng nếu một tác phẩm Điện Ảnh tạo ra cảm xúc ghét cay ghét đắng một tuýp người nào đó trong lòng người xem, thì tác phẩm đó đã thành công trong việc khiến cho một thành phần nào đó trong xã hội nhận biết và căm ghét tuýp người tương tự trong xã hội.
Đối với Giấc Mơ, vì câu chuyện không rõ ràng, không mạch lạc và cũng không lo gic, giấc mơ thường không giúp truyền tải kinh nghiệm nào xác đáng, mà thường chỉ giúp cho người ta tự tìm hiểu tâm tư, cảm xúc của mình tốt hơn. Trong một giấc mơ, rất nhiều cảm giác có thể xảy ra: thị giác, vị giác, xúc giác, thính giác v.v… và cả tình cảm cũng có thể được cảm nhận được tuy lờ mờ. Câu chuyện trong giấc mơ chỉ là một phương tiện để người ta trải nghiệm cảm xúc và cảm giác mà trong đời thực đôi khi khó có cơ hội trải qua. Tôi thường tin rằng giấc mơ không chỉ xuất phát từ chính mình, mà còn bị ảnh hưởng bởi một lực lượng siêu nhiên nào đó bên ngoài.
Giấc mơ của con người thời nay sẽ phải phức tạp hơn giấc mơ của con người ngày xa xưa, đơn giản vì những thông tin và trải nghiệm sống ngày nay phức tạp hơn rất nhiều.
Tương lai của các hình thức trên
Game Vi Tính sẽ dần dần đi đến những mức độ cao hơn mà mức độ cao nhất trong hiện tại là Game Online (MMORPG – Massively Multiplayer Online Role Playing Game). Trong một game nhập vai online hiện đại như World of Warcraft của hãng Blizzard chẳng hạn, không những người chơi có thể theo dõi một câu chuyện được xây dựng trong trò chơi, mà còn được tương tác qua lại với những người chơi khác trong một thế giới riêng. Việc tương tác xã hội dẫn đến những trải nghiệm hoàn toàn mới, khiến cho Game Online trở thành một bản sao rút gọn của thế giới thật, một phần rút ra từ thế giới thật. Nhân vật của người chơi Game Online có thể kết bạn, đánh nhau và chu du khắp nơi trong thế giới của trò chơi mà không bị phiền hà bởi những việc làm thường ngày của đời sống như dọn dẹp, kiếm ăn v.v… Game Online trở thành một thế giới thật được giản lược hóa, qua đó trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn nhiều đối với người chơi so với thế giới thật.
Giấc mơ, theo tôi, thì lại chính là mức phát triển cao nhất của điện ảnh. Ngày nay, phim 3D đã trở thành một tiêu chuẩn không thể thiếu cho những phim đầu tư lớn, nhưng nó chỉ là một bước tiến rất nhỏ về mặt kỹ thuật của điện ảnh. Tôi cho rằng, nhiều thế kỷ nữa, khi kỹ thuật phát triển đển mức độ có thể gây ảnh hưởng đến não bộ con người. Một bộ phim lúc đó có thể giống như một giấc mơ: người xem tin tưởng hoàn toàn vào thế giới đó, có những cảm xúc, suy nghĩ và hành động không phải của mình mà của nhân vật trong phim và trải nghiệm câu chuyện không chỉ bằng mắt, tai mà còn bằng mũi, bằng miệng và có thể sờ mó mọi vật. Và hơn nữa, cảm nhận được cái lo gic và câu chuyện không đứt đoạn: điểm yếu của mọi giấc mơ.
Kết luận:
Điện Ảnh, Game Vi Tính hay Giấc Mơ, mỗi hình thức đều có điểm mạnh yếu của riêng chúng, sẽ rất khập khiễng khi cho rằng hình thức nào có giá trị hơn hình thức nào, và cũng thật không tưởng khi cho rằng con người là chủ thể tạo ra chúng. Với điện ảnh, tác dụng của nó với mỗi người đều khác nhau và người đạo diễn phim không thể quyết định được nó. Trong Game Vi Tính, dù trong cùng một luật chơi, những điều người chơi có thể làm để đạt được ý mình không thể kiểm soát và Giấc Mơ đơn giản là không ai có thể làm tác giả. Những hình thức trên sẽ càng ngày càng phát triển lên tầm mức cao hơn (không loại trừ Giấc mơ) và luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con người trải nghiệm những kinh nghiệm của thế giới mà không phải tốn cả đời mình để trải qua.
Tham Khảo:
1. Định nghĩa trò chơi điện tử: http://en.wikipedia.org/wiki/Video_game
2. Định nghĩa phim: http://en.wikipedia.org/wiki/Film
3. Định nghĩa giấc mơ: http://en.wikipedia.org/wiki/Dream
a very interesting topic, one championed by people like henry jenkins, who you can find on the blogroll for this site … jenkins was the founder of the massachusetts institute of technology’s comparative media studies department: http://cms.mit.edu/ … he was also a student of david bordwell, who has written extensively on this topic … jenkins now teaches at usc … format: no borders or captions or alignment (read: ‘none’ then ‘insert’) on pictures … page break function only once, after the opening lines … please explain how the wikipedia page for ‘dream’ directly relates to the text … there seems to be no discussion of actual dreams, but simply a brief description of a particular game … there are numerous statements here without attribution … citing wikipedia as the only reference source does not lend a great deal of credibility to the research …
maximumeskimo said this on April 17, 2011 at 11:10 am
Thankyou for the comment. I must admit that I was quite lazy. I did not go around looking for information as much as I should. I’ll read Jenkins’ article soon.
hienpham1982 said this on April 18, 2011 at 9:58 pm
công nhận là chủ đề lạ hen! Suy luận càng kĩ càng thấy … rất có liên quan! ^^’
trangthainguyen said this on April 18, 2011 at 11:57 pm